06- TÂM CÒN THAM, SÂN, SI THÌ THUYẾT PHÁP KHÔNG ĐÚNG PHÁP
LỜI PHẬT DẠY “Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu khó thấy, khó chứng tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lí suông, tế nhị được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng tham, lòng sân, lòng si khéo thuyết giảng được? Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham, sân, si pháp, người này sinh lò ng tin đối với vị ấy. Với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần, thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lắng nghe, người ấy nghe pháp, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì, trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỉ chấp nhận. Khi các pháp được hoan hỉ chấp nhận, ước muốn sinh khi ước muốn sinh. Liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc người ấy tinh cần”.
Trong khi tinh cần người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lí, và khi thể nhập chân lí ấy với trí tuệ, người ấy thấy.
“Trong khi tinh cần người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lí, và khi thể nhập chân lí ấy với trí tuệ, người ấy thấy.
Cho đến mức độ này là sự giác ngộ chân lí, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lí, nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lí”. (Kinh Trung Bộ tập II kinh Canki trang 731.) CHÚ GIẢI:
Kính thưa các bạn! Khi chúng ta muốn nghe một vị thầy thuyết pháp thì phải tìm hiểu vị Thầy đó tâm còn tham, sân, si hay không? Nếu một vị Thầy đó tâm còn tham, sân, si mà thuyết pháp thì phần nhiều họ là những người nhai lại bã mía của người khác, hoặc của người xưa, họ không thể giảng những pháp thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng vượt ngoài luận lí suông, tế nhị thực tế, cụ thể không trừu tượng, không ảo giác vv… Khi xem xét một vị Thầy như vậy thì chúng ta không đủ lòng tin với họ, họ chưa đủ trình độ dạy tu tập, chưa xứng đáng làm thầy của chúng ta.
Kính thưa các bạn! Hiện giờ các bạn xét qua các Thầy Đại Thừa, các vị Thiền Sư Đông Độ, các bạn có thấy họ hết tham, sân, si chưa? Chính họ cũng không biết pháp nào tu tập hết tâm tham, sân, si; chính họ cũng không giác ngộ được chân lí ly tham, sân, si; chính họ cũng không nhận ra được chân lí tham, sân, si, thì làm sao họ hộ trì chân lí và biết lấy giáo pháp gì mà hộ trì.
Nếu các bạn bảo rằng: Chân lí là Trí Tuệ Bát Nhã, Phật tánh, Chân không, Tánh không, Bản lai diện mục, Cực lạc, Tây Phương v.v... Thì chúng tôi e rằng đó là chân lí ảo.
Xin thưa cùng các bạn! Các bạn có biết chân lí của đạo Phật là gì không? Các bạn hãy nghiên cứu Tứ Diệu Đế mà xem thì biết ngay liền. Chân lí đầu tiên của đạo Phật các bạn có biết không? Đó là tâm tham, sân, si của các bạn.
Các bạn có biết không? Nếu tâm các bạn có tham là biết tâm có tham, tâm không tham là biết tâm không tham đó là các bạn giác ngộ chân lí. Tâm có tham các bạn không biết tâm có tham là các bạn chưa ngộ chân lí. Ngộ chân lí không phải khó. Phải không các bạn? Chân lí là một sự thật của con người. Cho nên tâm tham, sân, si là chân lí không ai có thể phủ nhận được. Ngoài tâm tham, sân, si đi tìm chân lí thì không có các bạn ạ!
Cho nên, một vị Thầy tâm còn tham, sân, si mà thuyết giảng dạy đạo cho người khác tu tập thì làm sao người ta tu tập được. Thuyết giảng theo kiểu nghĩa lý suông, không có một chút kinh nghiêm trong tu tập, thì làm sao người khác biết đâu mà tu tập cho hết tham sân, si?
Bởi vậy trong đoạn kinh này dạy rất rõ ràng: “Người kia lại xem xét thêm vị ấy về các pháp tham, sân, si do những tham, sân, si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói. “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động tu hành, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”.
Đấy các bạn thấy chưa? Một người tâm còn tham, sân, si mà dạy người tu hành thì đức Phật không chấp nhận, cho đó là những người lừa đảo.
Còn xét thấy người ấy tâm hết tham, sân, si mà thuyết giảng thì những bài thuyết giảng của họ thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài lí luận suông, tế nhị, thực tế, cụ thể, rõ ràng. Khi được nghe người ấy thuyết giảng thì sinh lòng tin pháp, tin một cách tuyệt đối.
Ở đây chúng ta thấy rõ ràng đức Phật dạy phải tìm một vị Thầy tâm không còn tham pháp, sân pháp, si pháp, phải gần gũi vị Thầy đó thưa hỏi và thọ trì những pháp mà vị Thầy đó đã tu tập tâm không còn tham pháp, sân pháp và si pháp. Đó là sự giác ngộ chân lí và như vậy là chân lí được giác ngộ cho nên ở đây mới giác ngộ đúng chân lí, ngoài tham pháp, sân pháp, si pháp mà giác ngộ chân lí thì không bao giờ có chân lí mà giác ngộ.
Do thấu hiểu bài kinh này nên chúng ta biết rất rõ là kinh sách Đại Thừa không đúng lời Phật dạy, vì chân lí của kinh sách Đại Thừa không phải là chân lí của con người mà là chân lí ảo tưởng. Chân lí ảo tưởng là không phải chân lí. Cho nên kinh sách Đại thừa không có chân lí.
Muốn giác ngộ chân lí không phải khó, vì chân lí không ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi người. Như bài kinh trên đã dạy chỉ cần thân cận với một vị thầy chứng đạt chân lí, thì chúng ta sẽ giác ngộ chân lí dễ dàng. Khi giác ngộ được chân lí thì không bao giờ bị ngoại đạo lừa đảo bằng câu:
“Chỉ đây là sự thật ngoài ra là sai lầm”.
Cho nên người giác ngộ chân lí thì không bao giờ còn thối chuyển trên đường tu tập, chỉ còn chứng đạt chân lí nữa mà thôi.
Tóm lại muốn giác ngộ chân lí thì chỉ cần thân cận với một vị Thầy tâm không còn tham, sân, si. Vị ấy sẽ chỉ dạy cho các bạn giác ngộ chân lí và hướng dẫn cho các bạn biết cách hộ trì và chứng đạt chân lí một cách dễ dàng không có khó khăn, không sợ lạc vào tà pháp.