THIỀN HƠI THỞ
THIỀN HƠI THỞ
THIỀN HƠI THỞ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời lượng: 45: 47
(0:00) Trưởng lão:
Thầy giảng về Thiền hơi thở.
Quý Phật tử cùng Thầy niệm hồng danh Đức Phật.
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (3 lần).
Hôm nay Thầy dạy Phật tử:
1- Ổn định một hơi thở.
2- Giờ giấc tu hành.
3- Cách thức nhiếp tâm.
Trong ba phần này tu tập sẽ dạy quý Phật tử phần thứ nhất, chừng nào quý Phật tử biết cách sử dụng và ổn định hơi thở thì Thầy sẽ dạy tiếp phần thứ 2 và phần thứ 3.
1- ỔN ĐỊNH HƠI THỞ
Trước khi muốn ổn định hơi thở để tu tập thiền định, quý Phật tử cần phải hiểu rõ pháp môn hơi thở mà quý Phật tử sắp chọn để thực hành thiền định, thì phải biết có những lợi ích gì.
Nếu không rõ như vậy mà cứ tu tập đến khi kết quả đem đến sẽ không như ý muốn của mình thì rất uổng công tu hành hoặc chỉ có kết quả nhỏ không nhằm mục đích giải quyết sanh tử luân hồi thì cũng uổng một đời tu hành.
Nói đến thực hành thiền định thì phải nói đến những đề mục mà mỗi pháp môn tu hành nào cũng đều phải có. Dù pháp môn Tri vọng, tuy nói rằng không có pháp môn nhưng quý Phật tử phải hiểu nó vẫn phải có.
(02:30) Nhưng quý phật tử phải hiểu dó dẫn phật pháp Ở đây quý Phật tử phải để ý những đề mục tu thiền định, có khi có những đề mục có hình sắc cụ thể, nhưng cũng có khi có những đề mục có hình sắc trừu tượng hư ảo v.v.
Đề mục là một đối tượng để tập trung tư tưởng nhiếp tâm, cho nên người tu thiền định mà không có đề mục thì không thể nào nhiếp tâm được và như vậy không thể gọi pháp môn đó là thiền định. Bởi vậy đề mục tu thiền là một vấn đề quan trọng cho con đường thiền định và sự lợi ích của nó đối với hành giả. Vì vậy quý Phật tử phải chọn rất kỹ lưỡng đề mục. Đừng đụng đề mục nào thì cứ nhắm mắt mà tu bừa thì điều đó rất tai hại và không lợi ích.
1- Thứ nhất là phải thích hợp với sức tập trung của hành giả, nhờ đó mới có thể nhiếp tâm dễ dàng.
2- Lợi ích đúng theo con đường giải thoát của Đạo Phật.
3- Kết quả tu tập đúng với nguyện vọng tha thiết của hành giả.
Ví dụ người tu theo pháp môn Tịnh Độ chọn lấy câu niệm Phật làm đề mục nhiếp tâm.
Người tu theo thiền Công Án lấy Công án khởi nghi tình làm đề mục để nhiếp tâm.
Người tu thiền Tứ Niệm Xứ lấy Thân hành niệm làm đề mục để nhiếp tâm.
Người tu thiền Tri Vọng lấy tuệ tri làm đề mục để nhiếp tâm.
Người tu thiền Bảo Nhậm lấy sáu trần làm đề mục để nhiếp tâm.
(05:10) Còn tất cả các thứ thiền khác đều có mỗi đề mục của riêng nó. Có những loại thiền lấy đất, nước, gió, lửa hoặc tử thi v.v. làm đề mục để thực hành thiền định.
Ở đây quý Phật tử cần phải hiểu rõ thêm phần này. Vì mỗi đề mục tu thiền có khác nhau nên sự chứng đắc cũng phải có khác nhau. Vì vậy khi hành giả nhập định cũng có những định khác nhau, có thấp, có cao có tưởng, không tưởng v.v.
Chỗ này Thầy xin nhắc quý Phật tử, đừng khéo lý luận theo kinh sách Đại Thừa rồi tự dối mình, dối người Vô sở đắc. Nếu Phật tử nói VÔ SỞ ĐẮC tức là Phật tử đã kiến chấp vào ĐẮC VÔ SỞ ĐẮC.
Người tu hành phải thấy được kết quả lợi ích dù chưa được rốt ráo vẫn phải có. Kết quả đường tu hành của Đạo Phật là sự thành tựu giải thoát thân tâm khỏi triền phược, thoát vòng sanh lão bệnh tử, chấm dứt tái sanh luân hồi. Mọi người ai cũng muốn hướng về với Đạo Phật là hướng về với mục đích này.
(07:18) Cho nên đứng trên mục đích của Đạo Phật thì mọi người ai cũng nhắm đến hướng này, nhưng trên bước hành trình để thực hành thì muôn ngàn người đều lạc hướng, tức là mọi người đã hành sai, nên kết quả thành tựu của nó lại trật mục đích, vì thế mà quý Phật tử thường thấy hiện giờ Đạo Phật sản sanh nhiều bậc học giả, nhiều bậc luận giả, nhiều bậc triết giả v.v và v.v.
Quý Phật tử không bao giờ thấy được các bậc A la hán giải thoát thật sự. Nghĩa là thời đại chúng ta không còn có bậc A la hán. Tuy biết rằng mỗi đề mục tu thiền chỉ là những đối tượng để tập trung tư tưởng mà thôi.
Ở đây quý Phật tử phải hiểu những đề mục tu thiền được chia làm 2 nhóm.
1/ Nhóm thứ nhất trừu tượng.
2/ Nhóm thứ hai cụ thể.
Đề mục hơi thở và đề mục 6 trần thì thuộc về nhóm cụ thể. Còn tất cả các đề mục khác đều thuộc về nhóm trừu tượng. Đề mục hơi thở thì gom tâm lại nhưng vì hơi thở thường di động nên dễ thay đổi, khiến người tập trung vào hơi thở rất khó khăn. Vả lại hơi thở có nhiều cấp độ nên tưởng tức dễ xen vào khiến lạc hướng hơi thở, do đó vọng tưởng đánh vào làm lạc hướng nhiếp tâm.
(10:14) Đó là cái khó của bước đầu người tu thiền hơi thở dùng hơi thở để nhiếp tâm là như vậy. Nếu không được có một bậc Thầy có kinh nghiệm về hơi thở để hướng dẫn thì không dễ gì nhập định và luôn bị tưởng tức đánh gạt khiến thối chuyển tu tập và đạo tâm.
Đề mục 6 trần thì tản mát tâm, hành giả mới tu thì xem như đề mục rất cụ thể. Sau khi tu lâu lại bị tưởng thức xen vào tạo thành tưởng trần, do đó tu lâu ngày đề mục 6 trần thành sáu tưởng. Cho nên kết quả của nó khi nhiếp tâm không có vọng tưởng thì phải có một trạng thái tưởng trần xuất hiện.
Ví dụ khi nghe tiếng niệm Phật trong tai, trong đầu nhầm tưởng đó là vô niệm, âm thanh Niệm Phật đó là thanh tưởng. Khi nghe tiếng nói trong tai hoặc nghe thuyết giảng kinh điển, hoặc nghe lời dạy của chư Phật, chư tổ, đó đều là thanh tưởng; hoặc nghe tiếng kêu se se rồi theo đó nhiếp tâm không vọng tưởng thì tiếng kêu đó là thanh tưởng; thấy cảnh giới là sắc tưởng; nghe hương thơm là hương tưởng; cảm giác vị ngọt trong cổ là vị tưởng; cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng hoặc hỷ lạc là xúc tưởng; không đạt được định mà phát ra tuệ đó là pháp tưởng hay còn gọi là tưởng giả.
(12: 45) Người tu thiền mà rơi vào sáu thứ tưởng này là kết quả của những đề mục trừu tượng, vì thế mà họ không làm chủ được thân tâm, không giải thoát được sự đau khổ cuộc sống, không chấm dứt được sự tái sinh luân hồi, bởi tu sai thì kết quả không đúng con đường của Đạo Phật vì thế hầu hết các đề mục trừu tượng không đủ sức ức chế vọng tưởng nên thời gian hành thiền thỉnh thoảng xảy ra, có khi có mộng tưởng xen vào mà cũng có khi đang nhiếp tâm lại tưởng thức đánh lạc hướng khiến sự nhiếp tâm ở trong các tưởng trần rồi cho đó là miên mật hay pháp lạc.
Bằng chứng cụ thể cho những ai đã hành thiền lạc hướng sẽ nhận rõ trạng thái tưởng này vì là trạng thái tưởng nên khi có thì tự động có, mà lúc không thì không tìm được nó. Do đó thầy viện chủ tu viện Thường Chiếu dạy “Đêm 30 trời chớp lóe lên rồi mất”. Nếu người tu thiền định mà thường sống trong trạng thái hỉ lạc xúc tưởng thì pháp tưởng xuất hiện từ đó bắt đầu tưởng giải của họ thông suốt nghĩa lý kinh và công án.
Hình thức bên ngoài hành thiền, tọa thiền nhưng ở trong tâm thường quán tưởng, làm thơ, làm văn, thiền đạo và luận giải kinh điển. Người hành thiền này tưởng mình đã chứng đạo, trí vô sư xuất hiện.
(15:18) Mỗi lần thông suốt một câu kinh trong kinh sách Đại Thừa hoặc thiền ngữ thì họ cho đó là Tiểu ngộ hay Đại ngộ. Khi họ hiểu toàn diện các kinh điển Đại Thừa và tất cả các công án thì họ cho đó là Triệt ngộ mà cũng chính từ đó bản ngã của hành giả lớn dần lên, xem thiên hạ và các pháp môn khác chẳng ra gì. Họ thường luận giải, thích chống đối bài bác các pháp môn khác, dùng thiền ngữ và lý luận Bát Nhã tranh luận cao thấp hơn thua.
Những người tu những loại thiền có đề mục trừu tượng thì cũng giống như những người học Phật pháp vậy. Họ thích xây dựng kiên cố, thích chùa tháp đồ sộ như cung vàng điện ngọc của các vua chúa, tánh họ rất háo danh và đắm lợi nên thường luận giải viết nhiều kinh sách để quảng cáo những tài ba kiến giải của mình, vì thế những loại kinh sách này để lại cho đời sau là một lý thuyết tai hại rất lớn cho Phật Giáo và cho con người tu hành dở chết, dở sống. Những gì chỉ dạy trong đó không thể thực hành đến đích được mà còn phá giới luật, mất phạm hạnh của Đạo Phật, khiến cho người tu hiện giờ không có phạm hạnh, không có giới luật và đạo đức. Những loại kinh sách triết lý bác học của cấp tri thức và những loại kinh sách mê tín dị đoan của giai cấp bình dân đã làm mất chiều sâu của Đạo Phật. Vì vậy mà người tu hành Đạo Phật hiện nay không chứng quả A La Hán.
(18: 02) Người mới bắt đầu thực hành theo những lý thuyết của các loại thiền này tưởng như mình đã có lợi ích, cảm thấy như tham sân đã giảm bớt nhưng tu lâu ngày gặp những đối tượng nghịch ý thì tham sân hiện tiền, chẳng có giải thoát giảm bớt chút nào, dường như còn mạnh mẽ hơn.
Mới đầu đối với sự tu hành này cảm thấy sức khỏe, ít bệnh hoặc trị được bệnh nhưng tu lâu thì đâu cũng vào đấy bệnh tật trở về với bệnh tật. Với thiền này điều đặc biệt nhất không làm chủ và tự tại trong sinh tử. Vì thế họ giống như người ngậm hòn sắt nuốt không vô, nhả không ra, luận lý của họ thì trên mây xanh mà thực hiện thì ở dưới đất.
Bởi vậy do sự tu hành sai lệch này Phật giáo ngày nay chỉ còn biết cách đào tạo những nhà bác học, những học giả, giảng giả, luận giả v.v mà không đủ kinh nghiệm để đào tạo những nhà hành giả vì thế thời đại này các học giả ra đời quá nhiều thì kinh sách cũng theo đó mà tăng lên.
Con đường tu hành giải thoát đúng ý nghĩa của Đạo Phật ngày càng thưa dần và đến vắng bóng.
(20:17) Ở đây quý Phật tử đã quyết tâm chọn lấy hơi thở làm đề mục, nhưng quý Phật tử phải hiểu, chọn hơi thở làm để mục để tu thiền là một đề mục rất khó nhiếp tâm vô cùng, tức là tập trung tư tưởng rất khó khăn vì hơi thở thường di động và dễ thay đổi và luôn bị tưởng tức phá rối.
Nếu người tu thiền chọn lấy hơi thở làm đề mục để tu mà không có bậc thầy đầy đủ kinh nghiệm hướng dẫn thì dù có tu trăm muôn ngàn kiếp khó mà thành tựu được định. Đề mục hơi thở là một đề mục rất thông thường, nếu ai đã từng nghiên cứu kinh sách của Đạo Phật cũng đều biết về hơi thở, nhưng quý Phật tử phải hiểu, hiện giờ trên thế giới có hàng trăm hàng vạn và hàng triệu người đang thực hiện hơi thở, vậy mà chẳng có ai nhập định đúng cách được.
Do những suy tư này quý thật Phật tử mới thấy đề mục hơi thở rất khó nhiếp tâm, không phải đơn giản như người ta tưởng và đó cũng là một pháp môn khó tu hơn tất cả các pháp môn khác, chỉ vì nó là một pháp môn đem đến sự giải thoát chân thật đúng nghĩa của Đạo Phật. Nếu quý Phật tử có được sự hướng dẫn về hơi thở mà còn tự ý thay đổi theo kinh nghiệm và kiến giải riêng kiểu cách riêng của mình để nhiếp tâm tu hành sẽ không mang đến cho quý Phật tử một sức thiền định làm chủ.
(22:43) Ở đây Thầy dạy Pháp môn hơi thở như thế nào thì quý Phật tử phải tu hành như thế ấy không được thực hành sai, không được tự ý muốn tu cách nào là tu, phải thực hành đúng lời dạy của thầy 100%.
Khi thành tựu được thiền định quý Phật tử mới thấy được sự lợi ích rất lớn của nó:
Thứ nhất: thực hiện đúng con đường giải thoát của Đạo Phật nghĩa là quý Phật tử vượt khỏi vòng sanh lão bệnh tử.
Thứ hai: đầy đủ phạm hạnh giới luật nghiêm túc.
Thứ ba: làm chủ thân tâm chấm dứt ái dục, không còn tái sinh luân hồi nữa.
Thứ tư: tự tại trong sanh tử, muốn sống không khó, muốn chết ra đi dễ dàng.
Tại sao tu hơi thở có lợi ích lớn như vậy? Quý Phật tử ai cũng biết hơi thở là sự sống và sự chết của thân này, nếu quý Phật tử tu tập các đề mục khác thì không được bốn lợi ích như trên.
Mới bắt đầu tu tập hơi thở quý Phật tử chỉ tập làm quen một hơi thở, nhận rõ một hơi thở, và lúc nào thở cũng đúng hơi thở đó, đó là cách tập luyện thứ nhất.*
Cách tập luyện thứ hai: quý Phật tử tập luyện biết cách giữ được một hơi thở không thay đổi.*
Cách tập luyện thứ ba: quý Phật tử tập luyện cách sử dụng hơi thở.*
Ba cách tập luyện này phải được sự hướng dẫn cặn kẽ kỹ lưỡng thì quý Phật tử mới tập luyện được.
(25:30) Khi tập luyện ba cách này được thuần thục tức là quý Phật tử đã ức chế được vọng tưởng, bấy giờ chỉ còn đợi thời gian trong quá trình tu tập là quý Phật tử nhập An chỉ định đầu tiên. Do đó quý Phật tử sẽ thấy được hơi thở làm chủ thân tâm này trọn vẹn, cũng như con trâu rừng đã xỏ được sợi dây vàng bấy giờ quý Phật tử chỉ cần dắt nó đi đâu thì nó đi theo đó. Muốn bắt nó làm tất cả mọi công việc cày, bừa, trục, kéo nó đều làm theo. Thì khi chúng ta làm chủ được tâm chúng ta bằng sợi dây hơi thở thì chúng ta sai khiến tâm mình, thân mình như sai khiến con trâu vậy. Tất cả các đề mục khác để thực hiện thiền định hoặc thần chú Mật Tông thì không có kết quả lợi ích được như hơi thở.
Những đề mục trừu tượng mà hành giả chọn để thực hiện thiền định Mật Tông, Tịnh Độ, khi thành tựu đều có những lợi ích của riêng nó như sau:
1- Xây dựng một thế giới siêu hình thuộc tâm linh - thiền xuất hồn Tịnh Độ.
2- Tưởng giải siêu việt xuất hiện - thiền Đông Độ.
3- Chí lanh lợi, biện tài vô ngại - thiền Đông Độ.
4- Lý luận sắc bén, nhanh chóng - thiền Đông Độ.
5- Ngôn ngữ độc đáo kỳ đặc - thiền Đông Độ.
6- Thần thông tuyệt đỉnh - Mật Tông.
7- Đi trên lửa, chôn trong đất, dìm trong nước, phân thân, hiệp thân - thiền Yoga.
(28:06) Bấy giờ quý Phật tử đã hiểu rõ các đề mục tu thiền và những sự lợi ích của nó đối với đường tu hành giải thoát của Đạo Phật.
Tất cả quý Phật tử hôm nay tuy không có mặt ở đây nhưng được nghe qua sự ghi âm dạy về sự ổn định hơi thở, nhiều người nghe nói đến hơi thở thì cho rằng tu tập sẽ dễ dàng và xem thường pháp môn này. Nhưng sự thật pháp môn này không đơn giản, không dễ dàng, vì thế mà người đọc kinh sách không có kinh nghiệm cứ dựa theo kinh sách dạy, rồi đem ra thực hành, tưởng hơi thở nào cũng nhiếp tâm được không ngờ đụng phải hơi thở mới thấy được cái khó của hơi thở, di động thay đổi tưởng tức.v.v.
Bởi người tu kiến giải như vậy cho nên không có người nào đọc kinh sách tu hơi thở mà nhập định được.
Muốn ổn định được hơi thở thì phải lần lượt tập luyện theo ba cách dưới đây:
1- Phải biết rõ hơi thở nào của mình ức chế được vọng tưởng.
2- Làm cách nào để giữ gìn hơi thở không cho thay đổi.
3- Phải ổn định tư thế ngồi trước khi tu luyện hơi thở.
(30:08) * Muốn thực hành thiền định trong pháp môn hơi thở thì phải biết rõ hơi thở nào của mình ức chế được vọng tưởng. Ở đây có hai cách:
1- Phải biết rõ lực của hơi thở mình đang nhiếp tâm.
2- Phải biết rõ sức lực của mình nhiếp tâm, trong một ngày một đêm chia làm 4 thời mỗi thời 30 phút.
2- PHẢI BIẾT RÕ HƠI THỞ NÀO CỦA MÌNH ỨC CHẾ ĐƯỢC VỌNG TƯỞNG
1- Muốn biết rõ lực của hơi thở của mình đang nhiếp tâm ức chế được vọng tưởng thì cần phải chọn hơi thở cho phù hợp với cơ thể của mình để luyện tập dễ dàng. Ở đây quý Phật tử cũng phải chú ý chỗ này. Hơi thở chọn là hơi thở phải đủ lực mới ức chế được vọng tưởng. Ức chế được vọng tưởng phải tính sức lực của hơi thở và thời gian tu tập hơi thở đó.
Tính sức lực của hơi thở để mọi người tu được bắt đầu, đó là một hơi thở. Một hơi thở là sức tối thiểu cho người yếu sức tập trung. Còn mức tối đa cho người có sức tập trung giỏi là 100 hơi thở. Muốn rõ được hơi thở của mình ức chế được vọng tưởng thì phải thực tập ngay hơi thở đã chọn trong một ngày, một đêm chia làm 4 thời công phu, mỗi thời 30 phút.
(32:36) Căn cứ vào thời gian trong mỗi thời công phu đều không có vọng tưởng thì mới gọi là đã chọn được hơi thở để tu tập sau này ức chế toàn bộ vọng tưởng và nhập định. Còn hơi thở nào suốt trong thời gian một ngày, một đêm tu tập chia làm 4 thời mỗi thời 30 phút, khi tu tập có thời không vọng tưởng, có thời có vọng tưởng thì hơi thở đó chưa được gọi là hơi thở có lực ức chế tâm. Vậy quý Phật tử phải chọn hơi thở khác. Theo kinh nghiệm hướng dẫn người tu thiền hơi thở, cách chọn lực hơi thở để cho phù hợp với cơ thể của hành giả thì cần phải có sự hướng dẫn trực tiếp của một vị Thầy có kinh nghiệm. Nghĩa là quý Phật tử thở theo sự hướng dẫn của Thầy, Thầy sẽ nghe hơi thở của quý Phật tử có thở đúng không, nếu đúng Thầy xác nhận cho nhận hơi thở đó tu tập.
Khi chọn xong hơi thở, quý Phật tử phải cố gắng tập luyện hơi thở đó cho thuần thục trong từng giây, từng phút rồi ngày hôm sau đến trình lại Thầy, nghĩa là quý Phật tử thở cho Thầy nghe lại có đúng hơi thở đó hay không. Chừng nào, lúc nào, giờ nào quý Phật tử thở cũng đúng một hơi thở mà không thay đổi thì lúc bấy giờ Thầy sẽ dạy tiếp cách thức nhiếp tâm cho quý Phật tử.
(35:01) 2- Muốn biết rõ sức lực của hành giả nhiếp tâm thì quý Phật tử phải:
Thở một hơi thở tập trung tâm rất kỹ trong hơi thở đó rồi đến “một”, đếm xong nghỉ nửa phút. Nghỉ xong nửa phút rồi tiếp tục thở một hơi thở nữa. Rồi nghỉ một nửa phút. Cứ thở và nghỉ như vậy cho đến khi đúng 30 phút mới xả thiền. Hoàn toàn trong 30 phút tu tập hơi thở cố giữ gìn không có một niệm vọng tưởng xen vào. Còn nửa phút nghỉ trong khi tu xong một hơi thở, lúc nghỉ có vọng tưởng cũng được, không vọng tưởng cũng được, nhưng phải cẩn thận lúc nghỉ không được kìm tâm trong hơi thở, không được thiếu tỉnh giác quên mất đến giờ tu tập kế tiếp, không được để hôn trầm bén mảng làm ngủ gục, không được quán tưởng để làm trễ giờ tu tiếp tục, phải cảnh giác cẩn thận chỗ này. Nếu không cảnh giác cẩn thận chỗ này hầu hết mọi người tu thiền đều bị rơi vào chỗ này do đó làm lệch lạc sự tu hành khó thành tựu thiền định.
(37:18) - Nếu quý Phật tử thấy sức lực mình kém tập trung thì nên chọn một hơi thở mà tu tập như Thầy đã dạy một hơi thở ở trên. Còn thấy sức tập trung của mình có khá hơn thì nên tu tập 2 hơi thở. Cách tập như thế này:
Hít vô, thở ra đếm “một”.
Rồi tiếp tục bắt đầu tiếp tục “hít vô, thở ra” đếm “hai”, đếm xong nghỉ nửa phút. Sau khi nghỉ xong một nửa phút bắt đầu tu trở lại.
Hít vô, thở ra đếm “một”,
Hít vô, thở ra đếm “hai”,
Đếm xong “hai” nghỉ một nửa phút.
Cứ như vậy mà tu tập cho đúng 30 phút rồi xả thiền nghỉ. Nhiếp tâm như vậy trong bốn thời công phu một ngày, một đêm thời nào cũng không có vọng tưởng xen vào thì biết đó là sức tập trung của quý Phật tử tu tập được hai hơi thở.
Nếu quý Phật tử thấy mình có sức tu tập khá hơn thì nên tu 3 hơi thở:
Hít vô, thở ra đếm “một”
Hít vô, thở ra đếm “hai”,
Hít vô, thở ra đếm “ba”,
Đếm xong nghỉ nửa phút.
Nghỉ xong nửa phút thì tiếp tục tu trở lại như trên. Nghỉ và tu phải suốt một thời gian 30 phút rồi mới nghỉ xả thiền.
Nếu thấy sức của mình tập trung khá hơn, thì quý Phật tử nên tu 4 hơi thở, cách thức đếm và tu cũng như tu 3 hơi thở vậy.
Nếu thấy sức của mình tập trung khá hơn, thì quý Phật tử nên tu 5 hơi thở, cách thức đếm và tu cũng như tu 4 hơi thở vậy.
Suốt trong bốn thời công phu mỗi thời 30 phút, mỗi đoạn thời gian nhiếp tâm là 5 hơi thở, hoàn toàn không có vọng tưởng thì biết đó là sức nhiếp tâm của mình trong 5 hơi thở.
(40:12) -Nếu 5 hơi thở thấy có vọng tưởng còn xen vào đó là sức nhiếp tâm trong 5 hơi thở chưa đủ sức. Quý Phật tử phải lùi lại 4 hơi thở.
Nếu 4 hơi thở còn vọng tưởng thì lùi lại 3 hơi thở.
Nếu 3 hơi thở còn vọng tưởng thì lùi lại 2 hơi thở.
Nếu 2 hơi thở còn vọng tưởng thì lùi lại 1 hơi thở.
Nếu 1 hơi thở còn vọng tưởng tu 1 hơi thở nghỉ 1 phút.
Nếu nghỉ 1 phút còn có vọng tưởng thì nghỉ 2 phút.
Đây là cách thức chọn sức nhiếp tâm của quý Phật tử đối với pháp môn hơi thở của mình.
Nếu sức mình nhiếp tâm được ở dạng hơi thở nào thì chọn lấy hơi thở đó mà tu tập.
Nếu tu từ 1 hơi thở đến 5 hơi thở thì nghỉ và xả tâm ức chế, tập trung trong những giây còn lại cho đến khi đúng 1 phút, nghĩa là vừa tu vừa nghỉ 1 phút. Và cứ tu như thế tiếp tục 30 phút rồi xả nghỉ. Buổi chiều cũng tu 30 phút như vậy. Buổi tối cũng tu như vậy. Buổi khuya và buổi sáng cũng tu đúng 30 phút như vậy.
Trong suốt thời gian tu 30 phút cố gắng hết sức và rất thận trọng chú ý không để cho 1 niệm vọng tưởng xen vào thì mới gọi là hơi thở đó ức chế được vọng tưởng.
(42:16) Muốn biết hơi thở nào ức chế được vọng tưởng thì quý Phật tử hãy căn cứ vào mức hơi thở bình thường lấy làm chuẩn, từ đó quý Phật tử thở hơi thở mạnh và nhanh hơn 1 chút, rồi thử nhiếp tâm trong 1 phút, nếu 1 phút mà ức chế được vọng tưởng thì tiếp tục tu phút thứ 2, nếu phút thứ 2 nhiếp tâm được nghĩa là không có vọng tưởng xen vào thì tiếp tục tu phút thứ 3, thứ 4, thứ 5 và thứ 6, và suốt 30 phút không có vọng tưởng.
(43:04) Kế đó quý Phật tử tiếp tục tu trong 4 thời công phu, sáng, chiều, tối, khuya, mà thấy không có một niệm vọng tưởng xen vào trong mỗi thời công phu, thì biết đó là hơi thở ức chế được tâm mình. Còn có khi có vọng tưởng, có khi không vọng tưởng thì quý Phật tử phải thở hơi thở mạnh hơn hơi thở đó một chút, chừng nào bốn thời công phu nhiếp tâm mà không có một niệm vọng tưởng xen vào thì lấy hơi thở đó tu tập cho đến chừng nào nhập Định an chỉ mới thôi, thì lúc bấy giờ Thầy sẽ dạy tiếp cách thức nhập định.
Trên đây Thầy dạy quý Phật tử đo lường sức nhiếp tâm của mình đối với hơi thở vì biết được sức nhiếp tâm thì quý Phật tử sẽ giữ gìn được hơi thở, còn không rõ sức nhiếp tâm của mình thì sự tu hành của quý Phật tử sẽ hoài công vô ích kết quả sẽ chẳng thành tựu được.
3- GIỮ GÌN HƠI THỞ KHÔNG THAY ĐỔI
Muốn giữ gìn hơi thở không thay đổi quý Phật tử thường đến trình với một vị tu tập hướng dẫn để Thầy nghe lại hơi thở của quý Phật tử có đúng hay không. Bắt đầu quý Phật tử thở hơi thở cho vị Thầy hướng dẫn nghe, rồi vị Thầy xác định đúng thì quý Phật tử về tiếp tục tu tập. Thầy nói chưa được đúng hoặc thở nhẹ hơn một chút hoặc thở mạnh hơn một chút, hoặc thở ngắn hơn, hoặc thở dài hơn.
(45:06) Chừng nào Thầy bảo đúng thì quý Phật tử cố nhớ kỹ cách thở, âm thanh, cảm giác, hành động của thân hành khi thở và cố gắng giữ cho được duy nhất một loại hơi thở này thì sự tu tập mới có kết quả. Nếu không được sự hướng dẫn như vậy thì hơi thở thường thay đổi khiến cho người tu khó nhiếp tâm.
HẾT BĂNG