Skip directly to content

58 - TRẢ LỜI THƯA HỎI - TẠM DỪNG GIÁO ÁN

GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 58 - TRẢ LỜI THƯA HỎI - TẠM DỪNG GIÁO ÁN

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1997

1- TU SINH HẢI TÂM TÁC BẠCH VÀ THƯA HỎI

1.1- ĐỨC HẠNH CỦA CÔ ÚT CŨNG NHỜ RÈN LUYỆN MÀ CÓ

(00:00) Đây là cái lời của Hải Tâm hỏi Thầy:

“Kính bạch Thầy và cô Út!

Thưa Thầy và cô Út, nay là buổi học hạ gần mãn, con xin trình sự tu tập và nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, xin Thầy và cô Út chỉ dạy cho con được rõ!

Gần ba năm nay, từ khi con vào đây tu học được sự giảng dạy của Thầy qua pháp bảo của Đức Phật, qua thân hành giáo của Thầy và cô Út chỉ dẫn chúng con từng chút, chỗ nào đúng, chỗ nào sai cô vạch ra rất rõ ràng, chi tiết để chúng con ly dục ly ác pháp và buông xả dần dần, bản ngã chúng con cũng tiêu mòn dần dần thấy rõ.

Cô tạo những cảnh nghịch để giúp đỡ chúng con trên bước đường tu, đập phá những cái ngã chấp, kiến chấp của chúng con, rèn dạy chúng con những đức tính nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng, can đảm, bền chí và nghị lực, siêng năng, tinh tấn vô cùng, không một giây phút nào nghỉ ngơi.

Dù trong cơn đau bệnh, tay chân rã rời, bước đi không nổi, cô vẫn lê bước chân ra ngoài làm việc phục vụ mọi người, chấn hưng Phật pháp, cô rất an vui không hề than thở cùng ai.

Cô buông xả tất cả, không hề giận ghét ai, thương yêu lo lắng từ con vật nhỏ. Cô rất ý tứ hành vi thân, khẩu, ý của mình, làm chủ được thân tâm. Trước cơn đau nhức mà vẫn thản nhiên, cô xem cái chết nhẹ như lông hồng, như sợi chỉ mành treo chuông.

Mọi sự việc xảy ra cô rất nhạy bén giải quyết trí tuệ. Cô chỉ ăn những món đơn giản, tầm thường, không béo bổ, ly dục. Cô luôn làm vui lòng người.

Qua gương hạnh đáng kính của cô Út, theo con nhận xét, sự tu tập rèn luyện thân tâm không phải tầm thường.

Thưa Thầy, con xin hỏi: Một người tu đạt kết quả như vậy, họ có sẵn một cái tài hay một năng khiếu, một trí thông minh nên con đường tu mau đạt kết quả, có phải vậy không thưa Thầy?”

Ở đây thì Hải Tâm hỏi Thầy. Sự thật nó cũng phải là cái một quá trình rèn luyện rất lâu chớ không phải là trong một ngày, hai ngày mà cô Út rèn luyện mình được cái tâm như vậy, mà cái thời gian ở đây nhiều cái đối tượng, nhiều cái hoàn cảnh xảy ra, rồi lấy những cái đối tượng hoàn cảnh đó mà rèn luyện mình.

Do đó mà hôm nay cô Út cũng muốn rèn luyện các con là vì cái lòng thương yêu của các con, muốn cho các con được như mình, được giải thoát như vậy, cho nên cố gắng, hở hở cái gì là cô Út cố gắng tạo cái điều kiện nấy để cho các con lấy đó mà rèn luyện thân tâm của mình cho được giải thoát.

1.2- TỈNH THỨC GIÚP PHÓNG RA TRI KIẾN GIẢI THOÁT

(03:09) “Thưa Thầy! Khi tu Định Vô Lậu, tri kiến giải thoát phóng ra đó là trí tuệ. Tu Chánh Niệm Tỉnh Giác, làm việc liên tục từ sáng đến chiều: “Làm việc tôi biết làm việc”, suy tư trong việc làm như vậy nó có trí tuệ gì bằng tri kiến giải thoát hay không?

Ở đây thì Hải Tâm hỏi thầy: Tu cái Định Vô Lậu, cái tri kiến giải thoát là khi mà mình ngồi yên lặng thì bắt đầu đó, mới đầu thì mình dùng cái tri kiến. Tri kiến tức là cái sự hiểu biết của mình trong những cái lời Thầy dạy, trong những kinh sách của Phật.

Thí dụ như nói cái thân này vô thường, thì Phật nói cái thân vô thường, rồi nói cái thân này là khổ. Khi nó vô thường thì nó thay đổi, nó không có duy trì, nó không thường hằng, do đó nó có cái sự thay đổi, mà sự thay đổi đó nó làm khổ.

Rồi khi mà nó hoại diệt, nó mất đi rồi thì nó “không” - nó không có nữa. Và cái gì nó không có như vậy thì cho nên cái bản thể của nó cũng không có, cho nên cái ngã nó cũng không. Do đó Phật dạy như vậy. Rồi do vì vậy mà chúng ta chỉ hiểu như vậy chứ chúng ta chưa có hiểu nhiều nữa.

Cho nên khi mà nói nó vô thường thì chúng ta có cái suy tư hơn là cái hiểu của kinh sách đó. Bắt đầu chúng ta mới thấy, quán xét, như tóc ở trên thân của chúng ta, rồi như da chúng ta, rồi như cái sự suy yếu của thân chúng ta trong lúc trẻ như thế nào, rồi trong khi bây giờ như thế nào, rồi chúng ta suy nghĩ qua cái già chúng ta sẽ như thế nào thì chúng ta thấy cái sự vô thường thay đổi đó, thì chúng ta mới rõ được cái vô thường thay đổi đó.

Mà cái hiểu rõ do chúng ta suy nghĩ ra mà thấy thì đó là cái tri kiến giải thoát, từ nó phóng ra cái sự suy tư đó, nó làm chúng ta thấy rõ một cái vấn đề. Một cái vấn đề mà chúng ta muốn tìm hiểu mà chúng ta bây giờ đã rõ thì cái đó gọi là tri kiến giải thoát.

Còn cái mà chúng ta hiểu theo cái chữ nghĩa, theo cái hiểu của người khác dạy mình thì cái đó không phải là cái sự tìm hiểu của mình, thì cái đó gọi là tri kiến. Đó hiểu như vậy thì biết.

Còn về tu Chánh Niệm Tỉnh Thức nó làm cho chúng ta hoàn toàn tỉnh thức ở trong một cái hành động, nó có ý tứ từng cái việc làm mà nó không có khởi ra một cái niệm kêu là vô thức.

Cái niệm mà trong khi chúng ta đang làm cái chuyện mà chúng ta không biết rồi chúng ta lại nghĩ cái chuyện khác, đang nghĩ một chuyện khác thì cái việc làm này chúng ta không có biết, mất đi rồi, thì cái đó gọi là thiếu cái chánh niệm, gọi là thất niệm. Thất niệm tức là thất cái tỉnh thức ở đó.

Cho nên ở đây giúp chúng ta làm việc có ý tứ. Vì vậy mà khi cái ý tứ này, khi mà chúng ta đặt một cái niệm thì nó mới có ý tứ.

Nó ý tứ nó mới nhìn được cái sợi tóc, nó mới nhìn được cái lằn nhăn của nó, nó mới nhìn được cái mũi của nó, mới nhìn được cái gò má hóp của nó, nó mới nhìn được con mắt sâu của nó, rồi nó mới nhìn được cái tròng mắt nó ngày xưa thì nó đen, bây giờ nó vàng, nó bạc, nó thấy lờ mờ, nó không rõ, đó nó nhìn được cái sự vô thường của nó.

Đó là cái sức ý tứ, ý tứ là cái sức tỉnh thức. Tỉnh thức nó mới giúp chúng ta ý tứ, rồi ý tứ chúng ta mới quan sát được, chúng ta mới phóng ra được cái tri kiến giải thoát, con hiểu không, nó mới có. Chớ còn cái ý tứ nó không phải là trí tuệ đâu.

(06:25) Cái ý tứ của chúng ta nó giúp chúng ta tỉnh thức thì nó giúp cho chúng ta có ý tứ. Bây giờ cầm một cuốn vở này mà có ý tứ thì chúng ta cầm nó, nó không có sẩy tay, làm rách hay hoặc làm rớt, đó gọi là ý tứ.

Chớ không phải là trong cái ý tứ đó là trí tuệ, mà nhờ cái ý tứ đó thì bắt đầu chúng ta mới quán sát, thì có cái ý tứ đó nó mới xem lại cái sợi tóc của nó, rồi mới xem lại cái lông mày của nó, rồi mới xem lại con mắt của nó, rồi mới xem lại cái gò má hóp của nó, nó mới xem lại cái làn da của nó, nó mới nhìn lại móng tay, móng chân, nó mới nhìn lại những cái đường gân ở trong thân của nó. Nó quan sát lại rất kỹ những cái phần chi tiết nhỏ, cái đó gọi là trí tuệ.

Nhưng mà cái trí tuệ này nó do cái sự phát triển, do cái sự ý tứ của mình nó triển khai ra những cái này, để cho mình tìm hiểu được cái sự vô thường đó thì cái đó gọi là tri kiến giải thoát. Còn bây giờ mình hiểu qua một cái gì mà người ta hiểu sẵn thì cái đó gọi là vay mượn, cái đó gọi là tri kiến.

Đó là cái phần như vậy để cho con thấy rằng cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác nó chỉ giúp cho chúng ta có ý tứ, có tỉnh thức ở trong những cái ý tứ rồi mới áp dụng qua cái Định Vô Lậu thì nó mới phóng ra được cái tri kiến giải thoát.

Còn nếu mà không có ý tứ này thì nó chỉ có cái tri kiến mà thôi. Bởi vì nó không có ý tứ, cho nên nó chỉ nhớ lại, nó nhớ lại là nói “vô thường, khổ, không, vô ngã” thì nói: “Cái thân này là vô thường, khổ, không, vô ngã.”

Cho nên có người nghe đặt cái niệm thân vô cái thì bắt đầu đặt niệm thân, thì: “quán nó vô thường, khổ, không, vô ngã”, nói một hơi vậy rồi cái xả ra đi, nói: “Tui tu cái Định Vô lậu rồi.”

Đó thiệt là, cái định này nó kêu là tu một ngàn năm nó cũng vô lậu theo kiểu mà nhai cái bã mía của người ta mà người ta nuốt hết cái nước ngọt rồi mình nhai lại, nó lạt nhách mà cứ nhai hoài đó thì nó cũng không nhằm nhò gì đâu. Đó là cái sai đó.

1.3- TU TẬP NHỮNG PHẦN NÒNG CỐT TRONG GIÁO ÁN

(08:16) “Về định Hiện Tại An Lạc Trú con tu ít lại, con không ngồi hơn nửa tiếng, con tập có sức tỉnh, làm chủ thân tâm cho được trong nửa tiếng này thôi. Con tu ba thời: Buổi khuya, chiều, tối, thời gian còn lại con tu ba định kia.

Giáo án ra đời, Thầy hao hơi tổn sức rất nhiều, con cũng nguyện đem hết sức mình siêng năng tu tập những gì cần trau dồi, những gì cần dứt bỏ, và tuần tự con tu tập từ đạo đức nhân quả, Thập Thiện thân, khẩu, ý, ly dục ly ác pháp, tri túc thiểu dục, Tứ Vô Lượng Tâm…​”

Đó là cái phần mà các con đã hiểu qua cái giáo án mà Thầy đã dạy, đó là những cái phần nòng cốt của sự tu tập của các con đó.

Ráng mà cố gắng nhớ đến thiểu dục tri túc, có gì mình biết đủ rồi, mà bây giờ nó không có gì, mà nó còn cái gì thì mình cũng biết đủ, không đòi hỏi nữa, thì gọi là tri túc thiểu dục.

Rồi Tứ Vô Lượng Tâm các con thường hành nó, do đó mỗi mỗi các con đều giữ gìn thân khẩu ý của mình ly dục ly ác pháp thì các con sẽ thấy một cái tâm hồn, một cái thân an ổn nhất, các con sẽ giải thoát hoàn toàn.

1.4- MỖI LẦN PHẠM GIỚI LÀ MỖI LẦN TỰ NHẮC NHỞ MÌNH

(09:30) “…​nhất là luôn khép mình trong giới luật. Con đã học, đã biết nhưng sao con vẫn còn phạm, lương tâm cắn rứt, khổ sở vô cùng. Ngày nào giữ đúng, con thấy tâm con được thanh thản, an vui.”

Đừng nghĩ rằng, đừng có thấy mình phạm mà mình sợ, đừng có thấy phạm lỗi mà mình cắn rứt, mà mỗi lần phạm là mỗi lần nhắc nhở cho mình sửa lại mình, thì cái điều đó là một cái điều rất hay cho cái sự tu tập. Vì mình còn là phàm phu thì những cái sự sai sót đó nó dễ lắm, nó dễ lầm lạc lắm.

Cho nên ở đây phần nhiều là chúng ta đang tu ở trong các đối tượng để mà chúng ta thực hiện cái tâm giải thoát, thì cái sự lỗi lầm đó là một cái pháp để chúng ta sửa lại mình, để cho mình trau dồi lại mình, mình trở thành những cái người mà không còn có cái sự lỗi lầm đó nữa.

Một ngày nào đó cho đến khi mà chúng ta không còn phạm phải những cái giới luật nữa thì lúc bấy giờ đó là chúng ta đã đắc giới hoàn toàn, tức là chúng ta đã ly dục, ly ác pháp hoàn toàn rồi. Còn bây giờ thì đương nhiên là nó còn những cái chỗ phạm thì tức là mình chưa ly hết.

Thí dụ như bây giờ nó một trăm phần, mà bây giờ mình mới ly tám chục phần à, mà còn hai chục phần thì tức là còn phải lỗi đó chớ. Cho nên vì vậy mình cũng vẫn biết, nếu mà Ngài mà…​ (Mất tiếng)

…​phạm lỗi này thì các con sẽ thấy nó gấp trăm ngàn lần lận. Cho nên mới đầu các con thấy một bữa, bữa sau thì có Thầy đến Thầy thuyết giảng các con, mà thuyết giảng các con là có nghĩa gì?

An ủi các con để cho coi như các con bị té xuống đó, Thầy nắm tay các con, Thầy nâng đỡ các con đứng dậy, và an ủi các con để các con gặp Thầy nói rồi bắt đầu: Hồi hôm qua hay là hồi nãy nó đã bị buồn rầu, khổ sở mà gặp Thầy thuyết giảng rồi, bắt đầu con thấy các con buông xuống nhẹ nhõm, không còn buồn rầu nữa.

(11:34) Sau này thì Thầy không có cần nắm tay nắm chân các con mà lôi dậy nữa, để các con tự đứng dậy cho nên đứa nào cũng đứng dậy mà cái mặt nhăn nhó hết! Hồi đó có Thầy nắm tay đỡ dậy rồi Thầy phủi cát phủi đất cho thì nó sạch sẽ, còn bây giờ các con đứng dậy Thầy thấy ráng đứng chứ còn coi như là đất cát cùng mình hết.

Đó, đó là sự thật mà. Nhưng mà bây giờ còn ráng đứng, chớ hồi đó nếu mà Thầy không có lại mà Thầy nắm tay Thầy lôi dậy mà Thầy phủi cát, đất cho đó, thì chắc chắn là nằm luôn đó chớ chưa có đứng dậy nổi. Phải không, các con nhớ! Hạnh Minh hồi cũng bị đòn chớ bộ không à!

“Nhất là luôn khép mình trong giới luật. Con đã học đã biết nhưng sao con vẫn còn phạm.”

Biết chớ chưa phải.. Bởi vậy Thầy nói ngộ chớ chưa phải chứng mà, chừng nào mà chứng cái lý của giới rồi thì đâu phạm nữa. Nhưng mà chứng như vậy, hết phạm rồi thì mình còn tu cái chỗ nào nữa?

Con bây giờ đang hiểu mình còn là người đang tu mà, cho nên cái phạm đó là cái để chúng ta tu. Tu để mà đắc giới, mà đắc giới tức là giải thoát chớ gì?

Do cái chỗ này mình mới thấy được cái chỗ tu. Còn nếu mà mình thấy hết phạm rồi, bây giờ là Thánh rồi còn gì nữa phạm? Vì vậy thôi đi về trời ở chớ đâu có ở thế gian làm chi với ai đây nữa! Đó.

Cho nên ở đây lúc nào mà con thấy con hết phạm rồi thì lúc bấy giờ người ta sẽ làm cái bàn, Thầy sẽ nói với mấy cô này đem đá vô đây Thầy xây cái bàn cho, con Hải Tâm lên trên đây ngồi, bây giờ hết phạm rồi, phải lên ngồi đây chớ! Chớ đâu có ngồi chung với chúng được.

Bây giờ còn phạm thì mình ngồi chung đặng mình tu, còn hết phạm rồi thì phải ngồi riêng ra. Là Phật rồi, A La Hán rồi mà còn phạm sao? Đó, thì như vậy là mới thấy chỗ giới luật cái chỗ đó đó.

Cho nên mỗi lần phạm là mỗi lần mình đã tu đó chớ, nỗ lực để cho mình không phạm nữa, cho nên đâu có lương tâm gì cắn rứt! Đây là nó cắn rứt để cho mình thực hiện cho được.

1.5- PHÁP HƯỚNG XẢ TÂM CHÁN NẢN

(13:24) “Sự tu hành cũng có nhiều khó khăn, tâm còn yếu, con không vượt qua được, đôi lúc con cũng chán nản. Thưa Thầy, những lúc này con phải như thế nào, trạch pháp ra sao để sách tấn con trên bước đường tu tập?”

Trong lúc mà chán nản…​ Chưa chi mà vội chán nản thì dở quá vậy? Lúc mà còn Thầy thì lôi dậy đứng dậy tu nữa, mà bây giờ không có Thầy, chán nản quá chắc nằm luôn à! Thì cái chuyện đó, đừng! Bây giờ mình phải có nghị lực chớ!

Đó, cho nên bây giờ con biết pháp hướng rồi chớ gì: “Nằm đây cho mày chết luôn chớ ở đó!” Phải không, mình ra lệnh nó: “Đứng dậy, chớ không ta cho nằm là chết luôn!” Thì bắt đầu nó sợ quá, nó đứng dậy nó đi vô, nó không có nằm nữa.

Đó thì con sẽ dùng cái pháp hướng mà nhắc nó: “Tại sao mà đến giờ phút này mà như vậy, mà còn cái tâm như vậy? Quá tệ vậy? Phải là thanh thản, phải là giải thoát hoàn toàn chớ! Cái chuyện đó quá tầm thường, đứng ở trong cái chỗ nhân quả thì đã nhìn thấy nó quá rõ mà, tại sao lại còn cái tâm như vậy?”

Đó cho nên con dùng những cái pháp hướng trách mình, tự hỏi mình, xem mình tu hành mà tại sao còn yếu đuối như vậy. Đó, từ đó con sẽ mạnh dạn hơn và tiến bộ hơn thì cái tâm chán nản đó nó sẽ hết.

1.6- PHẢI NỖ LỰC TẬN CÙNG NHƯ HOA SEN NỞ TRONG LÒ LỬA

(14:40) “Thầy giảng nhiều, càng học con càng thấy con khuyết điểm rất nhiều, nhưng con sẽ cố gắng học pháp hành những câu Như Lý Tác Ý để thấm nhuần trong tâm.”

Nghĩa là ở đây con thấy con càng yếu, đứng trước các cái đối tượng mà quá cái sức tưởng tượng của mình, mà mình thấy mình rất nhỏ bé, mình dễ ngã quỵ trước những cái pháp đó.

Mình biết cái tâm mình yếu như vậy thì hằng đêm mình ngồi thiền mình đặt cái niệm trước mặt của mình, mình tu cái Định Vô Lậu. Cái lậu hoặc nó sạch rồi thì lúc bấy giờ con người của mình nó như một cục đá vậy. Nghĩa là ai làm gì nó cũng không…​ Gió thổi bao nhiêu, “bát phong bất động” mà, tám gió thổi chẳng động ở chỗ này hết.

Cho nên lúc bấy giờ chỉ có cái Định Vô Lậu mà con đặt niệm rồi con trạch pháp, đặt niệm quán, quán rồi mới dùng cái trạch pháp mà đập nó xuống, do đó con vững vàng vô cùng.

Cho nên đến khi mà đụng chuyện, đến khi mà gặp gió thổi thì cái tâm của con nó trơ trơ như cục đá, nó thổi như là thổi gò mối, không ăn thua gì nữa hết. Cho nên càng thổi bao nhiêu nó lại càng mát mẻ nữa. Bởi vì Đức Phật nói cái sức chịu đựng của con người mà đến cái mức cuối cùng thì nó lại mát mẻ.

Cho nên vì vậy mà lúc bấy giờ con sẽ dùng cái Định Vô Lậu thì nó sẽ càng…​ lúc nào mà cô Út chửi mắng dữ lại nghe nó mát lung! Cũng như quạt máy mà quạt, nghe nó mát lạnh chớ đâu có nực.

Còn khi nào mà nó nực thì tức là nó sai rồi, nó không đúng, nó mát thì nó mới đúng. Tu như vậy là mình mới tu chớ, tu mà người ta nói gì chửi mắng gì mình, mình mát lạnh rồi thì đó là mình tu đúng pháp rồi đó.

“Thầy giảng, con không có tài cũng chưa có đức độ bao nhiêu, nếu được Thầy và cô Út cho ở lại tu học thì con cũng cố gắng nghe và thực hành theo sự chỉ dẫn của cô, dù cực khổ, đói khát con cũng không than.”

(16:38) Sự thật ra thì Thầy nói, sự thật ra ai đuổi? Người ta thử thách chớ ai mà đuổi, miễn là mình có bền chí hay là không thôi chớ! Đó là cái vấn đề mới rèn luyện mình ở trong những cái…​

Người ta nói hoa sen phải mọc ở trong lò lửa, chớ đâu phải mọc ở trong nước, trong bùn lầy được sao? Cho nên do cái chỗ đó mới thấy nó nở ở trong những cái…​ cái bông nó mới đẹp chớ, như vậy là hoa nở trong lò lửa.

Bây giờ nghe người ta nói: “Đi đi, đừng có ở” thì bắt đầu quảy gói đi thì cái chuyện đó là quá dễ rồi, cái chuyện đó ai làm không được?

Cho nên cái chuyện đó là cái chuyện cần phải có một cái sự bền chí, bền lòng, có một cái sự năng nổ và cái sự biết sửa lỗi của mình, biết khắc phục, biết tu tập, thì cái sự ở lại nỗ lực tu tập đều là điều tốt nhất, không có bao giờ mà có thể mà…​

3 năm trời mà các con đã từng sống ở đây rồi, thì các con biết từng cái sự giải thoát của các con. Ở trong tâm nó bao nhiêu cái sự giải thoát, nó vô lượng pháp thì nó vô lượng sự giải thoát ở trong tâm, không phải trong một ngày, hai ngày mà chúng ta giải thoát hết được, nhất là cái tâm vô lậu.

Các con nghe 25 năm hay là 55 năm của các vị, ông A Na Luật 55 năm! Nó đâu phải là một cái chuyện tầm thường trong một ngày, một giờ mà chúng ta thành tựu được.

(18:03) Vì vậy mà 3 năm trời nay mà các con theo cô Út, các con thấy xả bao nhiêu không? Nhìn lại đứa nào mà Thầy thấy trong…​ Con nè, Từ Nguyện nè, Tú nè, Huệ Ân nè, các con thấy về đây, phải nói rằng 3 năm nay thì các con thấy, đến giờ phút này các con thấy cái sự giải thoát như thế nào không?

Nếu mà cứ đem lại, từ cái ngày bắt đầu mà các con đến đây cho đến bây giờ, các con thấy cái thời gian mà tu tập nó sẽ đem lại cho các con cái lợi ích rất lớn chớ không phải là ít.

Như vậy thì các con phải nỗ lực hơn nữa để cho nó…​ Sắp sửa mà bước tới cái chỗ giải thoát nó lại càng khó khăn hơn nữa, nó đánh mình bung ra lận chớ không phải ít đâu. Nhưng mà mình nỗ lực thực hiện cho tận cùng nó thì chừng đó mình mới mát lạnh.

Cho nên Đức Phật nói cái sức chịu đựng sinh mạng của mình tận cùng, đến cái mức tận cùng thì nó mới mát lạnh, chớ còn nó mới nửa chừng nó chưa mát lạnh đâu. Cho nên ở đây phải nỗ lực cho tận cùng nó mới mát lạnh. Đó là các con phải thực hiện cho đúng những cái điều kiện mà như vậy.

Bây giờ các con thấy, nếu mà các con tìm một cái nơi nào mà có thể nó yên ổn, nó có thể thực hiện được con đường thiền định từ cái Định Vô Lậu cho đến cái Định Hiện Tại An Lạc Trú, thì các con tìm cái chỗ đó mà các con ở tu.

Còn nếu mà không thấy cái chỗ nào mà hơn cái chỗ này được thì các con nên bám chặt cái chân cô Út đi, cổ đá bao nhiêu các con cũng ôm cho chặt. Các con ôm chặt bao nhiêu thì sự giải thoát nó càng nhiều bấy nhiêu, mà ôm lỏng lỏng thì tức là nó không giải thoát đâu.

Cho nên ở đây cô Út nghe Thầy nói vậy chắc chắn là cô ghét Thầy! Biểu mấy đứa đi ôm chặt chân cổ, ôm chặt cổ riết cổ chết hết á, cổ tu không có được. Nhưng mà bởi vì Thầy thương các con Thầy mới nói thiệt ra đó, đừng có để cho cô Út nghe băng này chớ, để cho cô nghe rồi bất tử!

Chứ bây giờ ôm chân ai giờ? Thầy đi mất rồi còn đâu mà ôm chân, phải không? Chỉ có ôm chân cô Út. Cổ nói để cổ đi trước đi, chứ cô sợ ôm chân cổ rồi cổ không làm sao cổ cứu mấy con được. Nhưng mà bây giờ biết ai? Thôi bây giờ các con thì phải ôm chân cô Út thôi chớ gì!

Như vậy thì đứa nào ráng ôm được thì ôm, mà ôm không được thì tìm cái chỗ nào mà cho yên ổn mà tu tập thì cũng tốt thôi, chứ Thầy cũng không có nhất quyết cái điều đó được. Do cái tâm tư của các con chớ gì? Các con tìm thấy được cái chỗ nào yên ổn nhất mà có thể đi đến cái giải thoát.

Các con nghe Thầy có giảng cái bài khu rừng mà, phải không? Tìm cái khu rừng mà cái chỗ ở đó bây giờ mình thấy được cái sự giải thoát rồi, tâm mình hồi đó nó chưa vô lậu mà bây giờ nó được vô lậu rồi, tâm mình nó bất an mà nó được an rồi, thì ngay đó mà dù bây giờ có đói có khát đi nữa nhất định cũng không rời khu rừng đó nữa. Phải không?

Mà đến gặp cái vị nào mình ở chung với cái vị thầy đó, mà bây giờ ở đó dù cơm ăn áo mặc đầy đủ mà tâm vô lậu chưa có vô lậu được, mà tâm bất an nó chưa an được, thôi bây giờ có đầy đủ cũng đi nữa chứ đừng có ở. Ở trong kinh Phật đã dạy rồi mà!

(21:08) Mà ở với vị thầy đó dù chỗ đó có đói khát gì đi nữa, lúc bấy giờ mà mình thấy tâm mình chưa an mà nó được an, phải không, mà tâm mình chưa vô lậu bây giờ nó được vô lậu thì bây giờ có đuổi cũng không đi nữa, nhất định không đi.

Chết bỏ, nhất định ở đây, cô chết tui chết, sống với nhau à, chớ bây giờ cô dạy sao tui nghe vậy tui không dám cãi cô đâu, nhưng mà tui không bỏ cô. Có cái điều kiện như vậy thôi.

Đó là mình tìm được một cái vị mà có thể giúp mình vượt ra khỏi cái sanh tử luân hồi rồi, thì bây giờ cái vị đó làm khó dễ gì mình cũng không đi hết.

Cái người mà người ta ngon ngọt, dịu ngọt với mình để cho mình tu hành, thì cái chỗ mà mình thấy dù mình có đầy đủ, ngọt ngào cho mình tu hành đi nữa, chắc chắn mình có ở tu mình cũng không có lợi ích mà không có vô lậu được thì bây giờ có ngọt ngào đi nữa mình cũng không ở.

Tại sao vậy? Tại vì mình thấy rõ ràng là chỗ đó không có lợi, mà người ta lợi dụng mình để cho mình ở chung đó để mà người ta làm cái tập thể đó mà người ta lường gạt người khác, người ta lấy tiền người ta sống. Đó là người ta mới dụ mình chớ, người ta mới ngọt ngào mình chớ!

Còn cái người mà ở đây người ta không có vì cái chỗ đó cho nên người ta cứ xua đuổi mình không à, nhưng mà mình thấy rõ ràng tâm mình vô lậu nè, tâm mình nó như thế này thế khác nè, nó chưa an nó được an thì mình hãy bám cho chặt, đừng có buông người đó ra. Vì sớm muộn rồi người đó sẽ giúp mình đó, họ làm vậy chớ họ tìm cách họ giúp mình. Thật sự ra họ giúp mình đến mình tu giải thoát mà thôi.

Đó thì rõ ràng là các con xét thấy, bây giờ các con thấy, nhiều khi các con thấy cô Út chỉ các con từng chút ở trong cái cuộc đời của các con để các con tìm ra cái lối giải thoát vô lậu của mình chớ gì? Những lúc đó thì các con thấy: “À mình thấy cô Út dạy có nhiều cái có kinh nghiệm cuộc đời thiệt chớ không phải không!” Không có ở trong kinh điển.

Còn Thầy thì Thầy đứng ở trong kinh Phật Thầy giảng cho các con thấy các pháp tu hành như vậy, như vậy, nhưng mà đây là cái chuẩn bị để rồi chúng ta phải đương đầu với cuộc sống thật sự ngoài đời. Còn cô Út cổ dạy đương đầu thật sự với cuộc sống chớ không phải là dạy kinh sách.

Còn Thầy ở đây dạy chuẩn bị. Bây giờ các con tu Định Vô Lậu nè, các con quán thân vô thường nè, cái này cái nọ kia, xem nó như vậy, đến khi con thấu rõ được cái sự vô thường rồi thì con chuẩn bị nó chớ chưa có gặp đâu.

Mà khi gặp rồi đó thì lúc bấy giờ cái trí tuệ con nó phóng ra cái thân vô thường, thì người ta chửi mình làm gì mình giận? Nó đỡ các con một chút. Còn cái kia các con phải tư duy, phải sâu sắc à, cho nên đến khi gặp người ta chửi, mình thản nhiên. Mình phải tu nó nhiều cái hơn, nó chưa có sức chuẩn bị, còn ở đây có sức chuẩn bị trước.

Cho nên trong cái sự tu tập về cái Định Vô Lậu đó là cái sự chuẩn bị cho chúng ta vô lậu, cho nên nó thấm được cái lý vô lậu, do đó gọi là chứng ngộ. Chứng ngộ cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã, do như vậy cái lậu hoặc nó mới sạch.

Còn cái tu Tứ Bất Hoại Tịnh là các pháp đang ở trong cái đối tượng nó có thể xảy ra chúng ta tham, sân, si, phiền não, nó làm cho chúng ta có những cái sự khổ tâm. Do vì vậy mà chúng ta tu cái Tứ Bất Hoại Tịnh để cho chúng ta bắt cái thân nó niệm Phật.

Mà cái thân chúng ta niệm Phật thì nó không có lỗi lầm. Phật đâu có lỗi lầm? Rồi bắt cái tâm mình niệm Phật thì nó không có lỗi lầm, do đó nó cũng làm cho cái lậu hoặc của chúng ta nó sẽ sạch hết.

1.7- TU TẬP ĐỊNH VÔ LẬU HAY TỨ BẤT HOẠI TỊNH

(24:20) “Thưa Thầy!

Khi con được nghe qua giáo án, con đã tu sửa lại, không như trước nữa. Tức là con lao động gần như suốt cả buổi sáng để tu Chánh Niệm Tỉnh Giác cho có sức tỉnh. Trong khi chung đụng, xem xét tâm con có lỗi gì thì trưa hoặc tối con tu Định Vô Lậu…​”

Thay vì cái chỗ mà con tu cái Định Vô Lậu này, xem xét cái chỗ này thì con đặt cái niệm nó ra rồi con quán xét lại coi mình có cái lỗi gì không thì nó cũng được.

Hoặc là lúc bấy giờ mình thấy nó rất rõ rồi, mình không cần quán xét. Cái đó là cái lỗi của mình rồi, cái thân mà niệm Phật thì nó không được lỗi, thì do đó con đã học là Tứ Bất Hoại Tịnh con áp dụng ngay liền, con khỏi cần tu cái Định Vô Lậu, nó mắc công con phải quán xét.

Bởi vì con đã rõ rồi, cần gì phải quán xét. Chừng nào cái đó nó không có rõ, con mới đặt cái niệm vô lậu, con mới quán xét để cho mình hiểu rõ.

Còn bây giờ cái lỗi của mình mà mình chưa có hiểu nó là đúng hay là sai, mình có lỗi hay không lỗi, thì mình đặt ra để mình tìm coi cái lỗi nó phải là đúng của mình hay không. Do vì vậy đó thì nó phải là cái Định Vô Lậu.

Còn bây giờ mình đã rõ rồi, thì bắt đầu mình đem nó bắt buộc mày niệm Phật, mày đã làm bậy thì tức là mày phải niệm Phật cho mày không có được làm bậy nữa. Đó các con hiểu.

Cho nên tu cái Định Vô Lậu thì khi nó không còn rõ, nó chưa nói rõ, cho nên buộc lòng mình phải quán xét cho nó rõ. Còn cái Tứ Bất Hoại Tịnh là tất cả các pháp đều lôi đầu nó vô, bắt buộc nó niệm Phật.

Bởi vì nó bốn cái chỗ niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, cho nên vì vậy đó mà mỗi hở hở ra cái gì thì mình lôi cái thân của mình ra niệm Phật nè, lôi tâm ra niệm Phật nè, lôi cái thọ ra niệm Phật nè, lôi các pháp ra niệm Phật. Mà niệm như vậy thì chúng ta sẽ được giải thoát hoàn toàn, nó không còn có cái tâm phiền não đau khổ nữa, đó.

Cho nên tu như vậy thì nó kết quả rất lớn. Còn khi nào không rõ thì con nên đặt cái niệm vô lậu.

Và đồng thời con muốn thấm nhuần cái vô ngã, cái khổ, không, vô ngã của con, cái vô thường của con thì con cũng đặt cái niệm đó hằng ngày con tu để cho nó thấm nhuần cái vô ngã, cho nên nó diệt trừ cái bản ngã của mình, nó diệt trừ cái tâm ngã mạn của mình.

Do đó con phải thấy nó vô thường, khổ, không, vô ngã nó rất là rõ ràng khi hằng ngày con đặt cái niệm đó và con quán xét cho nó rất cụ thể.

“…​xem tánh con còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa hay không.”

Tức là Ngũ Triền Cái đó.

“Nếu khuya con tu Định Hiện Tại An Lạc Trú 30 phút, trong 30 phút này con thường hướng tâm:”

Thường hướng tâm nhắc nhở thì cái điều đó là cái điều tốt nhất, không có sao hết.

““Sáu căn phải tập trung tại tụ điểm, nghe hơi thở và nhìn hơi thở! Hơi thở phải chậm và nhẹ!” Con thấy hơi thở con càng lúc càng chậm và nhẹ dần nhờ con tu ít lại, nên hôn trầm cũng bớt nhiều.

Thưa Thầy khi tâm con còn tham, sân, si, mạn, nghi, con tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì tâm con được giải thoát rồi, con khỏi tu Định Vô Lậu được không?”

Con tu, tức là tham, sân, si, mạn, nghi con mới phá được cái triền cái à, mới có Ngũ Triền Cái à, còn Thất Kiết Sử nè, rồi còn cái lậu hoặc nó còn, chưa hết, cho nên cái Định Vô Lậu nó còn nữa, còn phải tu nữa.

Chớ không phải nói là tu Tứ Bất Hoại Tịnh là tham, sân, si của mình hết rồi thì mình khỏi tu Định Vô Lậu. Cần phải tu thêm, tu để chứng được cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã của nó.

1.8- KHÔNG TU ĐỊNH SÁNG SUỐT KHI ĐANG BUỒN NGỦ

(27:49) “Thưa Thầy, những lúc nào con tu Định Sáng Suốt? Khi con ngồi trên xe buồn ngủ, hoặc đang may vá mà buồn ngủ, con tu Định Sáng Suốt được không?”

Không! Định Sáng Suốt là lúc bấy giờ phải là cái tâm thanh thản, cái tâm rất tỉnh cà mới tu Định Sáng Suốt. Còn khi mà buồn ngủ hoặc là khi ngồi ở trên xe mà đang bị buồn ngủ, như bây giờ con ngồi ở trên xe mà con buồn ngủ thì đó là một cái điều rất khó, rất khó.

Muốn tu cho nó được vậy thì lúc bấy giờ khi ngồi trên xe, tức là ngồi yên lặng như vậy thì con mới đặt cái niệm tu cái Định Vô Lậu, con mới dùng cái trí tuệ quán xét, quán xét làm cho nó động tâm cho nên nó hết buồn ngủ. Chớ còn không khéo con nằm, con ngồi một hơi nó lặng lặng, nó không có nghĩ gì hết, cái nó thiu thỉu nó ngủ.

Cho nên khi mà ngồi trên xe thì nên đặt tu cái Định Vô Lậu chớ không được tu cái định gì khác hơn mà phá cái buồn ngủ được. Còn khi mà bình thường ở nhà hay ở chùa mà nó buồn ngủ thì con nên tu cái định Chánh Niệm Tỉnh Thức đi kinh hành để mà phá buồn ngủ.

Thí dụ như buồn ngủ nhiều thì con đứng tại chỗ con chạy, coi như là mình chạy bộ mà chạy tại chỗ đó, chạy lúp xúp đó mà chạy bộ, chạy chừng nào đổ mồ hôi ra rồi đi tắm, rồi vô thì cái buồn ngủ nó mới yên được.

Rồi bắt đầu không có được ngồi mà tu cái định hơi thở nữa mà phải đi kinh hành. Nó đã hết buồn ngủ rồi, nhưng vẫn đi kinh hành tập tỉnh thức ở dưới bàn chân của mình, thì nhờ vậy nó mới phá được cái buồn ngủ. Cái buồn ngủ nó không đơn giản đâu.

Cho nên ở đây không thể nào mà tu Định Sáng Suốt trong khi buồn ngủ mà tu được đâu, khó lắm.

1.9- LỜI TRI ÂN CỦA TU SINH HẢI TÂM

(29:24) “Trong suốt ba tháng nay, tâm chúng con chao động rất nhiều, hết chuyện này đến chuyện kia. Nên chi làm việc, học lý thuyết, chúng con tu tập ít, chưa thực hành nhiều, nhưng con thấy có kết quả, tâm con bớt giận hờn, không còn quá thèm khát như xưa, tình cảm cũng bớt đi.

Con hi vọng rằng nếu con tu đúng giới luật, Phạm hạnh đầy đủ thì lợi ích phải giải thoát cho con và cho nhiều người, và đền ơn Thầy, cô Út đã nhiều năm tháng quá cực khổ vì chúng con.

Công sức Thầy giảng dạy rất là mệt nhọc và chu đáo, một công trình chưa từng có, nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm ăn, ngủ, độc cư, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Đã huân tập nhiều đời trong chúng con tưởng chừng như không bao giờ tu sửa được như tâm ham muốn, giận hờn, thương ghét, si mê, tật đố, nghi ngờ, nhưng hôm nay con hầu hết đã hiểu được cái lý, chỉ còn tu tập bằng cách thực hành nhờ pháp quán, pháp hướng, trạch pháp.

Những gì cần dứt bỏ chúng con phải mạnh dạn, can đảm dứt bỏ ngay liền. Những gì cần trau dồi chúng con cũng liên tục nhắc nhở không quên, để chúng con quét sạch lậu hoặc, ly dục ly ác pháp để nhập Sơ Thiền.

Nhưng từ đây về sau, sự tu tập của chúng con có kết quả như thế nào, đúng hay là sai, chướng ngại chỗ nào, chúng con không biết thưa hỏi cùng ai, không còn người để sách tấn và khích lệ chúng con trên bước đường tu tập gian truân, vất vả này nữa. Đúng là một điều bất hạnh cho chúng con!

Con không lấy làm nản chí mà chỉ biết nhân quả duyên nghiệp chúng con được Thầy độ đến đây quá đầy đủ. Chúng con theo đó nắm lấy giới luật nghiêm trì, giới hạnh nghiêm túc để thực hiện cho đúng được giải thoát hoàn toàn, làm chủ được sanh tử luân hồi, vì còn bao nhiêu người đang mong đợi ở chúng con, và sự ra đi của Thầy cũng được an tâm vì không đứa nào chểnh mảng trong sự tu tập này nữa, mà quyết chí năng nổ hằng ngày, hằng đêm để thực hiện cho bằng được con đường giải thoát của đạo Phật.

Chúng con phải thu ngắn thời gian, sớm đạt kết quả để cô Út bớt lo lắng, bận rộn cho chúng con từng ngày, từng đêm, khắc khoải lo âu từng người trong tuổi già sức yếu, trong cơn đau ốm liên tục, trong sự lo lắng buồn rầu suốt những năm tháng chỉ công dã tràng xe cát biển Đông, trong sự chán nản nhìn chúng con tu tập.

Nhưng hôm nay giáo án ra đời, chúng con được thông hiểu hơn và quyết chí tu hành để không làm phụ lòng Thầy và cô Út, để đền đáp ơn chư Phật, ơn đàn na thí chủ.”

1.10- VIỄN LY CHÍNH LÀ LY DỤC LY ÁC PHÁP

(32:43) “Thưa Thầy!

Câu “vì vô minh nên ta sống viễn ly” - có phải người sống viễn ly như vậy tu toàn pháp quán tưởng Định Vô Lậu, không có cảnh để buông xả, ly dục ly ác pháp?”

Không phải. Đây Thầy nói chữ: “Thưa Thầy, câu “vì vô minh nên ta sống viễn ly”” - ở đây thì các con thấy cái vô minh là một phần của nó làm chúng ta mờ mịt, không có rõ, nhưng còn một cái rõ, một cái viễn ly ở đây là viễn ly cái tâm ham muốn nữa, rồi viễn ly cái lòng vô minh nữa.

Viễn ly cái vô minh là chúng ta phải nỗ lực, chúng ta phải thông hiểu những gì chưa thông hiểu. Còn viễn ly cái lòng ham muốn của chúng ta là dứt bỏ những gì mà chúng ta cần dứt bỏ.

Rồi viễn ly những cái gì mà đã là thói quen chúng ta đó, thì nó trở thành những cái thói quen thì chúng ta phải trau dồi cho cái tâm đức của chúng ta nó trở thành những cái đó nó thuần thục thêm. Cho nên đó là cái lý để mà nói chúng ta viễn ly.

“Có phải người sống viễn ly như vậy tu toàn pháp quán?”

Không phải. Không phải toàn là pháp quán mà nó nhiều pháp nó mới có thể viễn ly. Nhưng mà đầu tiên, thì cái gì viễn ly đầu tiên trước? Tức là chúng ta phải viễn ly về cái ăn, cái ngủ, cái độc cư.

Chúng ta phải viễn ly nó, thì viễn ly, thí dụ như bây giờ mình ăn ngày ba bữa thì mình viễn ly ra, mình bớt, ăn còn có một bữa. Rồi mình ăn một bữa mà mình còn thèm, mình ăn nhiều, do đó mình viễn ly cái thèm, cái ăn ít lại. Do cái sự viễn ly đó lần lượt cái sự viễn ly nó đi từng bậc từng bậc cho nó đến.

Rồi bây giờ cái tâm mình còn ham muốn sửa sang đẹp đẽ hay hoặc là còn trang điểm, hay còn thích vật này vật kia, thì mình viễn ly cái lòng ham muốn đó, mình phải viễn ly. Mà cái tập viễn ly đó nó nhiều cái thứ viễn ly lắm, nó xa lìa vật chất cái này cho đến cái nọ, nó đủ mọi mặt cái sự viễn ly.

(34:38) “Có phải sống viễn ly như vậy là tu pháp quán?”

Quán cũng là một điều tập cho chúng ta viễn ly. Mọi cái chúng ta đều là có cái sự tu tập để mà viễn ly hết. Tu cái Định Vô Lậu cũng là vốn để chúng ta viễn ly cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình. Tất cả mọi cái pháp môn đều là giúp chúng ta viễn ly ra đó, xa lìa ra đó.

“Khi ra đi giữa chợ họ còn thèm ăn, ai chửi mắng họ còn tức giận, và tham, sân, nghi, mạn họ còn hay không, một phần cũng là do thói quen.”

Cho nên ở đây cái thói quen thì chúng ta cũng phải tập viễn ly cái thói quen, nhưng mà chúng ta phải tập dứt bỏ. Chúng ta phải tập xa lìa, chúng ta phải trau dồi, rồi phải có những cái tu tập, rồi có cái thì chúng ta phải thông hiểu.

Thông hiểu thì nó mới phá dần cái vô minh, còn mình không thông hiểu thì vô minh nó càng nhiều. Cho nên có những cái thông hiểu để cho nó không có vô minh.

“…​một phần cũng do thói quen. Còn người sống chung đụng có cảnh để họ buông xả, ly dục ly ác pháp, kiềm chế tâm mình liên tục, như không nói chuyện, không ăn phi thời, không nổi sân, không kiêu căng hống hách, không nghi ngờ ai. Có nhiều cảnh người ta giải quyết không nổi khiến người ta đau khổ, nên họ thích sống viễn ly để xa lìa cảnh đó.”

Ở đây người ta nghĩ viễn ly là mình sống tách biệt ra cũng như sống độc cư, như Thầy cho quý thầy sống độc cư vậy. Không phải. Viễn ly là trong khi mình sống chung như thế này này, mình viễn ly cái tâm của mình, chớ không phải là viễn ly xa lìa người ta, hay hoặc là xa lìa cảnh động.

(36:16) Như bây giờ đó, mình sống mình tu tập viễn ly là tất cả các pháp đều là giúp cho chúng ta viễn ly, mà viễn ly đây là viễn ly cái mục đích của tâm chúng ta.

Nhưng bây giờ chúng ta còn yếu thì chúng ta tập cái viễn ly của chúng ta là sống ở trong cái cảnh yên tĩnh một chút, để không ở trong cảnh động thì cái tâm của chúng ta nó khó mà có thể giữ gìn nó được, cho nên chúng ta cũng viễn ly cảnh trước rồi chúng ta…​

Cũng như Đức Phật muốn dạy chúng ta tu cái định Chánh Niệm Tỉnh Thức hoặc là tu các pháp thì Đức Phật dạy chúng ta phòng hộ sáu căn trước. Các con thấy không, phải dạy cái đó trước chớ.

Nếu mà không phòng hộ sáu căn thì các con đi ra đường các con ngó qua ngó lại, về nhà thấy đủ thứ hết, trong đầu dính đủ thứ hết, bây giờ xả ra biết chừng nào xả cho hết?

Cho nên muốn viễn ly nó thì đầu tiên là chúng ta phải ngó xuống đất, không có được ngó qua ngó lại, phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Đừng có nghe chuyện gì bên ngoài xung quanh mình mà hãy nghe và hãy thấy ở dưới bước chân mình đi mà thôi, gọi là phòng hộ sáu căn.

Do đó khi mình đi khất thực hay hoặc mình đi đâu mình về tới nhà, trong đầu của mình con mắt cũng không thấy gì, cái lỗ tai cũng không nghe gì hết, cho nên khỏi có xả gì hết gọi là phòng hộ sáu căn.

Đó cũng là pháp viễn ly. Viễn ly làm cho nó đừng dính vô gọi là viễn ly, chớ không phải là mình sống xa cái cảnh mà viễn ly.

Cũng như bây giờ thay vì cái cảnh mà ở trong cảnh động ngay bây giờ chúng ta tu khó quá, cho nên chúng ta tập sống mỗi người một cái thất, không có ở chung nhau thì đó cũng là cách thức tập viễn ly cái hoàn cảnh.

Rồi lần lượt chúng ta lại sống chung đụng nhau công việc này công việc kia, nhưng mà chúng ta viễn ly cái tâm của mình, viễn ly cái tâm tham, viễn ly cái tâm sân, viễn ly cái tâm nghi, mạn, viễn ly cái tâm tị hiềm, ganh ghét để cho tâm mình không có tị hiềm, ganh ghét. Đó là những cái tập viễn ly.

Do cái chỗ này thì chúng ta tuần tự, chúng ta càng ngày càng tới, cho nên chúng ta không bị dính mắc nữa. Đó là chúng ta đã viễn ly.

“Sau thời gian tu tập, họ ra đi đụng cảnh đó họ còn đau khổ nữa hay không?”

Khi mà họ đã viễn ly xong và họ đã tu đến cái Định Vô Lậu, chứng được cái lý vô lậu rồi, hay hoặc là họ đã chứng được cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã rồi thì họ không còn dính mắc nữa, thì cái sự viễn ly là cái sự sống của họ rồi. Cho nên đối với các cảnh mà đến với họ nó không có dính họ nữa, cho nên đó là viễn ly, cho nên họ đâu còn đau khổ nữa.

Cũng như bây giờ chúng ta mới đầu chúng ta tập viễn ly cái tham, hay hoặc là viễn ly cái tâm sân của mình thì bắt đầu mình phải phòng hộ sáu căn, mình giữ gìn, mình đừng có cho tiếp duyên, mình đừng nói chuyện, sợ nó xảy ra chuyện này chuyện kia cái tâm mình nó dễ sân.

Sau cái thời gian mà tu tập, mình dùng cái Định Vô Lậu đó mình quét sạch cái tâm tham đi, cái tâm sân của mình đi, cái tâm sân bây giờ nó không còn sân nữa rồi, do đó bắt đầu bây giờ đó mình đụng, mình đến mình tiếp xúc với mọi người, người ta chửi mắng mình, mình thấy cái tâm mình nó không sân, tức là mình đã viễn ly cái sân được rồi.

(39:07) Còn hồi đó thì mình chưa dám, cho nên vì vậy đó mình không dám nói chuyện, mình rất cẩn thận, nói ra sợ người ta chửi mình cái chết được, thế nào mình cũng không có thoát khỏi cái sân. Cho nên bây giờ mình cố mình phòng hộ, mình giữ gìn cho mình đừng có bị dính trong cái pháp sân.

Do đó sau cái thời gian mà giữ gìn như vậy để cho mình tu cái Định Vô Lậu. Khi mà cái Định Vô Lậu nó quét sạch cái tâm sân nó ra rồi thì lúc bấy giờ, mình biết cái tâm sân của mình nó đứng trước các đối tượng người ta có mắng chửi hay hoặc làm gì mình không có sân nữa, thì lúc bây giờ đó mình đâu có còn đau khổ nữa, vì vậy mình biết rằng mình đã viễn ly cái tâm sân rồi.

Con thấy cái chữ viễn ly nó rộng lắm chớ nó không phải…​ Người mới tu thì nó vẫn có cái sự viễn ly nó để mà phòng hộ, để giữ gìn. Sau khi tu chứng rồi, hoàn toàn nó ngộ được cái lý, nó chứng được cái lý nó rồi thì cái tâm sân nó hết rồi.

Cái tâm sân nó hết thì tức là lúc bấy giờ chúng ta mới đối cảnh chúng ta thấy không có sân nữa, tức là chúng ta đã viễn ly, tức là xa lìa cái tâm sân hoàn toàn, cho nên cái sân nó không có ở trong tâm ta nữa gọi là viễn ly.

Còn nếu mà nó còn thì tức là chúng ta chưa có viễn ly nó, mà chưa có viễn ly nó thì tức là chúng ta cần tu cái Định Vô Lậu nữa, để cho nó chứng được cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã đó, cho nên cái tâm của chúng ta nó quét sạch cái Ngũ Triền Cái đi, cho nên cái tâm sân nó không còn nữa.

“Hay là tâm họ đã như như bất động?”

Không thể. Nói “tâm như như bất động” là nó phải trải qua, chứng ngộ được một cái lý của Phật pháp rồi, thì nói “như như bất động” là một cái tên.

Nhưng mà sự thật ra chúng ta đã viễn ly cái tâm đó, viễn ly cái tâm tham thì lúc bấy giờ chúng ta không còn tham ái tức là không còn buồn rầu, khổ não hay suy tư cái này, hay tham muốn cái kia, tức là viễn ly cái đó rồi. Bây giờ hết cái sân thì tức là viễn ly (cái sân), hết cái si thì tức là viễn ly cái si, hết cái ngã mạn tức là viễn ly cái ngã mạn.

Mà tất cả những cái viễn ly hết, gồm lại thì người ta gọi là tâm như như bất động, hay là trước các pháp tâm bất động giải thoát, hay hoặc gọi là mục đích của Phạm hạnh, cái mục đích tâm bất động giải thoát là Phạm hạnh.

Đó thì những cái tên đó đều gọi cho cái chỗ tâm bất động của chúng ta mà thôi, nhưng mà đây là gồm chung, nó gồm chung hết chớ không phải là một, nó gồm chung hết.

(41:23) “Thưa Thầy! Hai cảnh trên, nơi nào người ta tu mau đạt kết quả sớm?”

Sự thật ra tu mau hay sớm là do cái chỗ mà mình tu đúng và vừa với cái sức của mình tu thì nó rất mau viễn ly.

Và khi mà ngộ được thì hoàn toàn nó, toàn bộ tham, sân, si, mạn, nghi đều là quét sạch hết, thì lúc bấy giờ gọi là như như bất động, hay gọi là Phạm hạnh, hay hoặc gọi là tâm giải thoát bất động, thì tất cả những cái này sớm hay mau đều là do cái người đó có nỗ lực, siêng năng, hằng ngày có tập cái Định Vô Lậu hay không.

Vì siêng năng hằng ngày mà chúng ta tu tập cái Định Vô Lậu thì mỗi ngày nó thêm một chút thì nó thấm nhuần được cái lý vô lậu của nó, nó làm cho cái nhận xét, cái hiểu biết của chúng ta càng ngày càng thấm nhuần cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã của Phật đã dạy.

Nó làm cho chúng ta biết rõ ràng các pháp trong thế gian này đều là vô thường, không có một cái thứ gì mà thường, vì vậy mà chúng ta không còn bị lầm chấp cái kiến chấp nó nữa, cho nên chúng ta hết cái vô minh, làm luôn luôn lúc nào trước mắt chúng ta cũng có cái minh, và thấy rõ các pháp đều là vô thường, lúc bấy giờ ai chửi chúng ta cũng thấy nó là vô thường cho nên chúng ta không còn phiền não, giận hờn, vì vậy đó là chúng ta đã ly.

Do cái chỗ mà siêng tu thì chúng ta mau có kết quả. Còn chúng ta thấy nó phải tu cái định Hiện Tại An Lạc Trú hơi thở nhiều để nhập định mà không tu cái này, mà tu sơ sơ, tu ít thì nó có cái thời gian rất dài nó mới có thể viễn ly được.

Mà chữ viễn ly ở đây Đức Phật gồm lại để cho chúng ta thấy rằng cái ly dục ly ác pháp đó là chính cái chỗ viễn ly.

1.11- NÊN NỖ LỰC TU ĐỊNH VÔ LẬU

(43:13) “Qua cái ý nghĩ thô sơ của con cũng còn sai trái, kính xin Thầy chỉ dẫn cho con lần cuối cùng để con an tâm nắm vững bước đi trên đường tu tập!”

Đó là những điều mà thầy đã dạy ở đây cho Hải Tâm con nhận xét thấy, nỗ lực tu về cái Định Vô Lậu càng nhiều thì tâm con sẽ được giải thoát và như như bất động.

Bởi vì trên cái sự tu cái Định Vô Lậu nó có bốn cái chỗ mà các con nêu ra để tu: Lấy cái thân để mà chúng ta quán xét, lấy cái thọ để mà chúng ta quán xét…​

Mà cái thọ thì luôn luôn lúc nào nó cũng có cái đau khổ ở trong thân tâm của chúng ta, do đó chúng ta lấy nó mà đặt thành một cái niệm để quán xét thấy thọ từ đâu đến, nó vô thường, nó khổ như thế nào, nó vô ngã như thế nào.

Đó thì chúng ta quán xét để thông suốt. Mà khi thông suốt rồi thì Ngũ Triền Cái và Thất Kiết Sử nó sẽ bị quét sạch, nó không có còn ở trong tâm ta nữa.

Cho nên siêng năng càng tu cái này bao nhiêu thì cái tâm chúng ta được giải thoát bấy nhiêu, và nó chấm dứt luân hồi là ở cái nhân này chớ không phải ở cái quả của thân chúng ta đang có.

Đó là thông suốt được như vậy thì hằng ngày chúng ta tu Tứ Bất Hoại Tịnh, và hằng ngày thì chúng ta nỗ lực đặt cái niệm trước (mặt) để tu cái Định Vô Lậu thì kết quả đem đến cho mấy con Thầy thấy rất là rõ nét và cụ thể cho sự giải thoát của mình.

2- THƯ TÁC BẠCH CỦA TU SINH DIỆU HOA

(44:36) Ở đây có cô Diệu Hoa thưa hỏi Thầy:

“Con kính bạch Thầy!

Lời Thầy đã dạy là khóa hạ an cư này là khoá cuối cùng của Tu viện, đồng thời cũng là ngày chia tay thầy trò để Thầy ra đi ẩn bóng. Con cúi xin Thầy hoan hỷ cho con được thổ lộ tâm tư kể từ khi được gặp Thầy xin cầu pháp.

Buổi đầu ấy vào năm Giáp Tuất 1995, trong lúc đó có bốn chị em chúng con kể cả cô An Tịnh và chú Chánh Trực. Khi đó trong viện chưa có nữ vào tu, chúng con có ra hỏi cô Út thì cô Út nói Thầy không nhận nữ. Thầy dạy chúng con về tu tại gia, pháp môn lập đức, lập hạnh, in kinh ấn tống để hồi hướng cho cha mẹ vào ngày giỗ, phóng sinh, giúp đỡ những người tàn tật, yếu đau, không lễ bái, cúng dường rườm rà, mê tín, u mê v.v.. Sau khi ra về chúng con đã y lời Thầy dạy và đã thực hành.

Tiếp đến tháng 8 năm Ất Hợi con lại được tái khóa vào Thầy. Lúc này con tự đi một mình vào Thầy cầu pháp tu hơi thở, Thầy đã dạy cho tu một phút bằng 20 hơi thở. Con về thực hiện, dần dần con cảm thấy có kết quả. Hằng tháng con vào Thầy xin ở lại Tu viện mỗi lần từ 2 đến 7 ngày tập thở cho có kết quả và tập theo nếp sống hằng ngày ở Tu viện. Trong những ngày ở đó, con đã theo được từ giờ giấc tu và ăn ngủ.

(46:38) Và vào kỳ giáp Tết năm Bính Tý con cũng được Thầy và cô Út cho con ở lại để dự cái Tết mùa xuân vĩnh cửu của nhà Phật. Qua tết đó con phải về Hà Nội để làm bổn phận 5 năm một lần với cha mẹ đã quá cố, và bổn phận làm người em út đối với các chị đã làm.

Với năm đó con bị đau bệnh triền miên, đôi lúc con cơ thể có hiện tượng khác lạ, cảm như khó qua được, do đó con mới viết thư vào bạch Thầy. Thầy gửi cho con 3 lá thư trả lời thưa hỏi của con.

Nay con còn lưu lại 3 lá thư đó để truyền lại cho các cháu mai sau. Con y lời trong thư Thầy dạy và thực hiện ám thị khi đau bệnh và ăn uống, thuốc thang, nghỉ ngơi cho mau lành rồi tu tập trở lại.

Bạch Thầy! Con thấy kết quả và hằng ngày con thầm mong chóng bình phục lại sức khỏe, với tâm con nguyện theo Phật, theo Thầy.

Con kính bạch Thầy!

Kể từ ngày đầu con muốn vào Thầy, con có niềm tin thật tâm của con đến Thầy với lý do con đã đi cầu pháp nơi này nơi khác với chị với em mà chưa có nơi nào dạy về tu mà được cặn kẽ như Thầy. Thầy đã đối xử và dạy chúng con thật là hơn người cha đẻ.

(48:21) Con thầm biết ơn Thầy, con xin phép Thầy cho con được phép bộc lộ:

Con đi cầu đạo nhiều nơi

Phúc duyên con may gặp được Thầy dạy tu

Đạo gốc của Phật là tu giải thoát

Bao tháng năm Thầy học tỏ tường

Bản thân kinh nghiệm rõ ràng

Nguyên thủy kinh điển gốc nguồn mở ra

Thầy đã suy nghiệm kinh qua

Sống như Đức Phật sống để tu

Giới - Định - Tuệ, Tam Vô Lậu Học

Đức Phật truyền một mực Thầy theo

Y ba món, Thầy chuyên tra cứu

Quyết một lòng tu tập không lầm

Độc cư hạnh quá rõ ràng

Từ Giới đến Định Thầy hiểu rõ sâu

Uyên thâm lời Phật nhiệm màu

Đạt định phát tuệ, Thầy hiển ngộ cho đích thực

Rồi Thầy vô Chánh Định, nhập nhiều ngày xuất định

Trọn vẹn đạt rồi Thầy ghi pháp môn

Nay truyền từng pháp, dạy con dần dần

Từng pháp một, con vâng lời dạy

Nguyện hết lòng theo gót Thầy đi

Một là lãnh pháp tu trì

Tại gia giữ giới con ghi tại lòng

Đức hạnh tu được viên dung

Đủ duyên xin nhập Tu viện

Cúi xin Thầy từ bi tế độ

Dạy bảo con đến ngộ hoàn toàn

Ngộ được ân Phật một niềm

Cùng với một dạ kính ơn đến Thầy.

Con kính Thầy!

Con Diệu Hoa

3- MUỐN THỰC HÀNH ĐÚNG PHẢI HIỂU ĐÚNG

(50:13) Ở đây thì con có cái bức thư gởi đến Thầy thì đây cũng là cái duyên mà nỗ lực tu tập. Thầy thấy những cái bức thư mà con gởi đến thăm Thầy có nói đến cái sự bệnh đau của con, thì Thầy cũng tùy theo Phật pháp mà dạy cho con thực hiện để cho con được an cái tâm, trợ giúp cho lúc mà con trị bệnh.

Thì may ra con thực hiện đúng lời Thầy dạy thì đúng là con có cái kết quả đó là do chính con, chớ không phải Thầy ban bố cái phước báu đó cho con được, mà chính con đã thực hiện đúng cái lời dạy.

Mà lời dạy đó của Phật chớ không phải là của Thầy, Thầy chỉ hiểu cái kinh nghiệm đó để dạy lại cho con mà thôi, mà con thực hiện đúng thì con có kết quả.

Cũng như hôm nay mà các con đã tu tập thấy được kết quả đó, là do cái hành trì của các con làm đúng lời dạy của Thầy. Chứ nếu mà các con tu sai thì Thầy dù có nói cách gì đi chắc cũng là không có đạt được.

Cho nên các con nỗ lực, những cái gì mà Thầy đã dạy ở trong cái giáo án hôm nay, các con tập từ cái nào mà…​ Bây giờ, những cái lúc mà còn gặp Thầy thì các con hỏi cặn kẽ hết đi. Chớ còn nếu mà khi Thầy về Đà Lạt, lên Trúc Lâm hay hoặc là ở một nơi nào đó thì lúc bấy giờ các con không có còn gặp Thầy nữa đâu.

Vì vậy mà cái thưa hỏi của các con là cái cần thiết lắm các con mới có hỏi Thầy. Mà những cái mà các con phải nói rằng còn sơ sót, chưa biết là mình tu cái đó như thế nào nữa, nghĩa là biết nó như vậy, Thầy có dạy nó kết quả như vậy, nhưng khi mà thực hành nó lộn xộn lắm, nó không biết.

Như hồi nãy thì Hải Tâm hỏi Thầy: Tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì chúng ta có cần tu cái Định Vô Lậu hay không?

Đó thì các con thấy, đó là những cái thực hành rồi mới thấy được cái khó của nó ở chỗ đó, khi dường như là tu Bất Hoại Tịnh thì nó cũng gần giống như cái Định Vô Lậu chớ gì? Nhưng nó khác xa các con, chớ không phải gần đâu.

(52:09) Cái này nó phá cái đối tượng của nó trước cái hiện tại, còn cái kia nó phá tất cả những cái lậu hoặc của chúng ta từ ở trong cái quá khứ, vị lai và hiện tại.

Cho nên cái Định Vô Lậu nó phá cả ba cái thời gian chớ không phải trong một cái thời gian. Nó làm chúng ta cái tâm như như bất động ở trong ba cái thời gian của nó trong hiện tại và quá khứ, vị lai.

Còn cái niệm Phật, cái pháp Tứ Bất Hoại Tịnh nó giúp cho chúng ta đối với cái hiện tại là lôi đầu nó cứ ra niệm Phật, cho nên trong hiện tại là hoàn toàn là nó không bị dính mắc vào.

Cũng như các con muốn cất cái nhà của mình mà không có ai xâm chiếm vào được thì các con phải xây một cái hàng rào cho kín đáo, cũng như là làm một cái tường thành vĩ đại thì không ai mà vô chiếm trong cái nhà của các con được, thì cái Tứ Bất Hoại Tịnh là cái pháp đầu tiên,

Trước khi muốn cất cái nhà thì các con phải làm cái hàng rào bảo vệ cái nhà đó, cho nên cái hàng rào chắc bao nhiêu thì trộm cướp nó không vô lấy được đồ ở trong nhà của các con.

Cho nên cái Tứ Bất Hoại Tịnh nó như cái rào, mà cái Định Vô Lậu là như cái nhà của các con. Cho nên hiểu như vậy thì hai cái pháp này nó không có giống nhau và nó có cái sự hỗ trợ cho nhau nhiều.

Cái hàng rào nó bảo vệ cho cái nhà cho nên cái nhà nó còn nguyên vẹn, nó không bị trộm cướp, nó không bị hư hao là nhờ cái hàng rào. Mà hàng rào càng chắc bao nhiêu, cái hiện tại càng chắc bao nhiêu thì cái quá khứ nó đâu còn có, cho nên cái vị lai nó cũng đâu còn.

Cho nên hai cái thời kia nó bị phá vỡ trong cái pháp đầu tiên rồi, cho nên cái lậu hoặc các con chỉ còn quét những cái quá khứ từ nào thôi chứ còn cái hiện tại nó đã đập ngay từ ngoài cửa rồi, cho nên cái đó là cái an ổn nhất.

Bây giờ thì các con tiếp tục nghe những cái lời mà hồi sáng Thầy đã từ giã các thầy. Cũng như là bây giờ, như hồi nãy cô Cảnh có một cái lời coi như là thầy trò còn gặp nhau trong những cái phút ngắn ngủi này mà thôi. Do vì vậy thì các con sẽ nghe lại những cái lời từ giã của Thầy để các con thấy cái gì mà Thầy nhắc nhở các con ở trong cái lời dạy đó.

Bây giờ thì Thầy có những cái phận sự khác, Thầy phải lo làm công việc khác thì các con ở đây mà nghe băng, rồi lại ghi chép những cái điều mà Thầy nhắc nhở các con. Đến đây Thầy xin dừng lại.

4- TRẢ LỜI 15 CÂU HỎI CỦA TU SINH CHƠN THÀNH

(54:27) Bây giờ để Thầy trả lời 15 câu hỏi của thầy Chơn Thành, thầy hỏi trong cái vấn đề mà qua cái kinh nghiệm tu tập Thầy thấy đây cũng là cái phần lợi ích để rút tỉa những cái kinh nghiệm này để giúp cho các con tu tập.

Vậy thì các con nên lắng tai nghe để rút tỉa những cái điều mà mình chưa biết để mình biết tu tập, mà mình đã biết thì mình lại rõ thêm hơn.

1) CÁCH TU TẬP VÀ THỜI ĐIỂM TU HIỆN TẠI AN LẠC TRÚ ĐỊNH

(55:05) Câu 1: Thời điểm tu tập An Lạc Trú Định tốt nhất…​

Hỏi cái lúc, cái thời điểm nào mà tu tập cái Hiện Tại An Lạc Trú mà tốt nhất, đó là cái câu hỏi. Thì đây là cái câu hỏi đây:

Cách tu tập Hiện Tại An Lạc Trú, và thời điểm nào tu tập tốt nhất?

Thầy trả lời câu hỏi đó:

Thời điểm tu tập Hiện Tại An Lạc Trú tốt nhất là lúc tâm định tỉnh, không bị mê mờ, sau khi ngủ một giấc, thức dậy đi kinh hành hoặc là tập luyện một vài đòn võ thuật, hoặc là tập luyện thể dục để cho thân và tâm tỉnh táo rồi mới tu tập.

Thời gian tu tập thì từ lúc 1 giờ khuya cho đến 2 giờ khuya, 3 giờ là cái thời điểm tu tập tốt nhất Hiện Tại An Lạc Trú Định.

Cách thức tu tập của định này thì nương theo hơi thở ra hơi thở vào, dùng pháp hướng tịnh chỉ khẩu hành, thân hành và ngôn ngữ hành để nhập các định đó.

2) CÁCH TU TẬP VÀ THỜI ĐIỂM TU ĐỊNH SÁNG SUỐT

(56:34) Câu 2: Xin Thầy cách tu tập Định Sáng Suốt và thời điểm cần tu tập nó?

Thầy trả lời:

Dùng pháp hướng giữ tâm thanh thản, bất kỳ ngồi tư thế nào cũng tốt.

Thời điểm tu định này tâm phải tỉnh táo, không được mê mờ, buồn ngủ. Trạng thái tâm này là người tỉnh thức trong Sơ Thiền.

Nghĩa là các con phải nhớ rằng, cái trạng thái thanh thản tâm là cái người đó phải ly dục ly ác pháp cho nên nó mới được thanh thản. Còn chưa ly dục ly ác pháp thì khó mà thanh thản.

Nhưng chúng ta cũng có thể tập thanh thản, vô sự trong 1 phút đến 5 phút, rồi lần lượt chúng ta dùng pháp hướng mà dẫn cái tâm chúng ta thanh thản.

Cộng thêm thì chúng ta lần lượt để tu tập cái Định Vô Lậu để cho nó ly dục ly ác pháp cho sạch thì chừng đó cái tâm thanh thản nó kéo dài từ ngày này sang ngày khác.

3) THỜI KHÓA TU TẬP THEO ĐẶC TƯỚNG CỦA MỘT VÕ SĨ

(57:41) Câu 3: Xin Thầy cho con thời khóa tu tập và theo đặc tính riêng của mình.

Thầy trả lời. Đây là trả lời theo cái đặc tướng riêng của Chơn Thành là một võ sĩ, nên Thầy tùy đó mà Thầy chỉ cách thức qua cái đặc tướng riêng đó mà dạy.

Đặc tướng của một võ sĩ, con phải theo giờ giấc luyện võ mà phân thời khóa tu tập thiền định.

Dựa vào cái thời gian tu tập võ nó làm cho mình sức tỉnh thì mình tu tập, rất tốt cho con đường thiền định, nó không có sao hết.

4) PHÁP HƯỚNG TÂM VƯỢT QUA NGUY HIỂM

(58:30) Câu 4: Xin Thầy cho con một pháp để khi gặp nguy hiểm cần Thầy cứu giúp.

Thầy trả lời:

Khi thân tâm con đã giữ thanh tịnh 10 giới không có vi phạm, khi gặp nguy hiểm con chỉ cần hướng tâm nhắc lên: “Thân tâm ta thanh tịnh, không phạm 10 giới, vậy thần hộ giới phải bảo vệ ta vượt qua nguy hiểm này!”

Đó là chúng ta gặp những cái nguy hiểm thì chúng ta nhờ cái giới luật thanh tịnh của thân tâm thì thần hộ giới luật sẽ bảo vệ chúng ta vượt qua những cái nguy hiểm.

Cho nên các con yên tâm, khi chúng ta giữ giới nghiêm tịnh là không có cái sự nguy hiểm nào mà có thể làm chúng ta khổ, làm hại chúng ta được.

5) PHÁP HƯỚNG XẢ NGHIỆP THÂN BỆNH TẬT

(59:22) Bây giờ đến:

Câu 5: Xin Thầy cho con một pháp để xả thân nghiệp tật bệnh.

Thầy trả lời:

Nếu gặp thân bệnh tật, con nên dùng pháp hướng: “Ta tu hành ba nghiệp thanh tịnh, tại sao nghiệp thân còn bệnh tật? Ấy là ma nghiệp. Ta biết rõ mặt ngươi là ác ma, hãy đi đi, không thể động đến thân nghiệp thanh tịnh của ta được!”

Đó là cái điều kiện dùng cái pháp hướng mà người giữ gìn giới luật thanh tịnh thì dễ đuổi cái ma nghiệp thọ nó làm cho chúng ta bệnh tật. Chỉ cần dùng cái pháp hướng là đủ có thể đuổi ma nghiệp ra khỏi cái thân thanh tịnh của chúng ta.

6) CÁC TRẠNG THÁI TỐT, XẤU KHI VÀO TỨ THIỀN

(01:00:13) Câu 6: Xin Thầy cho con biết về khi tu mà vào được Tứ Thiền, các trạng thái xảy ra tốt, xấu và cách xử lý.

Thầy trả lời câu 6:

Trạng thái Tứ Thiền hơi thở ngưng, các hành và hơi thở ngưng, âm thanh không còn nghe, các cảm thọ không còn biết, chỉ còn một tâm tỉnh thức rất cao.

Đối với trạng thái Tứ Thiền, còn âm thanh, còn cảm giác, bất cứ cảm giác nào đều là xấu hết.

Nghĩa là trong khi muốn nhập vào Tứ Thiền mà còn có một cảm giác, còn có một âm thanh, còn có cái động dụng gì ở trong thân của chúng ta hay hoặc ngoài thân của chúng ta thì đều là không phải Tứ Thiền, đều là xấu.

Cho nên phải nằm trên cái lộ trình, con đường đi vào Tứ Thiền, tiếp tục mà hướng tâm xả nó nữa cho sạch những cái trạng thái đó để hoàn toàn có một trạng thái thanh tịnh, yên lặng, vắng lặng duy nhất của Tứ Thiền mà thôi.

7) PHÁP HƯỚNG LẬP NGUYỆN ĐI KHẤT THỰC

(01:01:23) Câu 7: Xin Thầy một pháp về đi khất thực.

Thầy trả lời:

Đi khất thực phải lập nguyện: “Hôm nay con nguyện lập hạnh đi xin ăn như Phật, vậy xin chư phật gia hộ cho con viên mãn hạnh này!”

Đó là cái câu pháp hướng, trước khi bước ra ôm bát mà đi khất thực thì chúng ta khởi cái pháp hướng để nhắc cái hạnh đi xin của chúng ta được cái sự gia hộ của chư Phật đều là hành cái chánh nghiệp đi xin ăn, bây giờ các Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua những cái khó khăn lúc đi xin ăn.

8) PHÁP HƯỚNG PHÒNG HỘ ĐẠO TRÀNG

(01:02:09) Câu 8: Xin Thầy cho con một pháp về phòng thủ đạo tràng để khi ở nơi sơn lâm cô quạnh không có tà ma ngoại đạo xâm phạm vào nơi tu hành.

Để trả lời câu 8:

Thân tâm con giữ gìn 10 giới thanh tịnh, muốn phòng thủ đạo tràng nơi con ở tu hành thì mỗi ngày con đi một vòng quanh đạo tràng, vừa đi vừa hướng tâm nhắc: “Thân tâm ta thanh tịnh, giới luật nghiêm túc chẳng hề vi phạm, vậy thần hộ giới phải phòng hộ đạo tràng, không cho tà ma ngoại đạo xâm phạm vào!”

Đó là hằng ngày khi chúng ta đến một cái nơi nào đó mà có vẻ là có tà ma ngoại đạo, có cái vẻ hung ác, khí độc thì chúng ta đi vòng vòng cái đạo tràng của chúng ta, rồi chúng ta dùng cái pháp hướng nhờ thần hộ giới phòng hộ cái đạo tràng cho chúng ta, làm cho tà ma ngoại đạo nó không xâm phạm được vào.

9) PHÁP HƯỚNG TU TỈNH GIÁC TRONG GIẤC NGỦ

(01:03:28) Câu 9: Xin Thầy một pháp về tu tỉnh giác trong giấc ngủ.

Thầy trả lời:

Trước khi ngủ con đặt niệm hơi thở ra và vô, dùng pháp hướng nhắc: “Tâm phải tỉnh thức trong hơi thở ra và vô, thân thì nằm yên ngủ, không được thức!” Đó là chúng ta muốn tập tỉnh thức ở trong giấc ngủ thì phải dùng cái pháp hướng đó.

10) KHAI GIỚI CẤT GIỮ TIỀN BẠC

(01:03:59) Câu 10:

Khi muốn cất giữ tiền đi tàu hoặc xe, con nên khai giới…​

Ở câu hỏi thứ 10 thì Chơn Thành hỏi Thầy là:

Con xin Thầy một pháp được cất giữ tiền bạc tạm thời trong khi đi tàu xe, mở ra và đóng vào.

Do đó Thầy dựa vào câu hỏi mà trả lời:

Khi muốn cất giữ tiền bạc để đi tàu hoặc xe, con nên khai giới không cất giữ tiền bạc: “Hôm nay con xin khai giới không cất giữ tiền bạc để đi xe cộ trên đường! Sau khi đến nơi đến chốn, con xin đóng giới không cất giữ tiền bạc lại.”

Rồi bắt đầu đến nơi đến chốn rồi, khi ở trên tàu xe thì cất giữ tiền bạc để mua vé xe, trả tiền xe, nhưng mà đến nơi đến chốn rồi còn lại bao nhiêu thì giao cho người khác, một cư sĩ, mà không được cất giữ tiền bạc vì sẽ phạm giới.

11) KHAI GIỚI ĐỂ LÀM THẦY THUỐC CỨU NGƯỜI

(01:05:17) Câu 11: Con xin Thầy một pháp chữa bệnh cấp cứu cho người bị lâm nạn nguy cấp trên đường đi gặp nạn, cách mở và đóng vào.

Câu thứ 11:

Khi gặp người bị bệnh…​

Thầy trả lời đó.

Khi gặp người bị bệnh cần phải cứu cấp, con mau khai giới liền: “Con xin khai giới dùng phương cứu người! Khi bệnh nhân được an ổn con đóng giới liền lại, không làm thầy thuốc nữa!”

12) 10 ĐIỀU LỄ NGHĨA

(01:06:05) Câu 12: Con xin Thầy chỉ dạy 10 điều lễ nghĩa trong đó có 4 điều theo thanh quy.

(Trả lời) câu 12:

Mười điều lễ:

1. Tôn kính lễ.

2. Sám hối lễ.

3. Tôn trọng lễ.

4. Hối lỗi lễ.

5. Đứng nơi thấp nói chuyện với thầy, với những bậc Trưởng lão.

6. Ngồi chỗ thấp nói chuyện với thầy, với những bậc Trưởng lão.

7. Trước khi nói chuyện với thầy và các bậc Trưởng lão phải chắp tay xá rồi mới nói chuyện.

8. Khi đi không được đi trước thầy và các bậc Trưởng lão.

9. Khi đi không được đi ngang thầy và các bậc Trưởng lão, phải đi sau.

10. Khi nói chuyện với thầy và các bậc Trưởng lão xong phải xá một xá rồi mới lui ra.

Đó là 10 điều lễ mà con đã hỏi.

13) CHỈ NÊN ĐỌC KINH SÁCH DO PHẬT THUYẾT

(01:07:20) Đây là cái câu hỏi thứ 13:

Câu 13: Con xin Thầy chỉ dạy nên và không nên đọc những kinh sách gì?

Để trả lời câu hỏi này, Thầy dạy:

Không nên đọc kinh sách Đại Thừa và Đông Đđộ vì đó là những loại kinh sách do tưởng pháp viết ra, nên đọc kinh sách Nguyên Thủy và kinh sách A Hàm do Phật thuyết.

14) PHẬT DI ĐÀ VÀ PHẬT DI LẶC KHÔNG CÓ THẬT

(01:07:52) Câu 14: Con xin Thầy chỉ dạy Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật quá khứ A Di Đà và Phật Di Lặc vị lai. Vậy Phật Thích Ca thì ai cũng biết, còn phật Di Đà và Di Lặc thì thế nào? Có hay không có? Và bao giờ thì Phật vị lai sẽ xuất hiện?

Thầy xin trả lời cái câu 14 này:

Phật Di Đà và Phật Di Lặc là do tưởng tượng của người sau mà đặt ra, không có thật. Phật vị lai không bao giờ xuất hiện, chỉ có con người thế gian tu đúng theo đường lối của đạo Phật thì thành Phật chớ không có Phật xuất hiện nữa.

15) CÁCH XẢ THIỀN

(01:08:46) Câu 15: Con xin Thầy cách xả thiền vì con chưa thấy Thầy dạy xả thiền mà mới chỉ dạy tu thiền.

Đây Thầy trả lời câu số 15:

Tu chưa được thiền mà đòi xả thiền thì thiền đâu mà xả? Hay là xả thiền tưởng? Hoặc ngồi cho tê chân cẳng rồi xoa bóp chân cẳng gọi là xả thiền thì điều này quá quê mùa, quá là không đúng cách.

Thầy đã dạy xả thiền mà các con thì không có lưu ý hay là đã quên rồi? Thầy xin nhắc lại:

Khi hơi thở ngưng nghỉ nhập Tứ Thiền, muốn xả Tứ Thiền trở về tâm bình thường thì dùng pháp hướng phục hồi chức năng hoạt động của nó cho đến khi nó thở lại bình thường thì đó không phải là xả thiền sao?

Còn xoa bóp chân cẳng của con là đâu phải xả thiền, mà xả tê, xả nhức, xả thọ. Từ lâu các con xoa bóp chân tay, xoa mặt xoa mày, bóp nắn chân tay gọi là xả thiền.

Thiền gì mà tê chân tê cẳng giống như mấy người đấm bóp cho thiên hạ đau lưng, nhức mỏi đều gọi là xả thiền thì thật là vô minh! Trong kinh sách của Phật không có dạy xoa bóp là xả thiền, mà thời nay lầm tưởng bậy bạ gọi là xả thiền.

5- BỐN PHÁP CÓ NHIỀU TÁC DỤNG - KINH THẬP THƯỢNG

(01:10:44) Trước khi tiếp tục tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh Thân niệm Pháp, Thầy xin giảng tiếp những cái pháp rất là cần thiết, quý thầy nhớ kỹ để mà tạo dựng cách thức tu tập cách sống cho đúng cách.

Đây là những cái bài pháp cần thiết mà trước kia Thầy đã giảng cho quý thầy từ một pháp cho đến ba pháp, và đồng thời Thầy cũng có giảng cho đến bốn pháp nhưng chưa hết. Hôm nay Thầy lại giảng tiếp lại để cho quý thầy thông suốt và biết cách mà tu tập.

Này các thầy, có bốn pháp có nhiều tác dụng, có bốn pháp cần được tu tập, có bốn pháp cần phải biến tri, có bốn pháp cần phải đoạn trừ, có bốn pháp chịu phần tai hại, có bốn pháp đưa đến thù thắng, có bốn pháp rất khó thể nhập, có bốn pháp cần được sanh khởi, có bốn pháp cần được thắng tri, và có bốn pháp cần được tác chứng.

1) Thế nào là bốn pháp có nhiều tác dụng?

Đó là bốn bánh xe:

1. Ở giữa đất nước

2. Thân cận Thánh nhân

3. Chánh nguyện tự thân

4. Tạo phước trong quá khứ.

(01:12:41) Bây giờ Thầy giải thích để cho quý thầy hiểu rõ ở chỗ này. Bây giờ chúng ta phải hiểu bốn cái pháp có nhiều tác dụng, mà ở đây bốn pháp đó Phật gọi là bốn bánh xe.

Vậy thì cái bánh xe thứ nhất để mà chúng ta tu tập cho đạt được kết quả đó, đó là cái bánh xe gì? Đức Phật dạy cái thứ nhất, một người tu sĩ điều thứ nhất thì không nên ở nơi biên cương, ở cái nơi mà có giặc giã cướp bóc, cái nơi mà đói khổ, khó khăn, thường hay xảy ra chiến tranh.

Cho nên Đức Phật bảo một vị tu theo đạo Phật mà muốn đạt được kết quả tu hành tốt thì cần phải ở giữa đất nước, cái nơi mà không có chiến tranh, đừng có ở nơi biên cương, nơi cửa ải, nơi mà giặc hay xâm chiếm, hay đánh đập với nhau, hay chiến tranh, bắt đầu khởi sự có chiến tranh là cái nơi đó có giặc đến thì không nên ở đó, vì ở đó chúng ta bất an mà tu tập không được.

Cho nên Phật dạy ở giữa đất nước, tức là đất nước nào chúng ta ở giữa thì khi có giặc nó đến ở biên cương thì ở đây chúng ta cũng yên ổn chớ không có bất an.

Đó là cái pháp thứ nhất mà nó có nhiều tác dụng cho con đường tu tập của chúng ta. Nếu chúng ta ở yên được, không có giặc giã, trộm cướp thì chúng ta sẽ tu tập tốt. Còn tâm nó động, nó lo lắng giặc giã, nó lo lắng trộm cướp, ở nơi những biên cương nó có những cái tai hại như vậy.

Cái bánh xe thứ hai đó là:

2. Thân cận Thánh nhân

Bây giờ chúng ta chọn được cái địa điểm, chúng ta ở tốt, chỗ đó yên ổn, không giặc giã, không trộm cướp, ở nơi đó nó có cơm, đi khất thực sống dễ dàng, Phật tử người ta cúng dường mình cũng dễ dàng, tứ sự nó không có khó khăn, đó là cái nơi mà chúng ta chọn.

Còn bây giờ chọn xong rồi thì chúng ta phải thân cận với một bậc Thánh nhân, là một người đã tu xong, đã thực hiện cái pháp giải thoát, thoát ra khỏi sự đau khổ của bốn cái khổ đó là sanh, lão, bệnh, tử. Mình chọn cái bậc Thánh nhân đó mình thân cận, mình gần gũi họ.

(01:15:11) Chớ mình chọn một cái nơi yên ổn tốt rồi mà không có thân cận một bậc Thánh nhân thì cũng khó mà tiến bước trên con đường tu tập. Vì những bậc này là những người đã đi trước, họ sẽ giúp đỡ mình trên cái kinh nghiệm của họ mà dẫn chúng ta đi đến nơi đến chốn.

Nhưng có điều là chúng ta thân cận được thiện hữu tri thức thì chúng ta cần phải nghe lời dạy của thiện hữu tri thức, họ bảo như thế nào thì mình làm theo như thế nấy, và đồng thời mình noi cái gương của họ để mình bắt chước những cái sống của họ để mà chúng ta ly dục ly ác pháp mới đạt được cái kết quả.

Còn nếu mà mình sống gần một người Thánh nhân mà mình không có noi theo cái gương của họ mình tu tập, mình không có dựa vào cái lời dạy của họ mình tu tập, mình tu theo ý của mình, thì mình dựa vào cũng là mất công mà thôi.

3. Chánh nguyện tự thân.

Cái bánh xe thứ 3 là Đức Phật dạy tự thân mình phát nguyện mà tu, tìm lấy con đường giải thoát. Cái nguyện của mình chân chánh, quyết ra khỏi cái cuộc đời đau khổ này thì tự thân mình nó phải có một cái nguyện chân chánh như vậy.

Chớ còn mình quá khổ, mình chạy vô để mình tu thì cái điều đó mình tránh khổ ở đời để chạy vô chùa tu thì nó không phải là tự cái nguyện của mình để tìm lấy con đường giải thoát, mà đây là cái sự khổ chỗ này chạy tránh chỗ kia mà thôi, chớ không phải là giải thoát.

Cho nên người tu theo đạo Phật phải ý thức được cái vấn đề tu tập là phải tự nguyện, chánh nguyện cái thân của mình, tự thân của mình, mình nguyện là mình đi tìm con đường giải thoát, làm sao thoát ra khỏi cái thân đau khổ này, cái thân nhân quả này, để ra khỏi cái sự sanh tử luân hồi của nó.

Hằng ngày nó vô thường, nó thay đổi, nó làm chúng ta nhiều thứ khổ đau, cho nên chúng ta thấy được cái sự khổ đau đó, hiểu được cái sự khổ đau đó thì chúng ta chánh nguyện - cái nguyện chân chánh của chúng ta là quyết ra khỏi cái bản thân này, cái thân của chúng ta.

4. Tạo phước trong quá khứ

Luôn luôn chúng ta, hiện bây giờ hiện tại là chúng ta tạo những cái phước thì nó trở thành quá khứ. Chúng ta làm sao mà tạo những các cái thiện pháp để cho cái phước của chúng ta nó có mãi mãi trên cái bước đường tu tập.

Nếu chúng ta tạo ra ác pháp thì chúng ta không có tạo phước được, thì do đó nó có nhiều cái sự xảy ra làm chúng ta bất an trên cái bước đường tu tập.

Cho nên luôn luôn chúng ta cần phải có sự tạo phước thêm cho trong cái bước đường tu tập ở trong cái thời gian quá khứ để chúng ta được đầy đủ mà tu tập trên con đường của đạo Phật.

6- TẠM DỪNG GIÁO ÁN - BÀI KỆ HỒI HƯỚNG

(01:17:59) Hôm nay Thầy xin dừng lại. Sau những ngày cố gắng thuyết giảng giáo án, Thầy quá mệt mỏi.

Mỏi mệt vì người đời không biết tu, mỏi mệt vì người đời có nhiều tà kiến, không nhận ra Chánh Pháp của Phật, mỏi mệt vì chúng sanh không đủ phước duyên với Phật pháp, mỏi mệt vì có kẻ cuồng si tà kiến chống đối lại Chánh Pháp của Phật, tì thế Thầy không muốn giảng dạy nữa.

Người đời sao mà ít phước, không có đủ duyên theo pháp của Đức Phật, để rồi Chánh Pháp bị lu mờ và chôn vùi mất, khiến cho đời người càng lúc càng khổ đau.

Nhưng dựng lại Phật pháp, ai là người đã tin nó, đã theo nó mà thực hiện tu tập? Bao nhiêu tà kiến đã đầy ắp trong đầu óc họ, làm gì họ thấy được Chánh Pháp mà tu?

(01:19:07) Thôi đến đây Thầy dừng lại. Ba tháng hạ đã trôi qua quá nhanh, chúng ta chưa hoàn thành được giáo án. Vậy sau ba tháng hạ, Thầy sẽ tiếp tục giảng xong giáo án để không phụ lòng mong mỏi của quý thầy, bây giờ quý thầy cùng Thầy niệm bài hồi hướng:

Hôm nay chúng con

Được nghe giáo án

Của Đức Như Lai

Pháp lý rõ ràng

Pháp hành cụ thể.

Chúng con sinh ra

Được thân làm người

Được nghe Chánh Pháp

Hạnh phúc biết bao

Phước đức nhiều đời

Từ vô lượng kiếp.

Nhìn lại tất cả

Vô lượng chúng sanh

Đều chưa được nghe

Chánh Pháp Như Lai

Lòng của chúng con

Xót thương biết bao.

Nguyện cho pháp này

Phổ biến khắp cùng

Mỗi mỗi chúng sanh

Đều được nghe pháp

Lợi ích vô lượng

Người người an vui

Được thoát khổ vui

Sanh tử luân hồi

Kiếp này đoạn dứt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bây giờ quý thầy hãy đứng lên, chúng ta lạy chào nhau tạm biệt. Nếu còn đủ duyên, năm sau chúng ta sẽ gặp nhau trong những buổi học như thế này nữa.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./.

HẾT BĂNG