Skip directly to content

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT

Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà đã hai tháng rồi, giống như một giấc mộng. Nhìn lại sự tu tập của các con Thầy rất lo lắng, vì tu tập như vậy làm sao chứng đạt chân lí được. Phải không các con?

Muốn chứng đạt chân lý là phải tu tập xả tất cả chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm và pháp, chứ đâu tu tập ức chế ý thức để cầu không niệm.

Tu tập Tứ Niệm Xứ mà cứ như tu tập Tứ Chánh Cần, tu như vậy làm sao đi đến chỗ chứng đạo được! Chỗ này các con hãy lắng nghe và tìm hiểu nghĩa lý thực hành cho rõ ràng từng pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, rồi từng giai đoạn tu tập của các pháp môn này.

Cùng một pháp môn nhưng giai đoạn đầu tu tập khác; giai đoạn sau tu tập khác huống là hai pháp môn khác nhau trong hai lớp khác nhau của Bát Chánh Đạo như: lớp Chánh Tinh Tấn và lớp Chánh Niệm. Lớp Chánh Tinh Tấn là phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, còn lớp Chánh Niệm là phải tu tập Tứ Niệm Xứ. Vì thế cần phải hiểu rõ nghĩa như sau:

1- Tu tập Tứ Chánh Cần là “ngăn”“diệt” các ác pháp để luôn luôn “sinh” thiện tăng trưởng thiện pháp. Các con nên lưu ý những danh từ: “NGĂN” “DIỆT; SANH” “TĂNG TRƯỞNG”. Vậy ngăn và diệt; sanh và tăng trưởng là nghĩa như thế nào? Còn tu tập như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con có nhớ không?

“Ngăn” nghĩa là ngăn ngừa, ngăn chặn, ngăn cản không cho vào.

“Diệt” nghĩa là làm cho tiêu mất, làm cho chết, làm cho tiêu diệt, làm cho không còn, không tồn tại

“Sinh” nghĩa là sinh ra, làm ra cho nhiều, sản xuất.

“Tăng trưởng” nghĩa là làm cho lớn, cho nhiều, cho mạnh.

2- Tu tập Tứ Niệm Xứ là trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu; trên thọ quán thọ...; trên tâm quán tâm...; trên pháp quán pháp để nhiếp phục tham ưu. Các con nên lưu ý những danh từ: “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU”. Vậy quán, nhiếp phục, tham ưu nghĩa là gì? Và cách thức tu tập “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU”. như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con còn nhớ không?

“Quán” nghĩa là quan sát bằng mắt; bằng sự cảm nhận.

“Nhiếp phục” nghĩa là thu phục làm cho phục tùng; làm cho đầu hàng; làm cho không còn chướng ngại pháp và ác pháp nữa; làm cho không còn phá phách; làm cho không còn đau khổ; làm cho không còn phiền não; làm cho không còn giận hờn tham, sân, si, mạn, nghi nữa

“Tham ưu” nghĩa là tham muốn và phiền não, nghĩa chung là những chướng ngại pháp.

Có hiểu nghĩa rõ ràng như vậy các con mới tu tập đúng pháp thì sự chứng đạt chân lí mới nhanh chóng và dễ dàng. Các con đang hiểu sai pháp nên tu hành không đúng. Tu Tứ Niệm Xứ mà cứ tu tập Tứ Chánh Cần như trên đã nói, chỉ còn năm tháng nữa mà tu sai làm sao chứng đạo. Hãy mau mau sửa lại sự tu tập cho đúng, kẻo phí thời giờ vô ích.

Tu tập như vậy làm sao chánh pháp của Phật thường còn? Tu mà không chịu khó quan sát xem xét những giới luật mình đang thọ và giữ gìn (Mười Giới Đức Thánh Sa Di), có vi phạm giới nào không? Giới luật là đời sống phạm hạnh của người tu, là pháp ly dục ly ác pháp, thế mà các con không giữ gìn cho trọn vẹn luôn luôn vi phạm giới luật, để trở thành người phá giới, nhất là giới hạnh độc cư. Giới hạnh độc cư là giới phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi miệng, thân, ý. Các con không giữ gìn nó thì làm sao tâm ly dục ly ác pháp cho được; tu mà không giới luật thì không xả tâm chỉ biết ức chế tâm và còn để tâm dung ruổi chạy theo dục lạc ở đời; theo tình cảm của cuộc sống người này với người kia; theo các ác pháp dùng lời nói li gián, để chia rẻ, để ganh ghét, để thù hận với nhau, thì còn nghĩa lý gì là tu hành nữa. Phải không các con?

Tu mà nói chuyện người này đúng, người kia sai; tu mà còn so bì hơn thua với nhau từng chút, từng ly; tu mà đi rình ngó người này tu như thế này, người kia tu  như thế kia, thì làm sao chứng đạo được các con?. Nhìn thấy sự tu tập của các con mà Thầy rất buồn lòng. Buồn là nghĩ đến nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người làm sao có người dựng lại được, khi các con tu tập như vậy. Tâm Thầy lại còn xót xa hơn, khi nghĩ đến hạnh phúc của loài người trên hành tinh này quá mỏng manh, nhất là loài người không bao giờ có được hạnh phúc ấy. Hiện giờ các con là những người đại diện cho mọi người mà hiểu lầm và tu hành sai pháp như vậy. Rồi đây làm sao có người thay thế Thầy dựng lại Chánh pháp của Phật? Thầy đã già rồi, đừng ỷ lại vào Thầy. Phật sống đến 80 tuổi. Ông A Nan sống 120 tuổi, nhưng có người còn bảo Ông A Nan già lú lẫn...

 Ôi! Chúng sanh ít phước, làm sao thọ hưởng được nền đạo đức ấy. Các con là những người đại diện cho muôn người, vạn triệu người trên hành tinh này như trên đã nói mà tu tập như vậy thì còn hy vọng gì nữa các con! Thầy sẽ ra đi vĩnh viễn và mãi mãi các con sẽ mất Thầy.

Còn năm tháng nữa, chứng nào tật nấy làm sao các con bỏ được tâm bỉ thử đây! Làm sao sống được đạo đức làm người sống không làm khổ mình khổ người. Tu hành mà các con luôn thấy lỗi người không thấy lỗi mình thì đạo đức gì đây! Nhìn các con tu hành lòng Thầy đau xót như ai cắt ruột.

Các con có biết không? Còn năm tháng nữa, tu như vậy làm sao chứng đạo được các con?

 Một lần nữa, nếu không có người chứng đạo, Thầy sẽ ra đi! Và đi! Đi mãi!!! Nếu còn duyên Thầy sẽ ẩn bóng viết xong bộ sách “ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI”, rồi Vĩnh biệt các con. Các con ở lại mà sống với cuộc đời đầy ác pháp, đầy nước mắt và đau khổ. Chừng đó các con có nhớ Thầy, thì hãy nhớ giới luật và Tứ Niệm Xứ. Giới luật và pháp môn Tứ Niệm Xứ là thầy của các con; là ngọn đuốc soi đường cho các con đi; là chỗ nương tựa vững chắc cho đời tu hành của các con. Các con nhớ kỹ lời dạy này, đừng bao giờ quên hỡi các con?

Thấy pháp hành các con áp dụng còn nhiều chỗ chưa hiểu rõ ràng, do đó khi thực hành vào pháp xả tâm trên Tứ Niệm Xứ thì lại ức chế tâm, tu như vậy không đúng theo lời Thầy dạy. Do không hiểu đúng lời Thầy dạy nên các con tu hành thấy khó khăn và vất vả, thật đáng thương. Biết làm sao bây giờ đây, sự hiểu biết của các con có giới hạn, nên lời nói và sự cố gắng của Thầy để diễn đạt cho các con hiểu, nhưng sự hiểu của các con còn hạn cuộc trong không gian và thời gian của ý thức. Vì thế, các con chỉ hiểu ở mức độ đó, không thể nào hiểu hơn được nữa, nên cũng đành chịu thôi vậy.

Ở đây, chỗ các con đã hiểu sai về Phật pháp, nhất là về sự chứng đạo của Phật giáo. Cho nên hiện giờ quý sư, quý thầy, quý ni và quý cư sĩ đang tu theo Phật giáo đều nghĩ rằng: “chứng đạo là chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại ghê gớm lắm”. Hiểu như vậy là hiểu sai Phật giáo. Phật giáo là nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai, mà mọi người lại hiểu Phật giáo là một tôn giáo thần quyền, là một loại thiền định siêu đẳng, là một thế giới ngoài thế giới của loài người, nên kinh sách phát triển Bắc tông cũng như kinh sách Nam tông đều hướng dẫn tu tập ức chế tâm và còn nghĩ rằng: con người cần phải nhờ vào oai lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ và còn phải tu tập nhiều đời nhiều kiếp. Nhất là còn phải tạo nhiều phước báu hữu lậu như: bố thí, cúng dường xây dựng chùa, tháp, đúc chuông, tạc tượng Phật và làm từ thiện v.v... Nhưng thật sự không phải vậy. Kinh sách Phật giáo Nguyên thủy đức Phật đã khẳng định trong bài chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Sau buổi thuyếp pháp đó, năm anh em Kiều Trần Như đều chứng pháp nhãn thanh tịnh và chẳng bao lâu đều chứng quả A La Hán. “Nghe xong bài thuyết pháp này và một bài thứ hai có đầu đề “Anttalakkhana sutta”, bàn về thuyết vô ngã (không có cái Ta), năm vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được giác ngộ và không bao lâu trở thành A La Hán”(Lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni do HT Minh Châu biên soạn trang 29).

Đọc đoạn kinh này xong chúng ta biết rằng Phật giáo không phải là pháp môn khó tu tập như thiền Yoga và thiền Tông Trung Hoa. Đối với Phật giáo chỉ cần hiểu đúng và sống đúng là chứng quả A La Hán.

Danh từ chứng đạo đã khiến cho  mọi người hiểu nó qua trí tưởng tượng nhiều hơn, nên chứng đạo là chứng cái gì  cao siêu và phi thường vượt ngoài tầm tay con người. Vì thế, người ta thấy nó quá khó khăn vô cùng. Tư tưởng thấy quá khó khăn cũng là một điều cản trở rất lớn trên bước đường tu tập chứng đạo.

Như đoạn kinh trên đã nói: năm anh em Kiều Trần Như nghe xong pháp và chứng quả A La Hán đâu có khó khăn gì! Vì thế, chúng ta nên xét kỹ lại các pháp đang tu tập, nhất là pháp môn Tứ Niệm Xứ thì sự chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con?

Nhưng vì mọi người đã hiểu lầm lạc. Họ đâu biết rằng: “Chứng đạo chỉ là sống với một tâm không bị dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu tác động. Cho nên, chứng đạo không có chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại cả, chỉ là một cái tâm bình thường như mọi người, nhưng không có chướng ngại pháp nào làm cho tâm người ấy bị dao động”.

Chứng đạo không có nghĩa là chứng thần thông, phép lực cao cường, hô phong, hoán võ, tàng hình, biến hóa, đằng vân, độn thổ, biết chuyện quá khứ, vị lai của mọi người v.v... mà chứng đạo chỉ là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Chứng đạo chỉ là sống với tâm thanh thản, an lạc và vô sự, lúc nào cũng như lúc nào không bị kèm chế, không bị bắt buộc phải tu tập như thế này, phải làm như thế kia. Trong sự chứng đạo chỉ có một điều quan trọng nhất, đó là phải sống đúng giới luật như trong bộ sách Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống tập I đã dạy. Chúng ta phải quyết tâm buông xả đời sống nhân quả đang hiện có trong thân tâm của chúng ta.

Mục đích tu hành của chúng ta là làm chủ bốn nỗi đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh và chết, nhưng muốn làm chủ sanh, già, bệnh và chết thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng: Cái gì làm cho chúng ta bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Muốn biết rõ được điều này chúng ta hãy vào kinh Trung Bộ tập I, tạng kinh Việt Nam, trang 364, đọc Kinh Thánh Cầu mà đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỳ kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng bạc là bị sanh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.

Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng bạc là bị già. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già.

 Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh; vàng bạc là bị bệnh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh.

 Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị chết? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị chết; vàng bạc là bị chết. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết.

 Và Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu; gà và heo là bị sầu; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị sầu; vàng bạc là bị sầu. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu.

 Và Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng bạc là bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu”.

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy rất rõ ràng cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết, đó là sanh y, tức là những vật chất, những người thân. Những vật chất và những người thân xung quanh chúng ta gọi chung là các pháp mà chúng ta lầm tưởng những pháp đó đang phục vụ đời sống của mình và mang lại hạnh phúc, nhưng khi những vật chất đó càng nhiều hơn thì sự khổ đau cũng nhiều hơn. Những vật chất đó càng nhiều thì chính chúng ta là những người nô lệ cho những vật chất đó, đang bị chúng sai bảo và dẫn dắt chúng ta vào cảnh giới ưu bi, sầu khổ, bệnh, chết như trong kinh Thánh Cầu đã dạy ở trên và kinh Thập Nhị Nhân Duyên đã dạy dưới đây: “Có duyên sanh thì ắt phải có duyên ưu bi, sầu khổ và bệnh, chết”, và như vậy hai bài kinh đã dạy không sai khác.

Muốn thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này chúng ta hãy đọc tiếp kinh Thánh Cầu để được đức Phật chỉ đường: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Thánh cầu”.

Sau khi đọc đoạn kinh trên đây các con có biết cách thức tu tập xả ly và từ bỏ cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu  và bị ô nhiễm chưa? Nếu không biết cách thức tu tập xả ly từ bỏ sanh, già, bệnh, chết ... thì các con sẽ lầm lạc vào chỗ tu tập ức chế thân tâm, có thể dẫn đến chỗ rối loạn thân kinh như trên Thầy đã dạy.

Các con phải biết, tu hành theo Phật giáo là một sự sống bình thường, chứ lý đâu lại diệt hết ý thức phân biệt vọng niệm thiện pháp của mình, Cho nên có vọng tưởng hay không vọng tưởng đều là ý thức bình thường của mỗi con người, nhưng người tu hành sống đời đạo đức không làm khổ mình khổ người thì không chấp nhận những vọng tưởng có tính bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Vì thế khi có các vọng tưởng đó thì dùng đúng pháp của Phật đã dạy để xả ly, để từ bỏ, để đoạn diệt, không nên để nó lưu lại trong tâm dù một phút, một giây, phải đuổi đi một cách quyết liệt, một cách dũng cảm, một cách gan dạ; phải đầy đủ nghị lực chiến đấu với những vọng tưởng và các cảm thọ đó. Tất cả những vọng tưởng đó là ác pháp, là cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Cho nên chúng ta đều phải ngăn và diệt cho tận gốc cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết này. Tu hành chỉ có làm một việc như vậy thôi, chứ có tu tập gì nhiều đâu!

Còn những vọng tưởng không sanh, không già, không bệnh, không chết thì để nó tự nhiên, có gì mà phải ngăn diệt nó. Nó là ý thức của chúng ta, nó đâu phải là chướng ngại pháp. Vậy mà các con hễ thấy niệm là diệt, là tìm mọi cách ức chế cho đừng có niệm như Pháp Bảo Đàn Kinh dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Như kinh Di Đà dạy: “...Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật...” . Như kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh ký tâm” Đó là phương pháp tu hành của Đại thừa và Thiền tông ức chế ý thức tối đa khiến cho người tu hành rơi vào thiền tưởng, Do rơi vào thiền tưởng mới tưởng con người có Phật tánh; mới tưởng có thế giới Cực Lạc, Thiên Đường; do rơi vào thiền tưởng nên không biết đường đi đến cứu cánh, giải thoát hoàn toàn. Vì thế họ phải tự an ủi cuộc đời tu hành của mình bằng cách phải tu tập nhiều đời, nhiều kiếp.

Các con hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Thế nên, các Tỳ kheo không nên phóng dật. Ta chính nhờ không buông lung (phóng dật) mà thành Chánh Giác, vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung (phóng dật) mà có được. Tất cả vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của đức Như Lai”. Kinh Du Hành trang 207 Trường A Hàm tập I thuộc tạng kinh Việt Nam.

Các con có nghe rõ lời dạy này chưa? Lời đức Phật dạy quá rõ ràng: tâm không phóng dật tức là tâm không buông lung, hai chữ buông lung xác định nghĩa rất cụ thể: tâm không buông lung là tâm không chạy theo dục lạc và các pháp thế gian, chứ không phải tâm không niệm. Các con nên phân biệt cho rõ: Tâm không buông lung có nghĩa là ý thức không khởi niệm ham muốn cái này cái kia, còn tâm không niệm có nghĩa là ý thức không khởi niệm vọng tưởng. Ý thức không khởi niệm là pháp môn của ngoại đạo, còn Phật giáo ý thức không phóng dật, không buông lung chạy theo pháp trần, nhưng các niệm thiện vẫn còn. Vì thế đức Phật dạy: “Vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung mà có được” Cho nên tâm không phóng dật, nhưng các pháp lành từ nơi tâm không phóng dật mà sanh ra. Đọc câu kinh này chúng ta thấy người tu hành có hết vọng tưởng không?

Tại sao tu hành chúng ta lại hiểu là phải diệt hết vọng tưởng? Diệt hết vọng tưởng để trở thành cây, đá thì còn ý nghĩa gì là sự giải thoát?

Tu là để làm chủ những sự đau khổ, để hết đau khổ, chứ đâu phải tu là làm cho chúng ta trở thành người ngu ngu, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như người mất hồn, đi thì gầm gầm không dám ngó nhìn ai, nói nói, cười cười một mình.

Tu là đem lại cho chúng ta một tâm hồn hân hoan vui vẻ, đoan trang, chánh trực, không liếc xéo, liếc ngang, không nói xấu, nói lỗi người khác, không li gián người này với người kia.

Tu là đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, thoải mái, chứ đâu phải đi cúi đầu, khom lưng, bước thấp bước cao.

Tu là tỉnh giác, nhưng tỉnh giác đâu có nghĩa là chỉ có biết cảm nhận bước đi và hơi thở ra, hơi thở vào mà thôi. Tỉnh giác là tỉnh thức luôn luôn sáng suốt nhận xét tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta một cách đúng với chánh pháp. Nếu các con hiểu đúng nghĩa như vậy thì sự tu tập đâu có sai pháp và chứng đạo đâu có khó khăn mệt nhọc gì.

Cho nên nói tu tập là nói theo tôn giáo, nhưng nói theo tôn giáo thì người ta lại hiểu tu tập là ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bắt ấn, cầu siêu, cầu an, lạy lễ hồng danh Phật để sám hối cho tiêu tai, giải tội v.v... Tu tập nói theo đời sống bình thường của con người là sửa sai những điều làm khổ mình, khổ người; sửa sai những hành động làm ác; sửa sai những điều bị ô nhiễm nghiện ngậm; sửa sai những lời nói ác, lời nói dối, lời nói li gián khiến cho mọi người mất đoàn kết bất hòa; sửa sai những ý nghĩ ác, những ý nghĩ làm hại người.

Vì sửa sai để trở thành con người tốt, con người có đạo đức. Cho nên tu theo Phật giáo chỉ có sửa sai tâm tính của mình, vì thế đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” hoặc “Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” hoặc “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Những lời dạy trên đây của đức Phật là những lời dạy để sửa sai những thói hư tật xấu của mình; để mình trở thành người tốt; người có đạo đức; người không còn thói hư tật xấu nữa; người sống luôn luôn không làm khổ mình, khổ người.

Người chứng đạo rồi cũng giống như người bình thường nhưng lại phi thường vì sanh, già, bệnh và chết không sai khiến thân tâm họ được, còn người chưa chứng đạo thì bị sanh, già, bệnh và chết tác động vào thân tâm khiến cho thân tâm bất an thường bệnh tật, phiền não, khổ đau, sợ hãi, lo lắng, thương ghét, giận hờn v.v...

Một lần nữa người chứng đạo và người bình thường chỉ khác nhau là ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Người sống bình thường chỉ cần biết đâu là con đường thiện và đâu là con đường ác và không sống theo con đường ác, chỉ sống theo con đường thiện. Người biết sống được như vậy là người chứng đạo. Cho nên chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con? Tu đâu có nghĩa là làm thay đổi thân tâm khác thường; tu là ngăn và diệt những hành động làm khổ mình, khổ người; tu là bảo vệ và giữ gìn trạng thái tâm bất động trước các ác pháp và cảm thọ, tức là giữ gìn tâm thanh thàn, an lạc và vô sự từ ngày này sang ngày khác.

Sau hai tháng tu hành xả tâm vi tế trên Tứ Niệm Xứ, trên gương mặt của quý sư, quý thầy, quý cô và quý cư sĩ nam, nữ sao không hân hoan, sao không thoải mái, dễ chịu, trông có vẻ khắc khổ lắm vậy.

Cho nên các con cần phải xác định cho rõ ràng: Tu chứng là chứng cái gì?

Như trên đã nói, đâu phải tu hết vọng tưởng là chứng đạo như Thiền Tông dạy: “Chẳng niệm thiệm niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Tu hết vọng tưởng để làm gì các con? Nó không có giải thoát bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết được, hết niệm để chạy theo dục tưởng hỷ lạc.

Đâu phải tỉnh giác là chứng đạo? Tỉnh giác chỉ là giai đoạn đầu mới tu tập tỉnh thức để phá tâm si mê, mờ mịt, vì vô minh, vì hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.

Đâu phải tu có thần thông là chứng đạo? Thần thông chỉ là một trò ảo thuật  của tưởng thức để lừa đảo những người nhẹ dạ dễ tin.

Tu đâu phải ngồi thiền nhiều là chứng đạo? Ngồi thiền nhiều nhập định tưởng. Định tưởng là một loại thiền định vô sắc do tưởng uẩn tạo ra. Tu mà nhập vào thiền tưởng để làm gì? Có ích lợi gì cho mình, cho người. Xưa đức Phật nhập vào các định tưởng: Không Vô Biên Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, khi tu xong Ngài ném bỏ như ném bỏ chiếc giày rách. Có đúng như vậy không các con?

Chứng đạo là chứng ở trạng thái tâm định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, khi ý thức muốn sai bảo thân tâm làm một việc gì thì thân tâm làm theo đúng như ý.

Chứng đạo là chứng một đạo lực có Bốn Thần Túc để thực hiện Tam Minh, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.

Cho nên, trước khi chưa chứng đạo, những người muốn tu tập chứng đạo phải biết rõ trên đường đi đến chứng đạo. Và còn phải biết rõ sự chứng đạo lợi ích cho mình cho người như thế nào? Nếu chưa hiểu biết  rõ sự lợi ích như trên đã nói thì đừng nên tu tập, vì có tu tập cũng chẳng lợi ích gì cho ai cả, còn phí sức, phí tiền của vô ích.

Đường đi đến chứng đạo là con đường Tứ Niệm Xứ. Nếu không trên pháp môn Tứ Niệm Xứ tu tập thì không bao giờ chứng đạo, nhưng trên Tứ Niệm Xứ tu tập thì phải tỉnh giác, nếu thiếu tỉnh giác thì không tu tập được. Vậy tỉnh giác như thế nào?

Khi tâm ham muốn một điều gì thì biết ngay tâm ham muốn điều đó, đó là tâm tỉnh giác. Khi biết tâm tỉnh giác được như vậy thì ý thức bảo: “Tâm không được ham muốn, ham muốn đó là ác pháp, là pháp khổ đau”. Ý thức lệnh bảo như vậy thì tâm chấm dứt ham muốn.

 Khi tâm đang sân giận, ý thức bảo: “Tâm phải chấm dứt ngay sân giận, sân giận là pháp ác, là pháp đau khổ” khi tác ý như vậy là tâm không còn sân giận.

 Khi thân già yếu, ý thức bảo: “Thân vô thường, nhưng không được yếu đuối run rẩy phải quắc thước”; khi tác ý như vậy thì thân lần lần không còn yếu đuối và run rẩy, luôn luôn quắc thước.

Khi thân bị bệnh, ý thức bảo: “Thân phải mạnh khỏe, tất cả bệnh tật đều phải lui ra khỏi thân”. Lệnh của ý thức như vậy thì bệnh lần lần lui ra sạch.

 Khi thân sắp chết, thở không được thì ý thức bảo: “Thân phải thở lại bình thường, không được chết”. Ý thức lệnh như vậy thì thân mạnh khoẻ và thở lại bình thường.

 Khi thân đang mạnh khoẻ bình thường mà muốn chết, muốn bỏ thân này thì ý thức ra lệnh: “Hơi thở phải tịnh chỉ, từ bỏ thân tứ đại này”. Lệnh như vậy thì hơi thở lần lần ngưng hoạt động, tâm nhập vào chỗ bất động Tứ Thiền Thiên và xuất Tứ Thiền Thiên nhập vào trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự của Niết Bàn. Lúc bấy giờ tứ đại tan rả.

Trên đây là năng lực của những người tu chứng đạo, ý thức của họ hoàn toàn chủ động điều khiển sự sống chết của cơ thể họ. Cho nên người tu chứng đạo làm chủ sự sống chết, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Do làm chủ sự sống chết tự tại như vậy, nên mọi người ai cũng quyết tâm tu cho bằng được, nhưng lại tu sai, rơi vào chỗ ức chế tâm.

Theo Phật giáo tu chứng đạo không có khó khăn, nhưng vì không hiểu biết rõ ràng pháp tu hành nên trở thành khó khăn như trên đã nói.

Tu khó sao đức Phật tu tập chỉ có 49 ngày chứng đạo? Tu khó sao Thầy tu có sáu tháng rưỡi chứng đạo? Tu khó sao năm anh em Kiều Trần Như nghe bài pháp Tứ Diệu Đế và bài pháp vô ngã liền chứng pháp nhãn thanh tịnh và tu tập không bao lâu chứng quả A La Hán.

Phật pháp đâu phải khó tu, chỉ vì chúng ta nhận lầm pháp hành nên tu sai. Cho nên muốn tu tập theo Phật giáo thì những gì cần thông hiểu phải thông hiểu cho rõ ràng (giác ngộ) về các pháp hành và nhận ra cho được trạng thái chân lý, đó là điều cần thiết mà mọi người tu hành nên lưu ý. Vì thế, đức Phật dạy: “Nên thân cận thiện hữu tri thức”. Nhờ có thân cận thiện hữu tri thức chúng ta mới hiểu rõ các pháp hành và chân lý. Khi hiểu rõ các pháp hành là chúng ta biết cách thức sống để hộ trì chân lý. Sống để hộ trì chân lý thì đâu có cái gì để tu. Không có cái gì để tu thì có cái gì khó. Phải không các con?

Nói tu tập là nói theo tôn giáo, chứ Phật giáo nói tu tập là nói sống không làm khổ mình, khổ người. Sống không làm khổ mình khổ người là hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý. Người nào biết sống hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý là không hiểu sai Phật pháp. Còn ngược lại tu khác sống khác là không hiểu Phật pháp, nên tu tập gần chết mà không chứng đạo. Người hiểu đúng chỉ cần sống biết xả các chướng ngại pháp là chứng đạo.

Trong thời đức Phật còn tại thế, khi người ta nghe Phật thuyết pháp xong là chứng pháp nhãn thanh tịnh. Chứng pháp nhãn thanh tịnh rồi từ đó họ biết cách sống, luôn luôn xả những chướng ngại pháp để giữ gìn và bảo vệ chân lý, nhờ đó chẳng bao lâu họ chứng đạo.

Dưới đây Thầy sẽ trích dẫn ra những đoạn kinh Phật thuyết mà người nghe xong liền chứng các quả A La Hán.