Skip directly to content

ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ 03 - NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ 03 - NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ 03 - NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời lượng: [39:20]

1- NHÌN ĐỜI BẰNG CON MẮT NHÂN QUẢ

(00:00) Trưởng lão: Nhưng trước khi để trả lời những câu hỏi của Chơn Huệ thì Thầy sẽ nhắc lại có một cái điều mà hầu như là Thầy rất là tha thiết, mong cho có một cái ngày nào đó để được rảnh rang mà mình ghi lại cái Đạo đức nhân quả, để hầu giúp cho con người ở trên cái thế gian này để thoát ra cái cảnh khổ của cái nội tâm của họ, và họ tạo được cái nhân lành để tạo cái quả phước họ sẽ hưởng.

Nhưng vì không có cái thời gian, vì hiện giờ thấy những người mà tu theo đạo Phật nó có những cái sai, cái lầm lạc mà không ngay cái chỗ sai lầm lạc này để sửa đổi mà đi giảng cái Đạo đức nhân quả thì nó lại xa lìa cái thực tế của những vị tu sĩ. Cho nên Thầy chỉ mong ngày nào đó, có một cái dịp mà Thầy sẽ soạn lại cái giáo trình cái Đạo đức nhân quả, cái đạo đức mà mình không làm khổ ai mà cũng không làm khổ mình, cái đạo đức thật là tuyệt vời của đạo Phật. Phật đã khám phá ra được cái đạo đức đó nhưng người ta không triển khai nổi cái đạo đức đó, để giúp cho con người thoát ra cảnh khổ.

Nói chung con người sanh ra trong cái cuộc đời này chắc chắn ai cũng chịu khổ, có ai là người không chịu khổ. Cho nên nhiều khi người ta đặt cái câu hỏi: “Con người từ đâu sanh ra, chết rồi đi về đâu, sống để làm gì?” Ở trong thế gian này chỉ một trăm năm rồi cứ mãi tiếp diễn từ cái thân một trăm năm này hoặc sáu mươi, bảy mươi năm rồi lại chết, rồi lại tiếp tục nữa và cứ như vậy để làm gì, có ích lợi gì mà cứ mãi lăn lộn trong cái luân hồi như vậy?

Ở đây thì Thầy chỉ trả lời qua một người Phật tử có cái tâm trạng đau buồn. Khi hiểu được cái tâm trạng đó thì Thầy có lấy một vài khía cạnh nhỏ của Đạo đức nhân quả mà có lời khuyên cũng như Thầy khuyên chung các thầy và các con ở đây.

(02:17) Đây là cái bài mà Thầy khuyên đây:

“Con người từ nhân quả, sống trong nhân quả, chết về nhân quả.”

Nếu mà đọc cái câu như vậy thì người ta rất là khó hiểu, nếu mà không có Thầy dạy giảng ra thì rất khó hiểu.

Con người từ nhân quả sanh ra. Vậy thì chúng ta biết từ nhân quả sanh ra là như thế nào mà sanh ra? Nhân quả thì chúng ta biết rằng cái đường đi của nhân quả nó sẽ diễn biến ở trong cái thân hành, khẩu hành và ý hành. Cái ý hành là cái ý mình khởi mình muốn, ham muốn cái này, ham muốn cái kia đó là ý hành. Còn cái khẩu hành là cái lời nói mình nói ra và cái thân hành là cái hành động làm của mình. Đó là từ ba cái chỗ đó là cái con đường, diễn biến cái con đường hành động, con đường của nhân quả đi. Cho nên nói rằng con người từ nhân quả, thực sự chúng ta chết đi rồi không còn có gì hết, hoàn toàn do từ nhân quả sanh ra.

Nếu cha mẹ chúng ta không có một cái hành động vô minh trong cái tình ái thì hai người này làm sao mà kết duyên, rồi làm sao mà ở với nhau mới sanh chúng ta ra? Do hành động vô minh đó, tưởng đó là cái hạnh phúc không ngờ đó là một cái hành động vô minh. Cho nên Phật nói vô minh mới sanh hành. Do cái sự vô minh không hiểu, tưởng là ái dục là một cái hạnh phúc. Cho nên họ mới tìm đến nhau để rồi gặp nhau, họ mới có hành động sai lạc đó để đem ra cái nỗi khổ của con người. Từ đó mới là có cái hành động vô minh sanh hành, do cái hành động sai đó, nó mới có cái thức. Thấy không? Do đó nó mới có cái thức chứ không phải cái thần thức nó đã có sẵn ở đâu nó chui vào đó để mà đầu thai.

(04:03) Cho nên do cái hành động vô minh của cha mẹ mình mới có mình đây. Nếu cha mẹ mình mà sáng suốt thông minh biết chỗ ái dục đó là khổ, họ chấm dứt ngay thì làm sao có chúng ta đây? Làm sao có nhân quả tiếp tục mà để có chúng ta? Thì từ đó con người sẽ tái sanh bằng cách nào? Bằng cách hóa sanh chứ không phải bằng cách ở chỗ nhân quả.

Đó thì hôm nay Thầy nói để chúng ta biết rằng con người từ nhân quả sanh. Rõ ràng là hành động do vô minh chúng ta tham dục, tham ái cho nên nó mới sanh chúng ta chứ còn không có tham dục, tham ái làm sao sanh chúng ta được? Thì cái hành động, cái sự không hiểu biết gọi là vô minh. Do cái sự vô minh đó không biết nên mới lầm chấp cho nên vì vậy mới chạy theo, cho đó là hạnh phúc nhưng cuối cùng lại sanh ra một người thứ hai, thứ ba, thứ tư đều là thọ khổ. Chúng ta sanh ra làm người chúng ta thấy có vui không? Mà tại sao cha mẹ lại sanh bao nhiêu người để cho nó khổ như thế này? Sao lại không chấm dứt cái nỗi khổ đó đi? Lại còn ham muốn làm gì để cho khổ cả bao nhiêu người? Có đứa con nào mà sanh ra đời mà nó nói tui hạnh phúc, tui sanh ở thiên đàng đâu? Đều không có.

Đó thì ở đây Thầy đại khái để chúng ta thấy con người từ nhân quả sanh ra đó. Cho nên Thập nhị nhân duyên rất rõ ràng.

Giờ Thầy nhắc lại hầu hết là các thầy giảng về Thập nhị nhân duyên chia làm ba thời gian. Thời gian từ quá khứ, rồi cái thời gian hiện tại và cái thời gian tương lai. Mười hai nhân duyên này chia làm ba thời như vậy là mấy người đó giảng kinh pháp, Phật pháp không thông suốt. Mà hầu hết Thầy thấy các cái bảng mà giảng về Thập nhị nhân duyên đều là chia ba thời hết.

Mười hai nhân duyên nó hợp lại để nó thành cái thân của chúng ta, nó không phải ở trong ba thời đâu mà ngay trong hiện tại này. Mười hai nhân duyên xác định cho chúng ta biết rằng cái cuộc sống của chúng ta giống như là cái thân ngũ uẩn. Bởi vì ngũ duyên là ngũ uẩn mà Thập nhị nhân duyên là mười hai nhân duyên. Mà hai mươi mốt duyên có bài kinh dạy hai mươi mốt duyên, hai mươi ba duyên nữa chứ không phải là có Thập nhị nhân duyên không.

Cho nên trong kinh đức Phật dạy chúng ta là do duyên hợp, mà bây giờ duyên hợp nó mới trở thành ra cái thế giới khổ. Đó là cái nhân duyên.

(06:09) Vì vậy mà cái sự giảng về Thập nhị nhân duyên hầu hết là các nhà học giả đều là giảng sai hết, đã chia cắt nó ra. Cho nên không thấy cái câu đức Phật nói: “Sanh đã tận, phạm hạnh mới xong”. Người ta chia cái Sanh với cái LãoBệnh là cho nó ở cái vị lai chứ không phải ở trong hiện tại. Mà chính trong hiện tại mà nếu mà cái đời sống của chúng ta, Sanh là cái đời sống mà họ nghĩ là cái sanh tử rồi, thì đó đó là cái sai của họ. Cho nên vì vậy mà cái duyên Sanh mà đoạn dứt thì mình mới chấm dứt được cái BệnhTử. Còn bây giờ người ta đứng ở trên cái vô minh, người ta đứng ở chỗ Vô minh để người ta đi tìm cái Minh, để người ta phá cái Vô minh đi để người ta giải quyết tất cả những duyên khác thì cái này nó không đúng con đường của Phật pháp.

Phật pháp nói ngay vô đầu, một cái người mà “cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa sống không gia đình, không nhà cửa”. Rõ ràng là cái người muốn đi theo đạo Phật là đã duyên Sanh đã đoạn đó. Sống không gia đình, không nhà cửa nghĩa là sống không có bà con, không có người thân. Không gia đình nghĩa là không có vợ con đâu, mà không gia đình có nghĩa là cắt đứt tất cả những cái Ái kiết sử. Ái kiết sử tức là cha mẹ, anh em, chị em cắt đứt hết, hoàn toàn không còn thương nhớ, không còn gì nữa hết, bình thường như những người xa lạ khác như vậy. Chứ không có thấy cái gì đó là của mình, là con của mình, là vợ của mình, là cha của mình, là mẹ của mình nữa thì như vậy mới gọi là không gia đình. Không nhà cửa là không của cải tài sản. Bởi vì cái người tu sĩ “đắp áo cà sa, cạo bỏ râu tóc” có nghĩa là đức Phật nói làm cho mình xấu đi, không có còn làm cho mình đẹp nữa. Sống không gia đình tức là không có nhà cửa, không anh em, không có ruột thịt ai hết. Hoàn toàn bơ vơ, cô đơn, một mình mình là sống không gia đình. Sống không nhà cửa là không có của cải, có nhà cửa mới có của cải, không nhà cửa thì lấy đâu mà đút của cải vô đó.

Và cái đoạn kinh đó để chỉ cho chúng ta là “Sanh đã tận”. Một cái người mà “Sanh đã tận thì Phạm hạnh mới xong”, cho nên giới luật đức hạnh mới có trọn vẹn. Còn cái người mà Sanh không tận thì không thể nào giữ trọn được.

(08:18) Đó là giải thích về cái phần mà con người từ nhân quả sanh ra. Đó thì chúng ta mới thấy, đây Thầy mới nhắc lại vì từ nhân quả sanh ra thì chúng ta mới nói: “Vô minh sanh Hành, Hành sanh Thức” đó, bắt đầu người ta mới có con người đó. Vì vậy bây giờ chúng ta mới thấy rõ.

Và giờ chúng ta đang sống, sống trong nhân quả. Cái câu kế:

Con người sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả, chết về nhân quả”.

Vậy thì chúng ta sống trong nhân quả, chúng ta có thấy nhân quả không. Hằng ngày nói ra, hằng ngày hành động, hằng ngày suy nghĩ - những cái điều mà suy nghĩ thiện hay ác trong đầu chúng ta đều là nhân quả hết. Nhân thiện hay hoặc là nhân ác, quả thiện hay quả ác nó tiếp diễn cho chúng ta thấy rất rõ. Nếu thiện thì chúng ta vui mừng, thích thú, thương yêu còn ác thì chúng ta thọ lấy cái quả buồn khổ, rầu rĩ, đói khát, rách rưới, bệnh tật, đủ cách tai nạn này tai nạn khác. Đó là những cách đó gọi là quả.

Cho nên chúng ta đang sống ở trong cái nhân quả, hằng ngày chúng ta diễn biến những cái nhân mới mà thọ những cái quả kế tiếp đó của những hành động đó chứ đâu có gì khác hơn. Mình chửi người, thì vừa chửi người thì lời nói của chúng ta thoát ra thì ngay đó người ta tức giận người ta chửi lại mình, người ta đánh mình thì đó là quả. Rồi mình giận mình tức, mình chửi người ta, người ta tức quá người ta lại đập mình thì cả hai đều đi nằm nhà thương hoặc chết rồi đi tù tội. Đó là những diễn biến của nhân quả để tiếp tục giữa hai người.

Thì chúng ta thấy rõ trong gia đình cũng vậy: cha mẹ, anh em, chị em,.. cũng vậy cãi cọ nhau cũng đều là diễn biến của nhân quả. Đời trước đã vay nhau đời nay sanh ra gặp nhau ở trong cái môi trường như thế này để vay trả nhau cho hết. Thế mà mọi sự xảy ra thì mình lại vay thêm, vừa trả mà vừa vay, nhiều khi vay còn nhiều hơn nữa để làm gì, để luôn luôn đời chúng ta quá khổ, càng khổ.

(10:16) Đó thì chúng ta đang sống ở trong nhân quả của chúng ta, rồi chết đi về nhân quả. Khi tất cả những cái diễn biến ở trong nhân quả, cuộc sống của chúng ta để lại cái môi trường nhân quả cho nên chúng ta phải trả cho nhân quả chứ sao. Vì vậy mà chúng ta chết thì về nhân quả, vì hành động nhân quả nên phải về nhân quả, đâu có chạy theo khỏi về nhân quả đâu. Cho nên khi bỏ thân này thì nó phải có cái nghiệp lực của nhân quả đó, thiện thì nó thúc đẩy chúng ta hướng vào cái phước, mà ác thì nó hướng chúng ta vào cái cảnh giới sanh ra làm cho cuộc sống quá vất vả cực khổ, nghèo đói hoặc là thành những loài chúng sanh, bàng sanh rất là khổ đau.

Cho nên ở đây mấy câu đầu, Thầy chỉ diễn tả sơ cho chúng ta biết là cuộc sống của con người từ sanh ra thì nhân quả, ở trong nhân quả sanh ra, rồi sống trong nhân quả, rồi chết về nhân quả. Khi mà chúng ta bỏ thân này thì cái duyên nghiệp thì nó sẽ đi ngay vào cái, người ta gọi là cận tử nghiệp đó. Cái cảnh cận tử nghiệp đó nó hiện ra tức là cái nghiệp lực cuối cùng để mà đưa chúng ta đi vào cái nhân quả để tiếp tục tái sanh.

Thì chúng ta thấy rõ ràng con người chỉ diễn biến ở trong ba cái hành động đó trong một cuộc sống của con người để mà khổ, vui có vậy thôi, có gì đâu mà quý.

Cho nên cái câu kế để chúng ta thấy rõ ràng hơn nữa, ở đời ai cũng tự làm khổ mình, khổ người là tự mở cửa địa ngục cho mình. Nghĩa là mình nói một lời nói, người khác nói một lời nói, rồi hai người cãi cọ nhau thì tức là mở cửa địa ngục cho mình bước và người kia bước theo xuống mà không biết. Đó là những người vô minh, nghĩa là những người không sáng suốt, không có thấy cái địa ngục. Không nghĩa là chúng ta mở cửa địa ngục là chúng ta đi xuống lòng đất này, ở dưới đó có Diêm Vương, nó có quỷ sứ, ngưu đầu mã diện gì đó. Thực sự ra cái địa ngục mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết là ngay cái tâm giận hờn, đau khổ, phiền toái của chúng ta, đó là địa ngục.

(12:18) Cho nên chúng ta đã tự một cái lời nói, một cái suy nghĩ trong đầu chúng ta, nó làm cho chúng ta đau khổ, ray rứt, hận thù ở trong lòng thì đó là địa ngục ở trong lòng của chúng ta rồi. Nó đã mở cửa cho chúng ta bước vào rồi, nó đang hành hạ chúng ta, nó đang đâm giết chúng ta từng phút, từng giây đó.

Đó là những người vô minh sống theo tự ngã nghĩa là mình biết có cái ngã của mình thôi, đó là mình sống theo tự ngã, không thấy được đâu là chơn hạnh phúc, đâu là giả hạnh phúc. Nghĩa là mình chạy theo cái giả hạnh phúc mà mình tưởng là chơn, cho nên càng chạy theo nó thì mình càng thấy khổ đau, khổ đau mãi. Mình không thấy cái chơn hạnh phúc như thế nào, mà mình cứ chạy mãi mình tưởng là cái chơn hạnh phúc, đâu ngờ đó là cái giả hạnh phúc.

“Đời người thường bỏ mồi bắt bóng vì thế phải chịu nhiều đau khổ.”

Mình tưởng cái bóng hạnh phúc đó, mình thấy cái hạnh phúc đó, mình ước ao để làm được cái đó nhưng mình chạy tới thì cái bóng là cái bóng chứ không thể nào cái thực. Cho nên vừa đây chớp được cái hạnh phúc thì nó lại là một cái cuộc đau khổ. Cho nên cái mồi giải thoát mà chúng ta không thấy, nó gần bên mình mà cứ nhìn cái bóng, cái bóng đó tưởng là hạnh phúc, tưởng là an vui, để nếm cái mùi đó, để cho biết ngon ngọt của cái mùi đó nhưng không ngờ đó là cái bóng, không thế nào nếm được cái mùi hạnh phúc đó được.

“Từ nhân quả sanh ra nên mang thân này phải chịu luật nhân quả.”

Nghĩa là mình ở trong nhân quả, tức là cái hành động nhân quả đó sanh mình ra, nên cái thân mình là cái thân nhân quả rồi, cho nên mình phải chịu cái luật của nhân quả. Cho nên vì vậy mà có cái thân người thì phải thọ khổ, thọ vui hoặc là cho người ta thọ ba cái thọ: vui, khổ, hoặc là không khổ, không vui. Đó là ba cái thọ của nó, nó cho người ta sống ở trong ba cái thọ đó.

2- BUÔNG BỎ ĐỂ GIẢI THOÁT

(14:15) Do cái chỗ mà cái luật nhân quả nó chi phối như vậy đó, cho nên chúng ta điên đảo, chúng ta cứ tìm cái thọ lạc, đi tìm cái thọ lạc mà sợ hãi cái thọ khổ.

Vậy mà mọi người điên đảo lầm chấp ngã và ngã sở”.

Ngã là cái gì? Là thân, là tâm, là cái thọ của mình, là cái biết của mình cho nó ngã. Còn ngã sở là những vật xung quanh nó, bà con ruột thịt, anh em, dòng họ của mình, đó là ngã sở. Những cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái gương đều là ngã sở, cái vật xung quanh mình đều là ngã sở. Vì vậy mà mất một cái vật đó thì mình thương tiếc. Ví dụ như cha mẹ mình chết thì mình thương tiếc, mình khóc lóc, mình thấy như mất cha mất mẹ, mình đau khổ. Đó là mình mất cái ngã sở. Như vậy mình thấy rõ ràng những cái này đều là một cái giả tạo, nó không có thật, mà mình khi mà thấy chết, thấy mất đi thì mình tiếc, mình thương, mình đau khổ. Đó là mình điên đảo.

Cho nên ở đây Thầy nói mọi người điên đảo lầm chấp. Thầy thấy rằng có người mẹ nào, có người con mà mẹ chết mà không khóc bao giờ, thực ra họ điên đảo vô cùng. Trong thời đức Phật có một số Tỳ kheo tu theo đức Phật nhưng chưa đạt thành, khi đức Phật tịch, quý vị đó khóc than, kể lể vô cùng. Đó là những người còn tâm trạng thế gian, còn ngã sở cho nên chưa có bỏ cái ngã sở. Vì thế phải chịu nhiều khổ đau và lăn lộn mãi trong sanh tử luân hồi do cái chỗ chấp ngã và ngã sở này. Vì thế mà họ phải chịu nhiều cái sự khổ đau trong cuộc đời của họ. Và luôn luôn đời này đến kiếp khác, họ luân hồi mãi, không bao giờ mà xả ra.

Đây là lời khuyên của Thầy:

Hãy buông xuống, buông xuống sạch. Hãy từ bỏ và xa lìa hết mọi pháp để tự cứu mình ra khỏi phong ba, bão táp của cuộc sống. Hãy đòi lại quyền làm chủ sanh tử luân hồi. Hãy đoạn dứt nhân quả để chấm dứt tái sanh. Ấy là người trí, người thông minh”.

Nếu chúng ta là người trí, người thông minh thì chúng ta phải bỏ xuống hết. Đời này không có vật gì mà chúng ta chết mà mang theo được hết. Không có vật gì mà quý giá bằng chúng ta làm chủ được sự sống chết của chúng ta.

(16:27) Cho nên chúng ta phải bỏ xuống hết, bỏ xuống hết từ cha mẹ, anh em, vợ con thân thuộc, bỏ xuống hết. Chúng ta chết họ không cứu chúng ta được, chúng ta chết họ không làm sao được. Chúng ta đau, họ không đau thế chúng ta được. Chúng ta có sự lo lắng, sợ hãi họ cũng không lo lắng sợ hãi cho chúng ta được. Cho nên chúng ta hãy bỏ xuống hết, bỏ xuống hết.

Ở đây Thầy khuyên hãy bỏ xuống, buông xuống hết, buông xuống sạch hết. Từ bỏ hết và xa lìa hết mọi pháp. Mọi pháp đây là chỉ các pháp, pháp đây không phải là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Định hay hoặc là Tứ Niệm Xứ. Mà pháp ở đây là chỉ cho những cái gì ở xung quanh của chúng ta gọi là ngã sở đó - cha mẹ, anh em, nhà cửa, tiền bạc, của cải, con cháu, tất cả mọi thứ cái vật gì đều là có thể gọi là pháp.

Cho nên Thầy bảo phải xa lìa hết mọi pháp để tự cứu mình, nếu mình xa lìa được còn ba y một bát, sống không nhà, không cửa, không người thân thì mình mới tự cứu mình được.

Chỉ có con đường của đạo Phật, sống như vậy mới có thể thoát ra khỏi cảnh khổ của cuộc đời này.

“Để tự mình cứu ra khỏi phong ba, bão táp của đời sống. Hãy đòi lại quyền làm chủ sanh tử luân hồi”.

Tức là mình sống mà được như vậy là đòi lại quyền làm chủ.

Còn mình sống mà chưa được như vậy, chưa buông xả thì cái quyền làm chủ đó mình bị cái nhân quả luân hồi này, cái quyền làm chủ đó nó sẽ giao cho cái luật tự nhiên của nhân quả, nó làm chủ chứ chúng ta không làm chủ được.

“Hãy đoạn dứt nhân quả”.

Nghĩa là chấm dứt nhân quả, không có để cho nhân quả diễn biến. Thí dụ như cái tâm mình ham muốn ăn miếng ăn thì đó là cái nhân quả, cái nghiệp nhân quả nó thúc đẩy chúng ta ham muốn cái đó, do đó chúng ta chấm dứt không có làm theo cái muốn đó được. Vì vậy chúng ta sẽ chấm dứt tái sanh luân hồi, đó mới là người trí người thông minh.

(18:20) “Muốn sống cuộc đời an vui, đầy hạnh phúc thì hãy nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác”.

Nghĩa là chúng ta muốn cho đời sống của mình an vui, hạnh phúc thì hãy nhìn bằng đôi mắt nhân quả thiện ác. Tại sao vậy? Tại sao mình nhìn bằng đôi mắt nhân quả thiện ác? Vì thiện là không làm khổ mình, không làm khổ người. Mà ác thì làm không khổ mình thì làm khổ người, hoặc là làm khổ mình, khổ người hoặc làm khổ mình mà người không khổ. Thì đó là chúng ta mới nhìn bằng đôi mắt nhân quả thiện ác.

“Nếu không vậy đời sống sẽ là địa ngục”.

Nếu mình không có nhìn bằng cái đôi mắt nhân quả thiện ác thì đời sống của mình là địa ngục. Nếu mình không có nhìn bằng đôi mắt nhân quả thiện ác thì đời sống của mình nó là địa ngục, nó đau khổ không bao giờ hết.

“Từ lâu con và anh chị em con đã điên đảo, tự mở cửa địa ngục để sống trong cảnh đen tối giận hờn, oán ghét v.v…​ Có ích lợi gì phải không con? Sanh ra làm người vốn đã khổ, khổ vì sanh, già, bệnh, chết.

Nghĩa là đã sanh, già, bệnh, chết rồi, mình mang cái thân của mình thì có cuộc sống rồi, nó đã khổ rồi. Bây giờ già, cuộc sống của mình giờ cơm không có ăn cũng khổ, áo quần không có mặc cũng khổ rồi. Đó là đơn sơ cho hai cái vậy đã khổ rồi, già cũng khổ, bệnh cũng khổ, chết cũng khổ.

Thế mà chúng ta lại điên đảo, lại còn hơn thua, lại còn nói lời qua tiếng lại để cho chúng ta đau khổ nhau nữa sao? Đã khổ rồi thế mà còn khổ thêm nữa sao? Thế sao ta lại mê mờ, điên đảo, lại tạo thêm cảnh khổ đau nữa? Thay vì chúng ta phải chấm dứt để chúng ta chiến đấu với những cái khổ mà đã có sẵn: sanh, già, bệnh, chết này. Có đâu bây giờ chúng ta lại tạo thêm những cảnh khổ khác để rồi chúng ta không chấm dứt cái giặc sanh, già, bệnh, chết mà lại còn tạo thêm những sự đau khổ khác thì quá là sự đau khổ.

(20:16) “Do sống trong nhân quả mà không thấy nhân quả để nhân quả chi phối và sai khiến ta làm mọi điều ác và thiện. Tạo nên nhân quả này nối tiếp nhân quả khác, chồng chất lên nhau mọi sự đau khổ. Bởi thế ta phải làm gì bây giờ?”

Biết nó như vậy rồi bây giờ chúng ta làm gì đây? Xưa đức Phật đã dạy:

- Một: “Những gì cần dứt bỏ ta hãy dứt bỏ”. Dứt bỏ để an vui thanh thản. Nghĩa là bây giờ mình thấy cái gì mà cần bỏ thì mình hãy bỏ hết để cho mua lấy một cái tâm hồn an vui, thanh thản, một giá trị tuyệt vời, một cuộc sống không có một cái gì mà mua chác mà đổi được. Sự an vui, thanh thản này chỉ có người biết vứt bỏ thì mới có thể thanh thản, an vui được.

- Hai: “Những gì cần trau dồi thì nên trau dồi”. Trau dồi có nghĩa là để cho thân tâm mình toàn thiện, hay thành thiện. Bây giờ mình thấy nhiều cái nó làm cho mình đau khổ thì biết là ác pháp. Cho nên bây giờ mình trau dồi nó để cho tâm mình trở thành cục đất không còn phiền não, không còn đau khổ nữa thì nó là thành thiện rồi đó.

- Ba: “Những gì cần tu tập nên tu tập”. Hồi nãy là trau dồi, bây giờ tu tập. “Những gì cần tu tập nên tu tập”. Tập luyện để thân tâm thấm nhuần trong thiện pháp. Hồi nãy để cho nó thành thiện, bây giờ tập cho nó thấm nhuần ở trong những cái thiện pháp. Để làm gì? Để cho chúng ta được an vui và thanh thản, an lạc.

- Bốn: “Những gì cần học tập nên học tập”. Hiểu biết những điều cần thiết để không còn đau khổ. Nghĩa là cuộc đời chúng ta nhiều khi học nhiều quá mà không cần thiết cho cái sự an vui, thanh thản trong tâm hồn của mình. Cho nên có nhiều người học rất rộng, rất sâu, hiểu rất rộng, rất nhiều mà rồi tâm hồn giải thoát không giải thoát.

(22:08) Thí dụ như bây giờ là một nhà giáo sư đại học, họ đỗ tiến sĩ. Nhưng tâm hồn họ vẫn đau khổ, họ đâu hết những sự khổ đau của bệnh, của cuộc sống của họ, của tuổi già của họ, của khi chết của họ, họ đâu có hết. Mặc dù họ học rộng, hiểu xa nhưng họ không có giải quyết được. Cho nên đức Phật khuyên chúng ta cần học những gì mà để chúng ta hiểu biết, để mà chúng ta không còn đau khổ nữa thì cái đó là cần thiết. Trái lại chúng ta không học cái để chúng ta được giải thoát mà chúng ta học những cái ngoài cái vấn đề giải thoát cho tâm hồn chúng ta. Hay hoặc là chúng ta học những cái để chúng ta tạo những cái danh, cái lợi để chúng ta càng khổ đau hơn nữa thì cái đó là hầu hết ai cũng vậy.

“Lời Phật đã dạy, nếu con muốn thoát ra cảnh khổ kiếp sống của con người thì nên theo những lời Phật dạy ấy mà cứu mình. Chúc con thành công mang lại một đời sống an vui thanh thản”.

Đây là cái lời trả lời an ủi của Thầy với một người Phật tử. Đây là cái cuốn tập lát nữa Thầy trả lại cho.

3- PHÓNG SANH ĐÚNG CHÁNH PHÁP

(23:19) Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy cho con pháp phóng sanh như thế nào đúng chánh pháp?

Đáp: Dường như là Thầy có trả lời về pháp phóng sanh cho một cái người nào đó hỏi một lần rồi. Chắc có lẽ là thầy Chân Thành hỏi thì phải? Nhưng ở đây thì Thầy cũng sẵn sàng đáp luôn nhưng mỗi lần đáp thì nó có những cái làm chúng ta hiểu rộng ra thêm chứ không gì mà khó hiểu.

Đáp: “Phóng sanh với lòng từ là luôn luôn lúc nào cũng không làm khổ mình khổ người”.

Nghĩa là mình phóng sanh với lòng từ là luôn lúc nào mình cũng đừng có làm mình khổ mà cũng đừng có làm người khổ thì đó gọi là phóng sanh. Các con hiểu chưa? Chứ không phải phóng sanh là đi mua chim cá về phóng sanh, mà luôn luôn lúc nào cũng làm cho tâm mình giận hờn, phiền não, đau khổ hết thì cái đó phóng sanh không có lợi ích đâu.

(24:05) Mà phóng sanh tức là với cái lòng từ là mình tránh, mình đừng có làm người ta đau khổ gì và làm chính mình đau khổ. Mình cũng là một chúng sanh, mình đang nhờ cái tâm của mình phóng sanh để cho mình đừng có đau khổ. Các con hiểu điều đó. Khi mà mình giận hờn, mình phiền não, mình đau khổ thì tức là nhờ có người khác mà phóng sanh cho mình thì ai phóng sanh cho mình được? Chỉ có mình phóng sanh cho mình được thôi, làm cho mình nó sống trở lại, nó đừng có đau khổ nữa. Tức là làm cho mình đừng khổ đau nữa, tức là phóng sanh đó. Với cái lòng từ của mình thì luôn luôn lúc nào cũng không làm khổ mình, khổ người thì đó phóng sanh, và tất cả chúng sanh.

“Phóng sanh với lòng bi là khi nào chúng sanh đang đau khổ”.

Thầy có dạy cái này rồi, đau khổ có duyên gặp mình thì sẵn sàng phóng sanh, không có duyên gặp mình thì không nên đi tìm.

Thí dụ như bây giờ mình chưa có một cái tâm giận hờn, phiền não gì hết thì luôn luôn mình giữ được cái tâm đó gọi là phóng sanh. Phóng sanh được cái tâm của mình, mình làm cho cái tâm mình tiếp tục theo luôn, nó không có phiền não, không có bất toại nguyện gọi là phóng sanh. Nhưng mà khi nó có một sự đau khổ, người ta mắng chửi, nó giận, nó tức, nó làm cho phiền não, nó đau khổ trong lòng nó, thì lúc bấy giờ cái tâm chúng ta như là một con vật bị thương, đau khổ rồi. Thì lúc bây giờ chúng ta phóng sanh với cái lòng bi của ta đối với ta thì chúng ta quán xét suy nghĩ để làm cho tâm chúng ta đừng khổ sở nữa. Đó là chúng ta phóng sanh lòng bi.

Còn bây giờ chúng ta giữ cái tâm của mình đừng có cho nó xảy ra một cái chuyện gì phiền não đau khổ hết, cẩn thận ý từ từng chút đó gọi là phóng sanh lòng từ. Thầy phân biệt để cho thấy cái chỗ phóng sanh nó đúng ý nghĩa của Phật pháp. Chứ không khéo chúng ta đi ra chợ mua tôm cá phóng sanh, đó là cái hình thức phóng sanh chứ không phải là cái phóng sanh đúng.

(26:06) Vì chính tâm mình đang khổ mà mình không phóng sanh nổi thì mình phóng sanh cái con vật ở ngoài kia thì nó không có lợi ích gì cho mình nhiều ở đây đâu. Nó chỉ có cái là làm cái việc phước thiện để mai kia, mốt nọ mình có gặp tai nạn gì đó có người cũng phóng sanh mình bằng kiểu đó.

Thì như vậy thì mình không phóng sanh cho mình thì đừng có nghĩ phóng sanh cho kẻ khác vì tất cả chúng sanh đều bị nhân quả ,nghiệp báo đang chi phối vay trả, trả vay. Nghĩa là nói chung mình cũng đang sống trong luật nhân quả cho nên nghe người ta nói một lời nói nào đó, tức là cái nhân họ gieo vào cái lời nói đó, họ làm cho tâm trở thành một cái quả đau khổ trong đó tức khắc liền. Cho nên mình luôn luôn bị cái luật nhân quả nó chi phối như vậy và tất cả chúng sanh đều như vậy. Mà trong khi mình biết rằng phóng sanh với Tứ Vô Lượng Tâm - từ, bi, hỉ, xả.

Vậy thì phóng sanh như thế nào để cho tâm mình thoát ra cảnh khổ đó mới là thoát khổ. Chứ còn hầu hết một số người dạy phóng sanh thì chắc chắn là dạy chúng ta ra chợ mua chim, cá hoặc rùa trạch hoặc những con vật bị người ta bắt, sắp giết, rồi mình mua mình thả gọi là phóng sanh. Ở đây phóng sanh như vậy nghĩa là cạn lắm, cái ý nghĩa nó cạn lắm, chúng ta cũng làm chớ không phải không làm điều đó. Nhưng mà nhiều khi chúng ta làm để biến thành người ta có một cái nghề săn bắn chim hoặc là bắt chim để chờ chúng ta phóng sanh, thì cái chuyện đó càng phóng sanh ra bao nhiêu thì chúng lại bắt vào bấy nhiêu. Tức là coi như thả ra mà bắt cũng như là bắt cóc bỏ dĩa đó. Chúng ta thả đây, lại đằng kia chúng bắt, chúng ta lại thả nữa thì không biết chừng nào mà gọi là hết đau khổ, càng thả ra thì chúng lại bắt lại bấy nhiêu.

“Luật nhân quả do chúng sanh tạo ra vì thế chúng sanh phải gánh chịu. Ta không thể cứu hay giúp chúng sanh được. Chỉ có duyên gặp nhau trong lúc tai họa, hoạn nạn thì ta không thể làm ngơ mà phải thực hiện tâm bi của mình để phóng sanh”.

(28:07) Đó thì ở đây cái luật nhân quả là tại vì những loài chúng sanh này, loài chim này, rùa, trạch cá tôm đều là do cái nhân quả cho nên chúng mới sanh làm những con vật đó, để mà trả những cái nhân quả. Thì chúng ta đi tìm, đi kiếm chúng để mà mua để mà thả chúng, thả rồi thì cái nhân quả đó chúng có hết không? Chắc chắn không hết.

Chúng bắt lại nữa để mà cho đến khi chúng chết thôi. Bởi vì cái nhân quả chúng đã tạo ra trong cái đời trước thì đời nay chúng phải mang cái thân đó ,phải chịu người ta bắt, rồi người ta chặt đầu, rồi người ta mổ bụng, người ta bỏ lên chảo, người ta chiên, người ta nấu. Thì cái chuyện, cái nhân quả đó thì bây giờ chúng ta làm gì cũng không hết cái nhân quả của chúng sanh đâu.

Cho nên đừng có đi tìm chim, cá mà mua một cách mà không có đúng với chánh pháp như vậy. Mà khi mà chúng ta có cái duyên với chúng sanh đó, với một con chim, một con vật đó, chúng ta đi, có duyên với nhau, đi trên đường đi chúng ta không có nghĩa là có ý đi vô trong chợ cái chỗ mà bán chim đó, mua chim mà thả. Mà chúng ta đi ngang đó, thấy cái người đó họ ngồi họ bán con chim, mà con chim bị cột trói như thế nào, nó nằm một cách rất là đau khổ. Do cái tình trạng nó quá đau khổ, nó làm động tâm chúng ta, cho nên chúng ta không thể làm ngơ được trước cái cảnh đau khổ đó. Mà chúng ta mua bằng với một cái giá, dù đắt bao nhiêu, đây là cái nhân duyên của mình với cái con vật đó mà, mình đâu có nỡ, cho nên dù đắt bao nhiêu, mình cũng bỏ tiền ra mình mua, mua xong rồi mình đem mình thả con vật đó. Mình biết con vật đó cũng sẽ bị người khác bắt chứ không phải không, hoặc là cái người bắt này họ sẽ bắt lại nhưng mà chúng ta vẫn mua. Vì đối với trước cái cảnh khổ của người khác mình không có làm ngơ, con vật mà trước cảnh khổ đó mình không có làm ngơ.

Nhưng ta đừng đi kiếm cái khổ đau đó của loài vật, nếu mà ta đi kiếm thì biết bao nhiêu cái khổ đau của loài vật, biết bao nhiêu con vật đang khổ đau. Cũng như bây giờ ta đi kiếm người nghèo đói để mà cho người nghèo đói thì bây giờ chúng ta đi kiếm thì biết bao nhiêu người. Chúng ta làm bao nhiêu tiền mà cứu giúp họ cho hết.

(30:11) Đó là cái luật nhân quả của họ, cho nên chúng ta làm sao mà giải quyết được hết cái này. Trừ ra chính bản thân họ họ phải giải quyết nhân quả của họ thì họ mới có đầy đủ cơm ăn áo mặc, họ không có đói. Chứ chúng ta không có giải quyết được cái nhân quả cho ai hết đâu. Vì vậy mà trước mặt chúng ta gặp cảnh khổ thì chúng ta mua mà thả chứ đừng có nghĩ đi kiếm. Bây giờ cha mẹ của mình ở nhà đau, thôi mình ra chợ coi chim cá gì đó mua một mớ về thả nó rồi hồi hướng cho cha mẹ mình. Điều đó là điều sai.

Luật nhân quả của cha mẹ mình là làm một cái điều gì ác đó, bây giờ phải thọ cái thân bệnh đó thì bây giờ mình có tạo cách gì cũng không bằng chính cha mẹ mình tạo. Từ đó cái tâm cha mẹ mình không dao động, không dao động trước cái thân bệnh đó thì cái bệnh đó sẽ mau lành. Đó là mình chuyển nhân quả. Chứ còn mình đem chim cá phóng sanh, để mà nhờ phóng sanh chim cá, để làm cha mẹ mình tuổi thọ được tăng lên, bệnh nó giảm đi, nó mạnh thì cái chuyện đó có thể nói rằng cái phước đó nó quá nhỏ. Làm chuyện lành đó để tạo cái phước mà cha mẹ mình được mạnh thì nó quá ít, không bằng đâu. Mà chính cha mẹ mình trong những cái cơn đau của sức tận cùng chịu đựng của thân mạng của mình mà cha mẹ đừng có để cái tâm mình dao động. Mà hễ tâm dao động tức là tâm bệnh nữa rồi, thân đau bệnh mà tâm lại bệnh, hai cái nó gộp lại nó trở thành cái thọ rất mạnh, nó sẽ làm cho cái người đó sẽ đi vào cái sanh tử luân hồi, rất là đau khổ.

Cho nên ở đây cái phần mà phóng sanh thì nghe nó đơn giản nhưng sự thật ra đúng trong cái giáo lý của đạo Phật thì cái sự phóng sanh này chúng ta phải hiểu nó qua cái Tứ Vô Lượng Tâm - từ bi hỉ xả, mà chúng ta thực hiện cái phóng sanh thì nó mới đúng cách.

(32:02) Phóng sanh người ta hiểu nghĩa thông thường là mua chim hoặc cá, loài vật khác đem xuống sông ao hồ hoặc là vào rừng thả. Phóng sanh còn có nghĩa rộng lớn hơn là thấy chúng sanh đang bị tai nạn bệnh tật, nạn giam cầm, tù tội, bị hiếp đáp v.v…​ đang thọ khổ, ta giúp đỡ và an ủi làm giảm đi sự khổ hoặc hết khổ. Phóng sanh còn có nghĩa là tu tập bi tâm, tu tập bi tâm không có nghĩa là tìm kiếm chúng sanh đang thọ khổ mà tu tập.

Tu tập bi tâm tức là thực hiện ngay trên sự đau khổ của thân tâm của mình.

Đó thì phóng sanh mà ngay tâm bi là mình thực hiện được ngay trên cái sự khổ của thân tâm của mình. Bây giờ cái thân thọ của mình đau mà mình thực hiện được cái bi tâm tức là thương cái thọ đau khổ của bản thân của mình, của cái nghiệp lực của mình, của cái nhân quả của mình nè thì mình làm sao cho nó hết thọ khổ này? Đó tức là mình phải cứu lấy mình, đó là chính cái chỗ của Phật pháp.

“Bởi vậy tu Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỉ, xả trên thân tâm của mình như vậy mới gọi là giải thoát hay là thoát khổ. Từ bi với thiên hạ chúng sanh là mình thoát khổ hay chăng?”

Nghĩa là mình mua chim cá mình phóng sanh mình có thoát khổ không? Chắc chắn điều đó không thoát khổ, vì mình làm ác mà mình…​Ví dụ mình mua chim cá mình phóng sanh mà mình đi ăn trộm ăn cướp thì tức là người ta cũng bắt mình bỏ tù, người ta cũng tra khảo hỏi mình, đồng bọn mình bao nhiêu người, họ không tha mình chút nào đâu. Họ cũng không bỏ mình ra khỏi tù, họ cũng bắt mình vô giam. Cho nên từ bi với thiên hạ, tức là chúng sanh thì mình có thoát khổ hay không?

Còn mình từ bi với mình thì mình biết tâm bi của mình, tâm từ của mình. Tâm từ của mình thì mình không làm khổ người khác tức là mình đâu có trộm cắp, mình đâu có làm cho người ta tan nát gia đình. Mình bi tâm, mình từ bi thì mình thương mình thì mình không có làm cho người khác khổ. Thì như vậy tức là mình đã thương mình, thì đó là phóng sanh.

(34:14) “Hay tăng nghiệp quả thêm cho thiên hạ, chúng sanh?”

Nghĩa là bây giờ một chúng sanh nó đang ở trong cái cảnh bất hạnh, nghèo khổ là do cái nhân quả đời trước họ đã tạo. Vì vậy bây giờ chúng ta đem cơm gạo đến cho họ để cho họ thọ thêm cái nghiệp quả nặng thêm chứ làm sao mà dứt cái nghiệp đó. Thay vì họ phải nghèo khổ đó để họ trả cái nghiệp bỏn xẻn, ích kỷ kiếp trước. Bây giờ để làm cho họ sáng mắt ra cho nên họ mới mở cái lòng bố thí ra, họ xả ra.

Còn đằng này mình lại đem cơm gạo cho họ thêm tức là cái lòng bỏn xẻn họ lại còn thêm nữa, tức là họ lấy của người khác chứ họ không dám bỏ của họ ra. Thì do đó cái nhân quả nghiệp báo đó sẽ thành tăng lên, họ sẽ càng khổ hơn, khổ hơn và khổ hơn nữa, đói khát họ lại càng đói khát hơn nữa.

Cho nên người chưa hiểu nhân quả, cho nên tập trung chỗ này, tập trung chỗ kia, kêu gọi Phật tử đóng góp này kia để đi cứu trợ đầu kia, đầu nọ, tức là quý thầy chưa hiểu nhân quả. Làm cái việc, quý thầy tưởng là từ thiện nhưng mà sự thật đưa người ta đi vào cái nhân quả nghiệp báo, càng tăng lên cái sự nghiệp quả đói khổ họ thêm lên mà muôn đời họ không có trả được. Còn trái lại từ cái cảnh nghèo đó mà họ xả được tâm họ, họ biết nhường cơm sẻ áo cho người khác thì ngay đó họ đã an ổn được cái tâm khổ đau vì đói khổ của họ.

Đó là cái đường lối của đạo Phật dạy chúng ta làm cái việc từ thiện đúng cách. Còn hiện bây giờ thì hầu hết số quý thầy làm từ thiện nó không đúng cách. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không an ủi những người bất hạnh mà như hồi nãy Thầy đã nói. Trước cảnh đói khát của người khác, ta không nỡ tâm nhưng ta không đi tìm kiếm làm cái việc đó. Vì việc đó không thể nào mà làm họ hết khổ đau, chúng ta biết như vậy.

(36:09) Cho nên ngày xưa, ngài Ca Diếp, ông đến gọi một bà lão ăn xin, bà hãy cúng dường cho tôi thì bà thoát khỏi cảnh nghèo. Còn bây giờ nếu mà tôi cho bà cái thực phẩm, bà ăn đầy đủ thì cái cảnh nghèo bà vẫn kéo dài thêm cái kiếp nghèo khổ của bà nữa mà bà còn nghèo khổ hơn nữa. Cho nên ngày hôm đó bà lão chỉ xin được có hai xu mà chưa có được một hột cơm trong lòng. Nghe ông Ca Diếp nói như vậy, thuyết phục bà như vậy, cho nên bà vui vẻ dâng lên hai xu để cúng dường cho ông Ca Diếp. Và từ đó, đêm đó bà bị đói và lạnh, một đêm rất lạnh bà bị đói và lạnh và bà chết ngay đêm đó. Và cái lòng mà bà bố thí cúng dường như vậy, lòng bà biết san sẻ ra như vậy đó cho nên bà được sanh lên cõi trời. Từ sanh lên cõi trời đó bà được hưởng đầy đủ cơm áo ,không còn thiếu nữa, không còn là một bà lão ăn xin nữa.

Bây giờ đây là cái phần của cô Liễu Tâm đã hỏi Thầy về cái phần phóng sanh như vậy. Muốn rõ nữa thì Thầy đã dạy cho các con thấy rất là cụ thể, từ đây về sau chúng ta phải làm một cái điều gì cho đúng với Phật pháp, đừng có làm cái điều mà đức Phật đã dạy chúng ta mà chúng ta lại làm sai, hiểu sai.

Cho nên ở đây chúng ta đâu thấy cảnh màn trời chiếu đất của cái người bị bão lụt mà đã sập nhà, sập cửa trong cái bão mà số năm vừa rồi phải không? Chúng ta đâu có nghe, mình đâu có thấy thế rồi bây giờ người ta kêu gọi cứu trợ bằng cách này, bằng cách kia làm cho mình nghe, làm cho mình thấy. Khi mà mình được nghe, mình được thấy thì mình sẵn sàng mình chia sẻ.

Nhưng mà khi mà mình không được nghe, không được thấy thì thôi mình không có sẵn sàng mình chia sẻ. Cho nên ở đây chúng ta không kiếm những cái khổ đó mà làm việc phóng sanh mà chúng ta trực tiếp nghe thấy, trước cảnh khổ của người khác thì chúng ta không làm ngơ. Nhưng chúng ta biết chúng ta làm điều đó là chúng ta chồng thêm cái nghiệp cho kẻ khác chứ không phải chúng ta cứu người đó đâu, không phải là chúng ta gieo một cái điều tốt cho thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Họ càng nhận cái của mình bao nhiêu thì họ càng nghèo đói bấy nhiêu và tai họa đến với họ nhiều hơn nữa.

Đó, hiểu được Phật pháp thì phải hiểu được nhân quả như vầy, chứ còn mà hiểu lơ mơ thì chúng ta…​

Bởi vì trong cái giáo đoàn của đức Phật ngày xưa, ở chỗ này mà thất mùa mà không có cơm ăn áo mặc thì đức Phật đi đến cái chỗ khác, nơi mà có trúng mùa thì ở đó đi xin ăn. Còn chỗ này mà thất mùa thì mình không có ở đây xin vì có xin thì người ta cũng không có người ta cho mình vì người ta thất mùa cho nên đức Phật đi.

Mà đức Phật cũng không đi lại cái chỗ mà trúng mùa đó mà kêu gọi những cái người ở đó đóng góp lại mà đi lại cứu cái chỗ này vì đức Phật đã nhìn thấy những nhân quả đó cho nên không có cứu trợ cho chúng ta bao giờ, chỉ rời khỏi cái đó để tránh cho người ta gánh thêm một số tu sĩ ở đây phải lo cơm ăn, áo mặc, phải lo cơm ăn áo mặc cho các tu sĩ. (39:20)

HẾT BĂNG