Bài học thứ 25: ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH, KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH: TẠI SAO TA PHẢI NIỆM PHẬT
Thành La Phiệt có một ông hoàng tánh rất hung bạo. Thêm vào đó, quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật, chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông.
Một hôm ông gặp Phật, khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng. Đức Phật dạy ông vài lời sơ lược:
- Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người.
Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt.
Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy. Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì. Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại, ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy.
Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ. Nhớ Phật phải nhớ đến người khổ đau, tưởng Phật phải tưởng đến người khổ đau”.
Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo:
- Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi? Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết của ông và uy danh của đức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật.
Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong đức Phật mỉm cười hiền từ bảo:
- Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó, để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Thành La Phiệt có một ông hoàng tánh rất hung bạo”. Câu này dạy về thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 2: “Thêm vào đó, quyền thế va địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật”. Câu này dạy về thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông”. Câu này nói về thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “Một hôm ông gặp Phật, khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng”. Câu này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt. Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 8: “Tối hôm đó, vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại, ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 9: “Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 10: “Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 11: “Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh, chứ nào anh ơn gì tôi?” Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 12: “Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông hoàng cũng bất giác niệm theo”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 13: “Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Thành La Phiệt có một ông hoàng tánh rất hung bạo”. Câu này chỉ cho một người hung ác, ông hoàng trong thành La Phiệt sống THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH, chẳng biết thương ai, tính tình hung dữ luôn luôn chửi mắng đánh đập người khác.
Người không có đức hiếu sinh như ông hoàng ở trong thành La Phiệt là người tự làm khổ mình, khổ người, là một người hung ác, là người không có đức hiếu sinh như trên đã nói. Chúng ta là đệ tử của Phật, thấy gương hung ác xấu xa này mà tránh xa, mà từ bỏ và để loại trừ tâm ác luôn luôn giữ gìn đức hiếu sinh thường mở rộng lòng yêu thương với tất cả chúng sinh. Vì chính có lòng yêu thương mới đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh.
Làm người phải sống trong đạo đức hiếu sinh, phải luôn luôn sống biết thương người, thương tất cả loài chúng sinh để mang lại sự an vui cho mình, cho người và cho mọi loài.
Tính hung ác là tính xấu xa, là tính hay làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sinh, vì thế chúng ta nên từ bỏ, xa lìa những tính hung ác ấy, phải sống hiền lành đối với mọi người, mọi loài chúng sinh.
Trả lời câu hỏi 2:
“Thêm vào đó, quyền thế và địa vị của ông, có thể giúp ông thủ tiêu những tội ác trước pháp luật”. Câu này chỉ rõ người nào dựa vào quyền thế và địa vị để làm hại người khác mà pháp luật không làm gì ông ta được.
Đó là một hành động THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Thường ở đời, người nào có quyền thế và có địa vị đều lợi dụng vào đó hiếp đáp làm hại người yếu đuối thế cô, cướp đoạt của cải tài sản của người khác làm những điều tội ác, họ là những người hung dữ ác độc; họ là những người không biết thương ai cả. Những người hung dữ này thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Họ là những người vô đạo đức hiếu sinh.
Trả lời câu hỏi 3:
“Chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông”. Câu này chỉ rõ ông hoàng là người cố chấp, dựa vào quyền thế, sự giàu sang của mình và cho mình hơn mọi người, trong đời này không ai bằng mình, người nghĩ như vậy là người THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Đoạn kinh này nói lên một người hung ác vô đạo đức hiếu sinh, cố chấp cứng đầu như ông hoàng này thì không một lời nói phải nào, không một đạo giáo nào cảm hóa và giáo dục được ông. Đó là chỉ rõ ông là một người vô đạo đức hiếu sinh, sống trong vô minh cố chấp, cứng đầu. Một bản ngã to lớn, cho rằng trên cuộc đời này luôn luôn chỉ thấy có mình, chẳng thấy có ai khác nữa, xem bầu trời nhỏ như miệng giếng.
Người nào còn mang bản tính kiêu mạn là người còn đầy đủ tánh hung ác, là người chưa biết thương mình, thương người, thường làm khổ mình, khổ người.
Lòng còn ganh tị hơn thua là còn bản ngã; lòng còn tức giận là còn bản ngã; lòng còn nói xấu, vu khống, mạ lị, mạt sát người khác là còn bản ngã. Người nào còn bản ngã là chưa có lòng yêu thương thật sự. Những người này còn phải học hỏi đạo đức hiếu sinh nhiều nữa, nếu cố chấp không chịu học đạo đức thì họ chỉ là một con thú vật hung dữ mà thôi.
Trả lời câu hỏi 4:
“Một hôm, ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH TỪ TRƯỜNG, tức là đức từ bi của đức Phật phóng xuất phủ trùm muôn phương, khiến con người kiêu căng ngã mạn cố chấp như ông hoàng này đều bị nhiếp phục trong từ trường thiện của đức Phật. Bởi vậy, khi chúng ta thực hiện lòng yêu thương mọi hướng thì từ trường thiện phóng xuất khắp mọi nơi, khi gặp tất cả các ác pháp thì từ trường thiện đó sẽ nhiếp phục chuyển hóa ác pháp, bằng chứng cụ thể rõ ràng, khi ông hoàng thành La Phiệt gặp Phật, đức Phật chưa nói một lời nào mà từ trường thiện của Phật đã nhiếp phục ông ta như con voi gặp người quản tượng.
Đoạn kinh này nói rất rõ, từ trường lòng yêu thương sẽ nhiếp phục các ác pháp bên ngoài lẫn các ác pháp bên trong nội tâm của chúng ta, như tâm tham, sân, si, mạn, nghi đều bị từ trường hiếu sinh này nhiếp phục.
Cho nên đạo đức hiếu sinh có công năng rất lớn, vì thế ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có tâm ly dục, ly ác pháp; ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có sự bình an, yên vui; ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có sự tha thứ và yêu thương. Đạo đức hiếu sinh sẽ đem lại sự bình an cho mọi người, mọi loài trên hành tinh này, vì từ trường của đức hiếu sinh rất vĩ đại.
Vậy chúng ta hãy tập sống thương yêu như đức Phật.
Trả lời câu hỏi 5:
“Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy tư bi thương người, hãy hùng lực cứu người”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH rất cụ thể và rõ ràng. Ở đây, niệm Phật không cần niệm hồng danh Phật, mà chỉ cần lòng yêu thương mọi người, thương sự sống của chúng sinh là niệm Phật rồi.
Đọc qua lời dạy trên đây, chúng ta mới thấy lời dạy của đức Phật thấm thía làm sao! Ai niệm Phật là niệm lòng yêu thương bằng ý hành, bằng thân hành, bằng khẩu hành đối với tất cả những người khác.
Ví dụ 1: Khi có người chửi mắng mình mà mình thương yêu người ấy, đó là một việc làm rất khó, khó là chỗ không sân giận chửi mắng lại, im lặng như Thánh mà còn đầy lòng tha thứ cho những người hung dữ đó.
Người nào làm được như vậy là người đang niệm Phật; là người đang sống trong đức hiếu sinh ý hành.
Ví dụ 2: Cứu giúp một người bị tai nạn, cứu một con cá mắc câu, thả một vật sắp bị giết, người nào làm được như vậy là người đang niệm Phật; là người đang sống trong đức hiếu sinh thân hành.
Ví dụ 3: Người nào không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung dữ, không nói xấu người, thường khuyên người khác làm điều lành, nói lời ái ngữ, v.v... dó là người đang sống trong đức hiếu sinh khẩu hành. Người nào không nghiện ngập rượu chè, cà phê, thuốc lá, thuốc lào, cờ bạc, cá cược, v.v... là người đang sống trong đức hiếu sinh thân hành. Chính họ là người đang niệm Phật. Niệm Phật như vậy mới đúng lời Phật dạy.
Trả lời câu hỏi 6:
“Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt. Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy”. Đoạn này nói lên sự THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Ông hoàng quên niệm Phật, khi thấy người hành khất ngồi trước nhà ông là ông phát nổi chướng, tức giận đùng đùng, dó là thiếu đức hiếu sinh ý hành. Thiếu đức hiếu sinh ý hành là quên niệm Phật. Bởi vậy, niệm Phật là niệm đức hiếu sinh; niệm đức hiếu sinh tức là niệm Phật. Như vậy người nào niệm Phật mà niệm danh hiệu đức Phật là người niệm Phật không đúng lời dạy của Phật. Đọc qua đoạn kinh này chúng ta thấy rất rõ ràng: Người nào sống trong lòng yêu thương đối với mọi người, với mọi loài chúng sinh là người niệm Phật.
Trả lời câu hỏi 7:
“Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH rất rõ ràng. Khi chúng ta đang tức giận một người nào mà bỗng nhớ đến đức hiếu sinh là phải thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh, dó là đang sống trong đức hiếu sinh ý hành.
Khi nghĩ như vậy, tâm chúng ta liền không giận dữ mà khởi lòng thương người, đó là ta đang niệm Phật, là ta đang sống trong đức hiếu sinh ý hành. Câu này dạy áp dụng thực hành đức hiếu sinh khởi lòng yêu thương rất thực tế và rất hay: “Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Nhớ đến Phật hình dáng nghiêm từ. Câu này dạy đức hiếu sinh ý hành tuyệt vời.
“Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Câu này dạy đức hiếu sinh thân hành rất hay. Tâm vừa dừng tức giận, phiền não thì đức hiếu sinh ý hành hiện ngay tại đó.
Trong lúc chúng ta đang tức giận hay phiền não, bỗng có một ý suy nghĩ khởi lên thương mình: “Mình đang bị dục nên mê mờ, vô minh thúc đẩy tạo tác nhân quả ác khiến tự mình làm khổ mình”. Khi ý nghĩ khởi lên như vậy tức là đức hiếu sinh ý hành.
Đoạn kinh trên dạy thực hành đức hiếu sinh rất tuyệt vời, khi đức hiếu sinh ý hành hiện ra: “Nhớ đến lòng từ của đức Phật”, thì liền ngay đó đức hiếu sinh thân hành hiện ra: “Thương yêu bố thí giúp cho người hành khất”. Đoạn kinh này cũng xác định chỉ rõ ràng có hai đức hiếu sinh cùng sinh ra một lượt, hễ có hiếu sinh ý hành, thì có hiếu sinh thân hành.
Trả lời câu hỏi 8:
“Tối hôm đó, vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhơ thuật lại, ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy” . Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, Ý HÀNH làm thay đổi một người hung dữ trở thành người hiền lành, biết thương người bằng cách tư duy suy nghĩ những lời Phật dạy. Đoạn kinh này dạy niệm Phật rất hay, khi làm một việc lành nào là niệm Phật; khi biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trước các ác pháp, trước một người ác là niệm Phật. Người đầy lòng yêu thương tất cả sự sống trên hành tinh này là người niệm Phật. Niệm Phật ở đây không giống như niệm Phật theo kinh sách phát triển. Niệm Phật theo kinh phát triển là niệm Phật ức chế tâm diệt hết vọng tưởng:
“Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Còn ở đây niệm Phật là niệm lòng yêu thương của chúng ta với tất cả sự sống trên hành tinh này, tức là chúng ta sống với đức hiếu sinh biết thương mình, thương người và thương tất cả những loài vật khác, biết tha thứ mọi người, mọi loài làm chúng ta khổ đau. Đó là niệm Phật.
Muốn thực hiện lòng thương yêu như vậy thì chỉ có sự tư duy theo đạo đức hiếu sinh mà chúng ta đang theo học.
Trả lời câu hỏi 9:
“Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Muốn thực hiện đức hiếu sinh thì phải tư duy như lời Phật đã dạy: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Phật dạy quá rõ ràng, chỉ có lòng yêu thương người nghèo khổ là nhớ đến Phật. Bởi người nào sống với lòng yêu thương là đang sống như Phật, nên gọi là niệm Phật.
Sự tư duy lại những lời Phật dạy là người đang sống với đức hiếu sinh ý hành. Cho nên lời dạy trong đoạn kinh này là dạy đạo đức hiếu sinh ý hành rất tuyệt vời.
Theo như lời Phật dạy, chúng ta luôn luôn phải tư duy để sống với lòng yêu thương của mình đối với muôn loài, sự tư duy ấy chính là chúng ta đang niệm Phật. Đang niệm Phật là đang sống trong tình thương bao la rộng lớn của đức Phật. Người tu theo Phật giáo phải lấy đức hiếu sinh làm pháp xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi, đó là pháp môn xả tâm tuyệt vời nhất, nhờ đó tâm mới ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.
Trả lời câu hỏi 10:
“Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường, ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho.
Người ấy e sợ cám ơn rối rít”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH. Từ khi gặp Phật, tư duy những lời Phật dạy, ông hoàng đã trở thành người đạo đức hiếu sinh, mang lòng yêu thương đến với mọi người, gặp ai nghèo khó, bệnh tật là ông sẵn sàng giúp đỡ và an ủi liền.
Một ý nghĩ thương yêu người, vật đến cỏ cây, đất đá, núi sông, hồ ao, v.v... đều là đức hiếu sinh thể hiện qua ý hành; một lời nói ái ngữ khuyên bảo, an ủi ai đó làm điều lành cũng là đức hiếu sinh khẩu hành; một hành động ra tay cứu vớt người, vật, dù là giúp một côn trùng thoát chết khỏi một đàn kiến, hoặc vớt một con kiến khỏi vũng nước, đó đều là đức hiếu sinh thân hành. Nếu hằng ngày chúng ta đều có những hành động thân, miệng, ý thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm, biết tránh không làm tổn hại sinh mạng sống chúng sinh, không làm đau khổ cho người khác loài vật khác. Đó là đạo đức hiếu sinh thân hành, ý hành và khẩu hành.
Trả lời câu hỏi 11:
“Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế la tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi?” Câu này đức Phật dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH tuyệt vời! Khi nhớ đến Phật là chúng ta nhớ đến những người nghèo khổ, vì thế mang tiền đến giúp đỡ những người nghèo khó, đó là đức hiếu sinh ý hành thứ nhất. Khi mang tiền đến cho người khác để họ vui vẻ nhận tiền bạc mình cho mà không bị mặc cảm. Muốn được vậy mình phải nói như thế nào? “Anh nhận tiền của tôi giúp anh là tôi được phước, vì vậy tôi mang ơn anh mới phải, chứ nào anh có ơn gì tôi mà anh sợ”. Bố thí mà nói được lời như vậy thật là hay tuyệt.
Lời nói này là đạo đức hiếu sinh khẩu hành.
Cho nên lòng yêu thương của chúng ta đi khắp cùng mọi hướng. Hễ đức hiếu sinh ý hành có thì đức hiếu sinh khẩu hành và thân hành có. Đó là ba nơi xuất phát đức hiếu sinh. Đồng thời ba nơi xuất phát đức hiếu sinh thì đức hiếu sinh ở nơi đâu cũng có. Đức hiếu sinh ở đâu cũng có thì không có các ác pháp nào tác đọng được tâm người đó. Người nào đã sống với đức hiếu sinh như vậy thì họ đã diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp dễ dàng. Họ là người chứng đạo.
Trả lời câu hỏi 12:
“Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm:
“NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT ” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông hoàng cũng bất giác niệm theo”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Niệm Phật tức là niệm lòng yêu thương của mình. Người bố thí cho người nghèo khổ là người niệm lòng yêu thương của mình, người được bố thí cũng là niệm lòng yêu thương. Mỗi mỗi người đều niệm lòng yêu thương thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc, loài người và muôn vật sẽ sống được an vui, hạnh phúc biết bao! Đức hiếu sinh ở đâu thì ở đó có sự bình an và yên vui vô cùng, vô tận.
Trả lời câu hỏi 13:
“Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ la tưởng niệm Phật đó”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Phật dạy một phương pháp niệm Phật rất tuyệt vời: “Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ la tưởng niệm Phật đó”. Niệm Phật như vậy mới gọi là niệm Phật. Niệm Phật là niệm hành động thương yêu người giúp đỡ cho những người nghèo khổ.
Muốn giải thoát ra khỏi nhà sinh tử luân hồi thì chỉ có đức hiếu sinh là pháp độc nhất giúp chúng ta ra khỏi sông mê, bể khổ của cuộc đời này vậy.
HẾT TẬP I