11- BÁT NHÃ TÂM KINH
Hỏi: Kính bạch Thầy! Kinh Bát Nhã viết:
Quán Tự Tại Bồ tát hành sâu Bát Nhã Ba La Mật, ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách, hoặc đối cảnh vô tâm...
Tất cả những câu pháp đó có đồng nhất với câu pháp hướng tâm như lý tác ý trong ĐVXP H dạy: “Tâm như cục đất” không?
Đáp: Không, pháp hướng tâm “Tâm như cục đất” là một phương pháp tự kỷ ám thị để rèn luyện nội tâm của mình, chứ không phải một lời suông như trong Tâm Kinh Bát Nhã: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Câu kinh này là câu kinh nhật tụng hằng ngày trong các chùa. Không có ngày nào mà tu sĩ Phật giáo không tụng niệm câu kinh này, thế mà những người tụng niệm câu kinh này có bao giờ hết khổ ách chưa? Từ các tổ xa xưa cho đến các thầy hiện giờ, không ngày nào là không tụng niệm, thế mà ngũ uẩn có không đâu, nó đang hành hạ các tổ và các thầy đủ thứ tai họa.
Như vậy là kinh này chỉ nói chứ không có hành được, vì nó không có pháp hành. Còn pháp hướng tâm tự kỷ ám thị là một pháp môn thực hành, nó đã mang đến kết quả chúng ta thấy rõ ràng, khi chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh.
Vì thế, hai pháp môn này không có giống nhau chút nào cả, một pháp môn nói được mà không hành được, nó là một triết học tánh không, (hý luận của Long Thọ) còn một pháp nói được làm được, nó là một đạo đức nhân bản của loài người, nó không phải là Triết học, mà là Đạo đức học. Nó là một môn học, đưa ra những hành động sống hằng ngày để con người áp dụng vào đời sống mà không trái với quy luật tự nhiên của bản chất con người. Cho nên, càng áp dụng vào đời sống thì càng thích thú hơn nhiều, vì nó mang lại hạnh phúc và sự an vui cho cá nhân và tập thể.
Nói đến đạo đức là nói đến sự sống an lành của mỗi con người, vì thế nó phải là một pháp môn cụ thể thực tế, không lý luận quanh co, không tưởng giải ra những điều trừu tượng, ảo giác không thật.
“Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Hành thâm như thế nào? Chiếu kiến như thế nào? Tụng niệm hay là quán xét? Tụng niệm thì các chùa đã từng tụng niệm hằng ngày, còn quán chiếu thì người ta đã quán chiếu quá nhiều, nhưng ai là người đã vượt thoát được khổ ách? Người ta đã thực hiện nằm lòng những câu kinh này, nhưng tìm thấy sự giải thoát trong tâm thì chưa có ai cả. Tại sao vậy? Tại vì nó là một triết học, một lý luận suông của những nhà học giả, không có kinh nghiệm tu hành.