43- CĂN BẢN CỦA ĐẠO PHẬT. CÂU HỎI HAY,.... Viên Hạnh
Cập nhật ngày : 09.07.2013 | |||
Khái niệm căn bản của đạo Phật: Hỏi 1: Lời dạy chính yếu của Đức Phật là gì? BSD (Bhikkhu Shravasti Dhammika): Tất cả lời dạy chính yếu của Đức Phật tập trung vào giáo lý Tứ Diệu Đế, như một bánh xe nối các căm, niền và trục. Được gọi là "Bốn" vì tất cả có bốn điều. Gọi là "Diệu" vì người ta biết ngay đến sự quý báu và gọi là "Đế" vì phù hợp với hiện thực và chân thật. VH (Viên Hạnh): Toàn bộ những lời dạy chính yếu của đức Phật là “Bốn Sự Thật” (Bốn Chân Lý) của loài người, còn được gọi là “Tứ Diệu Đế”. Tứ Diệu Đế đức Phật chỉ dạy một điều là khổ não và sự chấm dứt mọi đau khổ. Lời Phật dạy: “Như nước biển chỉ duy nhất có một vị là vị mặn của muối, Giáo lý của Như Lai chỉ có một vị là Giải thoát”. Hỏi 2: Chân lý thứ nhất là gì? BSD: Chân lý thứ nhất đề cập đến đời sống là khổ. Để sống bạn phải đau khổ. Không thể nào sống mà thiếu kinh nghiệm về khổ. Chúng ta phải chịu đựng cái khổ về thể xác như bệnh hoạn, mỏi mệt, chấn thương, già yếu và cuối cùng là chết. Chúng ta lại chịu đựng cái đau đớn về tâm lý như cô đơn, thất vọng, sợ hãi, chán nản, giận dữ, điên tiết.... VH: Chân lý thứ nhất là Khổ Đế. “Khổ đế là chân lý thứ nhất, tức là tâm Tham, Sân, Si. Tâm tham, sân, si là con người ai mà không có. Do tâm tham, sân, si mà con người đau khổ. Người giác ngộ được tâm tham, sân, si là khổ đau, là người giác ngộ được chân lý thứ nhất”. (TL Thích Thông Lạc – NLGPD tập IV). Kết luận: Tham, Sân, Si là Khổ Đế, đó là chân lý thứ nhất. Hỏi 3: Điều ấy có bi quan không? BSD: Từ điển định nghĩa chữ bi quan là "một thói quen suy nghĩ về bất cứ việc gì xảy ra đều là xấu cả", hay "tin tưởng rằng cái xấu lúc nào cũng mạnh hơn cái tốt". Phật giáo không truyền dạy tư tưởng đó và cũng không bác bỏ sự hiện hữu của hạnh phúc. Một cách đơn giản Phật giáo cho rằng sống là phải trải qua khổ đau về thể xác và tâm lý, lời tuyên bố này rõ ràng không thể chối cãi được. Còn quan điểm của hầu hết các tôn giáo là hoang đường, một truyền thuyết hay một niềm tin khó có thể minh chứng được. Phật giáo bắt đầu bằng kinh nghiệm trên các sự kiện không thể phủ nhận, được mọi người cùng biết và tất cả những kinh nghiệm ấy, từng trải ấy phải cố gắng phấn đấu để vượt qua. Như vậy, Phật giáo đích thực là một tôn giáo phổ quát cho mọi người, bởi vì Phật giáo đã nhắm đúng vào mối quan tâm của mỗi cá nhân con người, khổ đau và làm sao để loại bỏ. VH: Nhìn nhận cuộc đời là Khổ bằng tri kiến giải thoát và sự hiểu biết của trí tuệ soi sáng nên đạo Phật không bi quan yếm thế, cũng không lạc quan đắm nhiễm. Đạo Phật chấp nhận thực tiễn đời là khổ, thực sự khổ và quyết tâm trao dồi thân tâm để vượt thoát khỏi mọi khổ đau. Đức Phật dạy: “Đứng lại thì chìm (bi quan yếm thế), bước tới thì trôi dạt (lạc quan không tri kiến), chỉ có vượt qua (hiểu thấu nhân quả nên quyết vượt qua)”. Hỏi 4: Chân lý thứ hai là gì? BSD: Chân lý thứ hai là tất cả khổ mọi đau đều có nguyên nhân của ái dục. Khi chúng ta quan sát về khổ đau của tâm lý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân của ái dục tạo ra. Khi ta muốn một điều gì đó mà ta không được toại nguyện thì ta cảm thấy thất vọng. Khi ta mong muốn một ai đó sống theo sự mong đợi của ta, nhưng họ không làm được, ta cảm thấy chán nản và thất vọng. Khi ta muốn mọi người giống mình mà họ lại không thì ta cảm thấy bị tổn thương. Thậm chí khi ta muốn một cái gì đó và có thể đạt được, nhưng nó cũng không luôn mang lại hạnh phúc vì không lâu sau đó chúng ta cảm thấy chán ngán, mất đi sự thích thú với nó và bắt đầu ham muốn cái khác. Nói chung, chân lý thứ hai đề cập đến những gì bạn muốn không đảm bảo được hạnh phúc. Thay vì liên tục nỗ lực để đạt được những gì mình mong muốn, tốt nhất bạn nên cố gắng làm giảm bớt lòng ham muốn của bạn. Ham muốn ấy đã tước mất đi sự niềm an lạc và hạnh phúc của chúng ta. VH: Chân lý thứ hai là Tập Đế (tức là nguyên nhân của mọi sự khổ đau). “Tập đế là chân lý thứ hai tức là nguyên nhân sinh ra tâm tham, sân, si, đó là ÁI DỤC, ái dục tức là lòng ham muốn. Làm con người ai mà không có lòng ham muốn. Do tâm tham muốn mà sinh ra tâm tham, sân, si nên phải chịu nhiều khổ đau. Người giác ngộ được lòng ham muốn là nguyên nhân sinh ra khổ đau là người giác ngộ chân lý thứ hai. …” (TL Thích Thông Lạc – NLGPD tập IV). Như vậy: Tập Đế tức là Nguyên Nhân sinh ra Khổ (Tham, Sân, Si). Nguyên Nhân của Khổ là Ái Dục (tức là lòng ham muốn). Kết luận: Ái Dục là Tập Đế, đó là chân lý thứ hai. Hỏi 5: Nhưng làm thế nào niềm mong muốn và tham ái lại có thể đưa đến khổ đau về thể xác? BSD: Trong đời người ta luôn muốn cái này, ham thích cái nọ và đặc biệt cái khát vọng liên tục đã tạo ra một hấp lực mạnh mẽ để rồi cuối cùng dẫn đến việc tái sinh. Khi chúng ta đã đầu thai thì chúng ta có thân thể và như đã nói ở trên, thân thể này dễ bị chấn thương, bệnh hoạn, già yếu và tử vong. Như vậy ái dục đã dẫn đến sự khổ cho thể xác, vì nó là nguyên nhân chính dẫn dắt ta vào trong vòng luân hồi. VH: Vì mong muốn và tham ái lôi léo con người trở nên tham lam và đắm nhiễm, thích thú cái này, cái kia và cố gắng tìm mọi cách để đạt được những thứ mình mong muốn. Từ đấy họ hành động đôi khi vượt qua những giới hạn cho phép của con người, bất chấp những hành động đó là thiện hay ác, đã làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài hữu tình. Hành dộng như vậy, họ đã tạo ra bao nhiêu nghiệp xấu để rồi tiếp tục trôi lăn mãi mãi trong môi trường nhân quả. Dù dưới lốt nghiệp nào, con người hay những loài bàng sanh đều phải chịu muôn vàn đau khổ, không chỉ riêng thể xác mà cả tinh thần cũng luôn hoảng loạn âu lo. Hỏi 6: Điều đó rất hay, nhưng nếu ta gạt bỏ sự ham muốn thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cái gì cả. BSD: Đúng vậy, tuy nhiên Đức Phật muốn nói rằng khi sự ham muốn và tham ái, không thoả mãn những gì ta có và sự tham muốn không ngừng đó sẽ liên tục tạo ra nguyên nhân khổ đau. Do đó, ta nên loại bỏ sự tham muốn. Đức Phật khuyên chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa cái chúng ta cần và cái chúng ta thèm khát và hãy cố gắng vì nhu cầu giảm bớt sự ham muốn. Đức Phật dạy rằng nhu cầu của chúng ta có thể hoàn thiện nhưng lòng ham muốn của chúng ta thì vô cùng tận - như hố sâu không đáy. Có nhiều nhu cầu chính đáng, cơ bản, ta có thể đạt được và điều này khiến ta hướng tới. Vượt qua sự tham muốn bằng cách giảm đi lòng ham muốn ấy. Cuối cùng, mục đích của cuộc sống là gì? Hãy hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có. VH: “…nếu ta gạt bỏ sự ham muốn thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cái gì cả”. Điều này chúng ta cần suy xét thêm rằng những gì chúng ta ham muốn và đạt được đó là “thiện” hay “bất thiện”, là “thiện hữu lậu” hay “thiện vô lậu”. Phân biệt được như vậy để chúng ta tùy chọn “ham muốn và đạt được” sao cho hợp lý. Rõ ràng chúng ta cần chọn là “thiện” mà không nên “bất thiện”, bởi thiện thì bớt khổ đau, bất thiện thì khổ đau tràn ngập không bao giờ dứt. Càng nên chọn là “thiện vô lậu” chứ không nên “thiện hữu lậu”, vì thiện vô lậu là con đường chấm dứt khổ đau luân hồi sinh tử, còn thiện hữu lậu chỉ xoa dịu khổ đau chứ không bao giờ chấm dứt khổ. Bước theo con đường Phật dạy “ly dục ly ác pháp” và tiến tới diệt tận hoàn toàn tâm “ái dục” là chúng ta đặt chân vào Niết-bàn. Niết-bàn là cái đạt được to lớn nhất mà con người ai cũng ước mong, ham muốn. Như vậy có ai ngờ “gạt bỏ sự ham muốn” là cái ta đạt được to lớn nhất không thể gì so sánh. Hỏi còn mong gì nữa? Nhưng “gạt bỏ ham muốn”, “ly dục ly ác” không phải việc dễ làm. Hỏi 7: Ở Bạn có nói đến vấn đề tái sinh, nhưng có bằng chứng nào về việc này không? BSD: Tất nhiên là có rất nhiều bằng chứng về điều này, nhưng chúng ta sẽ trở lại vấn đề này chi tiết ở chương sau. VH: Về vấn đề tái sinh, đạo Phật dạy để mỗi người “đến để mà thấy”. Vậy thấy cái gì? Đó là “Trí tuệ Ba Minh”. Khi chứng đạt Tuệ Ba Minh thì xem biết vấn đề tái sinh như xem chỉ trong lòng bàn tay. Với “Thiên Nhãn thuần tịnh trong sáng…” đạo Phật thấy rất rõ sự tái sinh của muôn loài. Đây lời Phật đã dạy: “…ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: "Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng". Cũng vậy, này Ðại vương với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng…” (Kinh Sa Môn Quả - Kinh Trường Bộ). Hỏi 8: Chân lý thứ ba là gì? BSD: Chân lý thứ ba nói về khổ đau có thể bị loại bỏ và đạt được hạnh phúc. Đây là điểm tối quan trọng trong Bốn Chân lý này, vì trong đó Đức Phật đã quả quyết rằng sự thỏa mãn và hạnh phúc thật sự sẽ có thể đạt được. Một khi chúng ta từ bỏ những ham muốn vô ích và học cách sống mới mỗi ngày một giờ, thưởng thức những kinh nghiệm cuộc sống đã cống hiến cho ta mà không bị những nhục dục quấy nhiễu và phá rối. Chúng ta kham nhẫn trước những rắc rối của cuộc đời mà không sợ hãi, sân hận, thù hằn, vì thế chúng ta được hạnh phúc và tự do. Như vậy và chỉ như vậy chúng ta mới sống trọn vẹn. Vì chúng ta không còn bị ám ảnh bởi việc thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của riêng mình, nên chúng ta sẽ có nhiều thời gian để giúp đỡ người khác với những nhu cầu bức thiết của họ. Trạng thái này gọi là Niết-bàn. Chúng ta cũng không còn khổ đau về tâm lý. Đây là Niết-bàn tối hậu. VH: Chân lý thứ ba là Diệt Đế.“Chân lí thứ ba là một trạng thái tâm không còn tham, sân, si, tức là trạng thái bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Chính là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Người giác ngộ được trạng thái tâm này là người giác ngộ chân lí thứ ba”. (NLGPD tập IV – TL Thích Thông Lạc). Kết luận: Tâm Không Còn Tham, Sân, Si là Diệt Đế, đó là chân lý thứ ba. Hỏi 9: Niết-bàn là gì và ở đâu? BSD: Đây là một chiều kích vượt thời gian và không gian nên khó thể luận bàn hay cả đến suy tưởng. Những danh từ và tư tưởng chỉ thích hợp để mô tả chiều kích của thời gian và không gian. Nhưng vì Niết-bàn vượt thời gian, không chuyển vận và vì thế không già hoặc không chết. Vì thế Niết-bàn là bất diệt. Vì vượt không gian nên không có sự tạo tác, không có ranh giới, không có khái niệm của ngã và vô ngã và do đó Niết-bàn là vô hạn. Đức Phật cũng quả quyết cho chúng biết rằng Niết-bàn là kinh nghiệm của một niềm hạnh phúc cao cả. Ngài tuyên bố: "Niết-bàn là hạnh phúc tối thượng" -- Kinh Pháp Cú, 204 VH: Niết-bàn là một trạng thái của tâm khi đã đoạn tận các lậu hoặc. Đó là sự chân thật của chân lý thứ ba: Diệt Đế. “Niết-bàn (Diệt Đế) là một trạng thái tâm đã đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp, người sống trong trạng thái này được xem là đã giải thoát hoàn toàn, tức là người đã làm chủ sự sống chết của mình, người làm chủ sự sống chết của mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này. Đó là người hết khổ. Người ta thường bảo Diệt Đế là Niết-bàn như thế này, như thế nọ, đó là tưởng tri của các nhà học giả, nhất là các nhà học giả Đại Thừa thì lại bịa ra đủ loại Niết-bàn. Diệt Đế không phải là một cảnh giới siêu hình như các nhà Đại Thừa thường tưởng tượng và cho đó là nơi chư Phật thường trú. Nếu một người đoạn diệt lòng tham muốn và các ác pháp thì cuộc sống của họ là Niết-bàn chứ không phải ở nơi đâu cả. Đức Phật gọi Diệt Đế là một chơn lý thật sự, một trạng thái tâm lý thật sự không còn khổ đau của kiếp người. Chứ không giống như các nhà học giả phát triển xây dựng những cảnh giới Niết-bàn mơ hồ, trừu tượng, ảo tưởng, những loại Niết-bàn này không được gọi là chân lý vì nó là những cảnh giới tượng tưởng của con người, cho nên nó không thật có, chỉ duy nhất có Diệt Đế của đạo Phật mới được gọi là chơn lý của loài người mà thôi vì nó có thật. Khi chúng ta quán xét Diệt Đế rõ thấu trạng thái thật sự giải thoát của đạo Phật là chỗ đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp. Rõ thấu được như vậy chúng ta mới có phương hướng nhắm vào từng giây, từng phút đẩy lui toàn bộ lòng tham muốn và các ác pháp trong ta. Khi đẩy lui lòng tham muốn và các ác pháp trong ta thì đó là Diệt Đế; thì đó là chúng ta đã đạt được chơn lý của kiếp sống làm người…” (ĐVXP tập II – TL Thích Thông Lạc). Hỏi 10: Nhưng có chứng cớ gì cho chiều kích hiện hữu đó chăng? BSD: Không, không có. Tuy nhiên sự hiện hữu của Niết-bàn có thể suy luận ra được. Nếu có sự đo lường được về sự vận hành của thời gian và không gian thì đó mới chính là thật là sự đo lường. Thế gian mà chúng ta đang sống, chúng ta có thể suy lường mà không thể đo đạt được sự vận hành của không gian và thời gian. Trở lại, dù chúng ta không thể chứng minh Niết-bàn là hiện hữu, nhưng theo lời Đức Phật dạy Niết-bàn hiện hữu. Phật dạy: "Có vô sinh, vô hữu, vô tác, bất hòa hợp. Nếu nói không như vậy thì cái vô sinh, vô hữu, vô tác, bất hòa hợp này cũng không thể tạo thành bất cứ hành động nào từ cái gì được sanh, trở thành. Nhưng bởi có vô sinh, vô hữu, vô tác, bất hòa hợp cho nên được làm ra để biết cái gì sinh ra, trở thành và hòa hợp". -- Ud 80. Chúng ta sẽ biết được Niết-bàn chỉ khi nào chúng ta thực hành và đạt được nó. VH: Đạo Phật nguyên thủy không giống như Phật giáo phát triển Bắc tông và Nam tông. Phật giáo phát triển luôn lo đi tìm “chứng cớ cho chiều kích hiện hữu” ảo tưởng của họ nên không bao giờ nhận chân được sự thật của chân lý thứ ba: Diệt Đế (Niết-bàn). Chứng cớ của Niết-bàn là người tu sĩ đạo Phật phải thấy rõ: “Tâm tôi có tham, có sân, có si tôi biết tâm tôi có tham, có sân, có si. Tâm tôi hết tham, hết sân, hết si tôi biết tâm tôi hết tham, hết sân, hết si…”. Niết-bàn là “Trạng thái tâm Bất động, Thanh thản, An lạc và Vô sự”, đó là sự nhận biết hiện hữu chân thực, rõ ràng, đâu cần phải đi tìm một chứng cớ, chiều kích gì nữa cho phức tạp thêm vấn đề. Hỏi 11: Chân lý thứ tư là gì? BSD: Chân lý thứ tư là con đường đưa tới sự chấm dứt khổ đau. Con đường này gọi là Bát Chánh Đạo, bao gồm: kiến thức chân chánh, suy nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, mạng sống chân chánh, siêng năng chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh và tu tập thiền định chân chánh. Người Phật tử thực hành theo tám pháp này thì sẽ thành tựu được phúc lạc một cách viên mãn. Bạn sẽ thấy mỗi bước trong Bát chánh đạo này bao hàm mọi lĩnh vực trong cuộc sống: tri thức, đạo đức, xã hội, kinh tế, tâm lý và do đó nó tiềm tàng mọi nhu cầu mà con người cần hướng đến một cuộc sống yên bình hạnh phúc và thăng hoa đời sống tâm linh. VH: Chân lý thứ tư là Đạo Đế. “Đạo Đế là phương pháp dạy người tu hành có kết quả giải thoát thật sự. Đạo Đế là phương pháp tu sửa, rèn luyện thân tâm con người có đạo đức nhân bản không làm khổ mình khồ người chân thật. Biến cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên đàng Cực lạc. Đạo Đế còn là phương pháp tu tập có đủ tâm lực tỉnh thức làm chủ sanh, già, bịnh, chết thật sự. Đạo Đế là một chân lý thật sự đúng đắn không dối gạt, không lừa đảo người, mọi người nếu ai có nhiệt tâm muốn thoát ra cảnh khổ của thế gian với đầy đủ nhiệt tâm nhiệt huyết xả bỏ những ác pháp và xa lìa lòng ham muốn của mình thường đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, cố gắng áp dụng và thực hành như vậy thì đều có kết quả giải thoát như nhau. (ĐVXP tập II – TL Thích Thông Lạc). Đạo Đế là một chương trình đào tạo, rèn luyện con người để chứng quả A-la-hán bao gồm 8 lớp: 1. Chánh Kiến; 2. Chánh Tư Duy; 3. Chánh Ngữ; 4. Chánh Nghiệp; 5. Chánh Mạng; 6. Chánh Tinh Tấn; 7. Chánh Niệm; 8. Chánh Định. Tám lớp này còn gọi là “Tám Chánh Đạo” hay con đường “Giới – Định – Tuệ”. Trong đó 5 lớp đầu từ lớp Chánh Kiến đến Chánh Mạng thuộc cấp Giới, lớp thứ 6 (Chánh Tinh Tấn) là trung gian, lớp thứ 7 (Chánh Niệm) và lớp thứ 8 (Chánh Định) thuộc cấp Định. Khi hoàn mãn Bốn Thánh Định thì Trí Tuệ hiển bày (Định sinh Tuệ). Kết luận: Tám Chánh Đạo là Đạo Đế, đó là chân lý thứ tư. Tham khảo thêm từ nguồn: http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn4nvnnn31n343tq... |