Skip directly to content

LỜI NÓI ĐẦU

Dựng lại chánh pháp của Phật giáo không phải chỉ giảng dạy suông những bài kinh trong tạng kinh Nikaya cho tu sinh học thuộc lòng. Điều này cũng giống như chúng ta dạy những con chim học nói tiếng người.

Dựng lại chánh pháp của Phật giáo là phải soạn thảo theo chương trình giáo dục đào tạo của các lớp từ Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Bát Quan Trai Giới cho đến Bát Chánh Đạo.

Trước tiên, người biên soạn phải biết biên soạn giáo án cho cư sĩ tu học vào những lớp đạo đức cơ bản nhất như: các lớp Tam Quy, các lớp Ngũ Giới, các lớp Tu Thập Thiện và các lớp Thọ Bát Quan Trai.

Sau khi hướng dẫn những cư sĩ đã tu học thuần thục trong bốn lớp đạo đức này, thì mới cho họ xuất gia tu học theo các lớp Bát Chánh Đạo. Còn chưa tu học các lớp cơ bản này mà vào tu học các lớp Bát Chánh Đạo thì mất căn bản. Mất căn bản khi vào tu tập thiền định tỉnh giác sẽ bị ức chế tâm.

Bảy lớp đầu tiên của Bát Chánh Đạo là những lớp học về giới luật đức hạnh, nên mỗi lớp phải được biên soạn giáo án rõ ràng cụ thể, để giảng viên hướng dẫn tu sinh rèn luyện nhân cách đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh được dễ dàng hơn.

Những việc biên soạn giáo án và đứng lớp dạy là chấn chỉnh Phật giáo, dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người.

Đây là Giáo Án rèn luyện nhân cách lớp Ngũ Giới cho mọi người, không chỉ dành riêng cho những người cư sĩ phật tử tu học, mà còn cho tất cả mọi người có tôn giáo hay không tôn giáo, vì nó là đạo đức nhân bản - nhân quả như trên đã nói.

Ngũ Giới gồm có năm đức hạnh:

1- Đức hiếu sinh, lòng thương yêu sự sống, thuộc về đạo đức bản thân.

2- Đức ly tham, từ bỏ lấy của không cho, thuộc về đạo đức bản thân.

3- Đức chung thủy, không gian díu với người khác, thuộc về đạo đức gia đình.

4- Đức thành thật, không nói dối, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt, không nói lật lọng, thuộc về đạo đức xã hội.

5- Đức minh mẫn, không say sưa rượu chè bài bạc, không nghiện ngập thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, v.v... thuộc về đạo đức xã hội.

Năm đức này được thực hiện trong ba hành động thân, miệng, ý của một con người, nó mang lại lợi ích rất lớn cho hành tinh này; nó đem lại sự an vui hạnh phúc cho mình, cho người và cho sự sống của tất cả muôn loài vạn vật, cho gia đình và xã hội.

Khi biên soạn giáo án này, chúng tôi mong rằng tất cả mọi người trên hành tinh này đều được học tập và rèn luyện nhân cách, để xứng đáng làm người là một con người có đầy đủ tâm hồn cao thượng, biết bao dung tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác, biết yêu thương và ban rải lòng thương yêu ấy đến mọi sự sống trên hành tinh này.

Với việc biên soạn giáo án của Phật giáo là một việc làm quá lớn lao, không thể một người gánh vác trọn vẹn. Cho nên việc làm này không thể tránh khỏi những sự khuyết điểm, mong những bậc thạc đức, trí tuệ cao minh chỉ dạy cho những chỗ sai lầm, để bộ sách Giáo Án dạy đạo đức của Phật giáo được hoàn chỉnh và tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, chúng tôi xin có lời thăm và chúc sức khỏe của quý vị phật tử được dồi dào và chân thành tri ân quý vị.

Kính ghi

Tu Viện Chơn Như