Skip directly to content

Bài học thứ 4: ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH: NHỮNG BÀN TAY VẤY MÁU

Muốn rèn luyện nhân cách biết thương yêu sự sống của muôn loài trên hành tinh này thì chúng ta phải sống trong ý hành như thế nào? Một hôm chúng tôi đi ngang qua một chợ nhóm dọc theo hai bên lề đường, thấy một người phụ nữ đang bắt từng con ếch cắt cổ lột da, khi chiếc dao của người phụ nữ kê vào cổ con vật thì hai chân trước của nó chắp lại giống như người chắp hai tay lạy cầu van xin tha mạng, nhưng người phụ nữ rất thản nhiên, không có chút gì động lòng thương xót trước sự van xin của con vật. Lưỡi dao sắc bén cứa ngang qua cổ con vật một cách “ngọt sớt”, hai chân trước con ếch vẫn còn chắp lại để cầu xin tha mạng, hai chân sau run rẩy tuyệt vọng trong những phút giây cuối cùng của kiếp làm con vật. Trông thấy cái chết thê thảm đau khổ của con vật thật đáng thương, nhưng biết làm sao hướng dẫn mọi người có lòng yêu thương để nhỏ những giọt nước mắt thương đau trong cảnh đầu rơi, máu đổ của những con vật yếu đuối trong gọng kiềm của bàn tay ác độc người phụ nữ.

Giờ phút ấy có ai rơi những giọt nước mắt đau thương trong cái chết thê thảm của loài chúng sinh không? Giờ phút ấy có ai nghĩ rằng con người độc ác hơn loài ác quỷ, hơn loài ác thú không? Đúng vậy, hình ảnh một con vật yếu đuối như con ếch hai chân trước chắp lại như lạy để van xin cầu tha mạng, mà người phụ nữ ấy sao lại nỡ nhẫn tâm đến thế! Đành lòng cầm dao cắt cổ, lột da cho được. Thật là vô tâm, hay tâm đã chai lì trước cảnh thịt rơi, máu đổ của loài chúng sinh? Đứng trước hình ảnh cái chết thảm thương của con ếch bé nhỏ mà con người không chút lòng thương xót thì chúng ta không biết định nghĩa con người thuộc về loài gì cho đúng nghĩa? Trông hình dáng con người đâu có nanh gút, đâu có vằn vện, đâu có vẻ hung dữ như loài ác thú, đâu có gương mặt như loài ác quỷ, dạ xoa. Thế sao mà cắt cổ con gà, lột da con ếch, đâm cổ con heo, đập đầu con bò, moi óc con khỉ, v.v... Như vậy con người có hung ác không? Xin quý học viên suy ngẫm.

Hình dáng con người trông hiền lành, mặt mày xinh đẹp, đâu có nanh vuốt như hùm beo, đâu có vằn vện như cọp sói, thế sao mà hung dữ và ác độc hơn hùm beo lang sói.

Duyên hợp tạo ra con người hình dáng hiền lành không hung ác, nhưng vì lòng ích kỷ, nhỏ mọn hẹp hòi, chỉ biết sự sống của riêng mình, còn tất cả sự sống của người khác, loài vật khác chỉ xem như cỏ rác, như không có.

Cho nên mới biến con người trở thành hung ác.

Hằng ngày báo chí đăng tin tức cướp của, giết người, giựt túi xách ngoài đường. Đạo đức xã hội đang xuống cấp, có một số người chỉ còn biết của cải vật chất tiền bạc, ăn uống và sự sống của riêng mình; còn sự sống của người khác, loài vật khác thì không quan trọng, chết sống mặc tình. Con người đối xử với con người còn như vậy, huống là đối xử với tất cả các loài vật khác thì còn có nghĩa lý gì. Phải không quý học viên? Đầu con ếch lìa khỏi thân, bàn tay ác độc của con người lần lượt lột da. Trong vòng một phút, con ếch chỉ còn là một miếng thịt đỏ tươi với bốn chân trơ xương, còn run run một hồi rồi im lặng.

Con ếch này chết một cách thảm thương, rồi đến con ếch khác cũng chết như vậy.

Những diễn biến tấn tuồng độc ác cứ lập đi, lập lại mãi như thế. Một đống thịt ếch nằm ngổn ngang trong chiếc thau. Ôi! Thật đáng sợ sự độc ác của con người và đau thương, xót xa cho kiếp làm chúng sinh.

Hành động cắt cổ, lột da con ếch là nhân ác thì kết quả con người phải chịu lấy những cái chết thương đau như cảnh chiến tranh bom đạn, xác người chết nằm ngổn ngang không thua gì thau thịt ếch, rồi cảnh thiên tai hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần, bão tố, động đất, v.v... Nhất là hiện giờ đủ các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ngặt nghèo, mà thời đại hôm nay gọi là bệnh thế kỷ. Ai có dịp bước chân vào các bệnh viện thì sẽ chứng kiến những bệnh nhân thật là hãi hùng, kinh sợ và khiếp đảm.

Suy nghĩ cho cùng, nên người xưa nói: “Ác lai ác báo”, con người làm ác thì con người phải chịu lấy những quả khổ đau. Những người sống theo bờ biển chuyên chài lưới bắt cá câu tôm thì sóng thần, bão tố lôi xuống đáy biển làm mồi cho cá tôm ăn thịt, chết một cách thê thảm. Nhà cửa, của cải bão tố quét sạch, sụp đổ tan hoang, nằm ngổn ngang một đống gạch vụn như một bãi rác bẩn. Còn những người sống trong rừng sâu, núi thẳm, chuyên săn bắn, chặt cây đốt rừng thì lũ lụt, gió to, núi sạt lở lôi nhà cửa sụp đổ ngổn ngang, người chết hãi hùng sắp lớp.

Những hình ảnh đau thương trên đây là những hình ảnh để chúng ta tư duy suy ngẫm và kết luận: Trên cuộc đời này chỉ có “ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH”, tức là tình yêu thương sự sống của muôn loài là duy nhất đem lại sự bình an cho hành tinh này.

Đây là đức hiếu sinh ý hành mà mọi người cần phải tư duy quán xét, mỗi khi mắt thấy tai nghe những hình ảnh thương tâm, những việc làm ác để suy ngẫm, để khởi tâm yêu thương.

Chính nhờ có suy tư về những hình ảnh của chúng sinh trước khi chết sợ hãi run rẩy, giẫy giụa, kêu la, rên rỉ, chảy nước mắt đầm đìa rất là thảm thương. Nhờ có tư duy quán xét về những hình ảnh này mà chúng ta rất đau lòng và thương xót cho kiếp làm thân chúng sinh; nhờ có tư duy quán xét những hình ảnh này mà chúng ta quyết tâm từ bỏ không bao giờ giết hại và ăn thịt chúng sinh nữa; nhờ có tư duy quán xét về những hình ảnh đau thương này mà lòng thương yêu của chúng ta trỗi dậy vô bờ bến đối với sự sống của tất cả chúng sinh, ngự trị trong lòng chúng ta mãi mãi; nhờ có tư duy quán xét về những hình ảnh đau thương này mà lời dạy của đức Phật “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” rất thấm thía về cuộc sống hiện tại của loài người.

Với những hành động độc ác của con người đã đánh mất tình thương yêu, khiến cho họ trở thành những con thú ác độc không còn nhân tính hiền lành, nên nỡ nhẫn tâm đập đầu, cắt cổ, nhổ lông, v.v... Nhìn thấy cảnh này khiến cho chúng ta khởi lên lòng yêu thương và quyết tâm từ bỏ những hành động ác làm khổ đau chúng sinh, và thương yêu những người làm ác đang giết hại chúng sinh, chỉ vì họ vô minh.

NHỮNG CÂU HỎI

Bây giờ, xin quý học viên hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

Câu hỏi 1:

Hình ảnh con ếch bị cắt cổ, lột da là do nguyên nhân nhân quả gì? Câu hỏi này quý phật tử hiểu sao cứ trả lời như vậy, để chúng ta cùng tu, cùng học cho thấm nhuần những nghĩa lý và thông suốt quy luật nhân quả nghiệp báo. Cũng tư chỗ thông hiểu chúng ta mới khởi lòng yêu thương mình, yêu thương tất cả chúng sinh một cách chân thật.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi hình ảnh con ếch bị cắt cổ, lột da là do nguyên nhân nhân quả gì rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 1:

Hình ảnh con ếch bị cắt cổ lột da là do nhân quả đời trước làm người cũng cắt cổ, lột da những con ếch như vậy, nên đời này phải làm con ếch cho người khác cũng cắt cổ, lột da lại. Đó là nhân quả trả vay, vay trả mà không có một người nào tránh khỏi, vì luật nhân quả rất công bằng. Những hình ảnh trả vay có ba cách:

1- Trả vay bằng từ trường nhân quả nghiệp hiện tại tương ưng, một hành động ác phải trả quả bị giết hại 10 lần, 100 lần.

2- Trả vay bằng từ trường cận tử nghiệp quá khứ tương ưng. một hành động ác phải trả quả bị giết hại 10 lần, 100 lần.

3- Trả vay bằng từ trường nhân quả hiện tại thân chịu, hay con cái chịu bệnh tật tai nạn xảy ra thọ lấy quả khổ vô lượng.

Trên đây là những quy luật nhân quả, nếu ai làm ác sẽ bị quy luật này chi phối, vì vậy phải chịu biết bao sự khổ đau. Con ếch đang bị cắt cổ chính là từ trường của nghiệp ác của người phụ nữ giết con ếch, như vậy người phụ nữ đang cắt cổ mình, đang giết mình mà không biết. Thật là vô minh.

Câu hỏi 2:

Hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương có đáng cho chúng ta thương xót không? Tiếp tục quý học viên trả lời câu hỏi thứ hai.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Tình thương của các học viên trước hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương rất đáng trân trọng, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những tình cảm ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 2:

Nhìn hình ảnh con ếch bị cắt đầu lột da.

Nhất là chắp hai chân trước lại giống như người chắp tay lạy để cầu xin tha mạng. Nhớ đến hình ảnh ấy thì hai giọt nước mắt chúng tôi không thể cầm giữ được, lăn dài trên má.

Nghiệp báo đời trước của con ếch như thế nào không cần biết, nhưng cái chết của con ếch hiện giờ là một hình ảnh thảm thương, nhìn thấy con ếch chỉ còn là miếng thịt đỏ tươi, lòng chúng tôi vô cùng xúc động và thương xót vô cùng. Thương cho con ếch chết một cách thảm thương tội nghiệp, và thương cho người cầm dao giết con ếch rồi đây giết một mà trả nợ máu này phải gấp 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Một nhân đâu có một quả, do đó một hành động ác đâu có một quả khổ, mà phải chịu nhiều quả khổ. Ôi! Thật là ghê gớm, biết nói với ai bây giờ! Có ai chịu hiểu để mình nói đâu.

Câu hỏi 3:

Hình ảnh người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch có phải là một hành động ác không? Tiếp tục quý học viên trả lời câu 3.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Đánh giá của các học viên về hình ảnh người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch rất có ý nghĩa, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 3:

Hình ảnh người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch là một hành động ác mà không ai có thể phủ nhận được.

Là con người không có người nào không có tình cảm, lòng thương yêu, bằng chứng lòng yêu thương đó thị hiện qua tình thương cha mẹ, tình thương chồng vợ, tình thương con cái, tình thương bản thân mình, v.v... Nhưng tình thương ấy không được triển khai để nó được rộng lớn như trời, như biển, phủ trùm vạn vật. Trái lại, nó không triển khai mà chỉ còn gói gọn nhỏ hẹp, ích kỷ cho cá nhân mình nên mới cầm dao cắt cổ, lột da con ếch, đâm cổ con heo, đập đầu con cá, con bò, cắt cổ con gà, con vịt, bẻ chân con ếch, con còng, v.v...

Câu hỏi 4:

Trước cảnh nhân quả của con người va con ếch, quý học viên có răn nhắc cảnh giác về mình những điều gì không? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 4, cứ nghĩ sao quý vị cứ trả lời như vậy. Đó là góp thêm phần ý nghĩa lòng yêu thương của con người càng mang tính chất đạo đức cao thượng hơn.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những răn nhắc cảnh giác về mình của các học viên trước cảnh nhân quả của con người và con ếch rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 4:

Trước cảnh nhân quả người và con ếch, quý học viên cần nên răn nhắc cảnh giác về mình:

1- Không nên giết hại chúng sinh 2- Phải thương yêu tất cả chúng sinh.

3- Lìa xa những hành động ác, không nên làm đau khổ chúng sinh.

4- Phải học lòng thương yêu chúng sinh như ông Phú Lâu Na.

5- Phải ngăn ác, diệt ác pháp trong tâm và thường sống với nội tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

6- Nguyện một đời sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.

Câu hỏi 5:

Nhìn thấy con ếch chắp hai chân trước lạy cầu xin tha mạng, quý học viên nghĩ sao? Trong lòng có thương xót không? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 5, nghĩ sao quý học viên cứ trả lời như vậy. Đó la góp thêm phần ý nghĩa lòng yêu thương của con người càng mang tính chất đạo đức cao thượng hơn.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Cảm nghĩ của các học viên trước hình ảnh con ếch chắp hai chân trước lạy cầu xin tha mạng rất đáng trân trọng, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 5:

Thấy con ếch chắp hai chân trước lạy cầu xin tha mạng, chúng tôi không thể cầm được nước mắt, lòng rất xúc động và xót thương cho con ếch, không biết nó mang nghiệp ác gì mà bây giờ phải chịu chết một cách thê thảm. Nhìn hình ảnh này mà ai không thương, phải không quý tu sinh? Chỉ có những người lòng yêu thương chai lì, trơ trơ như đá mới không xót thương trước cảnh con ếch chắp tay cầu xin tha mạng sống. Tuy nó không nói thành lời, nhưng qua hành động van xin đó chúng ta cũng nhận ra nó đang tha thiết muốn sống. Chúng ta muốn sống bao nhiêu thì con ếch cũng muốn sống bấy nhiêu, nhưng làm sao được thay đổi nhân quả, khi mà người phụ nữ đã không thấy nhân quả của chính mình, nên tự cắt cổ mình mà không chuyển đổi. Đó là một sự vô minh không riêng gì người phụ nữ này, mà tất cả mọi người. Thật đáng thương vô cùng.

Câu hỏi 6:

Hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương có đáng nhắc nhở chúng ta đừng làm điều ác hay không? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 6, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương có đáng nhắc nhở chúng ta đừng làm điều ác hay không” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 6:

Hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương luôn luôn nhắc nhở chúng ta đừng nên làm điều ác. Chính con ếch ngày xưa là một con người như chúng ta, bấy giờ cũng đã từng cắt cổ, lột da biết bao nhiêu con ếch, nên ngày nay phải chịu trả quả báo như vậy.

Càng thấy hình ảnh này, chúng ta càng nhắc nhở và răn mình không nên làm những điều ác, luôn luôn làm những điều lành. Sống thường đem hạnh phúc, an vui cho mọi loài.

Câu hỏi 7:

Người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thiết có đáng cho chúng ta thương hay không? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 7, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thiết có đáng cho chúng ta thương hay không” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 7:

Người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thiết là một người phụ nữ hung ác. Người phụ nữ có những hành động độc ác như vậy không đáng cho chúng ta thương. Bàn tay của họ dính đầy máu của loài vật mà lòng họ không chút xót thương. Tâm địa con người như vậy thật là tâm địa của ác quỷ. Tâm địa ác độc của con người như vậy có đáng cho chúng ta thương không? Tâm hồn chứa đựng đầy những sự giết hại chúng sinh sẽ đánh mất giá trị hình dáng xinh đẹp bên ngoài của người phụ nữ. Cái đẹp của lòng thương yêu con người mà muôn đời người ta vẫn nhớ mãi không quên; cái đẹp của lòng thương yêu con người sẽ ban cho mọi loài mà không cầu mong ai cho lại mình, là cái đẹp tuyệt vời.

Nói đi nhưng chúng ta còn xét lại: người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thiết là người phụ nữ vô minh, họ không hiểu biết luật nhân quả; họ là người mù, có mắt mà chỉ thấy có một màu đen tối; họ là người điếc không bao giờ sợ súng. Thật đáng thương! Thật đáng thương! Rồi đây họ sẽ phải trả quả, suốt nhiều đời phải thọ lấy những tai nạn khổ ách.

Người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thiết là người phụ nữ đáng thương chứ không đáng ghét: Họ là người vô phước không gặp chánh pháp của Phật, sống trong đêm tối ác pháp mà không biết; họ là người vô phước quá lớn nên không được học tập và rèn luyện nhân cách làm người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; họ là người phước mỏng duyên bạc, không được tôi luyện trong Tứ Vô Lượng Tâm. Thật đáng thương xót vô cùng!

Câu hỏi 8:

Hình ảnh người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch một cách độc ác có đáng cho chúng ta tránh xa hành động ác đó không? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 8, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “hình ảnh người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch một cách độc ác có đáng cho chúng ta tránh xa hành động ác đó không” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 8:

Như trên đã nói, người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch một cách độc ác là người phụ nữ đáng thương, vì họ không hiểu biết đạo đức nhân bản - nhân quả. Cho nên chúng ta không nên tránh xa họ, mà hãy tìm mọi cách thân cận để giúp đỡ và khiến cho họ thông hiểu được đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.

Nhờ đó, chúng ta mới có cơ duyên gần gũi, giúp đỡ người phụ nữ này để họ hiểu biết nhân quả, sống trong thiện pháp, chuyển đổi nghiệp ác thành nghiệp thiện, nhờ đó người phụ nữ này sẽ sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sinh.

Câu hỏi 9:

Hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương là do nhân quả gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 9, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương là do nhân quả gì rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 9:

Hình ảnh con ếch chết một cách thảm thương là do nhân quả đời trước không có lòng thương yêu sự sống của muôn loài, thường giết hại và ăn thịt chúng sinh, xem thân mạng chúng sinh như đồ ăn, thức uống, như cỏ rác, như đồ bỏ, v.v...

Trong hiện kiếp còn sống, nhưng những từ trường ác đó tương ưng tái sinh thọ lấy quả khổ vô cùng, không phải một con ếch mà nhiều con ếch, không phải một người mà nhiều người.

Câu hỏi 10:

Người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thương là nhân quả gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 10, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thương là nhân quả gì rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 10:

Người phụ nữ cầm dao cắt cổ con ếch chết một cách thảm thương là nhân quả vay trả, trả vay, trước kia người phụ nữ này là con ếch bị người giết hại, bây giờ làm người giết hại lại con ếch. Cho nên khi giết con ếch chết mà chẳng có chút lòng thương xót. Đó là do năm cái màn ngăn che (Ngũ Triền Cái) “THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI” khiến cho con người không thấy, không biết nhân quả nghiệp báo. Vì thế, giết chúng sinh mà vẫn thích thú trong những dục lạc ác nghiệp tạo ra vô vàn sự đau khổ. Tất cả nghiệp lực nhân quả trả vay khổ vui đều theo từ trường nhân quả tương ưng mà trả quả báo.

Câu hỏi 11:

Do đâu mà có nhân quả như vậy? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 11, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “do đâu mà có nhân quả như vậy” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 11:

Do vô minh mà có nhân quả này, muốn diệt trừ vô minh thì chỉ có con đường BÁT THÁNH ĐẠO. Con đường Bát Thánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo những con người có đạo đức nhân bản - nhân quả. Người nào sống có đạo đức nhân bản - nhân quả là phá vỡ vô minh. Ngoài con đường Bát Thánh Đạo thì không có con đường nào khác phá trừ vô minh.

Muốn tu học theo Phật giáo là muốn sống đạo đức làm người để không làm khổ mình, khổ người khác và khổ cả hai. Mục đích của Phật giáo là đem lại cho con người một nền đạo đức để sống an vui và hạnh phúc mới gọi là đạo giải thoát; mới gọi là đạo từ bi, vì lấy lòng thương yêu mà đối xử với nhau.

Câu hỏi 12:

Người cầm dao giết con ếch đáng thương chỗ nào, đáng trách chỗ nào?

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “người cầm dao giết con ếch đáng thương chỗ nào, đáng trách chỗ nào” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu 12:

Người cầm dao giết con ếch rất đáng thương, vì họ là người vô minh không hiểu rõ luật nhân quả. Họ đâu biết rằng một hành động ác giết con ếch là không thể nào tránh khỏi những sự đau khổ trong hiện kiếp:

1- Bệnh tật.

2- Tai nạn.

3- Bị người khác cầm dao đâm chém.

Từ trường hành động ác giết con ếch tương ưng tái sinh thành con ếch để người khác giết lại. Cho nên họ là người đáng thương hơn là đáng trách.

Người cầm dao giết con ếch rất đáng thương, vì không được học đạo đức nhân bản hiếu sinh nên họ nhẫn tâm giết hại con ếch đang chắp tay van lạy cầu xin tha mạng.

Thật là tội nghiệp cho họ làm một điều ác mà không biết mình làm ác, cho nên chẳng chút lòng thương xót.

Câu hỏi 13:

Người giết con ếch vì sự sống hay vì nhân quả trả vay?

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “người cầm dao giết con ếch vì sự sống hay vì nhân quả trả vay” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu 13:

Vì sự sống giết con ếch là không đúng, có nhiều người sống với thực phẩm thực vật như những nhà tu, những người có đức hạnh hiếu sinh, do lòng yêu thương sự sống của muôn loài động vật họ không nỡ nhai nuốt thịt chúng sinh mà họ vẫn sống.

Theo luật nhân quả thấy nhân hiện tại liền biết về quả quá khứ; thấy nhân hiện tại liền biết về quả tương lai. Ví dụ: Người cầm dao giết con ếch thì chúng ta liền biết về quả quá khứ họ là con ếch cũng bị giết hại, còn hiện tại người cầm dao giết con ếch thì chúng ta biết về quả tương lai họ sẽ tái sinh làm con ếch. Đó là luật nhân quả trả vay, vay trả rất công bằng, không một ai làm việc ác mà tránh khỏi quả khổ.

Nhân quả có ba thời gian: hiện tại, quá khứ và vị lai. Lấy thời gian hiện tại mà xét ba thời gian kia.

Thấy quả hiện tại thì biết nhân ở quá khứ, hiện tại và vị lai.

Ví dụ 1: Thấy quả hiện tại của một người đang giàu sang thì biết nhân quá khứ là người này thường hay bố thí.

Ví dụ 2: Thấy quả hiện tại một người đang nghèo đói thì biết nhân quá khứ là người này bỏn xẻn ích kỷ, không bố thí.

Ví dụ 3: Thấy nhân hiện tại của một người đang bố thí thì biết quả vị lai là người này sẽ giàu sang.

Ví dụ 4: Thấy nhân hiện tại một người đang sống ích kỷ, bỏn xẻn không dám bố thí thì biết quả vị lai là người này sẽ nghèo đói.

Ví dụ 5: Thấy quả hiện tại một người đang nghèo đói thì biết nhân hiện tại là người này bỏn xẻn ích kỷ.

Cho nên nhân quả không thể che đậy, dối trá người khác được. Thấy nhân biết quả, thấy quả biết nhân.

Luật nhân quả không vị tình một ai cả, luôn luôn phân xử công minh, nó thuộc về tòa án lương tâm nên không có một hành động ác nào mà che dấu được.


1 Ý hành: sự tư duy, suy nghĩ, sự hoạt động của ý, sự làm việc của ý, sự quán xét trong tâm.