Skip directly to content

47- LIÊN QUAN LINH HỒN, THẾ GIỚI SIÊU HÌNH, NGOẠI CẢM

Cập nhật ngày : 17.01.2014    

Kính thưa quý phật tử và độc giả,

 

GNCN vừa mới nhận được bài tổng hợp của một đạo hữu thành viên nhóm Phật Pháp - Đoàn Tộc. Nội dung giới thiệu những trao đổi của phật tử với tiến sĩ Vũ Thế Khanh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học UIA, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA.

 

Chúng tôi nhận thấy những lời phát ngôn của một vị đứng đầu cơ quan khoa học của nhà nước nhưng còn rất mê tín dị đoan về vấn đề ngoại cảm, lên đồng nhập cốt, tin tưởng vào thế giới siêu hình. Một nhà khoa học mà còn u mê như vậy, bảo sao những người bình dân ít học không mê theo để rồi chìm đắm vào những chuyện nhảm nhí, hoang đường để tự làm khổ mình và khổ bao nhiêu người khác.

Nhận thấy bài tổng hợp rất có ích cho mọi người khi tìm hiểu Phật pháp, chúng tôi xin giới thiệu đến quý phật tử và độc giả cùng đọc.

CÁC Ý KIẾN LIÊN QUAN VỀ NGOẠI CẢM, LINH HỒN VÀ THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Đoàn Tộc – Phật Pháp

 

(Tiến sĩ Khanh không trả lời thẳng câu hỏi mà tiếp tục lấy ví dụ chống chế). Câu chuyện được tiến sĩ Khanh cho là nhân văn nhưng phải chăng đó là sự lừa dối gia đình các liệt sĩ?.

 

Theo THÍCH CHÂN PHÁP:

 

"Một vị tiến sĩ như ông Vũ Thế Khanh, phụ trách một cơ quan cấp Nhà nước mà trả lời nhà báo Thuận Phong như vậy thì không ổn. Một cơ quan nghiên cứu tiềm năng con người mà ông không hiểu gì về "duyên hợp tâm linh" của con người cả. Nếu ông Khanh vẫn giữ nguyên những ý kiến kiểu này thì đất nước ta bao giờ thoát khỏi cảnh mê tín dị đoan?

 

Không nên lừa dối người khác rồi lại đổ riết lý do cho người đã hy sinh. Đó là một sự nói dối rất ác độc và tai hại.

 

Ông Khanh đâu biết rằng, tất cả những lời nhà ngoại cảm nói ra đều là từ cái đầu của nhà ngoại cảm cả. Không có một ai đã chết rồi còn có thể nói chuyện với những người còn sống. Đó là quan điểm, sự hiểu biết rất u mê của những người trong thời quá khứ còn mê muội. Ngày nay chúng ta phải có cái nhìn khác.

 

Nêu ông Khanh hiểu rằng "duyên hợp tâm linh" của con người do năm uẩn hợp thành là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Trong đó Sắc, Tưởng, Thức, 3 uẩn này có cái biết.

 

1- Cái biết thứ nhất là do sắc thức. Cái biết này cần đến các giác quan của cơ thể. Sắc thức có cái biết của Nhãn thức, Nhĩ, thức, Tỷ, Thiệt, Thân, và Ý thức. Đó là cái biết của con người bình thường thể hiện qua cuộc sống hằng ngày.

 

2- Cái biết thứ hai là cái biết của Tưởng thức. Cái biết này không cần dùng sáu căn của cơ thể. Đó là cái biết của những nhà ngoại cảm vì một số lý do khác nhau mà người đó tự nhiên có được. Đa số là trải qua những cuộc thập tử nhất sinh, may mắn sống sót nhờ vào Tưởng uẩn hoạt động và Tưởng uẩn hoạt động nên có khả năng này mà khoa học gọi là nhà ngoại cảm. Tôn giáo thì gọi họ là những người lên đồng nhập cốt.

 

Khả năng biết của Tưởng uẩn mờ ảo, mơ màng như người đang ngủ mơ, cho nên nhận biết những điều qua giấc mơ thì không thể chính xác được. Người bình thường cũng có sự biết của Tưởng uẩn khi người đó ngủ mê và tưởng uẩn hoạt động.

 

Khả năng hoạt động của tưởng uẩn có nhiều mức độ khác nhau tùy vùng não Tưởng này được kích hoạt ở mức độ sâu cạn. Nhưng những hoat động này không bền vững, nó chỉ bền vững khi sự hoang tưởng đến cực đại mà các bệnh viện thần kinh cũng chịu không sao điều trị nổi. Bởi khi ấy họ trở nên một người điên thực thụ.

 

3- Cái biết thứ ba là cái biết của Thức uẩn. Đây là cái biết của các vị chân tu, tu hành chứng đạo như đức Phật ngày xưa. Cái biết này cũng không cần thông qua các giác quan trong cơ thể. Khi hành giả muốn thực hiện cái biết này phải nhập vào thiền thứ tư (hơi thở phải ngưng nghỉ hoàn toàn) và hướng tâm tới Tam minh. Đó là cái biết vượt không gian và thời gian. Đó là cái biết chân thật, không bao giờ dối người.

 

Ở Việt Nam ta đã có người thực hiện được việc này như đức Phật bên Ấn xưa kia. Nhưng Ngài đã nhập diệt rồi. Hiện tại, đệ tử của Ngài đã có người tiếp nối thực hiện được điều này. Thế nhưng, duyên phước của chúng sanh quá mỏng, các Ngài không thể xuất đầu lộ diện giúp đời vì các thế lực ma vương, đồng cốt quá hùng mạnh.

 

Tôi mong muốn tiến sĩ Vũ Thế Khanh có cái nhìn khoa học hơn về "cấu tạo" của con người theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy. Phật giáo phát triển Đại Thừa và Thiền Tông không thể thực hiện được điều này."

Vũ Thế Khanh

 

Bạn Đoàn Tộc Phật Pháp thân mến!

 

Khi nghiên cứu về Phật Pháp cũng như nghiên cứu về tâm linh, ngoại cảm, đòi hỏi phải có tâm trong sáng, nhân văn chứ không phải với cái tâm sân hận, và với trình độ “văn hóa ngắn” như vậy. Không hiểu bạn cay cú điều gì mà “sáng tác” ra câu chuyện “ngoại cảm chia xương 4 liệt sỹ"?

 

Tôi kể lại chính xác câu chuyện này để một lần nữa, bạn tự soi lại Tâm của bạn nhé: "Có một gia đình liệt sỹ (tại Thái Bình) đã được một nhà ngoại cảm chỉ cần ngồi tại Hà Nội mà vẽ cho sơ đồ tìm hài cốt liệt sỹ. Khi gia đình này đi đến hiện trường thì liệt sỹ nhập vào người nhà, và dặn người nhà phải mua thêm 3 cái tiểu nữa cho 3 đồng đội cùng hy sinh (mặc dù trước đó, tiểu sử, quê quán, thân nhân của 3 liệt sỹ kia gia đình này cũng chưa hề biết).

 

Liệt sỹ nhập vào người thân, và nói rằng 4 người cùng nhập ngũ một ngày và cùng hy sinh một chỗ, rồi đọc tên, tiểu sử. quê quán của 3 đồng đội cùng hy sinh một lúc cho gia đình ghi chép lại. Khi đào bới, liệt sỹ lại nhập vào người nhà, và phân chia từng mảnh xương vào các tiểu. Khi khai quật tìm xương đã xong, chỉ có 3 liệt sỹ là có hài cốt, còn liệt sỹ thứ 4 không còn mảnh xương nào. Lúc này 4 liệt sỹ lần lượt nhập vào người của gia đình đi tìm mộ, nói rõ tên và ý nguyện của mình. Các liệt sỹ cùng nói rằng nếu để gia đình thứ 4 biết được liệt sỹ nhà mình không còn xương cốt, họ sẽ tủi thân, và chắc chắn sẽ đi làm mộ gió bằng cách lấy “xương dâu đầu gáo” về làm cốt liệt sỹ. Do vậy 4 vị liệt sỹ không muốn gia đình thứ 4 phải tủi thân, cho nên đã nguyện lấy trong 3 cái tiểu có xương, mỗi tiểu một ít để làm thành cốt của liệt sỹ thứ 4, và không muốn cho gia đình biết điều đó.

 

Điều kỳ diệu là, sau đó gia đình này lần theo “lời chỉ dẫn của vong liệt sỹ” và tìm đến được 3 gia đình kia đúng như nhập hồn ở hiện trường".

 

Câu chuyện này do gia đình liệt sỹ tự làm và về kể lại cho cơ quan, và chúng tôi cũng đồng thuận với cách làm của gia đình liệt sỹ đó, và coi đó là TÍNH NHÂN VĂN CAO CẢ CỦA NGƯỜI LÍNH, HỌ KHÔNG CHỈ NHƯỜNG CƠM, CHIA ÁO MÀ CÒN NHƯỜNG MẠNG SỐNG CHO NHAU, THẬM CHÍ CÒN TẶNG CẢ XƯƠNG CỐT CHO NHAU.

 

Bạn chưa bao giờ là người lính như chúng tôi thì làm sao có thể hiểu được tính nhân văn cao cả này của những người lính.

 

Bản chất sự việc rành rành là như vậy, tôi nói trong hội nghị, có hàng trăm người nghe và ai cũng hiểu, cũng xúc động, thế mà bạn lại xuyên tạc sự kiện này thành “nhà ngoại cảm chia xác 4 liệt sỹ”!!!. Suy ra những việc khác bạn còn “sáng tác” trắng trợn như thế nào! Điều gì đã làm cho bạn cay cú như vậy,, và có phải chính bạn cách đây mấy tháng đã vào Diễn Châu gặp gia đình Liệt sỹ Phùng Chí Kiên để xúi dục gia đình kiện cô Bích Hằng, nhưng đã bị gia đình liệt sỹ Kiên mắng cho một trận rồi bị đuổi ra khỏi nhà đấy chăng???

 

Còn việc bàn về Phật Pháp, trước hết bạn hãy đọc hết các tập sách và các bài giảng của Hòa Thượng Thanh Từ đã, (đó là điều kiện tối thiểu, tôi đưa đường link dưới đây cho bạn) , rồi bạn mới đủ tư cách trao đổi với tôi về Phật Pháp, bởi khi bạn đang sân hận và đang thích "nói những lời thêu dệt" mà lại sinh tham vọng kiến giải về Phật Pháp thì là bạn đang xúc phạm kinh Phật.

 

Phật có dạy: NGƯỜI TÀ NÓI PHÁP CHÁNH, PHÁP CHÁNH TRỞ THÀNH TÀ.

 

Đây là đường link các sách của Hòa Thượng Thanh Từ, bạn cố gắng đọc hết, ít nhất là 1 lượt các tác phẩm này đi: http://uia.com.vn/.../thich.../thich-thanh-tu-toan-tap.html

 

Vũ Thế Khanh   

 

Thảo Trang:

 

Chân Pháp Thích: Theo ý kiến của Thảo Trang, Chân Pháp rất hân hạnh được trao đổi với tiến sĩ Vũ Thế Khanh. Chân Pháp sẽ cố gắng trao đổi theo những câu hỏi mà tiến sĩ nêu, đồng thời cũng mong muốn được tiến sĩ trả lời những câu hỏi mà Chân Pháp nêu ra.

 

Hy vọng một nhà khoa học như tiến sĩ sẽ mang lại nhiều lợi lạc và hạnh phúc thực sự cho nhân dân, cho đất nước mình và chung nhân loại.

 

Vũ Thế Khanh:

 

Thảo Trang thân mến, các câu hỏi mà quý vị đã nêu đều dựa trên các thông tin của một bài báo của báo Đất Việt đính kèm ở trên:

 

"Lập mộ giả, nói dối thân nhân liệt sĩ là việc làm rất nhân văn ... đó là nhận định của tiến sĩ Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc UIA...." Nếu hiểu rõ sự thật như mình đã nhắc lại thì các câu hỏi ở trên trở nên vô nghĩa.

 

Một số ý kiến trao đổi về Phật Pháp mà quý vị đặt ra, chỉ cần đọc kỹ các bài giảng của Hòa Thượng Thanh Từ thì cũng sẽ không cần hỏi nữa, vì trong đó đã trả lời đầy đủ rồi, tôi không thể lý giải thấu đáo hơn Hòa Thượng được.

 

Vấn đề mấu chốt là bạn phải tự đọc lấy mà hiểu, bởi phải TỰ ĂN MỚI NO, NHÌN NGƯỜI KHÁC ĂN LÀM SAO NO ĐƯỢC, chẳng ai có thể hướng dẫn cho người khác hiểu được thế nào là vị mặn của muối, vị cay của ớt,... và chẳng có sách vở nào dạy cho cánh mày râu hiểu được "thế nào là đau đẻ"...

 

Thảo Trang:

 

Vâng, cảm ơn bác. Con được biết đến bác và rất ngưỡng mộ từ hồi nước ta chuẩn bị đón đại lễ 1000 năm Thăng Long, bác đã vạch mặt rất nhiều nhà tiên tri rởm, thánh rởm, đến hứa hẹn làm cho thời tiết mấy ngày đại lễ không bị mưa... đất nước rất cần có những nhà khoa học chân chính như bác.

Chân Pháp Thích:

 

Kính thưa ngài tiến sĩ Vũ Thế Khanh,

 

Thi thoảng tôi cũng có đọc một vài bài viết liên quan đến ngài tiến sĩ Tổng Giám đốc UIA. Nhưng đến khi đọc bài của nhà báo Thuận Phong “Lập mộ, nói dối…” thì tôi thực sự thất vọng về những phát ngôn của Ngài.

 

Chuyện này tôi đã qua lâu, nhưng nay trên trang facebook Phật Pháp - Đoàn Tộc, may mắn tôi được trực tiếp đọc những suy nghĩ của Ngài đã trình bày bằng “mực đen trên giấy trắng”.

 

Có thể dùng từ nào cho chính xác và phù hợp nhất với cá tính “đầy nhân văn” của Ngài mà không làm Ngài phiền lòng phật ý đây! Tự cao ngã mạn ư? Trịch thượng bề trên ư? Hay coi thường người đối thoại?... 

 

Theo tôi, tất cả những “định dạng cá tính” trên đều phù hợp với lời mà Ngài vừa mới mở “Khi nghiên cứu về Phật Pháp cũng như nghiên cứu về tâm linh, ngoại cảm, đòi hỏi phải có tâm trong sáng, nhân văn chứ không phải với cái tâm sân hận, và với trình độ “văn hóa ngắn” như vậy…”.

 

Đọc câu đầu tiên của Ngài, tôi liên tưởng ngay đến một vị tiến sĩ khác – ngài Trần kiêm Đoàn – khi đối thoại với bạn thoại cũng với giọng tự cao tự đại như vậy không khác: “Những người tôn sùng HTTL là “chân tu vô lậu” và dùng những lời lẽ “cấp dưới” để thóa mạ anh TKĐ như kiểu nói của Tâm Minh và Chân Quê (văn phong hai người là một vì lẩm cẩm giống nhau)…”.

 

 Ngài tiến sĩ kia (ông Trần Kiêm Đoàn - ẩn dưới danh Đăng Hậu) thì cao giọng miệt thị người đối thoại nào là “văn phong lẩm cẩm, lời lẽ cấp dưới”. Ở đây Ngài cũng có giọng điệu không khác để coi thường miệt thị người đối thoại (Đoàn Tộc Phật Pháp) “với cái tâm sân hận, và với trình độ văn hóa ngắn…”. Lời như vậy có tính nhân văn, có bình đẳng không thưa ngài tiến sĩ? Cuộc sống tuy có biết bao nhiêu đau khổ nhưng đây đó vẫn còn tràn đầy tình yêu thương đồng loại. Đời sống thật ngắn ngủi, hoại diệt vô thường, có gì quý giá mà phải lo toan so đo hơn thua còn mất?

(Quý vị xem theo link sau để rõ hơn về đối thoại của tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn:
http://giotnangchonnhu.org/index.php?mod=detail&ID_theloai=16&ID_theloaitin=7&ID_tintuc=184).

Thưa tiến sĩ Khanh, theo ý kiến của Thảo Trang nên tôi đã đáp lời và đề nghị rất hân hạnh được trao đổi với tiến sĩ. Qua những lời phát biểu và trả lời nhà báo TP, tôi nhận thấy tiến sĩ có cái nhìn rất hạn chế về tâm linh nên vô tình đã gieo rắc thêm bao nhiêu mê tín vào lòng người. Là một nhà khoa học có chức vị hàng đầu của khoa học công nghệ Việt Nam, nhưng tiến sĩ đã hiểu một cách rất không khoa học về cuộc sống con người. Đặc biệt cái gọi là “cuộc sống” của con người sau khi chết thì tiến sĩ rất mê tín nên vô tình đã “nối giáo” cho giặc gây ra bao nhiêu tai hại trong vấn đề tìm mộ liệt sĩ thời gian qua. (Có thể nói là thời kì thịnh phát, nở rộ nhất của các nhà ngoại cảm lừa đảo ở Việt Nam).

 

Với tiến sĩ, tôi nhận thấy cần trao đổi nhiều vấn đề. Nhưng hiện qua bài viết của tiến sĩ trên facebook đây có 2 vấn đề nổi bật:

               1- Bốn gia đình liệt sĩ chia nhau 3 bộ hài cốt.
               2- Chánh Phật pháp và tà pháp với sự giới thiệu các “công trình” của HT Thanh Từ.

Về Chánh pháp và Tà pháp (vấn đề 2), nếu tiến sĩ tin tưởng vào những lời dạy của HT Thanh Từ thì đúng thật, theo đó tiến sĩ đã có những việc làm sai lầm ủng hộ những nhà đồng cốt ngoại cảm là hoàn toàn phù hợp. Cho nên việc mê tin này là của tà pháp – không phải Phật dạy như vậy. Việc này từ từ trao đổi sau.

 

Việc trước cần làm là trao đổi về “4 gia đình liệt sĩ, 3 bộ hài cốt” (vấn đề 1) là nhân văn hay dối lừa, là ai làm nên sự ấy, là chánh tín hay mê tín… xin tiến sĩ hãy đọc kỹ lại những lời đối thoại của mình với nhà báo Thuận Phong (dưới đây) rồi chúng ta bắt đầu mổ xẻ nhé. Mong sự hợp tác chia sẻ của tiến sĩ.  (Câu hỏi dành cho tiến sĩ ở cuối trao đổi này).    

 

[Câu chuyện được tiến sĩ Khanh cho là nhân văn nhưng phải chăng đó là sự lừa dối gia đình các liệt sĩ?. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi lại với ông Vũ Thế Khanh ngay sau khi buổi hội thảo kết thúc.

 

TP - Thưa tiến sĩ, câu chuyện ông kể về việc sẻ hài cốt 3 liệt sĩ thành 4 cho thấy hài cốt liệt sĩ thứ 4 là sai và thi thể ba liệt sĩ kia cũng không toàn vẹn. Vậy liệu có phải là nhân văn như ông nói.

 

VTK - Đấy là liệt sĩ họ bảo thế, liệt sĩ yêu cầu

 

TP - Làm sao để chứng minh được việc đó thực sự là do liệt sĩ yêu cầu, khi chỉ một mình nhà ngoại cảm có khả năng trò chuyện với người đã khuất và nói lại cho mọi người?

 

VTK - Không ai biết được 4 ông liệt sĩ này đi cùng ngày, cùng giờ và chết cùng nơi… có nhiều thông tin mới đến ngôi mộ đó được.

 

TP - Trường hợp gia đình phát hiện ra hài cốt họ đang thờ cúng không phải là của cha ông, chồng hoặc con họ thì tiến sĩ nghĩ như thế nào?

 

VTK - Bạn nhầm ở chỗ này, đấy là ý của ông liệt sĩ.

 

TP - Nhưng cũng không thể làm sai sự thật được? như vậy là dối trá thân nhân liệt sĩ?

 

VTK - Không, ông liệt sĩ ông thích sai thì sao? Ông liệt sĩ có công mà ông nói “tôi phản động” thì sao? Bây giờ mình phải tôn trọng cái nguyện vọng của liệt sĩ. Chứ không phải mình theo cái cảm tính của mình.

 

TP - Tại sao đoàn tìm kiếm không trao đổi thẳng thắn với gia đình?

 

VTK - Trao đổi thì gia đình người ta buồn, ông liệt sĩ muốn cho gia đình yên thân….  Vị tiến sĩ này lấy dẫn chứng: Có những bà mẹ nếu như biết được con về mới yên tâm nhắm mắt. Với liệt sĩ khi người ta còn sống họ nhường cả cái thân, hy sinh cho người bạn còn sống thì xương người ta tiếc gì đâu. Khi liệt sĩ còn sống cơm ông cũng nhường, nếu 2 anh phải chết, ông xung phong chết là ông nhường cả mạng sống thì chút xương ấy làm gì nặng nề với ông liệt sĩ được. Cái đó là nguyện vọng của ông liệt sĩ.

 

TP - Nhưng chúng ta phải tôn trọng gia đình họ chứ, như vậy là đã lừa dối gia đình họ rồi thưa tiến sĩ?

 

VTK - Không phải ta lừa dối mà là ông liệt sĩ ông làm thế.

 

TP - Chúng ta là người đưa di cốt về mà?

 

VTK - Cậu buồn cười nhỉ, làm thế trái ý ông liệt sĩ… ông liệt sĩ quan trọng hay chúng ta quan trọng, hơn nữa, ông liệt sỹ có ý nguyện như vậy. Đừng nói ông liệt sĩ coi xương là quan trọng đâu nhá, nếu xương không còn thì làm sao? Ông tan xác trên bầu trời ông không có xương...v.v..

 

TP- Nói gì thì nói nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật, thân nhân liệt sĩ cần sự thật, dư luận cần sự thật, thưa ông?

 

Tiến sĩ Khanh không trả lời thẳng câu hỏi mà tiếp tục lấy ví dụ chống chế:

 

- Tại sao tôi làm gián điệp, tôi nói sự thật ra đi… cái sự thật ấy có lợi cho dân cho nước tôi làm. Bây giờ tôi hỏi nhé, tại sao ông làm tình báo ông lại nói là việt gian? Vì việc của ông làm là lợi cho người khác và đấy là sự hy sinh của người ta. Dù gia đình có mất cái xương hay không không, đối với tâm linh không còn quan trọng nữa. Ví dụ bây giờ hỏa táng thì sao, người ta rắc ra sông thì sao? 

 

- Có ai biết mộ ông Thánh Gióng ở đâu không? Ông Thánh Gióng là 1 đại liệt sĩ tượng trưng cho tất cả các liệt sĩ trong các triều đại và không cần xương nữa, thịt xương ông thành lá, thành cây cho non sông, chỉ linh hồn ông bay về trời thôi. Đấy là cái tư tưởng của người Việt Nam ta, vậy thì cái hài cốt không quan trọng. Bây giờ mộ ông Thánh Gióng ở đâu nào? Vậy giờ người ta thờ ông ấy hay thờ tư tưởng của ông ấy.

 

TP - Những trường hợp đi tìm mộ liêt sĩ mà không tìm được hài cốt nhưng lấy xương của liệt sĩ khác mang về như trường hợp trên có nhiều không?

 

VTK - Nhiều, nhiều chứ, vô cùng nhiều… Nhưng mà đó là trường hợp 4 liệt sĩ đó thôi. Bốn gia đình đó đã cảm động, người ta khóc vì cái sự hy sinh đó. Vậy thì đừng nghĩ gia đình liệt sĩ ấy người ta buồn, người ta tự hào vì những cái việc đó. Và người ta cũng không muốn biết ai vào với ai nữa, và người ta cùng đưa 4 ông ý như nhau].

 

Thuận Phong

 

Câu hỏi dành cho tiến sĩ Khanh:

 

1- Theo trả lời của tiến sĩ với nhà báo TP, tôi nhận thấy tiến sĩ rất tin có linh hồn sau khi chết. Vậy thưa tiến sĩ, linh hồn của các liệt sĩ (nói riêng) và linh hồn của mọi người chết (nói chung) tồn tại dưới dạng vật chất nào? Môi trường sống của các linh hồn ra sao mà họ có thể trình bày các ý nguyện của mình với người sống như vậy?

 

2- Nếu thực sự có linh hồn sau khi chết thì linh hồn tồn tại dưới hình dạng nào? Cụ thể (ví dụ) như một người từ lúc sinh ra đến lúc chết là 90 tuổi (đối với người chết năm 90 tuổi) thì hình ảnh linh hồn là ảnh lúc sơ sinh, thiếu niên, thành niên hay hình ảnh một người già 90 tuổi.

 

3- Nếu linh hồn đi tái sanh, mà mỗi người chỉ có một linh hồn, như vậy từ khi xuất hiện loài người với số lượng rất ít (có thể chỉ là hàng triệu) nhưng giờ này hành tinh có tới hàng tỉ người. Vậy “ngân hàng linh hồn” lấy đâu ra linh hồn cung cấp để thành hàng tỉ người như ngày nay? 

 

Mong tiến sĩ trả lời rõ ràng. Xin cảm ơn!  

Vũ Thế Khanh:

Thưa quý ngài Chân Pháp Thích,

Trong nội dung câu chuyện mà tôi đã kể, làm gì có chuyện “4 gia đình liệt sỹ chia nhau 3 bộ hài cốt”? nếu chúng ta tự nhận là đi tu “theo Phật” thì có nên "nói lời thêu dệt" như vậy không?

 

Một người tự xưng là "nhà báo Thuận Phong” nào đó sáng tác và lắp ghép thành mẩu đối thoại hoàn toàn lạc lõng với nội dung câu chuyện tôi đã kể trong một hội nghị, cho nên chúng tôi không chấp, và cũng chẳng cần đối thoại với những ai đang căn cứ vào bài báo đó.

 

Khi thấy những sự bịa đặt phóng tác của chúng sinh, chúng tôi chẳng bận lòng nên chẳng cần trả lời, (vì biết rằng họ chưa đủ căn duyên để hiểu), vậy mà tại sao các quý ngài lại phải sôi sục lên với những câu hỏi vô bổ ấy thế? Một ngọn phướn bay, có nên mất thời giờ cãi nhau rằng gió động, phướn động hay không?... Một không gian vốn đang yên lặng, có người hò hét lên rằng: “hãy trật tự”, và họ tự cho rằng mình có công “giữ trật tự”. Nhưng có ngờ đâu chính họ đang “mất trật tự”!

 

Tôi chưa bao giờ kể rằng 4 gia đình chia 3 hài cốt liệt sỹ, và chúng tôi cũng không làm điều đó, thì tại sao tôi lại mất thời giờ tranh luận và giải thích với quý ngài về điều đó nhỉ?

 

Vậy theo quý ngài, chúng ta nên thảo luận về những sự kiện do chính chúng tôi kể hay phải thảo luận theo nhưng luận điệu do người khác “sáng tác” ra đây?!

 

Tôi đã nói rằng, “dân tộc VN có hàng nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm, biết bao liệt sỹ đã hy sinh. Nếu liệt sỹ nào cũng để lại các ngôi mộ thì bây giờ các con cháu có còn chỗ để ở và đất để canh tác hay không? Do vậy khi hy sinh, thịt xương liệt sỹ gửi khắp non sông, hóa sinh thành lá cây, ngọn cỏ, thành bụi tre gốc lúa, thành cát, thành sông... còn linh hồn bay về trời (như hình ảnh tượng trưng là ngài Thánh Gióng) - đó là tính nhân văn!”

 

Những lời phát biểu của tôi đã được in thành sách rành rành ra đấy, sao lại xuyên tạc thành những đoạn đối thoại ngô nghê, sai văn phạm như “cái gọi là nhà báo Thuận Phong” đã đăng? Tại sao quý ngài lại tin vào những đoạn đối thoại xuyên tạc của “nhà báo” đó mà lại không tin vào những cuốn sách chúng tôi đã xuất bản?

 

Mỗi tuần, chúng tôi đều có Đạo tràng, thảo luận khoảng 500 đến 700 câu hỏi thực tế về thế giới vô hình, về vấn đề tái sinh, nhân quả, tâm linh, ngoại cảm, thần thức, linh hồn, hương linh, giác linh, nội ma, ngoại ma, tâm thần, hoang tưởng, áp vong, gọi hồn, giả ma, đồng cốt ...

 

Với hàng vạn hồ sơ khảo nghiệm thực tế (có sự kiểm định khách quan của các thiết bị máy móc của Viện khoa học hình sự bộ công an,), nhiều chứng cứ khoa học đã được kiểm chứng và được làm sáng tỏ. Chúng tôi căn cứ vào kết quả của hàng vạn các ca khảo nghiệm ấy để đánh giá bản chất của sự việc, phân biệt những cái thật, cái giả của thế giới vô hình. Các sự kiện này không hề có trong sách vở hoặc kinh điển trước đây.

 

Quý vị muốn trao đổi về những nội dung này, thì có thể đến cơ quan chúng tôi để tham khảo các hồ sơ lưu trữ,

 

Quý vị chưa từng chứng kiến, chưa từng tiếp cận với những bằng chứng thực tế này mà lại cứ khăng khăng phủ định sự kiện thì có phải là kiêu căng ngã mạn không? “Nếu tu mà không có phương pháp (giáo trình) thì là tu mù, nếu chỉ đọc sách mà không có thực tế thì chỉ là học giả). Phật đã dạy: “phải tự ăn mới no, nhìn người khác ăn làm sao no được”!

 

Những câu hỏi mà các quý vị đặt ra thì chính các vị phải thực hành để tự chứng ngộ, và tự giải đáp lấy, chúng tôi không giải nghi thay cho các quý vị được!

 

Chúng tôi không hề bị vướng mắc bởi các nghi vấn mà các quý vị đã nêu, nên chúng tôi cũng không cần phải để tâm vào những vấn đề đó.

 

Chúng tôi trích đăng một đoạn trong nghi lễ tâm linh (mà chúng tôi đã thực hiện hàng chục năm nay) để các qúy vị có thể tự giải mã những nghi vấn của mình.

Trân trọng!

Chân Pháp Thích.

Thưa ngài Tổng Giám đốc UIA,

Xin cảm ơn Ngài đã có lời trao đổi phản biện. Qua đó tôi nhận thấy:

Nếu sự thực Ngài không trả lời phỏng vấn nhà báo TP với những câu trả lời rất cố chấp, si mê đắm chìm trong thế giới siêu hình, linh hồn người chết thì trách nhiệm “bịa đặt” này thuộc nhà báo TP. Tôi nghĩ nếu nhà báo TP mà có những lời bịa đặt như vậy để nhằm hạ thấp uy tín của Ngài thì đây là một tội không nhỏ. Tội đặt điều vu khống người khác là rất đáng xấu hổ, đáng trách và cần làm rõ. Nhưng nếu cuộc phỏng vấn là thật có, nhà báo TP chứng minh bằng những lời thoại đã ghi âm thì Ngài cũng nên xem xét lại những phát ngôn của mình.

Trở lại vấn đề cần quan tâm, “4 gia đình và 3 bộ hài cốt”. Tôi tạm loại trừ những lời của nhà báo TP mà chỉ căn cứ vào những lời của Ngài đã thừa nhận sau khi kể chuyện trước hội nghị: “Câu chuyện này do gia đình liệt sỹ tự làm và về kể lại cho cơ quan, và chúng tôi cũng đồng thuận với cách làm của gia đình liệt sỹ đó, và coi đó là TÍNH NHÂN VĂN…”   

Xuất phát từ những chuyện kể của gia đình liệt sĩ chứa chấp đầy mê tín dị đoan, sự tin tưởng vào nhập hồn, nhập xác, đồng cốt quàng xiên khiến người đời ám ảnh, sợ hãi bởi có những “linh hồn” của người đã chết. Chính tiến sĩ cũng không hiểu cơ chế hoạt động của não bộ con người cho nên vội vã “đồng thuận với cách làm của gia đình liệt sĩ” mới có bao nhiêu chuyện rắc rối xuất phát từ các nhà ngoại cảm lừa đảo trong việc tìm mộ liệt sĩ những năm vừa qua. Là một cơ quan khoa học cấp Nhà nước mà tiến sĩ chấp nhận việc đồng cốt quàng xiên thì thực sự rất có hại cho đất nước. Bằng chứng rõ ràng, bao nhiêu nhà ngoại cảm đã bị lôi ra trước công luận mà tiến sĩ không lấy đó làm bài học ư?

Nhận thấy tiến sĩ đã quá tin vào đồng cốt để chứng minh có linh hồn người chết, tôi đã nêu ra 3 câu hỏi để tiến sĩ suy ngẫm và trả lời. Câu hỏi thật quá đơn giản nhưng tiến sĩ (là người đã tổ chức đạo tràng để trả lời 5-7 trăm câu hỏi mỗi tuần) lại né tránh một cách rất vụng về.

Thưa tiến sĩ, câu trả lời chung cho 3 câu hỏi tôi đã nêu ra là: “Không có thế giới siêu hình. Không có linh hồn người chết”. Như vậy thì cần gì còn phải đi tìm vật chất, môi trường sống, hình ảnh của linh hồn người chết làm gì cho phí sức. Còn vấn đề tại sao mỗi người chỉ có một “linh hồn” mà trái đất cứ mỗi ngày một đông hơn thì linh hồn ở đâu ra? Điều này chắc chắn tiến sĩ chưa hiểu được. Mời tiến sĩ hãy đọc các kinh sách của HT Thích Thông Lạc nói về Nhân quả Vũ trụ, Nhân quả Thời tiêt, Nhân quả Thảo mộc, Nhân quả Con người… sẽ rõ.

Tiến sĩ đã tự nhận mình là người có “văn hóa dài”, còn mọi người dưới con mắt của tiến sĩ chỉ là “chúng sinh – văn hóa ngắn”. Lời miệt thị không nên có ở một người trí thức cao cấp có vị trí lãnh đạo chứng tỏ kiến thức của tiến sĩ như nước trong một chiếc ly đã đầy, khó có thể tiếp nhận thêm được một chút kiến thức nào khác nữa. Do vậy đã bị rơi vào “giới cấm thủ” mất rồi.

Cố chấp vào sự hiểu biết của mình nên tiến sĩ đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội tìm biết cái chân của Chánh Phật pháp. Tiến sĩ tin vào Thiền Trúc Lâm (HT Thanh Từ)? Thiến Tiếp Hiện tông Lâm Tế (HT Nhất Hạnh? Tịnh Độ (HT Trí Tịnh)? Mật Tông (Dalai Lama)?… Những kiến thức Phật pháp nổi trội của các tông phái và các vị thầy có danh này không đủ để cho tiến sĩ hiểu được cái cơ bản chân thật của Phật pháp. Cho nên, tôi nghĩ rằng tiến sĩ đừng thiên kiến chấp vào những gì mình có được, nó đã rất lạc hậu mà sao không nhận ra. Để rồi bỏ qua những cái rất đáng quý mà đời người khó được, đó là Chánh Phật Pháp.

Các công trình giáo lý đồ sộ của các ngài như HT Thanh Từ, HT Nhất Hạnh, HT Trí Tịnh, Dalai Lama,… ngày nay chỉ nên cất đi để làm kỉ niệm cho đời sau biết đến một thời lạc pháp xa xôi. Những kiến thức ấy không phải là Chân Phật pháp nên không có lợi ích cho người tu hành.

Cái mà tiến sĩ dạy “phải tự ăn mới no, nhìn người khác ăn làm sao no được”, thì Chân Pháp tôi đã chán ngấy tới tận mang tai lâu rồi, tôi đã bỏ nó như một thứ nhơ bẩn mà sao bây giờ tiến sĩ mới ăn ư? Thảo nào những gì tiến sĩ đã “căn cứ vào kết quả của hàng vạn các ca khảo nghiệm ấy để đánh giá bản chất của sự việc, phân biệt những cái thật, cái giả của thế giới vô hình…” nhưng cũng không thể hiểu căn nguyên của nó là gì, cho nên vốn đã mê lại càng mê thêm.

               Những điều trao đổi trên, tôi đã mở nhiều ý để tiến sỹ chất vấn. Xín mời tiến sĩ nêu câu hỏi.
               Tôi mong muốn học hỏi thêm nhiều điều từ tiến sĩ.
               Trân trọng.

.                                                                                                                    .

 

GNCN sẽ tiếp tục cập nhật những trao đổi của tiến sĩ Khanh với độc giả. Mời quý vị đón đọc và xem thêm những bài có nội dung liên quan với chủ đề này. Mục “Dựng Lại Chánh Pháp”, phần Chánh tín – Mê tín, và các bài có link sau:
•  TẠI SAO CHÚNG TA ĐẾN THẾ GIỚI NÀY? (Lời song luận cùng Dalai Lama) - Viên Hạnh (08.08.2012)
•  MỘT THOÁNG BUỒN VỀ THẦY TỔ XƯA NAY - Viên Hạnh (01.09.2012)