BẢY PHÁP KHIẾN CHO PHẬT GIÁO HƯNG THỊNH
1. Thích giản dị.
2. Ưa yên lặng.
3. Ít ngủ nghỉ.
4. Không kết bè bạn.
5. Không tự khoe khoang.
6. Không kết bạn với người xấu.
7. Thích ở một mình.
1/. Thích giản dị:
Người tu sĩ đệ tửĐức Phật sống giản dị sẽ làm cho Phật giáo hưng thịnh. Vì đời sống giản dị là đời sống thiểu dục tri túc. Sống giản dị là sống không ham thích, ít dục, rất phù hợp với pháp tu hành của Đức Phật là ly dục. Nhìn vào một người tu sĩ sống giản dị người ta mến phục và có cảm tình ngay liền. Sống giản dị là đạo hạnh của người tu sĩ giải thoát. Người tu sĩ sống giản dị sẽ làm cho Phật giáo hưng thịnh, chứ không phải có thần thông, phép tắc, ngồi thiền tốt, thuyết giảng lung tung, v.v...
2/. Ưa yên lặng:
Sự yên lặng nói lên được tâm hồn giải thoát của người tu theo đạo Phật. Sự yên lặng nói lên được đức hạnh Thánh thiện của bậc chân tu, sống với nội tâm của mình. Sự yên lặng còn là pháp môn độc cư tuyệt vời. Nếu người tu hành mà không sống độc cư thì chẳng bao giờ tìm được sự giải thoát, vì giáo pháp "Độc Cư" là bí quyết thành tựu thiền định. Nếu người tu sĩ sống chẳng độc cư thì chẳng bao giờ nhập định được.
3/. Ít ngủ nghỉ:
Người tu sĩ đệ tử của Đức Phật thường tu tập tỉnh thức, không ưa ngủ nghỉ, vì ưa ngủ nghỉ sẽ làm cho Phật giáo suy đồi. Người ưa ngủ nghỉ sẽ sanh tâm lười biếng làm tâm u mê. Từ đó, họ sống không có giới luật nghiêm chỉnh, và dễ sanh phạm giới.
Muốn giảm thiểu sự ngủ nghỉ thì cần phải kinh hành nhiều. Người tu sĩ đệ tử Phật không đi kinh, hoặc đi kinh hành ít là người tu sĩ lười biếng, là người tu sĩ ham ngủ. Kinh hành là một pháp môn tỉnh thức tối cần thiết để phá sạch tâm ưa thích ngủ nghỉ. Nhờ siêng năng kinh hành nhiều nên đường tu hành mau có kết quả. Phật pháp hưng thịnh là nhờ các tỳ kheo ít ưa ngủ nghỉ, thường siêng năng kinh hành.
4/. Không kết bè bạn:
Người tu sĩ đệ tửĐức Phật muốn tu hành được giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì sống không nên kết giao bè bạn. Kết giao bè bạn thì sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ uổng phí một đời người. Đừng nghe người ta nói: "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Trong đạo Phật, tu hành rất cấm kỵ sự kết bạn; vì sự kết bạn sẽ là cho: thứ nhất là mất thì giờ tu tập; thứ hai là ái kiết sử không đoạn dứt được; thứ ba, thường xảy ra chuyện rầy rà, đôi chối, tranh chấp; thứ tư, sống không hoà hợp (chia ra phe, nhóm), khiến cho Tăng đoàn bị phân hoá, chia rẻ, thiếu đoàn kết; thứ năm, Phật giáo suy thoái.
5/. Không tự khoe khoang:
Khoe khoang chính là mục đích cầu danh, cầu lợi. Ngày nay các tu sĩ muốn cầu danh thì học để có bằng cấp Tiến Sĩ, làm giảng sư; chưa có lợi thì làm quen cho có nhiều Phật tửđểđược cúng dường, và soạn viết nhiều kinh sách. Thường những tu sĩ tu hành chưa tới nơi, tới chốn, mà muốn làm danh lợi thì chỉ là nhai lại "bã mía" của người xưa để thực hiện "Bồ Tát đạo", hành "Bồ Tát hạnh". Những loại kinh sách nầy đã giết hại biết bao nhiêu thế hệ con người từ xưa đến giờ.
Người tu sĩ Phật giáo sống không thích khoe khoang, không cầu danh lợi thì mới có thể làm cho Phật pháp hưng thạnh.
6/. Không kết bạn với người xấu:
Không nên kết bè bạn, dù là bạn tốt. Muốn làm cho Phật giáo hưng thạnh thì người tu sĩ đạo Phật phải "độc bộ, độc hành, độc cư", nếu không sống như vậy thì chẳng bao giờ tu đến đích. Đức Phật khuyên người tu không nên kết bạn với người xấu, vì bạn xấu sẽ làm cho Phật giáo suy thoái. Bạn bè xấu sẽ lôi cuốn vào chỗ phạm giới, phá giới, bẽ vụn giới (thích vui chơi, thích ngủ nghỉ, thích nói chuyện, thích tranh luận, thích nghe ca hát và ca hát, thích trang điểm làm dáng, làm đẹp, thích vật chất, quần áo, giày dép, xe cộ, máy móc, chùa cao, Phật lớn, phong cảnh đẹp v.v...) và đi đến chỗ phi oai nghi, tế hạnh, thường sống phi đạo hạnh và đạo đức của bậc Thánh Tăng.
Người tu sĩ chân chánh thì nên tránh xa những người bạn xấu ấy, nếu kết bạn với họ thì Phật pháp không hưng thịnh. Những người bạn ấy sẽ lôi cuốn chúng ta vào đường danh, nẽo lợi.
7/. Thích sống một mình:
Người tu sĩ sống độc cư một mình là làm hưng thịnh Phật giáo. Vì sao? Tại vì người ấy sống một mình thì tâm mới ly dục ly ác pháp trọn vẹn. Tâm ly dục ly ác pháp trọn vẹn thì tâm không phóng dật, là tâm định trên thân. Tâm định trên thân là tâm ly dục ly ác pháp, nhập Sơ Thiền. Sơ Thiền là thứ thiền giải thoát của đạo Phật rất rõ ràng và cụ thể. Người tu hành nhập được Sơ Thiền thì giới luật phải sống nghiêm túc, không hề vi phạm, dù một giới luật nhỏ nhặt nào. Giới luật không hề vi phạm thì đức hạnh người nầy đã đầy đủ. Nhờ sống đức hạnh đầy đủ, làm người, làm Thánh thì làm sao mà Phật giáo không hưng thịnh?
Người an vui thích sống một mình là người đã giải thoát rồi. Sống một mình khó lắm qúy vị, chứ không phải là lời nói suông. (VIII / 102-110)