34- ÁI NGỮ
LỜI PHẬT DẠY “Này Arittha, có phải chăng, ông khởi lên ác tà kiến như sau: “Theo tôi hiểu thật sự không có chướng ngại gì?” “Thật sự là vậy, bạch Thế Tôn theo như con biết. Thật sự không có chướng ngại gì? ” - “Kẻ ngu si kia! Sao ông lại hiểu pháp ta thuyết như vậy?
Này kẻ ngu si kia, có phải chăng ...” (kinh Trung Bộ tập I trang 300 kinh Dụ Con Rắn), CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này các bạn có thấy chăng? Đức Phật đã dùng ngôn ngữ chỉ thẳng sự ngu si của người đệ tử của mình: “Kẻ ngu si kia!” Sao ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy? ” Kính thưa các bạn! Người ta bảo rằng người tu chứng đạo luôn luôn dùng ái ngữ, không bao giờ dùng ác ngữ. Vậy đức Phật có phải là người tu chứng đạo không? Không ai có thể phủ nhận sự chứng đạo của đức Phật được, nhưng đức Phật chứng đạo sao lại dùng những ác ngữ như vậy?
Trên đây là lời khiển trách răn dạy của đức Phật với người đệ tử. Lời nói tuy mạnh mẽ chỉ thẳng không tư vị ai cả, ngu là nói ngu, dốt là nói dốt.
Nếu các sư Thầy Đại Thừa cho lời nói của Phật là lời nói không ái ngữ với học trò, thì đó là quan niệm sai lầm. Họ ảo tưởng người tu chứng đạo lúc nào cũng như cục bột, không dám nói lời thẳng mạnh, chính xác. Còn theo chúng tôi nghĩ đây là lời nói rất ái ngữ, vì có thương mới nói lời nặng như vậy để răn dạy những đứa học trò cứng đầu, ương ngạnh, khó dạy, nếu dùng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu thì những người cứng đầu ngang bướng này không bao giờ nhiếp phục họ được.
Kính thưa các bạn! Các bạn đừng lầm, những lời nói mạnh, nói thẳng là ác ngữ. Nói mạnh, nói thẳng, nói to tiếng là lời nói yêu thương của người cha, của người Thầy của người bạn tốt, còn nếu không thương thì ai mặc ai, chứ nói ra làm gì cho người ta ghét. Phải không các bạn?
Kinh Dụ Con Rắn đức Phật nói thẳng vào mặt Tỳ kheo Arittha: “Ông là kẻ ngu si! Lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy sao?” Gặp những lời chỉ dạy thẳng như vậy, các nhà Đại Thừa cho rằng đức Phật sân dữ lắm và như vậy là đức Phật tu chưa chứng.
Kính thưa các bạn! Nếu Phật tu chưa chứng sao lại biết được 4 chân lý của loài người mà bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như. Nếu tu hành chưa chứng làm sao giữ gìn trọn vẹn Phạm hạnh cho đến khi chết dưới gốc cây song thọ, nếu tu chưa chứng làm sao làm chủ được sống chết bệnh đau. Nếu tu chưa chứng làm sao biết rõ được thế giới siêu hình không có thật, chỉ là một ảo ảnh của rừng đêm dày đặc.
Đây, một đoạn kinh khác nữa đức Phật đã nói thẳng vào mặt một vị ngoại đạo Bà La Môn: “Này Ambattha, hình như người đến đây ý định gì? người hãy khéo tác ý với mục đích đã đưa người đến đây. Thanh niên Ambattha này thật vô giáo dục. Như vậy là vô giáo dục có gì khác nữa”. (Đoạn kinh này trong Trường Bộ Kinh tập I trang 165 kinh Ambattha).
Kính thưa các bạn! Kinh sách Đại Thừa sai thì Thầy Thông Lạc nói sai. Kinh sách Nguyên Thủy đúng thì nói đúng. Thầy Thông Lạc không nhút nhát như các bạn tưởng. Thầy Thông Lạc dám nói thẳng giống như đức Phật nói thẳng với những Bà La Môn ngu thì nói ngu, vô giáo dục thì nói vô giáo dục. Dùng lời nói thẳng ngu, si hay vô giáo dục đều là ái ngữ. Vì lời nói thẳng mới giúp người ta nhìn lại mới thấy được cái sai của mình. Đó không phải là lời nói ái ngữ sao?. Chỉ có các nhà Đại Thừa không hiểu chữ ái ngữ, nên cho rằng lời nói ngu si và vô giáo dục là không ái ngữ, là lời nói ác ngữ.
Các nhà Đại Thừa hiểu sai ý nghĩa của lời nói. Lời nói mạnh thẳng là giúp cho người ta tỉnh ngộ, trở về với sự chân chánh, chứ đâu phải chửi mắng họ: Tại họ ngu si phải nói họ ngu si, tại họ vô giáo dục phải nói họ vô giáo dục để họ thấy một sự thật họ là như vậy.
Kính thưa các bạn! Đọc hai đoạn kinh trên đây, các bạn thấy rõ ngôn ngữ của người tu chứng không khác của người tu chưa chứng chỉ có áp dụng đúng hay sai trong mọi hoàn cảnh và các đối tượng. Trong lúc áp dụng những ngôn ngữ ấy, người tu chưa chứng do sân tức giận mà mắng chửi người khác cho đã cơn giận dữ, ngược lại người đã tu chứng đạo khi dùng ngôn ngữ ấy không phải do sân giận dữ mà vì lòng thương kẻ vô minh muốn để nhiếp phục kẻ vô minh ấy, người tu chứng liền KHAI GIỚI ÁI NGỮ, sử dụng ngôn ngữ và lời nói thẳng, mạnh áp đảo để bẻ gãy những tư tưởng sai lầm, những tư tưởng không chân chánh.
Cho nên, các bạn bảo rằng người tu chứng không dám nói thẳng sao? Chỉ có lời nói nhỏ nhẹ, êm dịu, ôn tồn vv… các bạn hiểu như vậy là sai lầm, hiểu không đúng các bạn ạ!
Gương hạnh của đức Phật còn đó, sao các bạn phủ nhận những lời nói của đức Phật ngày xưa được.
Các bạn đừng nghĩ tưởng theo kiến giải của mình mà cho người khác sai. Hãy dựa vào kinh sách Nguyên Thủy mà nghiên cứu cho thật kỹ. Kinh sách Nguyên Thủy là một bằng chứng rất sống động mà không ai dám phủ nhận được.