Skip directly to content

VỌNG TƯỞNG

Ý thức là một trong sáu thức của thân tứ đại: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Nếu gọi ý thức là tâm thì cũng không đúng. Chúng ta nên đặt thành vấn đề, nếu gọi ý thức là tâm thì nhãn thức cũng có thể gọi là tâm. Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức cũng gọi là tâm. Nếu sáu thức đều là tâm thì tâm là sáu thức như vậy có cần gì phải gọi sáu thức nầy để làm chi? Cũng như tưởng thức, tự nó nghe, thấy, nếm, ngửi, cảm xúc và phân biệt mà không cần sáu căn. Còn sắc thức của thân tứđại thì cần đến sáu căn. Muốn nghe thì phải có nhĩ căn và nhĩ thức, muốn thấy phải có nhãn căn và nhãn thức, chứ không như tưởng thức được. Do đó ý thức không phải là tâm thức. Tâm thức là cái biết để thực hiện Tam Minh, chứ không phải như tưởng thức và sắc thức. Bởi khi Đức Phật sắp chứng đạo hoàn toàn, Ngài dẫn tâm đến Tam Minh, tức là dẫn tâm thức chứ không có dẫn sắc thức và tưởng thức. Như vậy, lúc bấy giờ, Đức Phật dùng tâm thức chứ không phải là dùng ý thức và tưởng thức.
Nếu nói tâm thức là vọng tưởng thì không đúng, còn nếu bảo sắc thức và tưởng thức là vọng tưởng thì cũng không đúng. Người ta đã lầm khi thấy niệm lăng xăng trong đầu (loạn tưởng) cho đó là tâm thức, ý thức, tưởng thức thì sai tất cả. Những niệm sanh khởi trong tâm của chúng ta là nghiệp nhân quả do tâm chúng ta huân tập lâu ngày đã thành thói quen (tạp khí), nên thường lăng xăng trong đầu của chúng ta. Chỗ nầy có rất nhiều người đã hiểu lầm lạc, vì thế nên khi tu hành cứ lo ức chế tâm cho hết vọng tưởng, ngồi thiền nhiếp tâm trong hơi thở, trong câu niệm Phật, trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi, v.v... Vì hiểu sai, nên họ đã tu sai.
Muốn tâm không phóng dật, tức là không có vọng tưởng, thì phải biết gốc của vọng tưởng từ đâu mà có. Nó có từ nhân quả thiện ác, cho nên Đức Phật dạy: "Ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp". Tu tập như vậy sẽ không có vọng tưởng , không có vọng tưởng tức là tâm không phóng dật.
Muốn khắc phục vọng tưởng thì không nên ức chế vọng tưởng trong tâm ta, mà phải dùng pháp Tứ Chánh Cần xả ly tâm tham, sân, si, mạn nghi và thất kiết sử thì vọng tưởng sẽ hết, tức là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm định trên thân, hay nói cách khác là tâm đã ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền. Tâm đã nhập Bất Động Tâm Định. (VIII / 307- 308)