27- NHỮNG KINH SÁCH ĐẠI THỪA LUẬN VỀ PHẬT TÁNH, GIÁC TÁNH THÌ KHÔNG PHẢI PHẬT THUYẾT
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiền tông gọi Phật tánh, Phật tánh có phải là ý thức hay không?
Công án thiền có câu chuyện thiền ngữ: “Con chó có Phật tánh không?”, nếu có Phật tánh, tại sao lại chui vào cái đãy da bẩn thỉu để làm gì cho khổ? Cầu mong Thầy chỉ dạy cho con được rõ.
Đáp: Câu này có hai câu hỏi, nhưng rất liên hệ với nhau (tuy hai mà một).
Câu hỏi một, trong tất cả kinh sách Đại thừa đã xác nhận ý thức không niệm thiện, niệm ác là “Phật tánh”. Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Bồ tát độ hết chúng sanh thì thành thật”, kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Tánh thấy, tánh nghe, tánh biết và chủ, khách”, kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “Chẳng niệm thiện ác bản lai diện mục hiện tiền”, v.v... Tất cả đó là chỉ cho ý thức chẳng khởi niệm, kinh sách Đại thừa và Thiền tông cho trạng thái đó là “Phật tánh”.
Công án “Con chó có Phật tánh không?” là của thiền sư Triệu Châu. Một hôm, có một thiền tăng đến hỏi Ngài: “Con chó có Phật tánh không?”.
Ngài đáp: “Có”. Vị thiền tăng lấy làm lạ hỏi lại:
“Có Phật tánh tại sao nó lại chui vào đãy da bẩn thỉu để làm gì cho khổ”.
Phật tánh là một “tánh giác”, tánh giác là tánh sáng suốt, không có si mê, thế mà không sáng suốt lại chui vào đãy da uế trược, hôi thúi.
Nếu theo ý thức phân biệt thì đây là một điều vô lý hết sức.
Cách thức lập công án của Thiền tông như trên khiến cho người ta bặt đường suy nghĩ; bặt đường suy nghĩ thì ý thức không hoạt động; ý thức không hoạt động thì niệm thiện, niệm ác không có; niệm thiện ác không có thì Thiền tông và kinh sách Đại thừa cho trạng thái đó là Phật tánh. Mục đích câu công án trên giúp cho người tu thiền không suy tư được, để nhận ra (gọi là “ngộ”) trạng thái này mà thành Phật, “kiến tánh thành Phật”.
Ngược lại, trong kinh sách Nguyên Thuỷ Phật dạy: Ý thức thanh tịnh (chẳng niệm thiện ác) không liên hệ năm căn (vô phân biệt) thì hành giả rơi vào Không Vô Biên Xứ định, một loại định tưởng vô sắc của ngoại đạo trong bốn loại định tưởng. Thời đức Phật, Ngài đã được ngoại đạo dạy và đã thực hiện được các loại định này đến nơi đến chốn, nhưng không tìm thấy có sự giải thoát gì trong đó, và cũng không tìm thấy “Phật tánh” ở đâu, nên Ngài bỏ các pháp môn này, trở lại lộ trình Tứ Thánh Định. Đức Phật đã xác định chỗ không niệm thiện, niệm ác không phải là Phật tánh, mà là Không Vô Biên Xứ định tưởng. Các nhà Đại thừa và thiền Đông Độ đã lầm lạc ở trạng thái này, nên đã dựng nó thành “Phật tánh”, “thần thức”. Bồ Đề Đạt Ma gọi là “tâm”, lục tổ Huệ Năng gọi là “bản lai diện mục”.
Khi tu đến đây, các thiền sư Trung Hoa và các thiền sư Trúc Lâm Yên Tử (Việt Nam) sau này không chấp nhận: “Vô tâm còn cách một lớp rào”.
Họ lấy tưởng thức làm Phật tánh, vượt qua trạng thái Không Vô Biên Xứ định tưởng, nhập vào Thức Vô Biên Xứ định tưởng. Ở trạng thái này, họ thấy (tưởng) các pháp chỉ là “một”, chớ không hai (bất nhị), nên trong Thập Mục Ngưu Đồ gọi là “Phản bổn hoàn nguyên”, hoặc còn gọi là “Bản thể vạn hữu”. Bà La Môn giáo cho đó là “Đại Ngã”, kinh sách Nguyên Thuỷ Phật giáo cho đó là “Thức Vô Biên Xứ Tưởng”.
Như vậy, Phật tánh chỉ là ý thức không niệm thiện, niệm ác. Nếu Phật tánh có thật đi nữa, mà không làm chủ sanh, già, bịnh, chết, không chấm dứt được sự luân hồi tái sanh, thì chúng ta cũng ném bỏ như đức Phật đã ném bỏ các pháp ức chế thân tâm và bốn định Vô Sắc Tưởng của ngoại đạo, như ném bỏ một chiếc giày rách.
Trong thế kỷ thứ hai mươi, Thiền tông đã phát triển cao độ, người tu theo có hàng vạn triệu, nhưng nhìn lại ai là người đã tu tập thiền định này mà đã làm chủ sanh, già, bịnh, chết, chứ chỉ có đạt được trạng thái tĩnh lặng và khinh an cùng một số ngôn ngữ đối đáp lý luận, và trực giác biết chuyện quá khứ, vị lai của người khác, tu được như vậy để làm gì?
Thưa quí vị! Điều này quí vị cần suy ngẫm kỹ, thời gian là thước đo của sự xác chứng nghiêm chỉnh về sự chứng đắc của loại thiền định này.
Riêng chúng tôi có nói gì xin quí vị đừng tin, mà hãy tự xét, tự kiểm lại mình trên bước đường tu tập.