Skip directly to content

BẢNG TUYÊN BỐ KẾT QUẢ BẢY THÁNG TU HỌC CHỨNG CHÂN LÍ

Hỡi các tu sinh thân mến tại tu viện Chơn Như ! Ngày mãn khóa mà không có mặt của Thầy, chắc các con buồn lắm phải không?

Dù có mặt Thầy hay không có mặt Thầy, nhưng những lời Phật và những Thầy còn vang mãi bên tai của các con: “BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TRONG SỰ TU TẬP LÀ ĐỘC CƯ” hay “THẤY LỖI MÌNH KHÔNG THẤY LỖI NGƯỜI” hoặc “TA THÀNH CHÁNH GIÁC LÀ NHỜ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT”. Đấy là những lời vàng ngọc luôn luôn sống bên các con thì không phải Thầy đang ở bên các con sao? Thầy đang đứng trước mặt và ở trong tâm các con đây, chỉ vì các con sống không đoàn kết, không sống đúng lời dạy nên không thấy Thầy mà thôi.

Ngày xưa khi chúng Tăng sống không đoàn kết thì đức Phật bỏ vào rừng sống một mình, đến khi chúng Tăng đoàn kết đến thỉnh Phật thì Phật mới trở về. Gương xưa còn đó thì Thầy bây giờ cũng vậy. Khi nào các con biết đoàn kết thương nhau, không nói xấu lẫn nhau thì Thầy trở về.

Hôm nay là ngày mãn khóa tu tập chứng đạt chân lí trong bảy tháng của tất cả tu sinh tại tu viện Chơn Như. Đây là khoá tu tập chứng đạt chân lí đầu tiên từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt đến ngày nay.

Tuy rằng các nước Phật giáo trên thế giới đều có mở các trường thiền tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ và các trường Đại học Phật giáo, nhưng chưa có một trường thiền nào và một trường Đại học Phật giáo nào trên khắp thế giới dám tuyên bố hướng dẫn tu tập chứng đạt chân lí (quả A La Hán) trong bảy tháng làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

 Sau bảy tháng rồng rã chăm lo tu học rất vất vả và gian nan vô cùng, trong một môi trường đầy phạm giới của nhiều tu sĩ và cư sĩ nam lẫn nữ tại tu viện, họ đã xem thường giới luật của Phật như những pháp môn không quan trọng. Họ đâu biết rằng giới luật của Phật là những bí quyết thành công trong sự tu tập chứng quả A La Hán. Bởi vì những bậc A La Hán đều được sinh ra từ giới luật.

Vì môi trường phạm giới, cho nên những tu sinh có quyết tâm tu tập trong bảy tháng để chứng đạt chân lí, phải gặp nhiều khó khăn và mệt nhọc tận cùng trong sự nhiếp phục tâm để ly dục ly ác pháp và để an trú thân tâm của mình. Nhờ có an trú thân tâm của mình được, nên mới làm chủ bốn sự đau khổ: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi. Có nỗ lực công phu tu tập như vậy mới xứng đáng để đền đáp công ơn dạy dỗ của Phật và không phụ lòng mong đợi của Thầy từng giờ, từng phút.

Bảy tháng tu tập trong một môi trường đầy sóng gió các tu sinh đã đem hết sức cố gắng tu tập vươn lên để chiến thắng giặc sinh tử. Thật đáng thương thay!

Nhưng có một số tu sinh không ý thức trong sự tu tập giới luật của Phật, vì giới luật của Phật là đức hạnh, là phương pháp phòng hộ bảo vệ sự tu tập cho tu sinh. Vậy mà những tu sinh không biết sự lợi ích của giới luật như vậy, thì Thầy biết nói làm sao hơn, Những tu sinh ở đây là những người lớn tuổi đáng làm anh, làm chị, làm cô bác, làm ông bà, chứ đâu phải là những tu sinh còn nhỏ tuổi như trẻ con học lớp 1, lớp 2 mà mỗi lần làm lỗi thì phải bị phạt đòn, phạt chép bài v.v...Phải không các con?

Bảy tháng tu tập trôi qua, ai tu tập đúng, ai tu tập sai, ai vô tình phạm giới, ai cố ý phạm giới, ai xem thường giới luật, ai kính trọng giới luật, ai chứng đạt chân lí, ai không chứng đạt chân lí … điều đó rất rõ ràng các con ạ!.

Bảy tháng tu tập trôi qua đã xác định những đều này cụ thể, không còn ai che dấu được ai. Dù những người tu tập chưa đến nơi đến chốn họ cũng nhận ra được.

Bởi Phật pháp là một chân lí, là một sự thật không thể lừa gạt, dối mọi người được, ai tu tập đến mức độ nào thì rõ ràng ở mức độ nấy. Ai tu tập ở mức độ nào thì kết quả lợi ích ở mức độ nấy, không thể nói hơn được, không thể dối người được. Vì kết quả rất cụ thể không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác như kinh sách phát triển dạy.

Ngày xưa đức Phật cũng đã xác định rõ ràng 500 vị Tỳ kheo đang theo Phật tu hành, khi vua Ba Tư Nặc hỏi:

- Trong 500 vị Tỳ kheo đang theo đức Thế Tôn tu hành có chứng quả A La Hán hết hay không ?

Đức phật trả lời:

- Có 90 vị chứng Tam Minh, có 90 vị chứng Thiền Định và còn lại 220 vị chứng Giới Luật .

Như vậy trong thời đức Phật tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm túc, 500 vị Tỳ kheo không có người nào phạm giới, còn trong thời chúng ta thì sao? Các con hãy suy ngẫm.

Câu trả lời của đức Phật trên đây rất rõ ràng. Vậy chúng ta hãy đem so sánh lớp tu học của đức Phật và lớp tu học chứng đạt chân lý của chúng ta để xem kết quả của những người xưa tu học và kết quả của người nay tu học như thế nào?.

 Thật là xấu hổ, lớp tu học của Phật ngày xưa có 500 vị Tỳ kheo, còn lớp tu học của chúng ta ngày nay chỉ có 65 người. Số lượng người tu trong thời đức Phật quá đông, nhưng giới luật nghiêm túc, còn số lượng người tu trong thời chúng ta quá ít, nhưng giới luật phạm gần hết. Đau lòng Thầy lắm các con ạ!

Trong kinh diễn tả 500 vị Tỳ kheo giữ gìn giới luật độc cư nghiêm túc, im lặng trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh đến nỗi vua A Xà Thế vào thăm Phật phải ngạc nhiên, những chiếc lá vàng rơi nghe rất rõ ràng.

Trong thời đức Phật tu sĩ nào phá sự im lặng độc cư thì đức Phật đuổi ra khỏi khu vực dù là những đệ tử thân tín, tay chân như ông Xá Lợi Phật và ông Mục Kiền Liên.

Trở lại lớp học của chúng ta có bao nhiêu vị chứng thiền định; có bao nhiêu vị chứng tam minh; có bao nhiêu vị chứng giới luật. Trước tiên chúng ta xét về giới luật độc cư ( độc cư là một giới luật thu gồm tất cả giới luật của Phật, nếu ai vi phạm giới luật này là sẽ vi phạm tất cả giới luật khác).

Về giới luật trong bảy tháng tu học các tu sĩ tại tu viện Chơn Như đều vi phạm gần hết. Còn lại không hội họp, không nói chuyện bên nam chỉ có Thầy Chân Thành sư Giác Thường, Thầy Minh Nhân, nhưng cũng còn sơ sót vào những lỗi nhỏ nhặt. Còn bên nữ có sư cô Huệ Ân, sư cô Hạnh Từ, Ngọc Bình, cô Thảo và gần đây khi đọc bức tâm thư của Thầy thì có một số người cố gắng giữ gìn hạnh độc cư hơn…

 Về thiền định bên nam an trú được thân tâm, làm chủ được bệnh, phục hồi được thần kinh có Thầy Chơn Thành. Bên nữ có sư cô Huệ Ân cũng an trú được thân tâm, làm chủ được bệnh, tịnh chỉ được hơi thở 15 phút.

Sóng gió Chơn Như là một bài thi trắc nghiệm để thử thách trong năm tháng đầu tu tập đã xác định, ai tâm phóng dật, ai tâm không phóng dật. Để kết luận bảy tháng tu học ai chứng đạt chân lí, ai không chứng đạt.

Như vậy trong các con, ai cũng đều biết lời đức Phật đã dạy: “TA THÀNH CHÁNH GIÁC LÀ NHỜ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT”. Vậy tu sinh nào tâm không phóng dật trước cảnh sóng gió Chơn Như, tâm vẫn bất động hoàn toàn, luôn thanh thản, an lạc và vô sự, thì tu sinh ấy chứng đạt chân lí giai đoạn một Có đúng như vậy không các con?

Vậy trong chúng ta có tu sinh nào tâm bất động trước sóng gió Chơn Như không ?

Vậy các con hãy xem lại mình, và tất cả anh chị em đồng tu trong tu viện rồi tự suy ngẫm biết ai là người tu chứng.

Thầy không nêu đích danh những người tu chứng, nhưng đã tuyên bố những tu sinh tu tập tới đâu, kết quả tới đó và kết quả như thế nào quá rõ ràng. Tất cả các con có mặt trong tu viện hôm nay có nhận thấy kết quả này không?

Sau bảy tháng tu học này, các con rút ra một kinh nghiệm tu chứng đạt quả giải thoát, nếu ai quyết tâm tu hành tìm cầu sự làm chủ sinh, già, bệnh chết, thì không còn khó khăn, cứ đúng theo giới luật giữ gìn cho nghiêm túc, đừng vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào và quyết tâm xả từng tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi thì con đường chứng đạo tại ngay đó .

Đạo Phật không chấp nhận thần thông, cho nên chúng ta phải dẹp nó qua một bên, có nghĩa là chúng ta xem nó không quan trọng. Có thần thông hay không có thần thông cũng không sao, nó không phải là chỗ chứng đạo của Phật giáo. Các tu sinh phải hiểu chứng đạo của Phật giáo là chứng một điều gì có lợi ích giải thoát khỏi mọi sự ưu bi sầu khổ và bệnh tật nơi thân tâm mình, chứ không phải chứng đạo để mà nói suông, để mà làm chiêm tinh gia, để trở thành những nhà ảo thuật. Chứng đạo tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi. Trước khi chết phải biết mình đi về đâu? ở đâu? Chứng đạo là sự thiết thực và lợi ích như vậy mới gọi là chứng đạo.

Lòng nghi ngờ và ganh tỵ của các con đã lấp mất đường lên xứ Phật, các con không tự lo tu cho mình mà vô tình hay cố ý theo quan sát Thầy Chơn Thành tu tập rồi cùng bảo nhau: “Thầy Chân Thành còn bị hôn trầm thùy miên”. Thật là buồn cười, các con biết tâm đó là tâm gì không? Tâm ích kỉ, hèn hạ, nhỏ mọn, đố kỵ, hẹp hòi v.v...

Khả năng tu hành của các con có nhập các định được chưa? Mà dám quan sát người tu an trú trong định?

Người nhập định cũng giống như người ngủ, nhưng khác xa các con ạ!

Người ngủ say không còn biết gì cả, còn người nhập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tâm an trú trong định, có một trạng thái hỷ lạc, ngồi lâu không biết mỏi mệt, nhưng có người đi đến gần đều biết, do vậy nên Thầy Chân Thành tìm cách tránh duyên rình mò của quý thầy, quý cô.

Người nhập vào một trạng thái định cao hơn Chánh Niệm Tỉnh Giác Định thì toàn bộ thân tâm đều rơi vào một trạng thái khinh an, hỷ lạc phủ trùm toàn thân tâm, nên không còn thấy biết gì bên ngoài, chỉ còn biết một trạng thái khinh an hỷ lạc mà thôi, cho nên rất giống như người ngủ say, ai đi đến không còn biết, vì thế các con làm sao biết được người ngủ, người nhập định.

Với tâm chưa thanh tịnh của các con chỉ có thể nhận được người ngủ say, qua tiếng thở mạnh, tiếng ngái ngủ “khò...khò...khò......”, còn người nhập định các con không thể nhận được, vì hơi thở quá nhẹ nhàng, nhẹ đến nổi mà chính người nhập định còn không nghe huống là người đứng bên ngoài nhìn vào mà biết gì gọi là hôn trầm, thuỳ miên, vô ký ngoan không, hôn tịch v.v....

Còn những người nhập vào định tưởng bị hành tưởng lưu xuất nên thân lúc lắc rung động hoặc thân cúi xuống ngẩng lên giống như người bị hôn trầm, nhưng không phải hôn trầm.

Cho nên những điều các con nói về Thầy Chơn Thành ngủ là sai hết. Thầy Chơn Thành có cái sai là ngay từ lúc đầu ngồi thiền không được sửa thân ngay thẳng, nên khi gôm tâm an trú vào trạng thái khinh an, hỷ lạc thì cổ Thầy cúi xuống, lưng thụng, do hình tướng này mà các con bảo Thầy ngủ là các con đã nhận lầm, xét sai.

Khi đang tu tập mà có duyên sự đi ra ngoài thì cần phải giữ im lặng như Thánh, phòng hộ sáu căn đừng để tiếp xúc sáu trần, tức là đừng để phá hạnh độc cư, nếu không phòng hộ tâm thường phóng dật dính mắc trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, do đó tính tò mò hay hỏi han chuyện này chuyện kia. vì hỏi han chuyện này chuyện kia nên sinh ra nói chuyện nhiều, người nói chuyện nhiều là người mất sức tự chủ khiến cho người nghe đánh giá trị tâm còn tham, sân, si. Đúng vậy khi tu chưa xong mà phá hạnh độc cư, thiếu sự phòng hộ là tâm còn tham, sân, si chưa xả sạch, nên chuyện gì cũng muốn biết. Nếu Thầy Chơn Thành giữ trọn những điều này thì Thầy đã chứng đạo từ lâu.

Thầy Chơn Thành có sức an trú rất mạnh trong định, nên đẩy lui được những bệnh hiểm nghèo như: bệnh đau răng, bệnh đi cầu ra máu, bệnh bán thân, bệnh rối loạn thần kinh, như các con đều biết trong chuyến đi thăm HT Thanh Từ tại thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thầy Chơn Thành đã bị rối loạn thần kinh vì quá chế ngự tâm để đối trị cơn dại sóng xe, hơn một ngày đêm Thầy sống vô phân biệt, như một người vô tâm. Nhờ sự khéo giúp đỡ của Thầy, Thầy Chơn Thành đã tự mình phục hồi thần kinh mà không tốn một viên thuốc nào cả.

Như vậy sau bảy tháng Thầy khích lệ và hướng dẫn kỹ lưỡng cách thức tu tập xả tâm cho các con. Hôm nay các con đã mang lại những kết quả thực tế và có lợi ích rất lớn cho đời sống của các con.

Trong khoá tu tập bảy tháng đã xác định kết quả các pháp môn tu tập, nhất là người tu tập mang lại những kết quả thực tế lợi ích cụ thể. Nhưng vì khoá đầu tiên nên lòng tin của những tu sinh không được trọn vẹn vì thế số người chứng đạt chân lí còn quá ít:

1-      Tuệ Tam Minh thì chưa có người

2-      Định an trú làm chủ bệnh, tịnh chỉ hơi thở có: Thầy Chơn Thành, sư cô Huệ Ân.

3-      Giới luật độc cư có Minh Nhân, cô Thảo, Hạnh Từ, Ngọc Bình…

Bất cứ người nào thích sống một mình và giữ gìn giới hạnh độc cư trọn vẹn thì người ấy sớm muộn gì họ cũng sẽ chứng đạo. Bởi vì qua những kinh nghiệm tu hành của Thầy từ lúc lên Chân Không, sống ở Hòn Sơn và khi trở về Trảng Bàng nhập thất đều sống độc cư trọn vẹn, nhờ thế Thầy tu chứng đạo. Cho nên có người hỏi Thầy tu hành chứng đạo có bí quyết gì không?

Thầy trả lời: “Độc cư là bí quyết của thiền định”. Độc cư tức là giới luật, nhờ giới luật mới ly dục ly ác pháp. Nhờ có ly dục ly ác pháp mới tu tập thiền định không bị ức chế tâm, nên không bị rối loạn thần kinh. Cho nên đức Phật dạy: “GIỚI SINH ĐỊNH”, chứ không phải tu thiền định mà có định. Chỗ này các Tổ đã không hiểu, nên bỏ giới tu thiền định, vì thế tu hành mà không có người nào tu chứng quả A La Hán. Và tất cả tu sĩ lần lượt tu tập đều phạm giới, phá giới, xem thường giới luật, biến giới luật thành pháp luật “CẤM”. Từ cái sai này đến cái sai khác khiến cho Phật giáo mất đường tu chơn chánh.

Người tu sĩ Phật giáo hiện giờ không còn tự giác, tự nguyện sống trong giới luật mà bị bắt buộc thế này thế khác theo giới luật. Ngày xưa trong thời đức Phật một người muốn tu tập theo Phật giáo là phải sống biệt trú trong bốn tháng để tự mình sống có nỗi những giới luật của Phật hay không? Nếu sống nỗi thì đức Phật và chúng Tăng chấp nhận mới trở thành người tu sĩ, người đệ tử của Phật, còn nếu sống không nỗi thì cứ về đời sống bình thường như mọi người khác. Cho nên giới luật Phật không phải là giới cấm mà là đức hạnh của một người tu sĩ. Người tu sĩ phải tự giác, tự nguyện sống đời sống giới luật mới chính là người tu sĩ của Phật giáo.

Ở đây, Thầy không bắt buộc các con phải theo Thầy tu tập mà các con tự giác, tự nguyện theo Thầy. Cớ sao các con lại phạm giới nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Như các con cũng đã biết không nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là luôn luôn lúc nào các con cũng thấy lỗi người không thấy lỗi mình. Cho nên văn thơ của các con đã viết ra là biết các con đã không theo đúng lời Phật dạy, tu theo Phật mà không đúng theo lời Phật dạy thì tu làm sao giải thoát được. Phải không các con? Phật dạy: “CÁC PHÁP ÁC KHÔNG NÊN LÀM, NÊN LÀM CÁC PHÁP THIỆN HAY THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI” Như vậy tu sinh tu học giới nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ở đâu? Trong kinh Pháp Bảo Đàn có dạy: “Gió động, phướng động hay tâm các con động?” Đó là Thiền Tông mà còn dạy tu tập như vậy, huống là Phật giáo nguyên thủy. Đấy là các con phạm giới mà các con có biết không?

Ăn, ngủ, độc cư các con có giữ trọn vẹn đâu? Sáng, trưa, chiều nếu cần gì thì đi ra quán mua sắm hay gửi người khác mua để người dân cả xóm Gia Lâm chê cười tu sĩ tại tu viện Chơn Như giống như người đời. Các con có biết không?

Các con có biết bí quyết thành công trong sự tu tập là gì không? Vậy mà lúc nào cũng tập họp nói chuyện, Thầy đã mõi mệt lắm rồi. Thầy muốn ra đi vì mình không có duyên với chúng sinh, cho nên dạy các con không nghe. Dạy các con không nghe lời. Vậy còn ở lại đây làm gì?

Nếu trong khoá tu tập bảy tháng chứng quả giải thoát mà không có người tu chứng thì Thầy xin từ giả các con, nhưng may mắn thay lại còn có một vài người giữ gìn giới luật nghiêm túc, còn có một vài người có đủ định lực làm chủ bệnh, làm chủ hơi thở. Đấy là cái duyên chưa dứt, chúng sanh còn có một chút ít phước. Nếu khóa tu này không người chứng quả giải thoát thì Thầy sẽ ra đi và vĩnh biệt các con.

Những tu sinh trong khóa tu tập này có những định lực làm chủ thân tâm và bệnh tật, họ rất xứng đáng là những người thay Thầy đứng dạy những lớp Thọ Tam Quy, những lớp Thọ Ngũ Giới và những lớp Thọ Bát Quan Trai.

Từ đây chương trình giáo dục đào tạo của Phật giáo được triển khai đúng mức có khoá tu học, có thời gian nhất định để đào tạo những người có đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh.

Có trường lớp dạy đạo thì phải có thời gian nhất định. Theo thời gian của chương trình giáo dục đào tạo mà đức Phật đã dạy: bảy ngày, bảy tháng và bảy năm.

Vậy chương trình dạy đạo ngắn ngày nhất từ một ngày đến bảy ngày, như vậy lớp dạy Thọ Tam Quy, lớp dạy Thọ Ngũ Giới và và lớp dạy Thọ Bát Quan Trai có thể  tổ chức trong mỗi tuần lễ vào ngày chúa nhật, trong mỗi tháng có bốn ngày.

Riêng lớp Thọ Bát Quan Trai có thể mỗi tháng tổ chức cho quý Phật tử tu tập 7 ngày liên tục để có thời gian tu tập sống hạnh độc cư, để chuyển lần họ lên lớp cao hơn và trở thành những người tu sĩ Phật giáo chân chánh.

Lớp đào tạo những người tu chứng chân lí ngắn ngày bảy tháng, sẽ tiếp tục mở cửa để đào tạo thêm những người đứng lớp dạy đạo đức nhân bản cho mọi người.

Nếu có điều kiện thuận tiện sẽ mở lớp bảy năm đào tạo những bậc A La Hán theo chương trình giáo dục Bát Chánh Đạo dạy từ lớp Chánh kiến đến lớp Chánh Định. Trong bảy năm học này, nếu tu sinh chứng đạt quả A La Hán xong thì có đầy đủ Tam Minh, chừng ấy Phật giáo chỉ còn là nền đạo đức nhân bản – nhân quả chung của nhân loại, chứ không còn là tôn giáo nữa.

Lớp tu học bảy năm là lớp tu tập căn bản nhất của Phật giáo, đào tạo từ căn bản đến chứng đạo theo chương trình tu tập mà Thầy sắp soạn thảo. Thời gian có quy định rõ ràng tu sinh tu học bảy năm tốt nghiệp là chứng quả A La Hán. Nếu tu sinh nào tu học suốt bảy năm mà không chứng quả A La Hán thì được xem là thi rớt. Và khi thi rớt thì không còn tiếp tục học lại nữa, phải rời khỏi tu viện.

Tu Viện được xem là trường đào tạo những bậc A La Hán, nếu tu sinh nào được nhận vào tu học mà không lo tu học, lại chểnh mảng, phạm giới, phá giới sống theo kiểu dục lạc thế gian, đến khi mãn khóa không chứng quả A La Hán, thì tu viện không còn chấp nhận cho những tu sinh ấy tiếp tục học lại do hạnh kiểm quá xấu. Còn những tu sinh nào sau bảy năm tốt nghiệp không chứng quả A La Hán mà hạnh kiểm tốt tức là những tu sinh ấy giới luật giữ gìn nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, những tu sinh ấy được tu học lại khóa thứ hai. Khoá thứ hai mà không tu chứng quả A La Hán thì tu sinh ấy phải rời khỏi tu viện, chứ không còn chấp nhận cho tu học lại khóa thứ ba.

 Sức khỏe Thầy tuy có giảm nhiều nhưng vì chúng sinh quá đau khổ mà Thầy đâu nở lòng nào bỏ đi. Vậy Thầy mong các con hãy tu tập để sớm chứng đạt chân lí không phụ ơn Phật, ơn Thầy.

Nếu hằng năm những lớp học đạo đức và những lớp đào tạo những người tu chứng đạt chân lí được sinh hoạt đều đều, Chánh pháp của Phật đã làm sống lại thì ước nguyện của Thầy đã viên mãn.

Tất cả các pháp đều vô thường, có sinh phải có diệt, thân Thầy cũng vậy. Các con hãy tiếp tục thay Thầy dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả cho nhân loại, và cứ đời này nối tiếp đời khác đừng để chánh pháp của Phật mất đi thì rất tội nghiệp cho chúng sinh các con ạ!

Chánh pháp của Phật đã dựng lại được, ngày ấy Thầy sẽ từ giả các con và Thầy chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi. Có nghĩa là khi Thầy bỏ xác thân này là vĩnh viễn không còn tái sinh lại cõi thế gian này nữa. Vậy lúc bậy giờ các con ở lại mạnh giỏi phải luôn luôn thương yêu nhau hơn, phải đùm bọc đừng sống chia rẻ, phải đòan kết chị ngã em nâng và lá lành dùm lá rách mới là không phụ lòng thương yêu của Thầy.

Thân thương chào các con chúc các con tu hành xả tâm cho thật tốt, chứng đạt chân lí dễ dàng hơn.

Thầy của các con