Skip directly to content

PHƯỚC HỮU LẬU VÀ PHƯỚC VÔ LẬU

Tu theo đạo Phật thì không nên cầu phước hữu lậu, vì phước hữu lậu là phước về danh và lợi mà danh lợi là ác pháp. Thế nên, người tu theo đạo Phật phải xa lià danh lợi là ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp là phước vô lậu, phước vô lậu là giải thoát. Vì thế nên người tu sĩ đạo Phật khước từ phước hữu lậu như chùa to, Phật lớn, tiền bạc, danh lợi. Đức phật dạy:
"Có danh có lợi thì nên ẩn bóng".
Người có phước hữu lậu giàu sang, quyền tước mà không từ bỏ, xa lià thì khó mà ngăn ác, diệt ác pháp, và không thể nào ly dục ly ác pháp được. Ta phải hiểu rằng phước hữu lậu là phước báo trong đau khổ. Cho nên người càng có phước báo nầy thì càng đau khổ nhiều. Cứ nghiệm cuộc đời của các Tổng Thống Mỹ, và người có hàng tỷ bạc như Minh Phụng, Trần Đàm v.v... thì thấy họ đang khổ hơn chúng ta nhiều. Có khổ đau là có ác pháp. Người giàu sang, quyền quí cũng có ác pháp, người tu hành không đúng chánh pháp cũng là ác pháp (tu khổ hạnh, hành thân, hoại thể, ráng ngồi thiền thật lâu chân đau nhức như ai bẽ giò, tức ngực, v.v...).
Phước báo hữu lậu và phước vô lậu không thể nào đi chung với nhau được. Người chấp nhận phước hữu lậu thì không thể nào có phước vô lậu được, ngược lại, người chấp nhận phước vô lậu thì từ khước phước báo hữu lậu. Các nhà học gỉa chỉ nghiên cứu chứ không có kinh nghiệm tu chứng nên đã hiểu sai lệch về Phật giáo. Vì vậy các ngài hướng dẫn người tu làm những điều lành như: trai tăng, cúng dường, xây tháp, đúc chuông, và làm những việc từ thiện khác nữa v.v... Đó là tạo phước hữu lậu, cho nên cuộc sống họ không giải thoát. Họ (các thí chủ) chỉ được tiếng khen và vô tình trở thành người cho vay để lấy nặng lãi. "vay một, trả mười". Ngược lại, Phật giáo không làm từ thiện, mà chỉ sống đúng đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Cho nên khi thấy ai khổ là thấy nhân quả của họ, chứ không phải ta làm khổ họ, mà chính họ tự làm khổ họ. Chúng ta có duyên gặp họ trong cảnh khổ, đó là nhân duyên nhân quả của ta đối với họ nên mới có sự gặp gỡ nầy thì chúng ta giúp đỡ và an ủi họ tùy theo nhân quả của họ.
Chúng ta không làm từ thiện như các nhà Đại Thừa vì chúng ta không làm sao cho họ hết khổđược, tại họ tạo ra nhân ác thì họ phải gánh chịu lấy quả khổ. Chúng ta cũng không làm từ thiện (theo lời dạy của một số tu sĩ)... làm thiện để mong cầu được lên Thiên Đàng, Cực Lạc, đểđược làm quan, giàu sang, sung sướng, v.v...). Chúng ta chỉ biết làm theo đạo đức làm người mà Đức Phật đã dạy: "Không làm khổ mình, khổ người".
Người không hiểu Phật pháp, tuyên dương "phước huệ song tu" là một sự sai lầm lớn. Có phước hữu lậu làm sao tu huệđược? Huệ là giới luật, là đức hạnh của con người và của các bậc Thánh Tăng. Đối với các vị Thánh Tăng thì chỉ có ba y và một bình bát, đi xin ăn mỗi ngày thì làm sao có phước hữu lậu cho được? Trong kinh Nguyên Thủy, Đức Phật đã xác định rõ ràng: "Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ".
Người có phước hữu lậu thì không bao giờ có trí tuệ; người có phước hữu lậu thì không bao giờ giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật; người có phước hữu lậu thì không bao giờ được gọi là Trưởng Lão, nghĩa là không chứng quả giải thoát, vì chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp. Chẳng ly dục y ác pháp thì chẳng bao giờ ngăn ác diệt ác pháp, do đó tu hành chỉ uổng phí một đời mà thôi.