Skip directly to content

Bài học thứ 19: ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH, KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH: CÚNG TẾ VÀ CHỮA BỆNH

Tôi thấy nhiều đạo hữu theo Phật cũng đã lâu, thế sao mỗi khi đau ốm lại cúng tế ồn ào, khấn vái liên miên? Hỏi thì họ nói vâng theo lời Phật dạy. Vậy đạo Phật là mê tín chăng? Nghĩ cũng tội cho đạo Phật thiệt. Ở ngoài người ta nhìn cử chỉ của những người tự xưng là phật tử, rồi dựa theo đó mà phê bình Phật giáo. Có bao giờ họ chịu khó tìm hiểu giáo lý để hiểu thế nào là chân tinh thần đạo Phật đâu? Đạo hữu hãy lắng nghe câu chuyện sau đây, rồi hiểu đạo Phật có phải là đạo cúng tế chữa bệnh hay không? Một thời ở Ấn Độ có ông vua tên là Hòa Mặc, không biết tôn kính Tam Bảo, chỉ thờ quỷ thần, theo bọn phạm chí, giết hại sinh linh để tế lễ. Một hôm mẫu hoàng bị bệnh nặng, các danh y đều phải bó tay, vua phải mời các vị Bà La Môn đến cúng tế, các vị này nói rằng:

“Mẫu hoàng mắc bệnh là vì âm dương không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn. Vậy phải thuyết đàn tế giao. Dùng 100 con thú, mỗi loài mỗi con và dùng một đứa nhỏ, đem giết để tế thần linh, có vậy mới lành bệnh được”.

Lệnh vua truyền ra, toàn dân trong nước đều khiếp sợ, nhà ai có con nít thì dấu kín trong nhà. Còn các loài thú bị tìm bắt kêu khóc thảm thiết chấn động cả đất trời.

Đức Phật thương hại cho vị quốc vương ngu mê vô trí, bèn cùng với đại chúng đến chỗ tế đàn. Vua thấy Phật đường xa, liền xuống kiệu, cất lọng đảnh lễ. Phật hỏi:

- Đại vương lập đàn làm gì? Vua đáp:

- Mẫu hoàng lâm bệnh, phải lập đàn tế sinh để cầu đảo trời đất quỷ thần.

Đức Phật nói:

- Đại vương hãy nghe kỹ điều này: muốn được lúa phải cày bừa gieo mạ; muốn giàu sang phải bố thí; muốn sống lâu phải làm lành; muốn được trí tuệ phải học hành nghiên cứu. Nghĩa là muốn được quả gì phải trồng nhân ấy, không thể lẫn lộn. Vả lại đã là người giàu có thì không bao giờ dùng đồ ăn uống của kẻ nghèo. Các hàng chư thiên lấy 7 món báu làm cung điện, áo quần ăn uống đầy rẫy, đâu có bỏ những món cam lồ để đến ăn những thức ô uế của loài người cúng tế hay sao? Tế tự cầu đảo chỉ làm mê hoặc chúng sanh, đảo lộn chánh tà: giết sinh mạng cứu sinh mạng làm cho người tiến mau đến cõi chết, tức là tự giết mình.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bèn thuyết bài kệ rằng:

Làm người muốn sống lâu

Phải làm hạnh đại từ

Không nên thờ quỷ thần

Giết trâu ngựa tế tự”.

Đức Phật thuyết bài kệ xong, vua liền lãnh ngộ được nghĩa đạo, tâm sanh hoan hỷ.

Mẫu hoàng nghe được lời Phật dạy, trong lòng nhẹ nhàng, tiêu trừ được bệnh hoạn, còn các vị Bà La Môn liền ăn năn, sám hối thọ giáo làm đệ tử.

Đạo hữu xem đau bệnh thì uống thuốc, đau bệnh thì nghe pháp để trừ tâm bệnh: muốn sống lâu thì phải cứu mạng cho tất cả sanh linh. Đau bệnh mà cầu đảo thì ngu dốt, giết người để cứu mình thì tự sát. Cho nên người giết loài vật ăn thịt mà mong cầu bổ khỏe bình an thì không bao giờ có.

Lời Phật dạy rõ ràng như ban ngày, chỉ có loài người là ưa bịt mắt để hiểu lầm mình và hiểu lầm mọi người.

NHỮNG CÂU HỎI

Câu hỏi 1: Các vị Ba La Môn nói: “Mẫu hoàng mắc bệnh là vì âm dương không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn. Vậy phải thuyết đàn tế giao. Dùng 100 con thú, mỗi loài mỗi con và dùng một đứa nhỏ, đem giết để tế thần linh, có vậy mới lành bệnh được”. Lời dạy trên đây của các Bà La Môn là lời dạy thiếu đạo đức gì?

Câu hỏi 2: “Lệnh vua truyền ra, toàn dân trong nước đều khiếp sợ, nhà ai có con nít thì dấu kín trong nhà. Còn các loài thú bị tìm bắt kêu la thảm thiết chấn động cả đất trời”.

Lời truyền lệnh trên đây của vua thiếu đạo đức gì?

Câu hỏi 3: “Đức Phật thương hại cho vị quốc vương ngu mê vô trí, bèn cùng với đại chúng đến chỗ tế đàn”. Câu này nói về đạo đức gì?

Câu hỏi 4: “Đại vương hãy nghe kỹ điều này: muốn được lúa phải cày bừa gieo mạ; muốn giàu sang phải bố thí; muốn sống lâu phải làm lành; muốn được trí tuệ phải học hành nghiên cứu. Nghĩa là muốn được quả gì phải trồng nhân ấy, không thể lẫn lộn”. Lời dạy này của đức Phật thuộc về đạo đức gì?

Câu hỏi 5: “Vả lại đã là người giàu có thì không bao giơ dùng đồ ăn uống của kẻ nghèo. Các hàng chư thiên lấy 7 món báu làm cung điện, áo quần ăn uống đầy rẫy, đâu có bỏ những món cam lồ để đến ăn những thức ô uế của loài người cúng tế hay sao?” Câu này đức Phật dạy đạo đức gì?

Câu hỏi 6: “Tế tự cầu đảo chỉ làm mê hoặc chúng sanh, đảo lộn chánh tà: giết sinh mạng cứu sinh mạng làm cho người tiến mau đến cõi chết, tức là tự giết mình”. Câu này đức Phật dạy đạo đức gì?

Câu hỏi 7: “Đạo hữu xem đau bệnh thì uống thuốc, đau bệnh thì nghe pháp để trư tâm bệnh: muốn sống lâu thì phải cứu mạng cho tất cả sanh linh. Đau bệnh mà cầu đảo thì ngu dốt, giết người để cứu mình thì tự sát”. Câu nói này dạy đạo đức gì?

Câu hỏi 8: Đại ý bài này dạy đạo đức gì? Thuộc về đạo đức nhân quả cận tử nghiệp báo hay đạo đức nhân quả hiện tại nghiệp báo?

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI

Trả lời câu hỏi 1:

Các vị Ba La Môn nói: “Mẫu hoàng mắc bệnh là vì âm dương không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn. Vậy phải thuyết đàn tế giao. Dùng 100 con thú, mỗi loài mỗi con và dùng một đứa nhỏ, đem giết để tế thần linh, có vậy mới lành bệnh được”. Lời dạy trên đây của các Bà La Môn là lời dạy THIẾU ĐỨC THÀNH THẬT HIẾU SINH KHẨU HÀNH.

Các Bà La Môn dùng lời dối gạt vua để giết hại chúng sinh và giết trẻ con (người):

“Âm dương không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn”. Làm gì có chuyện âm dương không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn. Tất cả pháp trong vũ trụ đều theo một quy luật của nhân quả vận hành: thời tiết nóng hay lạnh, mưa hay nắng, gió bão hay không gió bão, thuận hay nghịch đều do nhân quả. Một năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đều do luật nhân quả điều khiển. Điều hòa hay không điều hòa, trời đất tinh tú đảo lộn hay không đảo lộn là do luật nhân quả thiện ác chứ chẳng có ông Thánh, ông Thần nào làm đảo lộn. Vì thế cầu cúng là một sự lừa đảo của các tôn giáo thần quyền. Hành động lừa đảo dối gạt người là hành động vô đạo đức THÀNH THẬT. Người vô đạo đức thành thật là người vô đạo đức HIẾU SINH, vì không biết thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh nên mới tâu vua giết hại chúng sinh để cúng tế Thần, Thánh, Ma, Quỷ, v.v...

Những người này không biết luật nhân quả, không biết sự tương ưng của nhân quả, không biết sự báo ứng của nhân quả nên cả gan dám giết hại chúng sinh để tế đàn. Làm điều ác như vậy sẽ gặt lấy quả khổ đau không trốn đâu cho khỏi.

Bởi các vị Bà La Môn bày vẽ cầu cúng là những người lừa gạt người, tội lỗi rất lớn, họ là những người vô đạo đức hiếu sinh không biết thương mình, thương người, thương tất cả chúng sinh. Giết hại chúng sinh để cầu cúng tế lễ đó là làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, tội ác ấy rất lớn.

Trả lời câu hỏi 2:

“Lệnh vua truyền ra, toàn dân trong nước đều khiếp sợ, nhà ai có con nít thì dấu kín trong nhà. Còn các loài thú bị tìm bắt kêu la thảm thiết chấn động cả đất trời”. Lời truyền lệnh của vua là lời dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH. Lời truyền lệnh ấy là một lời rất ác, giết hại sinh linh và giết luôn cả người (trẻ em).

Một lời truyền lệnh của vua làm cho toàn dân trong nước sợ hãi, thật là một lời ác độc.

Ví dụ: Người cha bảo:

- Hôm nay ngày giỗ ông nội, các con bắt hai con gà và ba con vịt giết để làm cỗ cúng ông bà.

Lời nói như vậy là lời nói ác, lời nói không đạo đức hiếu sinh, lời nói làm cho hai con gà và ba con vịt phải chết.

Chúng ta là những người học đạo đức hiếu sinh, phải yêu thương tất cả chúng sinh, phải cẩn thận từng lời nói, không nên nói những lời ác. Phải từ bỏ và tránh xa.

Trả lời câu hỏi 3:

“Đức Phật thương hại cho vị quốc vương ngu mê vô trí, bèn cùng với đại chúng đến chỗ tế đàn”. Câu này nói về ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.

Vì lòng yêu thương chúng sinh và trẻ em, nên đức Phật cùng đại chúng đến chỗ nhà vua tế đàn cầu cúng, khuyên ngăn nhà vua đừng làm ác, đó là hành động hiếu sinh cứu khổ chúng sinh tuyệt vời. Chúng ta là những người học đạo đức hiếu sinh thì đâu nỡ lòng nào giết hại và ăn thịt chúng sinh cho đành, nhưng thấy ai còn giết hại và ăn thịt chúng sinh thì chúng ta nên tìm đến khuyên ngăn.

Tìm đến khuyên ngăn tức là đạo đức hiếu sinh thân hành.

Trả lời câu hỏi 4:

Đức Phật khuyên nhà vua: “Đại vương hãy nghe kỹ điều này: muốn được lúa phải cày bừa gieo mạ; muốn giàu sang phải bố thí; muốn sống lâu phải làm lành, đừng giết hại chúng sinh; muốn được trí tuệ phải học hành nghiên cứu. Nghĩa là muốn được quả gì phải trồng nhân ấy, không thể lẫn lộn”. Lời dạy của đức Phật thuộc về ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.

Lời đức Phật dạy trên đây là lời dạy đạo đức nhân bản - nhân quả: “Muốn được lúa phải cày bừa gieo mạ; muốn giàu sang phải bố thí; muốn sống lâu phải làm lành, đừng giết hại chúng sinh; muốn được trí tuệ phải học hành nghiên cứu”. Lời dạy này xác định rất rõ gieo nhân nào thì gặt quả nấy, một lời dạy rất chân thật, không lừa đảo dối gạt người. Trồng cây ớt thì phải gặt quả trái ớt cay; trồng cây chanh thì phải gặt lấy quả trái chanh chua; trồng cây xoài thì gặt lấy quả trái xoài ngọt , v.v... Đó là quy luật nhân quả đang hoạt động trong vũ trụ, đang chi phối và điều hành mọi sự sinh hoạt của vạn vật mà không có một đấng vạn năng nào làm thay được. Cho nên các vị Bà La Môn cầu cúng tế lễ là dối gạt người, là một hành động vô đạo đức, gieo sự mê tín vào lòng người thật đáng chê trách. Chính những tôn giáo gieo rắc những giáo điều mê tín lạc hậu vào tư tưởng con người, khiến con người sống phi đạo đức nhân bản - nhân quả, chỉ còn biết dựa lưng vào thần, thánh, quỷ, ma, v.v...; khiến con người đánh mất sức tự chủ, chỉ còn tha lực cầu khẩn van xin, luồn cúi, bái lạy.

Lời dạy của đức Phật trên đây là lời dạy đạo đức hiếu sinh khẩu hành nhân quả, nó có một giá trị thiết thực, cụ thể cho đời sống của loài người; nó có một giá trị lợi ích rất lớn là đem lại sự an vui và hạnh phúc cho loài người.

Trả lời câu hỏi 5:

“Vả lại đã là người giàu có thì không bao giờ dùng đồ ăn uống của kẻ nghèo. Các hàng chư thiên lấy 7 món báu làm cung điện, áo quần ăn uống đầy rẫy, đâu có bỏ những món cam lồ để đến ăn những thức ô uế của loài người cúng tế hay sao?” Câu này đức Phật dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH tuyệt vời.

Câu này đức Phật dạy những hành ảnh cụ thể như: Một người giàu có thì không bao giờ ngồi ăn những món ăn của người nghèo khổ.

Thưa quý phật tử, lời dạy này có đúng không? Một người nhà giàu không thể ngồi ăn củ khoai lang, khoai mì, lúa mạch, củ chuối, rau lá cây rừng, v.v... như người nghèo.

Chư thiên, thần, thánh ăn uống đầy rẫy, những món ăn cam lồ, có đâu lại ăn uống những thức ăn cúng tế ác độc giết hại sinh linh và uế trược của loài người.

Sự so sánh những món ăn uống của người giàu và người nghèo, của loài người và chư thiên, rất rõ ràng để chứng minh cho chúng ta thấy sự lừa đảo cúng bái của các tôn giáo là một điều không đúng sự thật, chỉ là một sự lừa đảo mà thôi.

(Hình ảnh thương tâm trong lễ hội đâm trâu hiến tế của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sau mỗi mùa rẫy hàng năm)

Trả lời câu hỏi 6:

“Tế tự cầu đảo chỉ làm mê hoặc chúng sanh, đảo lộn chánh tà: giết sinh mạng cứu sinh mạng làm cho người tiến mau đến cõi chết, tức là tự giết mình”. Câu này đức Phật dạy là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, chỉ rõ những sự mê hoặc lừa đảo của tà giáo ngoại đạo để cảnh giác những người chưa hiểu biết về luật nhân quả.

Lời dạy đạo đức hiếu sinh này của đức Phật đã vạch rõ những lời nói dối trá phi đạo đức hiếu sinh của ngoại đạo thật tuyệt vời, khiến cho mọi người không ai mà không hiểu những kinh sách và những giáo điều mê hoặc lừa đảo của kinh sách phát triển Bà La Môn mượn danh là Phật giáo.

Lời dạy đạo đức hiếu sinh khẩu hành của đức Phật trên đây làm sáng tỏ phân biệt đâu chánh, đâu tà, đâu thiện, đâu ác, đâu giả dối, đâu thành thật, đâu đạo đức, đâu phi đạo đức.

Người nào hữu duyên được tu học theo lời dạy đạo đức hiếu sinh này như người mù được sáng mắt, như người đi biển có la bàn, như người đi trong đêm tối có ánh đuốc.

Hạnh phúc thay cho những ai được tu học đạo đức hiếu sinh qua những lời Phật dạy, thật là phước báo vô lượng.

Trả lời câu hỏi 7:

“Đạo hữu xem thân đau bệnh thì uống thuốc, tâm đau bệnh thì nghe pháp để trư tâm bệnh: muốn sống lâu thì phải cứu mạng cho tất cả sanh linh. Đau bệnh mà cầu đảo thì ngu dốt, giết chúng sinh để cứu mình thì tự sát”. Câu nói này Hòa Thượng Minh Châu dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH THƯƠNG MÌNH thật tuyệt vời. Khi có thân bệnh, tu hành chưa đủ đạo lực thì nên uống thuốc, chứ đừng cúng tế cầu an cho tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ là ngu dốt, mê tín, lạc hậu. Khi có tâm bệnh thì dùng đức hiếu sinh xả trừ tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm bệnh chấm dứt.

Lời dạy đạo đức hiếu sinh của Hòa Thượng Minh Châu rất tuyệt vời, Người chỉ cho chúng ta một lối đi sáng suốt không còn một kinh sách và một giáo điều nào lừa đảo chúng ta được.

Trả lời câu hỏi 8:

Đại ý bài này dạy đạo đức hiếu sinh khẩu hành tuyệt vời, vạch rõ nhân quả hiện tại nghiệp báo và nhân quả cận tử nghiệp báo cho chúng ta hiểu biết tường tận.

Chỉ rõ những sự cúng tế cầu an, cầu siêu là sai, là mê tín là lạc hậu.

Học bài đạo đức hiếu sinh này sẽ mang nhiều lợi lạc đến với mọi người, từ đây không còn bị ai mê hoặc lừa đảo mình được. Không còn sống trong mê tín lạc hậu nữa. Phải không quý phật tử?