Skip directly to content

ĐẠO PHẬT YẾM THẾ?

Hiện giờ quí vị chưa biết rõ mặt thật của những tu sĩ Phật giáo như thế nào, thì làm sao dám bảo là Phật giáo yếm thế? Nếu thấy những người mới vào chùa tu hành chưa xong, còn đang ẩn bóng tu hành mà cho là Phật giáo yếm thế thì không đúng. Ngưòi ngoài đời muốn làm một việc gì hữu ích cho xã hội cũng phải có thời gian học tập, thực hành (như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, v.v...). Một bác sĩ đang thực tập mà trị bệnh thì có thể giết chết bệnh nhân. Người tu sĩ Phật giáo cũng vậy, khi đang tu chưa xong mà ra giảng đạo, dạy người tu hành, "Làm Bồ Tát đạo, hành Bồ Tát hạnh" là giết người, không phải một người mà rất nhiều người, không phải giết một đời mà giết nhiều đời người, không phải giết một thế hệ mà giết nhiều thế hệ của con người.
Khi Đức Phật nhập diệt, độ khoảng một trăm năm sau, các bậc Thánh tăng cũng lần lượt nhập diệt, chỉ còn những tu sĩ danh lợi, chia phe, chia nhóm (20 bộ phái) để tạo quyền thế, chiếm giữ danh lợi riêng tư, nên soạn viết kinh sách theo kiến giải riêng của mình, thường chạy theo dục lạc thế gian, nên phải đẻ ra Bồ Tát đạo, hành Bồ Tát hạnh, làm tấm bình phong để che mắt mọi người, khiến không ai biết mình chạy theo dục lạc. Những tu sĩ nầy thường dạy: "Phật pháp bất ly thế gian pháp", nghĩa là pháp Phật không lìa pháp thế gian, như vậy đâu có thể gọi là đạo Phật yếm thế.
Phật giáo Nam Tông và bắc Tông, xưa và nay đã và đang có những kiến trúc Phật giáo rất đẹp, rất nổi tiếng, trở thành những kỳ quan thế giới (như Đế Thiên Đế Thích), những nơi được xem là có phong cảnh đẹp cho nhiều người tham quan du lịch. Phật giáo Đại Thừa luôn luôn đã và đang tiếp tục làm việc từ thiện, cứu trợ đồng bào bất hạnh, thiên tai, hoả hoạn, bão lụt, v.v... như vậy đâu có thể gọi là yếm thế.
Những bậc chân tu của Phật giáo đang âm thầm triển khai đạo đức nhân bản nhân quả để loài người không còn tự làm khổ đau cho nhau nữa, để biến cảnh thế gian nầy thành cảnh Thiên đàng, Cực Lạc và Niết Bàn trong cuộc sống nầy, như vậy sao gọi là đạo Phật yếm thế?
Xưa Đức phật đã dạy: "Trắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt". Người chiến thắng tâm mình đâu phải là người yếm thế. Phải từng chung sống với mọi người mà không làm khổ mình, khổ người thì mới là người chiến thắng tâm mình. Đạo Phật như vậy có giống nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đang hưởng nhàn không?
Một mai, một cuốc, một cần câu, Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn xôn xao.
Tinh thần đạo Phật không phải là tinh thần yếm thế như vậy, nên thường xông pha vào thế tục, lấy các đối tượng của thế gian mà tu tập tâm mình "Ly dục ly ác pháp". Nếu bảo rằng Phật giáo yếm thế vào ở nơi am thanh vắng để cho yên thân của mình tức là tránh cảnh thì sao gọi là ly dục ly ác pháp?
  Vả lại, giới luật của Đức Phật dạy đạo đức làm người rất rõ ràng và cụ thể. Người tu sĩ mà yếm thế thì làm sao có thể dạy cho người cư sĩ những hành động đạo đức gần gủi và thiết thực cho đời sống con người được? Xin quý vị suy gẫm kỹ, đừng vội phê phán đạo Phật là đạo yếm thế. Đó là một nhận xét thiếu chính chắn, còn nông cạn. Chúng tôi xác quyết là đạo Phật không bao giờ bi quan, yếm thế. Người nào tu theo Phật mà không đi khất thực, cứ ngồi ỳ trong thất (nhập thất), hoặc ở trong rừng sâu, núi thẳm, không theo hạnh Phật ngày xưa là người tu sai đạo Phật, là người yếm thế, chứ không phải đạo Phật yếm thế.