Skip directly to content

NHÂN QUẢ GIA ĐÌNH

Tâm Thư Ngày 17-11-2008

Kính gửi: Liên Tâm. Vợ chồng, con cái là nợ nhân quả nhau trong tiền kiếp, nên kiếp này phải gặp nhau để trả quả, để đòi nợ nhau. Cớ sao các con lại không thấy nhân quả mà cho đó là chồng, là vợ, là con của các con. Nếu là chồng, là vợ, là con của các con sao họ lại đối xử với các con quá tệ bạc, quá bạo lực: đánh các con, chửi mắng các con thậm tệ, v.v...

Các con có thấy chăng, biết bao gia đình trong xã hội này, có gia đình nào không xung đột, không cãi cọ, không mắng chửi nhau? Họ còn dùng những lời lẽ thô tục, kém văn hóa mạt sát nhau như những người thù địch. Họ lại còn đánh đập nhau, gây thương tích, để lại một vết thương tinh thần khó quên. Trong khi đó họ là chồng, là vợ, là con, là những người thân thương cùng sống chung nhau trong một mái nhà, cùng nhau chia vui xẻ buồn khi trở trời trái tiết; cùng nhau chia cay xẻ đắng khi bệnh tật tai nạn; lúc nào đều cũng có bên nhau. Thế sao họ lại đối xử với nhau như vậy, thật là cay đắng trăm phần. Phải không hỡi các con?

Chính vì các con đang mê mờ, mù ám không thấy biết nhân quả trong ba thời gian: quá khứ, vị lai và hiện tại. Do không thấy biết nhân quả nên không sợ nhân quả quá khứ, không sợ nhân quả hiện tại và không sợ nhân quả tương lai, nên tạo cảnh bất an cho mình, cho người và cho cả hai. Bởi vậy, kiếp trước vay như thế nào thì kiếp này phải trả như thế nấy. Không ai tránh khỏi quy luật nhân quả này.

Đường đi của nhân quả thì có ba nơi trên thân người; nó luôn ở đó để thực hiện vay trả, trả vay từ kiếp này sang kiếp khác. Ba nơi này gồm có:

1- Ý hành:là bộ tham mưu của nhân quả. Nó tính toán tư duy theo tưởng tri nên tạo ra muôn ngàn nhân, khi nhân đã tạo ra thì ngay đó liền có quả. Đó là nhân hiện tại, quả hiện tại. Nhưng cũng có khi nhân hiện tại mà quả tương lai. Thường con người sinh ra trên cuộc đời này đều do nhân quả quá khứ, đó là nhân quá khứ mà quả hiện tại. Vì nhân quá khứ, quả hiện tại nên mới thọ lấy thân người; thọ lấy thân người nên mới trả quả khổ đau vô cùng, vô tận. Nhưng con người đâu biết tất cả các pháp đều là nhân quả, nên cứ đam mê ham thích những cái gì trên đời này, cho nó là thật có, là ta, là của ta. Vì lầm chấp như vậy, nên con người đã tạo ra biết bao nhân mới để rồi phải gặt lấy biết bao quả khổ đau.

2- Khẩu hành:là nơi xuất phát ra hành động ngôn ngữ do ý hành chỉ đạo để tạo ra nhân quả thiện hay ác. Người trên đời này khổ đau vì khẩu hành không sao kể hết. Nếu không mở miệng ra thì thôi, mà khi đã mở miệng ra là có việc, không việc này thì việc khác; việc vui cũng có, nhưng việc buồn không sao kể siết. Do nhân quả như vậy, chúng ta làm người phải cẩn thận khẩu hành, khi nói ra phải toàn lời nói thiện thì mới mong thoát khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc đời này.

3- Thân hành:là nơi xuất phát ra những hành động nhân quả tay, chân do ý hành chỉ huy để tạo ra nhân quả thiện, ác. Cho nên hãy cẩn thận, lúc nào cũng tĩnh giác, khi làm một điều gì thì nên tránh không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Người tu sĩ Phật giáo, những oai nghi chánh hạnh đi, đứng, nằm, ngồi phải nhẹ nhàng êm ái, không vội vàng, không hấp tấp, thường khoan thai, ôn tồn, êm dịu đối xử với mọi người, mọi vật như nhau.

Do từ ba nơi này mà nhân quả theo đó điều khiển con người trả vay, vay trả mãi mãi từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt. Cho nên, các con hãy cẩn thận lời nói, hãy cẩn thận hành động tay, chân. Khi nói ra coi chừng trả quả khổ đau; khi nói ra coi chừng nhân không lành. Về tay, chân cũng vậy. Vì thế, đức Phật dạy: “Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp”.

Khi trả quả, các con hãy vui vẻ chấp nhận nhân quả, thì có việc gì làm cho các con buồn lo được. Phải không hỡi các con?

Các con có biết không, họ là chồng, là vợ, là con của biết bao nhiêu người khác, chứ đâu phải của riêng các con mà các con ghen tuông nói thế này, nói thế khác; các con lại còn muốn chiếm hữu. Làm sao chiếm hữu được, khi các con đang sống trong quy luật của nhân quả. Có vay phải có trả; vay đâu thì trả đó. Cho nên, mọi sự việc trên đời này xảy ra đều theo nghiệp nhân quả, thế sao các con không hiểu, mà khư khư chấp có, chấp không để rồi lại buồn rầu than khóc khổ đau. Cái gì làm cho các con đau khổ? Chính các con không hiểu nhân quả nên cuộc đời các con mới khổ đau không bao giờ dứt.

Hãy cứu mình ra khỏi biển khổ; không ai cứu các con bằng chính các con, như đức Phật đã dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đời toàn là nhân quả khổ đau; có vật gì trên đời này đáng cho các con tiếc rẻ. Phải không hỡi các con?

Tất cả các pháp trên đời này đều vô thường; có pháp nào vĩnh viễn thường hằng đâu. Có pháp nào là của các con; có pháp nào là bản ngã của các con đâu. Rồi đây, ngày mai các con chết thì chồng hay vợ và các con của các con có còn là chồng, là vợ, là con của các con nữa đâu. Các con chết đi có mang theo họ được không? Hay chỉ chết một mình... Ôi! Thật là đau thương!

Nhân quả! Nhân quả! Sao người công bằng đến đỗi không còn ai tránh né trốn chạy người được. Tạo nhân nào thì phải gặt quả nấy; các con hãy cẩn thận, trước khi nói hay làm phải suy nghĩ cho thật kỹ rồi mới nói, mới làm, đừng vội vàng nói ra hay làm hấp tấp rồi sẽ gặt lấy quả mình khổ, người khác khổ hoặc cả hai cùng khổ. Đó là hành động nhân quả ác thiếu suy nghĩ chín chắn, thiếu cảnh giác và cẩn thận trong lời nói hay trong hành động làm. Nếu các con bình tĩnh, cẩn thận, dè dặt suy tư chín chắn trước khi nói hay trước khi làm, thì sẽ mang lại sự an vui cho mình, cho người hoặc cho cả hai, thì đó là các con thực hiện nhân quả thiện mà tránh được nhân quả ác.

Chỉ vì con người không sợ nhân quả nên nói và làm không cân nhắc kỹ lưỡng, vì thế nên luôn luôn làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thật đáng trách.

Cuối cùng, chúc các con vượt qua nghiệp lực và làm chủ nhân quả, đừng để nhân quả làm chủ các con.

Kính thư

Thầy của các con

✿✿✿