03- ĐẠI THỪA LÀ BÀ-LA-MÔN HAY KY-TÔ GIÁO?... - Như Pháp
(Bài này được viết nhân đọc phản hồi của bạn Như Không trên Thư Viện Hoa Sen, nhắc lại phê phán của Thầy Nguyên Hải: Thầy Thông Lạc cho rằng “Đại thừa là Bà-la-môn giáo”?…)
Nếu nói “Đại thừa là Bà-la-môn giáo”. Thế thì có gì lạ?
Đây là nói về hiện tượng, là sự biến thái tiệm tiến, là hòa để hóa trong điều kiện khả thể, là lưu danh nhưng chất đã biến bởi các yếu tố ngoại lai… v.v…
Đại thừa đã bị Bà-la-môn hóa từ hai ngàn năm trước bởi các Luận sư tân tòng. Chuyện ấy xưa rồi! Có chuyện mới hơn có lẽ nhiều người chưa biết! Đại thừa ngày nay đang bị Ki-tô giáo hóa. Không phải bởi các thế lực bên ngoài, mà chính nội tại của cái gọi là "phát triển"... Tự thân Đại thừa với thuộc tính "phát triển" đã và đang được kích hoạt bởi những Tăng nhân mới, siêu xuất hơn các Luận sư tân tòng năm xưa...
Chứng minh: Tại Làng Mai. TS Nhất Hạnh đã từng tổ chức mừng Noel, có bánh Giáng sinh với chữ Merry Christmas rất đẹp. Tổ chức văn nghệ, diễn kịch mừng Chúa Giê-su Hài đồng và hát Thánh caSilent Night (Đêm Thánh Vô Cùng) của Ki-tô giáo do chính các Sư cô, Sư thầy trình diễn, cùng với các pháp thoại chủ đề "Chúa Phật là anh em".... Đến Tết âm lịch, Làng Mai cũng không quên thiết lập "bàn thờ Tổ thiết trí chân dung Chúa Ki-tô" cho các thiền sinh lễ bái... Chẳng trách những nhà nghiên cứu về tôn giáo trên trang nhà Giao Điểm nhận định: Ngài đã từng bước "Ki-tô giáo hóa Phật giáo", và không ngần ngại gọi Ngài một cách châm biếm: "LINH-MỤC-SƯ THÍCH NHẤT HẠNH"...
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời - Bình an dưới thế cho người Làng Mai
Chương 4 của cuốn “Living Buddha, Living Christ” qua bản dịch của Chân Văn trên báo Người Việt, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết:
“ - Đức Ki Tô Hằng Sống là Con của Thượng Đế, đã phục sinh, và nay vẫn còn tiếp tục sống.
- Tôi thấy chúng ta phải quán chiếu mọi hành động và mọi lời dạy của Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, như một mẫu mực để chúng ta tu tập. Giêsu sống đúng như lời dạy của Ngài, cho nên suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu là điều tối cần thiết để hiểu giáo lý của Ngài.
- Trong nhãn quan Phật Giáo, ai không phải là con của Thượng đế?
- Tội tổ tông cũng có thể được chuyển hóa khi một người tiếp xúc với Thánh Linh. Giêsu là con của Thượng Đế và con của Người. Chúng ta cũng là con của Thượng Đế và của song thân chúng ta.
- Nơi duy nhất chúng ta có thể tiếp xúc với Giêsu và Nước Chúa là ở trong nội tâm mình.
- Khi chúng ta theo dõi và tiếp xúc một cách sâu sắc với cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu,
- Chúng ta có thể thâm nhập vào sự thật của Thượng Đế. Tình yêu, sự hiểu biết, lòng can đảm, sự bao dung, là những biểu hiện của cuộc đời Chúa Giêsu. Thượng Đế xuất hiện với chúng ta qua Giêsu Ki Tô. Với Thánh Linh và Nước Chúa ở trong Ngài....”
sách “Living Buddha, Living Christ”
Nếu sự kiện này cứ diễn biến âm thầm lặng lẽ, chẳng có một phê phán nào, và tông phái Làng Mai ngày càng mạnh, ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Đại thừa. Dĩ nhiên cùng với thời gian, Đại thừa Phát triển sẽ "phát triển" thêm một bước cao hơn nữa là vươn lên đến Thiên Chúa quyền năng của Ki-tô giáo! Một vị Cổ Phật tự thân đã là Phật từ vô lượng kiếp! Đã ứng thân thành Bồ-tát Giê-su sau Phật Thích-ca 500 năm! Và đã từng thị hiện tại Làng Mai !?...
Trên trang nhà Thư Viện Hoa Sen, Một số tác giả, trong đó có Tỳ-kheo Thích Nguyên Hải, đã phản đối Trưởng lão Thích Thông Lạc khi Ngài cho rằng“Đại thừa là Bà-la-môn”… Họ phản ứng theo kiểu Pavlov, không cần tìm hiểu những phân tích logic về sự thật lịch sử này!.. Bà-la-môn hóa đạo Phật trong điều kiện liệt kháng của các bộ phái thời kì sơ khai, dưới sự lèo lái tài tình của các Luận sư tân tòng, đã sản sinh ra một thứ tôn giáo mới: Đại thừa Phát triển. Tôn giáo này được khoác kín bên ngoài lớp vỏ Phật giáo, đến nỗi ngày nay không ai nhận ra phần lõi bên trong đã quá xa rời với giáo nghĩa Nguyên thủy, mặc nhiên xem nó là sự truyền thừa từ chính Đức Thích-ca Mâu-ni?!…
Các tác giả chống đối không nhận ra sự kiện“Bà-la-môn hóa đạo Phật” ngày xưa đã đành, chuyện “Ki-tô giáo hóa đạo Phật” ngày nay họ cũng mù mờ chẳng rõ, ngơ ngác trước những gì đang diễn ra tại Làng Mai…
Sẽ có người phản đối cho rằng, không thể lấy một hiện tượng riêng lẻ như ở Làng Mai để tổng quát hóa vấn đề “Phật giáo đang bị Ki-tô giáo hóa”!… Người viết bài này xin thưa: đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà là hiện tượng rất phổ biến nằm trong sách lược “Hội nhập văn hóa” và “Đối thoại liên tôn” của Vatican... Vấn đề này đã được các tác giả Trần Chung Ngọc, Ngô Triệu Lịch, Charlie Nguyen, Hồng Quang, Nguyễn Mạnh Quang… trình bày một cách có hệ thống trên các trang nhà Sách Hiếm, Giao Điểm…
Nhân đây, xin nêu lên một trường hợp để qúy Phật tử cùng suy gẫm: Tự thân việc thuyết giảng của Sư cô Thích nữ Hương Nhũ, giảng viên Học viện PGVN về đề tài “Hơi thở nhiệm mầu”, theo lời mời của Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM (19/03/2011) là rất bình thường. Nhưng Sư cô không thể ngờ rằng mình đã rơi vào chiếc bẫy “đối thoại liên tôn” mà họ đã dựng sẵn. Bài tường thuật sau đó của Linh mục Tạ Ân Phúc đã hướng độc giả vào một luận điểm: Thiền của Phật giáo là do Thiên Chúa của Ki-tô giáo ban cho… Bài này đã nhận được sự phản biện của Cư sĩ Minh Thạnh (phattuvietnam.net), Tiến sĩ Hồng Quang và Giáo sư Trần Chung Ngọc (giaodiemonline.com).
Sư cô Thích nữ Hương Nhũ tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM (19/03/2011)
Chiếc bẫy “Đối thoại liên tôn” của Vatican sẵn sàng sập xuống trước bất kì con mồi ngu ngơ nào…“Hội nhập văn hóa” là phương tiện hữu hiệu thực hiện mục tiêu “HÒA” để “HÓA” trong điều kiện khả thể… Tác phẩm “Ki-tô giáo dưới mắt một Phật tử” là một ví dụ điển hình. Bản dịch Việt ngữ từ tiếng Pháp của hai Linh mục người Việt là Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Bá Tùng từ nguyên tác Un Bouddhiste Dit Le Christianisme Aux Bouddhistes của Linh mục Edmond Pezet. Sách được Hội Đồng Giáo Hoàng Phụ Trách Đối Thoại Liên Tôn của Vatican bảo trợ. Bản Việt ngữ do Đức Ông Phil. Trần Văn Hoài viết lời giới thiệu. “Lời Bạt” cuối sách của Linh mục Dom Pierre Massein lại là phần quan trọng nhất phục vụ chủ trương “Đôi thoại liên tôn” của Vatican.
Bìa sách "Un Bouddhiste Dit Le Christianisme Aux Bouddhistes" và bản dịch “Ki-tô giáo dưới mắt một Phật tử”
Khi Phê bình Trưởng lão Thích Thông Lạc phủ nhận thế giới siêu hình, không hiểu kinh tạng Nikaya! Tỳ-kheo Thích Nguyên Hải, tác giả sách “Đối thoại với thầy Thích Thông Lạc” đã chép lại một bài kinh ngắn dưới đây để chứng minh:
(III) (Ud 80): Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”
Chúng ta không ngờ rằng, Linh mục Dom Pierre Massein, người viết “Lời Bạt” cho tác phẩm nêu trên, cũng đã dịch kinh này ra nhiều ngôn ngữ Tây phương để phổ biến trong thế giới Ki-tô giáo, nhằm chứng minh cái mà Thần học Ki-tô giáo gọi là“Thực Tại Tối Hậu”, tức Thiên Chúa của họ, cũng hiện hữu trong tâm tư Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni từ hơn 2500 năm về trước. Bản kinh được Linh mục Nguyễn Bá Tùng chuyển sang Việt ngữ như sau:
“Có một điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng. Nếu không có điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng thì việc hình thành thế giới thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng không thể có được. Nhưng bởi vì có một điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng, cho nên nó có thể thoát khỏi thế giới của điều thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng.”(Udàna III).
Nếu Thầy Thích Nguyên Hải dùng bài kinh trên để phê phán Trưởng lão Thích Thông Lạc phủ nhận thế giới siêu hình. Cũng có nghĩa là Thầy đã đồng ý với Linh mục Dom Pierre Massein về một luận điểm Thần học cho rằng: toàn thể vũ trụ đều là vật thụ sinh thụ tạo, chỉ có Thiên Chúa của Ki-tô giáo là đấng duy nhất tự hữu, hằng có đời đời. Nếu không có Ngài thì không thể có bất cứ một vật gì được “thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng”…
Trở lại với chuyện của Làng Mai… Tự thân Đại thừa với thuộc tính “Phát triển” đã trở thành đất dụng võ cho ngoại giáo. Tuy nhiên, những yếu tố từ bên ngoài tác động vào không đáng ngại bằng chính sự “bùng nổ” từ phía bên trong, được kích hoạt bởi những cao tăng có danh, có thế, có lực như Thiền sư Thích Nhất Hạnh…
Người viết bài này xin mượn lại một đoạn mà tác giả Thích Nguyên Hải đã trích dẫn lại trong bài giảng“Làm Chủ Sanh Già Bệnh Chết” của Trưởng lão Thích Thông Lạc. Chỉ xin phép Trưởng lão được thay 3 chữ cuối cùng: “Bà-la-môn” bằng “Ki-tô giáo”, nhằm phản ánh đúng thực trạng hiện nay của Tông phái Làng Mai:
“Chính các tu sĩ Phật Giáo hiện giờ, họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật Giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Ki-tô giáo.”... (Trích bài giảng: Làm Chủ Sanh Già Bệnh Chết)
Đại thừa là Bà-la-môn hay Đại thừa là Ki-tô giáo! Có gì khác lạ đâu!?...