Skip directly to content

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA PHẬT TỬ HÀ NỘI

Tâm Thư Ngày 25-7-2009

Câu hỏi của Tuyết Đào: Kính bạch Trưởng Lão, xin Người chỉ cho con pháp môn phù hợp với đặc tướng của con. Hơi thở của con thường gián đoạn (Con bị bệnh viêm xoang sàn đã 19 năm nay). Nó chỉ “mềm mỏng, điều hòa” khi con bắt chéo chân ngồi lặng yên một góc nào đó. Da của con xanh tái vì sự chuyển hóa không tốt của máu.

Đáp: Kính gửi Tuyết Đào. Con hãy tu tập nhiếp tâm trong cánh tay đưa ra, đưa vào trong 1 giờ, nhưng muốn đạt được 1 giờ, thì phải bắt đầu tu tập từ 5 phút, rồi tăng dần lên 10 phút, rồi tăng lên 15 phút, rồi tăng lên 20 phút, rồi 25 phút, rồi 30, 40, 50 phút rồi 1 giờ. Nhớ lưu ý khi tu tập như vậy không được để căng đầu, nặng đầu.

Khi nhiếp tâm trong cánh tay đưa ra đưa vào như vậy, thì bệnh viêm xoang sẽ bị đẩy lui, và tất cả những bệnh khác cũng được diệt trừ tận gốc.

Quan trọng là ở chỗ nhiếp tâm, nếu nhiếp tâm trong cánh tay đúng pháp thì thân tâm thoái mái dễ chịu, còn nhiếp tâm sai pháp thì có trạng thái cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Bởi tu tập là làm một việc lợi ích cho bản thân của mình rất lớn, cho nên phải có sự công phu tập luyện hết sức, chớ không phải tu tập lơ mơ mà có được những điều lợi ích lớn đó.

Nhiếp tâm, hai chữ nghe đơn giản, nhưng không đơn giản đâu quý vị ạ! Ngay từ phút đầu tiên là phải tu tập đúng pháp; cánh tay đưa ra, đưa vô phải nhịp nhàng và nhẹ nhàng, chớ không thể lúc đưa ra đưa vô như thế này, lúc lại đưa ra đưa vô như thế khác.

Nhiếp tâm có nghĩa là làm sao cho tâm chỉ còn biết duy nhất có cánh tay đưa ra đưa vô, mà không còn biết phân biệt cái gì khác nữa xảy ra bên ngoài. Trong khi nhiếp tâm dù có người đi ngang qua, dù có âm thanh tác động vào tai, nhưng tuy vẫn thấy, nghe nhưng tâm vẫn chăm chú vào cánh tay đưa ra, đưa vào không được mất.

Khi nhiếp tâm được như vậy, thì máu trong thân con sẽ lưu thông điều hòa, làm cho cơ thể con thoái mái dễ chịu, nhờ đó mà bệnh tật đều được đẩy lui ra khỏi thân.

✿✿✿

Câu hỏi của Tâm Thiện: Kính thưa Thầy, thời gian đầu con có tập đi kinh hành chánh niệm tĩnh giác, 20 bước dừng lại tác ý một lần. Con đi và cảm nhận được chân dẫm vào gạch, lên chiếu như thế nào. Tuy nhiên, con cũng bị chú ý vào hơi thở để giữ cho hơi thở đều theo nhịp. Lúc căng đầu, căng mặt thì con xả bỏ, đi quanh nhìn lên, xuống và không tập trung nữa, bớt căng, con lại đi tiếp.

Trong thời gian này, khi đi xe con cũng thường tác ý, đồng thời chú ý vào hơi thở giữ cho đều. Cho đến khi con cảm thấy hơi thở không được tự nhiên. Sáng thức dậy có ý nghĩ là hơi thở bị ngưng trệ, con phải để ý hít ra, hít vô, không thì thiếu dưỡng khí. Đôi khi, con phải rướn người hít thở sâu để bớt cảm giác căng trán, nặng mặt, khó chịu dọc sống mũi. Con nghĩ con bị ức chế hơi thở nên con không tập đi kinh hành nữa, con xả bỏ và chỉ đọc sách thôi.

Thời gian này con đang tự nghĩ là tu tập Giới và đọc thêm sách của Thầy (Tuy vậy con vẫn chưa giữ được Giới Đức Minh Mẫn Thầy ạ. Con vẫn ngồi tiếp bia cùng anh em chỗ con làm).

Do bị ức chế hơi thở (rối loạn) nên con hay có cảm giác buồn ngủ (có thể do bị thiếu Oxy lên não), đôi khi có cảm giác buồn chán không đâu, không cảm thấy tha thiết với nhiều thứ.

Hôm nay, được anh Thiện Thành khuyên con viết thư vào trình Thầy để Thầy chỉ dạy pháp hành. Con tự nghĩ: con chưa đọc được nhiều, chưa tập được pháp, chưa có đủ duyên để vào tu viện xin Thầy ban pháp tu phù hợp với đặc tướng của con, nên con không dám làm mất thời gian của Thầy. Nhưng nay đã qua hơn 3 tháng xả bỏ không tập nữa, mà con vẫn bị ức chế hơi thở, nên con viết thư này, Kính mong Thầy từ bi chỉ rõ cho con pháp hành, phá bỏ trạng thái đó và ban cho con pháp tu phù hợp với đặc tướng của con. Con xin chân thành tri ân Thầy.

Đáp: Kính gửi Tâm Thiện. Tu tập sai thì sửa lại không có gì lo ngại. Khi nào thấy hơi thở ra vô không bình thường, khó chịu thì con nên tác ý: “Hơi thở phải thở ra vô bình thường”. Khi tác ý xong, con liền hít thở ra vô một hơi thở dài rồi thở lại bình thường, nên lưu ý chỉ thở một hơi thở ra và một hơi thở vô dài mà thôi, không được thở hai, ba hơi thở dài liên tục.

Nếu thấy hơi thở bình thường thì thôi, mà hơi thở ra vô không bình thường thì nên tác ý lại câu trên.

Khi tu tập TĨNH GIÁC có hiện tượng đầu căng thì nên tu tập ít lại. Ví dụ, tu tập 30 phút bị căng đầu thì nên tu tập chừng 20 phút, hoặc 15 phút mà thôi. Con lưu ý trong khi tu tập cũng như khi xả ra, thân tâm bình thường là tu tập đúng pháp, còn có một trạng thái nào xảy ra trên thân là đều tu tập sai pháp, cần phải dừng lại, không nên tu tập nữa.

Khi đang tu tập hay khi xả ra mà tâm luôn luôn còn thích tu, là tu tập đúng pháp, còn xả ra mà thấy mệt nhọc lừ đừ là tu sai pháp, nên dừng lại.

Nhiếp tâm trong hơi thở dễ bị rối loạn hô hấp, vậy các con NÊN TU TẬP VỚI CÁNH TAY ĐƯA RA ĐƯA VÀO, thì không sợ rối loạn hơi thở.

Ở đây các con nên lưu ý, nhiếp tâm là mục đích tập TỈNH THỨC, nó chỉ là pháp trợ đạo cho pháp xả tâm, chớ không phải là pháp xả tâm. Pháp môn tu chính của con là pháp XẢ TÂM,LY DỤC LY BẤT THIỆN PHÁP. Cho nên, hằng ngày chỉ cần tu tập xả tâm để tâm được bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Thăm và chúc các con tu tập xả tâm tốt.

Kính ghi

Thầy của các con

✿✿✿