BỨC TÂM THƯ THỨ 49
(Ngày 14 tháng 3 năm 2007)
Kính gửi: Các tu sinh tại tu viện Chơn Như.
Kính thưa các tu sinh!
Từ lâu có một điều mà các tu sinh thắc mắc nhưng chưa có người nào dám thưa hỏi Thầy, dù sao vẫn có một vài người gợi ý xa gần về vấn đề tên tác giả những tập sách do Thầy biên soạn mà lấy tên một người khác.
Như các tu sinh đã biết từ khi Thầy tu xong làm chủ được sự sống chết của mình là Thầy muốn nhập diệt sau khi mẹ Thầy ra đi vĩnh viễn. Đối với cuộc đời này Thầy không còn luyến tiếc việc gì cả, danh lợi đối với Thầy như nước chảy qua cầu. Thế gian toàn là ganh tị hơn thua, nói xấu lẫn nhau, nên ở lại để làm gì?
Duyên chúng sinh chưa dứt Phật tử các Chiếu - đệ tử của Hòa Thượng Thanh Từ về thăm và thưa hỏi với mục đích tò mò sự tu hành của Thầy. Trong các buổi tập họp gặp nhau tại chiếc thất nhỏ hẹp của Thầy nơi tượng đức Phật Niết Bàn hiện giờ, những buổi đàm thoại chỉ có khoảng 20 người. Trả lời những câu hỏi của phật tử vấn nạn về Thiền, Mật, Tịnh Thầy đập sạch xuống những điều sai trái trong Phật giáo phát triển quá nhiều mà không ai ngờ, từ đó có những chiếc thất lợp giấy dầu mọc lên như nấm, mọi người về đây nhập thất tu hành với Thầy.
Những buổi thuyết giảng cho các tu sinh tu tập được ghi lại trong 61 cuồn băng ghi âm ra đời, kế tiếp bộ sách ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT cũng ra đời với tên tác giả là TU VIỆN CHƠN NHƯ, nhưng khi đưa đi xin giấy phép in ấn thì nhà xuất bản Tôn Giáo bắt buộc tác giả phải đứng tên để chịu mọi trách nhiệm. Bây giờ bộ sách ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT mới có tên tác giả Thích Thông Lạc .
Tên mình trong tác phẩm, dù muốn, dù không thì mọi người sẽ biết tên mình mà biết đến tên mình là danh. Kế tiếp những tác phẩm khác của Thầy ra đời và được giấy phép in ấn hẳn hoi, nhưng đối với Thầy đó là nhân là duyên cứ theo qui luật nhân quả của chúng sinh diễn biến đến đâu thì giải quyết đến đó.
Dòng thời gian cứ trôi chảy đều đặn, sóng gió Chơn Như lúc lặng lúc nổi Thầy ở trên đầu sòng lái con thuyền Chơn Như vượt trùng dương bằng những tay chèo tay lái thay đổi liên tục để bảo vệ con thuyền vượt sóng, có khi thuyền hơi nghiêng ngả một chút là các tu sinh dao động, có người quá sợ hãi bỏ thuyền, rơi xuống dòng nước bị cuốn trôi đi muôn nẻo. Ấy tất cả đều do nhân quả.
Như các tu sinh đã biết trong những khóa tu học tại tu viện Chơn Như, những học trò của Thầy đầu tiên đã có danh trong Phật giáo như thầy Chân Quang, Thầy Chân Thông, thầy Chân Giác v.v... đều là những giảng sư dạy đạo tuy theo Thầy tu chưa chứng, những vẫn nổi danh, nhất là Thầy Chân Quang như các tu sinh đều biết, kế tiếp thầy Chân Thông sau này cũng đứng một góc trời, nhưng họ chưa được Thầy đào tạo đạo đức giới luật để xứng đáng là những bậc thầy Trời Người
Thời điểm nhân duyên đúng lúc đã đến, để đào tạo những bậc Thánh đức, giới luật. Sẵn cơn sóng gió Chơn Như làm duyên Thầy liền rời khỏi tu viện để MAI DANH ẨN BÓNG, điều khiển con thuyền Chơn Như ở tầm xa.
Các tu sinh nên biết Thầy đang điều khiển từ giảng viên đến học viên, nếu tu sinh nào hay giảng viên nào sống không đúng giới luật đức hạnh, mà Thầy đã ra công biên soạn trong giáo án để giảng viên và tu sinh trở thành những bậc Thánh Hiền thì những tu sinh và giảng viên ấy đều được bỏ ra khỏi giáo đoàn Chơn Như.
Hiện nay hơn ba tháng học đạo đức, trong lớp học các tu sinh đều nhận biết rõ ràng: tu sinh nào có đạo đức và tu sinh nào không đạo đức. Những tu sinh nào học tu và áp dụng hằng ngày sống có đạo đức thì được học lên lớp giới thứ hai, còn tu sinh nào học miệng mà tâm ganh tị hơn thua bản ngã to lớn thường thấy lỗi người là tu sinh không áp dụng đạo đức sẽ ở lại học lớp Đạo Đức Hiếu Sinh, cho đến khi nào xả tâm cho thật sạch.
Chính học đạo đức giới luật là học lớp xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ đó tâm mới lần lần thưa niệm và không còn vọng niệm, hôn trầm, thùy miên nữa .
Bởi vậy đạo Phật dạy rất rõ ràng khi người mới vào tu tập chỉ có siêng năng chuyên cầu ngăn ác niệm và diệt trừ ác niệm, lúc nào tâm cũng giữ gìn và tăng tưởng tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự, chính ngăn ác diệt ác pháp mới giúp tâm lần lần bất động, cho nên sự tu tập xả tâm là một lợi ích rất lớn mà nó đã thể hiện hai phần:
- Lợi ích thứ nhất là giúp cho hành giả sống đời đạo đức nhân bản - nhân quả, thường không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, để trở thành những bậc thánh thiện trong loài người.
- Lợi ích thứ hai là giữ gìn và bảo vệ chân lí “tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự”. Nếu tâm tâm bất động ấy luôn luôn hiện tiền thì hành giả chứng quả A La Hán. Đến đây quý vị đã nhận thấy rõ sự xả tâm ly dục ly ác pháp có một tầm quan trọng nhất trên con đường tu tập theo Phật giáo.
Cho nên người tu tập Tứ Chánh Cần có hai lợi ích rất lớn, như trên đã nói: Đó là xây dựng con người mình trở thành người có đạo đức. Người có đạo đức, ác pháp không tác động và xâm chiếm thân tâm họ được, nhờ đó thân tâm họ rất an ổn.
Vì thế, tu sinh nào không biết áp dụng những bài học đạo đức vào đời sống là một điều thiệt thòi rất lớn .
Người học đạo đức là người thấy lỗi mình không bao giờ thấy lỗi người. Vì thấy lỗi người là mình còn thiếu đạo đức.
Đạo đức nhân bản – nhân quả không cho phép chúng ta thấy lỗi người. Còn thấy lỗi người là mình chưa sống đúng đạo đức.
Tất cả các tu sinh nên biết: học đạo đức là học xả tâm; là học làm người không bao giờ bị ràng buộc bởi những ác pháp; là học làm người mà ra khỏi bản chất tham, sân, si, mạn, nghi của con người.
Cho nên, những tu sinh nào sống đạo đức là không nên thấy lỗi người. Không thấy lỗi người là những tu sinh ấy được lên lớp học tập cao hơn. Lớp Tứ Niệm Xứ.
Lớp học sẽ tuyển chọn tu sinh nào xả tâm chứ không thể tuyển chọn tu sinh ức chế tâm bằng cách nhiếp tâm an trú trong xúc tưởng hỷ lạc. Vì ức chế là tâm dễ sinh các loạn tưởng nên không thể tu tập cao hơn. Tu sinh nào tu tập không xả tâm là tu tập sai Phật pháp. Tu sai Phật pháp sẽ lọt vào pháp môn ngoại đạo như thầy tổ của chúng ta tu theo kinh sách phát triển, rất uổng phí cho một đời tu tập.
Mục đích tu sinh tu tập được lên lớp Tứ Niệm Xứ là chỗ phải đạt được tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự, đó là phương pháp nhiếp tâm và an trú tâm bằng cách ly dục ly ác pháp, chứ không phải bằng cách ức chế tâm tập trung tâm vào một đối tượng hơi thở.
Khi Thầy trắc nghiệm để chọn những tu sinh được lên lớp Tứ Niệm Xứ là chỗ xả tâm. Các tu sinh nên nhớ.
Thăm và chúc các tu sinh tu tập xả tâm tốt.
Thầy của các con
HT. Thích Thông Lạc