Bài học thứ 9: ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH, KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH: CẬU BÉ NÉM SAO BIỂN
Tôi đang dạo bộ trên bãi biển khi hoàng hôn buông xuống, biển đông người, nhưng tôi lại chú ý đến môt cậu bé cứ liên tục cúi xuống nhặt thứ gì lên rồi ném xuống. Tiến lại gần hơn, tôi chú ý thấy cậu bé đang nhặt những con sao biển bị thủy triều đánh giạt lên bờ và ném xuống trở lại với đại dương.
Tôi làm quen hỏi:
- Cháu đang làm gì vậy ? Cậu bé trả lời:
- Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước, cháu giúp chúng.
- Cháu có thấy mình đang mất thì giờ không. Có hàng ngàn con sao biển như vậy.
Cháu không thể nào giúp được tất cả chúng, rồi chúng cũng sẽ phải chết thôi.
Cậu bé vẫn tiếp tục nhặt những con sao biển khác ném xuống biển, và nhìn tôi vui vẻ trả lời:
- Cháu cũng biết như vậy, nhưng chú nghĩ xem, cháu có thể làm được điều gì đó, ít nhất cháu cũng cứu được những con sao biển này!?
First New
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1:
Hành động ném những con sao biển xuống biển của cậu bé là hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 1, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau rèn luyện và tu học. Bởi đạo đức hiếu sinh rất tuyệt vời, nó luôn mang lại sự bình an cho mình và mọi người.
Trả lời câu hỏi 1:
Hành động ném những con sao biển xuống biển của cậu bé là ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH, tức là lòng thương yêu sự sống của loài sao biển. Còn nhỏ tuổi mà đã có lòng thương yêu như vậy thật là tuyệt vời, cậu bé này cũng đã từng tu tập hạnh từ bi trong Phật giáo nhiều đời nên đời này đã có những hành động đạo đức hiếu sinh không ai ngờ.
Chủ đề của bài này là nói về nhân quả đức hiếu sinh, chứ không nói nhân quả ba đời, xin các tu sinh lưu ý không khéo góp ý lạc đề bài.
Câu hỏi 2:
Ý nghĩa bài này nói về đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 2, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi để làm sáng tỏ nghĩa của bài học đạo đức này.
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học; để thực hiện đức hiếu sinh sự sống cho bằng được.
Trả lời câu hỏi 2:
Ý nghĩa của bài này nói về đạo đức hiếu sinh rất đầy đủ thân hành, ý hành và khẩu hành thể hiện qua cậu bé. Ý hành là sự suy tư, khẩu hành là lời nói và thân hành là hành động của thân.
Câu hỏi 3:
“Ít nhất cháu cũng cứu được những con sao biển này”. Lời nói này là đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 3, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học, cùng sống với đạo đức này.
Trả lời câu hỏi 3:
Quý học viên hãy nghe cậu bé nói lời đạo đức hiếu sinh rất hay: “Ít nhất cháu cũng cứu được những con sao biển này”. Lời nói này thể hiện lòng yêu thương sự sống của những loài vật bằng khẩu hành tuyệt vời, cháu không thể cứu hết những con sao biển được, nhưng cháu cũng cứu được những con sao biển này với sức của cháu. Đức Phật không thể cứu hết chúng sinh trong cõi thế gian này, nhưng trong cõi thế gian vẫn có người được đức Phật cứu thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Cậu bé này cũng vậy:
“Ít nhất cháu cũng cứu được những con sao biển này”.
Câu hỏi 4:
“Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước, cháu giúp chúng”. Câu này dạy đạo đức gì?” Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 4, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học, cùng sống với đạo đức cao thượng này.
Trả lời câu hỏi 4:
Lời nói này qua ý suy nghĩ rất thực tế của cậu bé: “Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước, cháu giúp chúng”, lời nói này là lời nói đầy lòng đạo đức hiếu sinh khẩu hành thật tuyệt vời.
Câu hỏi 5:
Tác giả viết bài này với dụng ý gì? Dạy đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 5, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh, lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học và cùng rèn luyện nhân cách.
Trả lời câu hỏi 5:
Tác giả viết bài này gợi ý lòng yêu thương sự sống của chúng ta đối với tất cả chúng sinh, nhưng tùy khả năng của mình thể hiện qua ý hành, khẩu hành, thân hành.
Nhất là lời nói của cậu bé để kết luận bài này thật tuyệt vời: “Cháu cũng biết như vậy, nhưng chú nghĩ xem, cháu có thể làm được điều gì đó, ít nhất cháu cũng cứu được những con sao biển này!?” Lời nói này rất đúng, chúng ta làm sao cứu hết chúng sinh được, trong khi chúng sinh đang sống trong ác pháp, nghiệp chồng chất trùng trùng điệp điệp. Chúng ta chỉ biết cứu những người nào hữu duyên, chứ những người vô duyên thì chúng ta cũng đành chịu thôi, biết làm sao hơn. Phải không quý học viên? “Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Có duyên thì ở đâu cũng gặp nhau, còn vô duyên ở gần bên nhau cũng khó gặp nhau. Lòng yêu thương chúng ta vô bờ bến, không có loài nào chúng ta bỏ, nhưng đồng cảm với lòng yêu thương của chúng ta được mấy người? Điều quan trọng nhất là lòng yêu thương của chúng ta phủ trùm vạn hữu thì chúng ta đã ra khỏi quy luật nhân quả. Và vì vậy, nhân quả không còn chi phối thân tâm chúng ta được.
Vì đức hiếu sinh, vì lòng thương yêu chúng sinh, chúng ta giúp đỡ và làm được những gì cho ai đều quý, chứ không phải đợi giúp cho hết mọi người rồi mới làm.