18- THẦY CHƠN QUANG GIẪM LẠI KIẾN TƯỞNG ĐẠI THỪA
Hỏi: Thầy Chơn Quang nói rằng, con đường đạo Phật trong tương lai thứ nhất là phải tôn kính Phật thật nhiều thì mới chứng đạo được.
Thứ hai là phải có lòng vị tha vô hạn để cứu độ đời. Còn tu mà ăn ít, ngủ ít như vậy là không có chứng đạt được, còn có thể có tác hại nữa. Cho nên, cuối cùng Thầy dẫn chứng rằng con đường của thầy ấy đi là con đường được Phật chấp nhận. Sự dẫn chứng là thầy CQ có một người đệ tử ngồi thiền hai tiếng đồng hồ mà cảm thấy như mới ngồi 15 phút. Trong khi đó, vị sư này được nhập vào hội đức Phật đang thuyết pháp và nghe đức Phật thuyết pháp rất hay. Và vị sư đó kể rằng đức Phật thuyết pháp y như thầy Chơn Quang thuyết. Đó là kết luận của cuộn băng mà con được nghe. Kính xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Thầy Chơn Quang nói tôn kính chư Phật thật nhiều, nhưng tôn kính như thế nào thì thầy Chơn Quang không nói rõ. Nếu Thầy lập lại ý của kinh sách Đại thừa mà từ xưa những kinh sách này đã dạy như:
1- Kinh sách Đại thừa dạy là phải lạy hồng danh tam thiên chư Phật để tiêu tội nghiệp chướng (Lạy hồng danh sám hối). Lạy hồng danh sám hối tức là kinh sách Đại thừa cho đó là tôn kính chư Phật. Khi tôn kính chư Phật lạy hồng danh sám hối thì tiêu tội nghiệp chướng. Nếu dựa vào kinh sách này mà thầy Chơn Quang cho là chứng đạo thì e rằng không đúng. Vì từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu người cung kính tôn trọng Phật theo kiểu lạy sám hối tam thiên chư Phật, mà có thấy người nào tiêu tội và chứng đạo đâu?
2- Phải có lòng vị tha vô hạn để cứu độ chúng sanh. Điều này kinh sách Đại thừa đã dạy “Hành Bồ Tát Đạo”, tức là thực hiện lòng vị tha vô hạn để cứu độ chúng sanh. Nhưng con người tu chưa chứng đạo thì làm sao có lòng vị tha vô hạn được.
Phải không quí vị?
Tâm còn tham, sân, si chưa lìa, thì lòng vị tha vô hạn ở chỗ nào có được? Vì thế những người tu chưa chứng mà thực hiện Bồ Tát Đạo, cũng giống như người mù dắt một đám người mù mà đi.
Vì lòng vị tha vô hạn của người tu chưa chứng để độ chúng sanh, vì thế độ chúng sanh đâu không thấy, mà thấy độ danh, độ lợi, độ chùa to, Phật lớn, độ xe hơi, tivi, tủ lạnh, v.v...
Có lẽ thầy Chơn Quang nghĩ rằng người tu có chùa to, Phật lớn, tủ lạnh, tivi là chứng đạo.
3- Thầy Chơn Quang dạy: ăn ít, ngủ ít thì tu không chứng đạo. Thầy dạy như vậy có ngược lại với Phật giáo hay không?
Đức Phật và chúng Thánh tăng, Thánh ni ăn ngày một bữa, sao các Ngài lại chứng quả giải thoát, tự tại trong sinh tử, chấm dứt luân hồi, mà trong kinh sách Nguyên Thủy còn ghi rõ ràng.
Thời nay quí Thầy ăn uống phi thời, thân xác mập phì, đau bịnh liên tục, lúc nào cũng thuốc thang châm cứu. Vậy chứng đạo chỗ nào?
Thầy Chơn Quang dám phỉ báng đức Phật và chúng Thánh tăng và Thánh ni như vậy mà không sợ tội đọa Địa Ngục sao?
Tại tu viện Chơn Như, Thầy đã tiếp nhận những tin tức từ chùa Phật Quang loan báo:
“Thầy Thông Lạc chết; Thầy Thông Lạc bịnh nặng; thầy Thông lạc bại liệt; thầy Thông Lạc ói ra máu...”. Những tin tức loại này đã làm cho một số phật tử hoang mang dao động. Nhờ những tin tức này mà Thầy mới được rảnh rang.
Làm một vị Thầy có trách nhiệm và bổn phận đối với đệ tử của mình thì rất vất vả, nhưng nếu chỉ cần có số lượng đệ tử đông thì để làm danh, làm lợi chứ họ tu hành đi đến đâu. Điều này đã chứng minh cụ thể, hiện giờ số lượng tu sĩ đông như kiến mà tu hành chẳng đi đến đâu cả. Ai chịu trách nhiệm này?
4- Một người nhập định thì không có thời gian và không gian, chứ làm sao có chuyện 2 tiếng đồng hồ mà cảm thấy như 15 phút?
Như thế chứng tỏ vị này chưa phải nhập định, mà đã rơi vào trạng thái “lên đồng” của tưởng ấm.
Sắc và thinh tưởng hiện ra, thầy ấy cảm thấy mình như đang dự hội Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp giống như thầy Chơn Quang.
Vị sư ấy chưa chứng minh được đời sống phạm hạnh, giới luật còn vi phạm thì làm sao sư ly dục, ly ác pháp được để nhập đúng Chánh định. Chưa nhập đúng Chánh định thì làm sao có Tam Minh. Không có Tam Minh thì làm sao dự hội Phật thuyết pháp được. Như vậy, rõ ràng vị sư này nhập vào định tưởng, bị sắc, thinh tưởng đánh lừa.
Tóm lại, vị sư này rơi vào định tưởng, một loại thiền định đưa đến bịnh thần kinh. Hầu hết những người có nhiệt tâm tu hành thiền định đều bị bịnh thần kinh này mà chúng tôi đã gặp rất nhiều.