09f- BÁT NHÃ TÂM KINH
Hỏi: Kính bạch Thầy! Trong sách Thầy thường hay nói là người muốn tu hành giải thoát thì phải thực hiện không làm khổ mình, khổ người, cắt ái ly gia, ly dục, ly ác pháp, hướng thiện, tăng trưởng thiện, ly ác, diệt ác pháp, xả tâm, v.v... còn sách của thầy Thanh Từ thì coi “Bát Nhã Tâm Kinh” là cứu cánh, tức là lấy cái nhìn mọi sự đều “không” để tu. Theo con hiểu thì hai pháp đều có thể hỗ trợ cho nhau. Từ cái nhìn mọi sự đều không hướng tới ta không làm khổ mình, khổ người, ly dục, ly ác pháp... cũng đâu có mâu thuẫn gì? Vậy mà con thấy trong sách của Thầy có nói là Đại thừa hay Đông Độ là xuyên tạc giáo lý của Phật tổ, mong Thầy giải thích cho con hiểu!
Đáp: Kinh sách Nguyên Thủy của đức Phật và Kinh sách Đại thừa tưởng giải về lý thì giống nhau, nhưng kinh sách Đại thừa không có pháp hành, không có lối sống đúng; thường sống phạm giới, phá giới luật Phật và sống trong ô nhiễm, nhưng khéo lý luận thấy mọi pháp đều không, thì đó là sự lừa đảo bằng ngôn ngữ để che mắt tín đồ. Thấy các pháp đều “không”, sao quý thầy lại không sống “không”? Vì thế, các thầy Đại thừa sống ô nhiễm, có chùa to Phật lớn, vật chất đầy đủ, ăn uống phi thời, mặc y áo sang đẹp, đắt tiền giống như nhà giàu, đi ra thì như vua chúa tiền hô, hậu ủng, thế mà nhìn mọi pháp đều không thì con có tin là không chăng? Nói “không” mà lại “có” và còn chạy theo cái có thì chúng ta có tin lời nói của họ không? Từ chỗ không có một chiếc xe đạp, khi làm trụ trì một thời gian thì cả xe hơi họ cũng có.
Còn kinh sách Nguyên Thủy dạy các vị tu sĩ phải sống đúng Phạm hạnh, không có chùa to Phật lớn, đời sống chỉ có ba y một bát, ăn ngày một bữa, mặc y áo thô xấu, mà còn phải luôn luôn cảnh giác phòng hộ sáu căn bằng Giới luật, để giữ gìn đức hạnh của một bậc Thánh tăng. Đối với tu sĩ Nguyên Thủy, như vậy chưa được gọi là ly dục, ly ác pháp, mà còn phải thực hành ngày đêm liên tục “ngăn ác, diệt ác pháp” để khắc phục tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình bằng các pháp định như: Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Sáng Suốt, Định Vô Lậu, v.v... Có sống không ô nhiễm, có thực hiện các pháp định như vậy, thì mới có thể ly dục, ly ác pháp, mới không làm khổ mình, khổ người.
Nếu một người quyết tâm tu hành để cầu giải thoát, mà cứ nhìn các pháp định như vậy, đều thấy nó là không, thì đó là một lối ức chế tâm, một lối chịu đựng, không phải là giải thoát. Nếu bảo rằng các pháp đều không thì chúng ta thử lấy cây đánh vào thân ta thì có cảm giác đau không?
Nếu không đau là không, còn có đau là có, còn có đau mà mà nói đau mặc kệ nó, đó là người vô minh, người ngu si, người chai lỳ, v.v... Bởi vậy, tổ Sư Tử ngu si mà chết oan mạng, cũng do “không” của Đại thừa mà ra nông nỗi này (Ngũ uẩn giai không).
Kinh sách của Đại thừa xuyên tạc giáo pháp của đạo Phật là Tiểu thừa, Thanh Văn, ngoại đạo, cấm không cho tín đồ Phật giáo tu tập, còn gọi những người tu theo giáo lý Nguyên thủy của Phật là “tiêu nha bại chủng, chồi khô mộng lép”.
Tứ Diệu Đế là một chân lý của đạo Phật bất di bất dịch, không ai thay được chân lý ấy, thế mà Đại thừa dạy: “Vô khổ, tập, diệt, đạo”. Tu mà thành cây, đá thì tu làm gì? Bởi vậy, từ khi có sự hý luận, chỉ biết các pháp cả thiện lẫn ác đều “không” là trở thành cây, đá.
Đạo Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện”. Thiện là pháp không làm khổ mình, khổ người, pháp không làm khổ mình, khổ người là pháp giải thoát, là đạo đức nhân bản làm người; còn nếu thấy các pháp thiện cũng là “không” thì trở thành cây, đá, tu mà thành cây, thành đá thì tu làm gì?
Bởi vậy, từ khi có sự hý luận của ngài Long Thọ, “Trung Quán Luận” là một tai hại rất lớn cho tín đồ Phật giáo, từ thế hệ này đến thế hệ khác chỉ toàn là ăn thứ bánh vẽ. Cho nên, không một vị tu sĩ nào đạt được giải thoát, đến khi chết không có vị nào mà không đau khổ cả, họ đều lăn lộn, trăn trở trên giường bịnh một cách khổ đau không thua gì người thế tục.