07- TẠI SAO CHÚNG TA ĐẾN THẾ GIỚI NÀY? (Lời song luận cùng Dalai Lama) - Viên Hạnh
Cập nhật ngày : 08.08.2012 | |||
Gần đây (ngày 31/7/2012), Thư viện Hoa Sen cho đăng bài dịch: “Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng” do dịch giả Tuệ Uyển chuyển ngữ. Nội dung bao gồm các câu hỏi (không rõ người hỏi) và câu trả lời của ngài Dalai Lama. Nhận thấy sự cần thiết phải góp tiếng nói chung vào sự nghiệp chấn hưng lại Phật pháp, giúp người Phật tử có thêm một cách nhìn, một cách hiểu về nhân sinh và thế giới quan của Phật giáo. Lần lượt, khi có điều kiện, chúng tôi sẽ giới thiệu những lời đáp để trả lời các câu hỏi trong bài, tuy đã được ngài Dalai Lama trả lời nhưng không thỏa mãn cho sự tìm hiểu của độc giả, và chúng tôi thấy không mấy thuyết phục bởi câu trả lời từ một người có uy tín như Ngài. Nay, quý vị độc giả đọc và cùng trao đổi thêm để làm sáng tỏ nền đạo đức mà đức Phật giảng dạy. Câu hỏi: “Tại sao chúng ta đến thế giới này?” Ngài Dalai Lama trả lời: “Tự nhiên là tự nhiên. Không có câu trả lời”. Viên Hạnh trao đổi. Trước khi trao đổi về câu hỏi, Viên Hạnh xin gửi đến ngài Dalai Lama cùng quý độc giả lời chào trân trọng và lòng yêu thương, cảm thông chia sẻ chân thành. Thưa quý vị! “Tại sao chúng ta đến thế giới này?” là một câu hỏi hàm chứa lớn mà tất cả mọi người trên hành tinh chứ không riêng gìới Phật tử cần tìm hiểu để biết rõ. Câu hỏi này không dễ trả lời một cách dông dài mà có thể chấp nhận được. Tương ưng ở đời, thường có những câu hỏi: Còn rất nhiều những câu hỏi “tại sao chúng ta đến” nữa không thể dẫn hết được. Những câu hỏi và trả lời trên đều có nơi xuất phát (nơi mình trú ngụ), nơi đến để hành động (theo mục đích của mình) và nơi trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây, câu hỏi “Tại sao chúng ta đến thế giới này” là tâm trạng suy tư nung nấu và rất thực tiễn cho người Phật tử, hay rộng hơn là chung cho tất cả mọi người. Chúng ta đến đây để đón nhận hạnh phúc, hay để hứng chịu khổ đau hoặc một trạng thái khác là không hạnh phúc cũng không khổ đau. Cả ba trạng thái này, trên đời ai cũng đều đã từng trải qua. Để dẫn đến sự hiểu biết, thấm nhuần câu đáp, chúng ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo các cụm từ: [chúng ta] và [thế giới này]. [Chúng ta] bao gồm tất cả, là bạn, là tôi, là mọi cá nhân đang sống trên hành tinh này mà mỗi người đang tự chấp là “ta”. Và có câu hỏi “Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đến đây để làm gì? Sau khi ở đây ra đi, ta sẽ về đâu?” Ta là ai? Chúng ta hiểu rằng: ta, tất cả chúng ta, mọi loại hữu tình được gọi chung là chúng sanh. Chúng sanh từ đâu mà (được sanh ra) có? Để biết từ đâu, hãy biết, đây là lời Phật dạy: …“Này thanh niên, các loài hữu tình (chúng sanh) là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”… (Kinh Trung Bộ, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt). Ai cũng biết, Nghiệp được tạo tác bởi hành động, hành động xuất phát từ ba nơi Thân, Khẩu, Ý của mỗi người. Mỗi hành động dù thiện, dù ác, hay không thiện không ác đều có nguyên nhân và dẫn đến kết quả riêng của nó, tức là Nghiệp. Như vậy chúng ta (ta) được sanh ra từ cái “bào thai Hành Động” tức là “Nghiệp” hay còn gọi là “Nhân Quả”. Như vậy, ta là kết quả của hành động, do nhân, do duyên mà tạo tác thành hình hài với đầy đủ “bốn đại, năm uẩn’ (đối với con người, còn nhiều loài khác không có đủ năm uẩn ấy). Ta từ đâu đến? Trong vũ trụ bao la có vô số hành tinh đang hành động. Lớn như Lỗ Đen và các Mặt Trời, nhỏ hơn là các vì sao… và Trái Đất mà chúng ta đang ở. Có phái chăng, chúng ta từ một hành tinh xa xôi nào đến Trái đất này để sinh sống? Trong vũ trụ có vô số hành tinh, mỗi hành tinh đều đang hành động theo một quy luật riêng của mình nhưng phù hợp với quy luật chung “Vô Minh” của vũ trụ. Do duyên hành nên mỗi hành tinh đều tạo tác nên “Nghiệp” của riêng nó. Khi nhân duyên đủ thuận hòa thì có môi trường sống xuất hiện, khi môi trường sống xuất hiện thì có sự sống nảy nở sinh sôi, như Trái đất của chúng ta. Khởi đầu là các loài rong rêu, thảo mộc. Qua hành trinh của thời gian, các loài động vật xuất hiện và loài người xuất hiện. Đức Phật dạy 12 Nhân Duyên: khởi đầu là duyên Vô minh, Vô minh duyên Hành (hành động); Hành duyên Nghiệp; Nghiệp duyên Danh sắc; Danh sắc duyên Lục nhập; Lục nhập duyên Xúc; Xúc duyên Thọ; Thọ duyên Ái; Ái duyên Hữu; Hữu duyên Thủ; Thủ duyên Sanh; Sanh duyên Ưu bi, bệnh, chết. Xét trong 12 nhân duyên, chúng ta thấy Nghiệp xuất hiện bởi gốc là do “Vô Minh”. Như thế chúng ta hiểu rằng “Ta” xuất hiện bởi Vô Minh, ta đồng hành cùng vũ trụ, và ở đây, trên Trái đất này, khi có môi trường sống, có sự sống và có chúng ta xuất hiện cùng với muôn loài khác. Khi môi trường sống trên Trái đất này bị hủy diệt thì đương nhiên con người cùng muôn loài cũng bị hủy diệt theo. Như vậy, ta do duyên vô minh mà xuất hiện trên Trái đất này, chứ ta không từ nơi nào đến cả. Nghiệp như một dòng sông bất tịnh, chứa đầy dục vọng và tham ái mà con người cùng muôn loài lặn ngụp trong sóng nước đục ngầu khổ đau Tham, Sân, Si… cứ mải miết trôi lăn không ngừng nghỉ. Ta đến đây để làm gì? Câu hỏi “ta đến đây” không còn phù hợp nữa. Bởi ở trên đã làm sáng tỏ. Lúc này là câu: ta "xuất hiện" để làm gì? Thực ra, nếu hiểu biết thì chẳng ai muốn xuất hiện ở đây (thế giới này), toàn là đau khổ, phiền toái, bất toại nguyện, hư hoại, hoại diệt của vô thường biến chuyển. Nhưng vì vô minh, ta bị lôi kéo, bị bắt giữ bởi hành động thiện, ác, và không thiện không ác nên ta xuất hiện trên cõi đời này. Tuy nhiên, khi đã bị xuất hiện rồi, ở đây, ai cũng muốn mình được hưởng hạnh phúc chứ không ai mong mình bị khổ đau sầu não, chướng ngại bao giờ. Nhưng chúng ta (ta) không biết làm sao để có thể được hạnh phúc tròn đầy. Đức Phật đã dạy: “Siêng năng làm việc thiện, tránh xa các điều ác…” hay thường sống tinh cần thực hiện mười điều lành thì chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc. Cao hơn nữa, chúng ta tập sống theo đức hạnh của các bậc thánh nhân thì đạt đến hạnh phúc cứu cánh, đó là giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau sanh, lão, bệnh, tử của đời người. Sau khi ở đây ra đi, ta sẽ về đâu? Hỏi lại rõ ràng hơn, tức là sau khi thân hoại mạng chung ta sẽ về đâu? Sau khi thân hoại mạng chung, sắc thân bốn đại, năm uẩn đều tan hoại hết. Đất trả về đất, Nước trả về nước, Lửa trả về lửa, Gió trả về gió, không còn một chút gì tồn tại là thường hằng. Chỉ còn lại Nghiệp, Nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với Vô Minh trôi lăn bất tận trên dòng sông ô nhiễm ta vẫn thường gắn bó. Nghiệp hiện tướng trong hình sắc của muôn loài có liệt, có ưu. Khi đang hiện hữu đều như những ngọn đuốc cháy hừng lửa Tham, Sân, Si… và sự trói buộc chặt của 17 kiết sử. Khi thân này lúc mạng chung, sắc thân tan hoại thì ngay lập tức ngọn lửa của đuốc cũ chuyển tiếp sang một cây đuốc mới. Tùy thuộc vào hành nghiệp trong cuộc đời đã qua mà có hình tướng của lốt nghiệp trong kiếp tương lai. Dù cách nào đi nữa, ta vẫn phải lặn hụp trong dòng sông vô minh chảy xiết, bởi môi trường cuộc sống của ta là nơi ấy: hành – nghiệp (nhân quả), nếu như ta không tích cực chuyển hướng cho mình. [Thế giới này], là nơi chúng ta hiện hữu, còn gọi là cõi ta bà. Cõi ta bà mà mỗi khi một con người xuất hiện đều cất lên tiếng khóc thét thương tâm: Ta bà khổ! Ta bà khổ!!! Và như thế, hiểu được vậy, ai ai cũng phải ý thức rằng, vì dục ái và vô minh trói buộc, dẫn dắt mà chúng ta xuất hiện trong môi trường nhân quả này. Người hiểu biết thì lo toan tìm con đường thoát khỏi “thế giới này”, kẻ ngu si lấy khổ làm vui thì hân hoan sung sướng, ngày mỗi ngày lao thêm vào những nghiệp ô nhiễm mới. Nghiệp chồng nghiệp nên khổ đau cho nhân loại ngày càng khổ đau hơn. Đức Phật ra đời đã dạy cho chúng ta hiểu, chúng ta đang quay cuồng trong vòng xích của 12 nhân duyên. Muốn giải thoát khỏi dây xích vô hình nhưng vô cùng bền chắc, chúng ta phải biết cách phá tan sợi xích đang trói buộc chúng ta. Trong 12 mắt xích này, nếu phá được một mắt là toàn bộ dây xích tan rã, lúc bấy giờ là lúc ta được giải thoát, thoát khỏi dòng sông nhơ uế, lên bờ an tĩnh, thanh tịnh, tha hồ thấy biết trời mây. Có bốn mắt xích để chúng ta có thể công phá. Đó là: duyên Vô Minh, duyên Lục Nhập, duyên Thọ và duyên Sanh. Để tấn công vào bốn vị trí xung yếu này, đức Phật đã dạy cho chúng ta con đường Tám Chánh đạo và 37 phẩm trợ đạo. Cụ thể hành trình trên con đường Tám Chánh và thực hiện 37 phẩm trợ đạo ra sao, chúng ta sẽ luận bàn tiếp trong một dịp khác. Kết luận, với câu hỏi “Tại sao chúng ta đến thế giới này?”, chúng ta có thể thẳng thắn trả lời rằng: Vì Vô Minh nên chúng ta xuất hiện trong môi trường sống (thế giới) này, chúng ta đang sống trong Vô Minh. Sau khi ở đây ra đi, chúng ta lại tiếp tục trở về với Vô Minh. Nói cách khác, chúng ta sinh ra từ môi trường Nhân – Quả, sống trong Nhân – Quả và chết lại trở về với Nhân – Quả. Đó là Tự nhiên, Tự Nhiên là như thế, chứ không phải Tự Nhiên là Tự Nhiên như ngài Dalai Lama đã thuyết. |