Skip directly to content

12f- BÀ LA MÔN NÀO TRONG KINH PHÁP CÚ

Hỏi: Kính bạch Thầy! Bà La Môn nào trong kinh Pháp Cú mà đức Phật ca ngợi và Bà La Môn nào mà đức Phật chê, bài bác? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Bà La Môn được đức Phật khen ngợi là một Bà La Môn sống đúng giới luật và chánh pháp của Phật, còn sống không đúng giới luật và chánh pháp của Phật thì đức Phật không chấp nhận. Vậy, chúng ta hãy đọc lại những bài kinh Pháp Cú thì sẽ biết rõ ràng hơn:

“Với người thân, miệng, ý Không làm các ác hạnh Ba nghiệp được phòng hộ Ta gọi Bà La Môn” Thân, miệng, ý không làm các ác hạnh tức là sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường tu tập các pháp ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm, tức là phòng hộ ba nghiệp.

“Đoạn hết các kiết sử Không còn gì lo sợ Không đắm trước buộc ràng Ta gọi Bà La Môn” Đoạn hết các kiết sử tức là dùng ngăn ác, diệt ác (Tứ Chánh cần), đó là Bà La Môn tu đúng pháp được đức Phật chấp nhận. Không đắm trước buộc ràng tức là hộ trì các căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

“Bỏ điều ưa, điều ghét Thanh lương, không nhiễm ô Hùng dũng thắng mọi cõi Ta gọi là Bà La Môn” Thân tâm được trong sạch, không cấu uế như vầng trăng sáng, tịnh lặng giữa đêm trường sâu thẳm, và tất cả những hữu ái đều được đoạn trừ.

Nếu người nào giữ thân tâm được như vậy là tu tập Tứ Niệm Xứ được viên mãn. Người ấy được đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn:

“Như trăng sạch không uế Sáng trong và tịnh lặng Hữu ái được đoạn tận Ta gọi Bà La Môn” Tóm lại, người được đức Phật gọi là Bà La Môn là phải sống đúng giới luật, thường ngăn ác, diệt ác pháp: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Một Bà La Môn tu tập và sống như vậy chính là tu sĩ Phật giáo, một bậc Sa Môn Phạm Hạnh, còn ngược lại là một Bà La Môn của đạo Bà La Môn; hay nói cách khác, một tu sĩ Phật giáo sống phạm giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo danh lợi làm những điều mê tín, lừa đảo tín đồ... đó là Bà La Môn của Đạo Bà La Môn, chớ không phải một tu sĩ Phật giáo (một bậc Sa Môn Phạm Hạnh).

(Trích ĐVXP - 6 Trang 222-245)