BỨC TÂM THƯ THỨ 46
(Ngày 16 tháng 2 năm 2007)
Kính gửi: Quý phật tử thành phố Hồ Chí Minh.
Kính thưa quý vị! Thầy sẽ trả lời những nỗi thắc mắc về đạo đức nhân quả bố thí mà không được phước báu, còn lãnh tai họa thảm khốc.
1- Người đi tu là phải buông xả xuống sạch, đời sống chỉ còn có ba y một bát, họ đã vượt qua bao nhiêu ác pháp, bao nhiêu ái kiết sử, thì lời nguyền nào mà họ không buông xả được. Tham, sân, si, ái dục là chính thân tâm của họ, vậy khi theo pháp Phật, quyết tâm buông xả, họ còn xả sạch huống là những lời nguyền có nghĩa gì với họ. Cho nên con đừng sợ, đời con là một chuỗi dài đau khổ, hãy mạnh dạn đứng trên bằng đôi chân của con để tiến tới con đường giải thoát của đạo Phật. Thời gian con đến tu viện tu học chỉ là tu tập THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI và mới tu học 4 tháng lớp Chánh Tri Kiến, thì lớp học bị đóng cửa, vì thế con sống trong giới luật chưa nghiêm chỉnh, do giới luật chưa nghiêm chỉnh nên con mới gặp mọi sự xảy ra bất an. Con có thấy điều này không? Các tu sĩ ở đây phạm giới độc cư tan nát làm mất đòan kết, khiến Thầy phải rời khỏi tu viện. Thay vì Thầy nhập Niết Bàn cho xong, nhưng vì còn thương các con nên không nỡ bỏ. Khi Thầy ra khỏi tu viện tổ chức ngay lớp rèn luyện nhân cách NGŨ GIỚI để giúp các con giữ gìn giới luật nghiêm túc và buông xả tâm cho rốt ráo. Con có đọc sách GIÁO ÁN RÈN NHÂN CÁCH LỚP NGŨ GIỚI chưa? Nếu có đọc con mới thấy giới luật đức hạnh của Phật giáo tuyệt vời.
2- Con có đọc sách Giáo Án chưa? Bài “Nỗi Đau Không Của Riêng Ai” Nạo thai móc thai là một tội ác lớn lắm con ạ! Tội giết người, nhất là tội giết con. Nhân quả này phải trả vay không thể nào tránh khỏi. Vay một trả mười. Muốn thoát ra những tội khổ báo này, chỉ duy nhất con phải theo tu học lớp đạo đức NGŨ GIỚI và phải sống đúng ĐỨC HẠNH NGŨ GIỚI thì mới chuyển hết tội khổ con ạ! Nhân quả chỉ có thiện pháp giới luật mới chuyển đổi, ngoài giới luật thiện pháp của Phật thì không có pháp nào chuyển đổi được nhân quả. Giới luật thiện pháp của Phật thì chỉ có người xuất gia mới giữ gìn đúng được.
Theo quy luật nhân quả thì lấy thiện pháp chuyển ác pháp, cho nên giáo pháp của đức Phật toàn là giới luật đức hạnh, thiện pháp. Người tu theo Phật giáo chỉ cần sống đúng giới luật đức hạnh thì chuyển sạch nghiệp báo khổ đau. Chuyển sạch nghiệp báo khổ đau là chứng đạo. Lớp dạy NGŨ GIỚI ra đời đúng lúc để giúp cho mọi người thoát cảnh khổ đau và tu sĩ có cơ hội học tập và rèn luyện nhân cách đức hiếu sinh (lòng từ bi)
Đối với con hiện giờ chỉ có sống đúng giới luật đạo đức để trở thành một tu sĩ đúng giới hạnh thì sẽ chuyển tất cả tội khổ, do vô minh, mê mờ, không biết mà vô tình con đã tự tạo ra và cũng từ đó lương tâm con rất hối hận, ăn năng, sám hối. Con đừng lo, đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả, nó ra đời là để chuyển hóa nhân quả, mở ra một con đường cho mọi người tự mình cứu mình, có một lối thoát ra rất tuyệt vời.
Từ những lớp học đạo đức NGŨ GIỚI , TAM QUY, THẬP THIỆN, THẬP GIỚI SA DI, 250 GIỚI TỲ KHEO TĂNG, 348 GIỚI TỲ KHEO NI. Học viên nào xuất sắc sống đúng giới luật mới được Thầy rút về khu tu tập chuyên tu TỨ THÁNH ĐỊNH ở Ngọc Tuyền Sơn, xã Phước Hãi, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu còn người nào phạm giới phá giới thì ở lại theo học các lớp giới luật đức hạnh, chứ không được dự vào lớp chuyên tu, vì phạm giới phá giới vào lớp chuyên tu sẽ phá những người giữ giới không tu tập được. Đây là sự đổi mới của tu viện Chơn Như, bất cứ một tu sĩ nào ở trong các hệ phái Phật giáo hiện giờ muốn về tu tập tại tu viện Chơn Như đều phải trải qua các lớp giới luật đức hạnh, sau khi đạt đúng tiêu chuẩn giới luật đức hạnh mới được ghi danh vào lớp chuyên tu TỨ THÁNH ĐỊNH. Chẳng hạng như con hiện giờ muốn xuất gia tu hành đều phải theo học các lớp giới luật đức hạnh tại tu viện Chơn Như rồi mới được vào lớp chuyên tu.
3- Phật tử thành phố Hồ Chí Minh hỏi về luật nhân quả làm từ thiện mà gặt lấy tai họa thảm khốc, chết không toàn thây.
Luật nhân quả rất công bằng, vì thế các nhà khoa học thiên văn không thể đoán đúng đường đi của bão. Bão luôn luôn đi tìm những người làm ác, nó đi theo từ trường ác của những người làm ác phóng xuất ra nơi họ ở, từ trường ác có một lực hút rất mạnh, nên bão tương ưng với lực hút ấy tạo ra cảnh cửa tan nhà nát của cải tiêu tan người chết chóc như chúng ta đã chứng kiến những trận bão đã đi qua để lại một thảm trạng đau lòng. Một cảnh tượng nhà cửa của cải tài sản tan nát, một thảm trạng đau lòng người chết nằm ngổn ngang mà nguyên nhân chính là do giết hại và ăn thịt chúng sinh.
Do con người làm ác, săn bắn, đốt rừng, chài lưới câu tôm, đặt lọ, đặt lờ, dùng điện, thuốc nổ giết hại cá tôm không biết bao nhiêu mà kể cho hết, lại thêm đâm heo giết chó, cắt cổ gà, cắt mõ vịt làm tiết canh v.v... Rồi xúm nhau ăn thịt rượu chè say xỉn chửi xóm mắng làng đánh đập vợ con, tham lam trộm cắp cướp giựt giết người. Đó là những tội ác do những người này tạo ra từ trường ác nên bão tố, sóng thần, động đất, thiên tai lũ lụt tương ưng chiêu cảm để những người ác này phải trả quả báo.
Trong khi những người làm ác phải chịu gặt quả báo thảm sầu như vậy, để trả quả, thì những đoàn từ thiện khắp nơi trong nước đem những vật dụng đến cứu trợ, an ủi, đó là những người làm một việc tốt. Nhưng việc làm tốt này có trọn vẹn những phước báu hay không thì xin nghe lời đức Phật dạy: “Nếu cùng dường, bố thí đúng chánh pháp phải chọn cá nhân hay tập thể thanh tịnh thì mới được phước báo như đem hạt giống tốt gieo trên đất mầu mỡ, thì hạt giống sẽ lên cây tươi tốt và cho hoa trái ngon ngọt, còn cá nhân và tập thể không thanh tịnh thì không được phước báu giống như đem hạt giống tốt mà gieo trồng trên đá, hạt giống sẽ bị hư thối, kết quả không hưởng được phước báu mà còn lấy họa khổ vào thân”. Bằng chứng những đoàn làm từ thiện ở TP Hồ Chí Minh như: đoàn từ thiện của sư cô Trí Hải, đoàn từ thiện của P13 quận Phú Nhuận v.v...
Những người đi cứu trợ là những người phải sống chân thật vì lòng yêu thương đối với những người gặp tai nạn khổ đau, chứ không phải vì danh, vì lợi. Ở đây họ cứu trợ vì phong trào cứu trợ cả nước, hoặc vì công việc làm ăn của mình cho được suông sẻ chứ chưa phải vì lòng yêu thương người gặp tai nạn. Cho nên trên đường đi cứu trợ ngồi trên xe ca hát vui vẻ như đi dự lễ khánh thành nhà cửa hoặc đám cứ.
Luật nhân quả rất công bằng, nếu người bố thí vì lòng thương yêu và người nhận của bố thí đều sống hiền lương thì hai bên đều hưởng được phước báu; còn ngược lại người bố thí không vì lòng thương yêu mà vì công việc làm ăn hay vì cầu danh làm từ thiện, và người nhận của bố thí là người làm ác, thì người bố thí và người nhận thí đều gặp tai họa. Người bố thí vì lòng thương yêu người lâm nạn nên đem tiền của bố thí cho người nhận thí nhưng người nhận thí ăn ở không hiền lành, nên người bố thí không được phước báu mà không có tai nạn xảy ra. Như những Phật tử đi chùa cúng dường để cầu an, cầu phước, cầu tự, cầu siêu, xem xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, đốt tiền vàng mã v.v... Đó là để nối giáo cho những sư thầy giới luật không nghiêm túc, lợi dụng Phật giáo buôn thần bán thánh, buôn kinh, bán giáo pháp của Phật, dựng lên thế giới siêu hình lường gạt tín đồ, bày vẽ những điều mê tín dị đoan, biến Phật giáo thành Thần giáo. Những Phật tử này dù ăn chay đi chùa cúng dường nhưng không hưởng được phước báu, khi phước thừa hết thì tai họa sẽ đến như đòan phật tử đi chúng chùa Châu đốc.
Hỏi: Đi làm từ thiện sao chết không toàn thây?
Đáp: Nhân làm từ thiện bố thí thì quả sẽ giàu sang không thiếu hụt. Nhưng việc làm từ thiện của họ không chuyển được tội ác giết hại và ăn thịt chúng sinh mà từ lâu họ đã tích lủy. Đi làm từ thiện mà ca hát vui cười là vui trong sự đau khổ của kẻ khác, đó là không từ thiện, nên chết không toàn thây là phải. Nhìn cái chết không toàn thây thì biết họ sẽ sinh vào cõi ác, làm thú hung dữ. Nhìn cái chết của những người khác, là biết họ sẽ tái sinh vào đau: Một người chết trên giường bệnh một cách nhẹ nhàng, êm ái, không kêu la rên rỉ, không lăn lộn đau đớn thì được sinh làm người hiền lương; một người chết trên giường bệnh một cách không nhẹ nhàng, êm ái, thường kêu la rên rỉ, lăn lộn đau đớn thì được sinh làm người không hiền lương; một người chết vì tai nạn giao thông, vì chiến tranh bom đạn thây thể bị tan nát thì được sinh vào cõi giới ác thú. Sau này các con học về NGŨ GIỚI đạo đức nhân bản – nhân quả sẽ hiểu nhiều hơn.
Hỏi: Ăn chay hướng thiện, đi chùa Châu Đốc sao bị tai nạn giao thông 6 người chết còn hai người bị thương nặng? Chết như vậy tái sinh về đâu?
Đáp: Ăn chay hướng thiện, đi chùa Châu Đốc nhưng chùa ấy các sư thầy phạm giới, phá giới, tạo ra những điều mê tín, làm chuyện hư hoại giáo pháp chân chánh của Phật giáo và làm mang tiếng không tốt cho Phật giáo, phật tử đến cúng dường là tiếp tay với các sư thầy làm Phật giáo suy thoái, giới luật không còn cộng thêm tội ác giết hại và ăn thịt chúng sinh trước kia, khi chưa biết ăn chay hướng thiện, nên kiếp này trả quả chết một cách thảm thương. Những người chết trong cảnh thảm thương này đều tái sinh trong cảnh ác.
Hỏi: Con đã phát nguyện gánh nạn kiếp cho chúng sinh để chuyển nhân quả. Vậy con có chuyển được phần nào không?
Đáp: Chuyển nhân quả chỉ có người xuất gia sống và tu tập đúng giới luật đức hạnh của Phật, chứ không phải phát nguyện gánh nạn kiếp của chúng sinh là chuyển nhân quả được. Theo luật nhân quả thì không ai gánh nạn kiếp cho ai được, chỉ có kinh sách Đại Thừa vọng ngữ như ông Duy Ma Cật: “Bồ Tát bệnh vì chúng sinh bệnh”.
Hỏi: Con đang tu mà ra đời là bị nhân quả gì? Và phải trả nghiệp mấy năm?
Đáp: Đang tu mà ra đời là người không ý chí vượt khó; là người sẽ gặp nhiều đau khổ trên đường đời. Đây không phải trả nghiệp mà chạy theo nghiệp, bị nghiệp lôi, nên con đừng hỏi mấy năm, mà con biết dừng nghiệp là người có ý chí vượt khó, chứ không phải trả nghiệp mấy năm.
Hỏi: Tai nạn giao thông, chết không toàn thây, chỉ có một người còn sống sót
Đáp: Như trên đã nói luật nhân quả rất công bằng, những người làm từ thiện mà gặp tai nạn giao thông, chết không toàn thây, là trước kia đã làm những điều ác giết hại vật, làm cho chúng chết không toàn thây như làm gà, vịt, heo, dê v.v... Bây giờ chết tan nát thây thể đều do nhân quả ác.
Trong 13 người đi cứu trợ đồng bào miền Trung, bị tai nạn giao thông mà còn có một người sống sót bò ra trên những đống thịt tan nát thì đó là do nhân không giết hại chúng sinh, thường có lòng yêu thương hay phóng sinh các loài vật như chim cá rùa trạnh v.v....Bây giờ mới thoát chết một cách tuyệt vời đều do nhân quả phóng sinh.
Hỏi: Có linh hồn vất vưởng không? Sao chỗ chết thường xuyên xảy ra tai nạn?
Đáp: Không có linh hồn người chết vất vưởng, khi chết thì tái sinh ngay liền để trả nhân quả tiếp tục làm người hoặc làm thú vật.
Chỗ đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông là đọan đường nguy hiểm trơn trợt, dốc, cua, đèo v.v...chứ không có linh hồn người chết oan xô đẩy.
Muốn tránh những cái chết thương đau thì đừng giết hại và ăn thịt chúng sinh mà còn phóng sinh. Đó là cách thức chuyển nhân quả ác thành nhân quả thiện.
Đạo đức xuống cấp con người làm ác rất nhiều, các con phải biết nhẫn nhục, biết thương yêu và biết tha thứ mỗi lỗi lầm, biết sống tùy thuận và bằng lòng trước mọi hòan cảnh và biết sống vượt lên trên mọi ác pháp, đem lòng yêu thương đến với mọi người thì cuộc sống của các con mới thanh thản, an lạc và yên vui
Thăm và chúc các con mạnh nhớ xả tâm cho thật tốt.
Thầy của các con