Bài học thứ 17: ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH, KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH: BỎ QUA OÁN HỜN
Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ, có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình.
Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng đó. Mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất.
Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất. Người em hỏi người anh:
- Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không? Người anh đáp:
- Không.
Tuy thế, người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi:
- Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó! Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói của người em. Căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Sự oán giận cũng theo đấy mà len vào. Không lâu sau, một hố ngăn cách gay gắt và sâu thẳm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào. Cuối cùng, họ quyết định không làm chung với nhau, và một bức tường ngăn cách đã được xây ngay giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình của họ. Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước cửa hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng:
- Anh đã ở đây bao lâu rồi.
Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời.
Vị khách nói tiếp:
- Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước, tôi đã đi xe lửa và tạt vào thị trấn này.
Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau và thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn, nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi.
Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này. Anh ta đề nghị:
- Ông có vui lòng sang cửa bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không? Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ.
Trong cuộc sống có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình chia cắt con người với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời chỉ trích, buộc tội hay những lời trách cứ oán hờn. Và khi đã bị chia cắt, họ có thể không bao giờ quay lại với nhau được nữa. Phương cách tốt nhất để tránh những tình huống gây tổn thương này là bỏ qua những lỗi lầm nhỏ của nhau. Điều này không dễ dàng, nhưng cũng chẳng phải là quá khó khăn. Bỏ đi những bực dọc rồi bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chẳng mất bao nhiêu năng lượng để xây dựng sự gắn bó với những người bạn yêu mến.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Người em hỏi người anh:
- Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không? Người anh đáp:
- Không.
Tuy thế, người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi”. Câu này thuộc về pháp gì trong ngũ triền cái? Câu này thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 2: “Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó!” Lời nói này thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước tôi đã đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau va thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn, nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 5: Người em đề nghị: “Ông có vui lòng sang cửa bên, và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không?” Câu nói này là đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Trong cuộc sống có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình chia cắt con người với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời chỉ trích, buộc tội hay những lời trách cứ oán hờn. Va khi đã bị chia cắt, họ có thể không bao giơ quay lại với nhau được nữa”. Đoạn này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 8: “Phương cách tốt nhất để tránh những tình huống gây tổn thương này là bỏ qua những lỗi lầm nhỏ của nhau”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 9: “Điều này không dễ dàng, nhưng cũng chẳng phải là quá khó khăn. Bỏ đi những bực dọc rồi bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chẳng mất bao nhiêu năng lượng để xây dựng sự gắn bó với những người bạn yêu mến”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Người em hỏi người anh:
- Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không? Người anh đáp:
- Không.
Tuy thế, người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi nguời anh”.
Câu này thuộc về pháp NGHI trong ngũ triền cái. Nghi có nghĩa là nghi ngờ, nghi ngờ là một pháp ác trong năm pháp ác của tâm. Đó là: 1- THAM; 2- SÂN; 3- SI; 4- MẠN; 5- NGHI. Người em nghi ngờ người anh lấy tiền, nghi người anh tham lam. Câu nói của người em: “Tuy thế, người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi...”. Câu này THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH. Nó là ngòi thuốc nổ khởi sự cho một sự chia rẽ, li gián giữa hai người hoặc nhiều người. Ở đâu có nghi ngờ. ở đó mất đoàn kết; ở đâu có nghi ngờ, ở đó nội lực bị suy yếu; ở đâu có nghi ngờ, ở đó có khổ đau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó không có lòng yêu thương. Cho nên lòng nghi ngờ là một ác pháp cực ác, nó đánh mất tất cả đạo đức của con người, nhất là đức hiếu sinh.
Một khi người ta sinh nghi ngờ người khác thì lòng thương yêu sẽ bị đánh mất, lòng yêu thương đánh mất thì chỉ còn tâm ghét cay, ghét đắng, v.v... Chỉ còn lòng căm ghét là nỗi khổ đau tùy miên trong lòng người nghi ngờ.
Cho nên người tu hành theo Phật giáo là phải biết triệt hạ tâm nghi, nếu tâm nghi còn là còn khổ đau. Một người đi tu mà nghi Thầy dạy mình là tự mình giết mình, tự mình chặt đầu mình. Tâm nghi ghê gớm như vậy, chính nó đã đem đến biết bao nhiêu sự đau khổ cho nhau trong cuộc đời này.
Trả lời câu hỏi 2:
Người em xác quyết: “Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó!”
Lời nói này là lời kết tội người anh bằng cách lý luận, bắt bí người khác phải chấp nhận tội lỗi. Đó là một lời nói THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH; lời nói kết tội như tòa án; lời nói làm đau khổ người; lời nói làm chết người.
Tuy lời nói này không thô lỗ nhưng gay gắt kết tội như đinh đóng, như tòa án phán quyết, một lời nói không còn một chút lòng thương yêu nào cả. Lời nói sắc bén hơn gươm đao.
Chỉ có một số tiền nhỏ mọn không ra gì, thế mà làm cho tình anh em đang thương nhau gắn bó như nước với sữa lại trở thành hận thù, hai người không nhìn mặt nhau nữa.
Tiền bạc là chuyện nhỏ mọn vậy mà khiến cho anh em chia lìa. Vì không lấy tiền nên người anh không thể chấp nhận một người em ăn nói đầy vẻ khinh mạn, xem thường người anh ruột của mình chẳng ra gì.
Lòng nghi ngờ mà anh em phải chia lìa 20 năm trời mặt không nhìn mặt nhau kỹ, thật là đau lòng. Phải không quý phật tử? Trong tâm mỗi người chúng ta đều có năm triền cái. Năm triền cái có nghĩa là năm cái màn ngăn che, nếu một trong năm cái màn ngăn che này khởi lên thì đức hiếu sinh sẽ biến mất. Đức hiếu sinh biết mất thì một bầu trời đau khổ hiện ra. Bởi vậy, bất cứ lúc nào khi tâm chúng ta khởi lên niệm THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI thì mau mau phải dập ngay và diệt trừ tận gốc bằng lòng thương yêu của chúng ta. Vì chỉ có lòng yêu thương thì mới diệt trừ năm tâm ác độc này. “LÒNG YÊU THƯƠNG LÀ ĐỆ NHẤT PHÁP DIỆT TRỪ TÂM THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI”. Xin quý phật tử lưu ý, để biết sử dụng lòng yêu thương đúng thời thì lợi ích rất lớn cho quý vị.
Trả lời câu hỏi 3:
Người khách lạ nói: “Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước, tôi đã đi xe lửa va tạt vào thị trấn này. Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau và thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn, nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi”.
Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH LY THAM. Dù trong khi đói, lấy cắp số tiền của người khác suốt 20 năm mà vẫn không quên trở lại, trả số tiền cho người chủ của nó. Người này không phải là người tham lam trộm cắp.
Sự việc xảy ra trên đây đều do quy luật của nhân quả, khiến cho hai anh em nhà kia phải sống chia lìa trong suốt 20 năm đau khổ ôm một mối oan ức, hận lòng. Đó là để trả nhân đời trước vì hai anh em người này đã gieo duyên ly gián.
Trả lời câu hỏi 4:
“Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này”.
Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Làm sao không khóc được? Hai mươi năm anh em sống như kẻ thù không bao giờ muốn nhìn mặt nhau. Nỗi đau của tình ruột thịt không làm sao giải tỏa nổi. Đột ngột người khách lạ đến cửa hàng người em nói ra một sự thật cách đây 20 năm để phá tan lòng nghi ngờ, thì dù ai có gan trời cũng phải khóc.
Nước mắt của người em là nước mắt hối hận lòng yêu thương của mình chứng tỏ lòng đau khổ suốt 20 năm trong sự vô minh nghi ngờ của mình.
Trả lời câu hỏi 5:
Người em đề nghị: “Ông có vui lòng sang cửa bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không?” Câu nói này là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH giải tỏa mối nghi ngờ. Nếu không có ông khách lạ này thì không bao giờ giải tỏa mối oan ức hận lòng của người anh, dù chết xuống tuyền đài vẫn không tan. Lời cầu thỉnh ông khách đến cửa hàng của người anh kể lại sự tình xảy ra cách đây 20 năm để giải trừ một nỗi lòng đau khổ của hai anh em nhà kia.
Thật là một việc hy hữu.
Trả lời câu hỏi 6:
“Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được dẹp bỏ”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH. Hai người khóc và ôm nhau, đó là thực hiện lòng yêu thương ý hành thật là thấm thía.
Trả lời câu hỏi 7:
“Trong cuộc sống có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình chia cắt con người với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời chỉ trích, buộc tội hay những lời trách cứ oán hờn. Và khi đã bị chia cắt, họ có thể không bao giờ quay lại với nhau được nữa.” Đoạn này phân tích từng hành động sẽ đánh mất đạo đức hiếu sinh.
Vậy quý học viên hãy lưu ý và cảnh giác, suy tư từng tâm niệm để rồi mới phát ngôn:
1- Những lời nói vội vàng không suy nghĩ.
2- Những lời chỉ trích, buộc tội.
3- Những lời trách cứ oán hờn.
Câu chuyện trên đây là bài học về ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH LÀM NGƯỜI, đó cũng là những điều cân nhắc để chúng ta lấy đó suy ngẫm cuộc đời, sống như thế nào đúng, sống như thế nào sai.
Trả lời câu hỏi 8:
“Phương cách tốt nhất để tránh những tình huống gây tổn thương này là bỏ qua những lỗi lầm nhỏ của nhau”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH. Chỉ có đạo đức hiếu sinh mới là phương cách tốt nhất để tránh những tình huống gây tổn thương, gây chia rẽ và có thể bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt của nhau bằng lòng tha thứ và yêu thương.
Trả lời câu hỏi 9:
“Điều này không dễ dàng, nhưng cũng chẳng phải là quá khó khăn. Bỏ đi những bực dọc rồi bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chẳng mất bao nhiêu năng lượng để xây dựng sự gắn bó với những người bạn yêu mến”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Muốn bỏ qua những bực dọc ngã mạn, những tức giận thù oán, những điều nghi ngờ, những lòng tham lam không đáy, những mê mờ không sáng suốt thì chỉ có lòng yêu thương thì mới xóa bỏ những trạng thái tâm ác ở trên.
Bất cứ trên đời này có những sự khổ đau như thế nào, có những ác pháp như thế nào, muốn thoát ra mọi sự khổ đau ấy và các ác pháp thì chỉ có lòng yêu thương rộng lớn mới cứu chúng ta thoát khỏi; mới đem chúng ta đến với tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vì vậy ở đâu có tình thương yêu thì ở đó có sự bình an, yên vui và hạnh phúc.
Vì thế chúng ta nên nhớ: Đức hiếu sinh là một pháp môn ly dục ly ác pháp tuyệt vời.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải phát triển tri kiến đạo đức này, hễ có một ác pháp nào tác động vào thân tâm thì tri kiến đức hạnh ấy sẽ quét sạch ra khỏi thân tâm, nó sẽ mang lại sự bình an cho chúng ta.