Skip directly to content

LỘ TRÌNH TU HỌC BỐN CHÂN LÝ

Tâm Thư Ngày 15-10-2007

Kính gửi: Các con thương mến! Hỡi các con thương mến! Hôm nay Tu Viện Chơn Như đã tổ chức thành những lớp học giới luật đức hạnh, chứ không còn là nơi để các con nhập thất tu thiền định như ngày xưa nữa. Tại sao vậy?

Hầu hết các con vào Tu Viện Chơn Như, chưa có người nào giới luật nghiêm chỉnh, nhất là giới đức, giới hạnh các con lại càng không thông hiểu, vì thế tâm các con còn đầy ắp lòng tham, sân, si, mạn, nghi. Do lòng đầy ắp tham, sân, si, mạn, nghi mà muốn nhập thất tu thiền định, thì thiền định đó là thiền định gì? Các con có biết không?

Thiền định bỏ giới luật, không tu tập, chỉ biết nhập thất tu tập theo pháp môn ức chế tâm khiến cho tâm không khởi niệm vọng tưởng, rồi cho trạng thái tâm như vậy là thiền định. Điều hiểu đó rất sai, thiền định như vậy không phải là thiền định, mà đó là thiền tưởng của người không biết thiền định. Thiền định đó là thiền định trong kinh sách của Đại thừa, của Thiền tông, của Tịnh Độ Tông, của các sư Nam Tông kiến giải pháp môn Tứ Niệm Xứ, v.v... Bởi tu tập thiền như vậy, mà từ xưa đến nay chẳng có ai chứng quả A La Hán, làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Một thời gian dài hơn 25 năm, Tu Viện Chơn Như tiếp nhận mọi tu sĩ từ các hệ phái khác nhau của Phật giáo, trong khi đó có cả quý cha bên Công Giáo, quý linh mục bên Tin Lành đến nghiên cứu tu tập thiền định. Mọi người ai đến đây cũng mong tu tập thiền định, nhập các tầng định cao hơn để làm chủ sự sống chết. Nhưng xét cho cùng, tất cả tu sĩ và cư sĩ về đây tu tập, chẳng có ai biết tu tập thiền định ra sao cả. Họ nghiên cứu kinh sách thiền rất nhiều, nhưng xét cho cùng, họ chỉ là những người mò kim đáy biển.

Phải xác định rằng: không có một người nào hiểu biết phương pháp thực hành thiền định của Phật giáo (Tứ Thánh Định), bắt đầu tu tập như thế nào? tu tập pháp nào trước, tu tập pháp nào sau? phải tu tập như thế nào đúng, như thế nào sai? tu tập rèn luyện cái gì?

Bao nhiêu câu hỏi như vậy, chưa có ai trả lời đúng. Trăm người như một, họ chỉ biết ngồi thiền ức chế tâm, làm cho tâm hết vọng tưởng. Họ nghĩ rằng khi tu tập hết vọng tưởng là nhập định tại đó. Thật đáng thương, họ là những người mù đang lạc vào rừng rậm, không biết đường ra. Những điều họ hiểu về thiền định hiện nay là những điều nghĩ tưởng sai lầm của những người xưa cho đến những người ngày nay họ cũng theo lối mòn hiểu biết như vậy, họ không thể hiểu khác hơn nữa được. Vì thế ngày nay không có ai tu chứng thiền định và thực hiện Tam Minh, Tứ Thần Túc.

Thiền định của Phật giáo không phải là thiền định ức chế tâm, nó là một loại thiền định do giới luật đức hạnh làm nền tảng căn bản xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Do sự tu tập thiền định xả tâm như vậy ít có ai ngờ tới được. Phải không các con?

Đối với Phật giáo, muốn tu tập thiền định, bắt đầu phải tu học giới luật đức hạnh, nhờ giới luật đức hạnh nên tâm xả sạch lòng tham, sân, si, mạn, nghi. Khi tâm xả sạch lòng tham, sân, si, mạn, nghi, thì tâm thanh tịnh, bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì tâm mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chưa phải là thiền định. Từ chỗ tâm thanh tịnh đó, mới làm cơ sở cho những người tu tập thiền định. Tu tập thiền định như vậy mới là tu tập đúng thiền định của Phật giáo. Còn ngược lại, tâm chưa thanh tịnh mà tu tập thiền định, thì đó là những người không hiểu biết về thiền định. Họ đang tu mù, tu theo kiến tưởng giải của kinh sách tưởng, của những người tu chưa chứng đạo. Nếu cứ theo kinh sách như vậy tu hành thì chỉ uổng phí một đời tu mà thôi.

Cho nên tâm chưa thanh tịnh mà tu tập thiền định, đó là tu tập thiền định ngoại đạo. Người nào muốn nhập TỨ THÁNH ĐỊNHvà thực hiện TAM MINHthì phải nương vào chỗ tâm thanh tịnh mới bắt đầu tu tập TỨ THẦN TÚC. Muốn tu tập Tứ Thần Túc, tức là tu tập BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI. Do tu tập Tứ Thần Túc mới nhập được các định, chứ không phải tu tập thiền định mà nhập thiền định. Tu tập thiền định mà nhập thiền định đó là những người không hiểu biết về thiền định của Phật giáo, là những người tu sai pháp.

Cho nên các con hãy ghi nhớ: khi nào có Tứ Thần Túc mới nhập được các định, còn chưa có Tứ Thần Túc, muốn nhập thiền định chỉ là giấc mơ.

Vì thế, các con nên lưu ý: tu tập TỨ THẦN TÚClà tu tập rèn luyện thần lực, chứ không phải tọa thiền ức chế tâm không niệm khởi. Tu tập Tứ Thần Túc là tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM. Chỉ có tu tập pháp môn Thân Hành Niệm mới đủ thần lực. Ngoài giới luật đức hạnh mà tu tập thiền định là tu tập tà thiền, tà định. Bởi vậy, người tu thiền định, giới luật đức hạnh ly dục ly ác pháp sống chưa trọn vẹn mà cứ ở trong thất tu thiền định thì đó là thiền tưởng của ngoại đạo các con nên nhớ.

Những người về đây tu tập chỉ có giữ gìn ba đức: ĂN,NGỦ,ĐỘC CƯ, và ba hạnh: NHẪN NHỤC,TÙY THUẬN,BẰNG LÒNG, vậy mà không có người nào sống đúng giới luật này; họ đều vi phạm, nhất là GIỚI ĐỨC ĐỘC CƯ, (giới phòng hộ sáu căn). Người tu thiền định mà không biết phòng hộ sáu căn, thì người ấy chưa biết tu thiền định.

Người tu thiền định thời nay thường không chú ý và quan trọng giới luật, họ xem thường giới luật, chỉ chú trọng hằng ngày ngồi kiết già lưng thẳng tu tập thiền định. Theo họ hiểu, tu tập thiền định là bằng mọi cách, mọi phương pháp tu tập như thế nào mà tâm không vọng tưởng. Cho nên, khi ngồi tu tập là họ tập trung tâm vào một đối tượng như hơi thở, câu niệm Phật hay câu tham thoại đầu, công án, hay theo phương pháp biết vọng liền buông, hoặc dùng tưởng chuyển hơi thở mà họ gọi là chuyển pháp luân. Họ tu tập như vậy là ức chế tâm để tâm không khởi niệm; tâm không khởi niệm, họ cho đó là nhập định. Khi tu tập nhập được TỨ THÁNH ĐỊNHbằng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC, thì Thầy biết ngay các loại thiền định trên chỉ viết trong kinh sách cho các nhà học giả nghiên cứu mất thì giờ chơi, chứ tu tập chẳng có kết quả giải thoát, chẳng có thiền định gì cả.

Ở đây, muốn tu tập thiền định đúng chánh pháp của Phật giáo, thì các con nên đọc kỹ lại bài pháp Món Ăn, trong các pháp như sau:

1/ Này các tỳ kheo! Cái gì là thức ăn cho MINHgiải thoát (Tam Minh)? BẢY GIÁC CHI, cần phải trả lời như vậy.

2/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho (Năng Lực) BẢY GIÁC CHI? BỐN NIỆM XỨ,cần phải trả lời như vậy.

3/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho BỐN NIỆM XỨ? BA THIỆN HẠNH, cần phải trả lời như vậy.

4/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho BA THIỆN HẠNH? CÁC CĂN ĐƯỢC CHẾ NGỰ, cần phải trả lời như vậy.

5/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho CÁC CĂN ĐƯỢC CHẾ NGỰ? CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC, cần phải trả lời như vậy.

6/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC? NHƯ LÝ TÁC Ý, cần phải trả lời như vậy.

7/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho NHƯ LÝ TÁC Ý? LÒNG TIN, cần phải trả lời như vậy.

8/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho LÒNG TIN? NGHE DIỆU PHÁP, (chân pháp của Phật), cần phải trả lời như vậy.

9/ Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho NGHE DIỆU PHÁP? THÂN CẬN VỚI BẬC CHÂN NHÂN(bậc tu chứng đạo), cần phải trả lời như vậy.

CHÚ GIẢI:

1/ Người tu sĩ muốn đạt được TAM MINHđể làm chủ SINH TỬvà chấm dứt LUÂN HỒI, thì phải tu tập BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI.

2/ Người tu sĩ muốn đạt được NĂNG LỰC BẢY GIÁC CHI, thì phải tu tập TỨ NIỆM XỨ.

3/ Người tu sĩ muốn đạt được TỨ NIỆM XỨ, thì phải tu tập BA THIỆN HẠNH. Ba Thiện Hạnh tức là ý hành thiện, khẩu hành thiện, thân hành thiện (Tứ Chánh Cần).

4/ Người tu sĩ muốn đạt được BA THIỆN HẠNH, thì phải tu tập CHẾ NGỰ CÁC CĂN.

5/ Người tu sĩ muốn CHẾ NGỰ ĐƯỢC CÁC CĂN, thì phải tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC.

6/ Người tu sĩ muốn đạt được CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, thì phải tu tập NHƯ LÝ TÁC Ý.

7/ Người tu sĩ muốn đạt được pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý, thì phải có LÒNG TIN.

8/ Người tu sĩ muốn có LÒNG TIN, thì phải được NGHE CHÂN PHÁP CỦA PHẬT.

9/ Người tu sĩ muốn được NGHE CHÂN PHÁP CỦA PHẬT, thì phải THÂN CẬN BẬC TU CHỨNG ĐẠO, đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

Đọc xong bài pháp trên đây, các con thấy rất rõ cách thức tu tập bắt đầu khởi sự bằng cách chọn MỘT BẬC THẦY TU CHỨNG QUẢ GIẢI THOÁT. Khi đã chọn xong bậc tu chứng, vị thầy ấy sẽ khai ngộ cho các con hiểu biết BỐN CHÂN LÝcủa con người. Bốn chân lý ấy chắc các con đều biết, đó là KHỔ ĐẾ,TẬP ĐẾ,DIỆT ĐẾ,ĐẠO ĐẾ.

Chân lý thứ nhất: Khổ đế là gì?

Khổ đế có nghĩa là sự đau khổ. Con người sinh ra không ai là không đau khổ, không đau khổ điều này thì đau khổ điều khác. Vì thế, khổ là một sự thật của loài người, cho nên không ai dám phủ nhận khổ là sai, là không đúng. Trong đạo Phật khổ đế là một sự thật thứ nhất của con người.

Chân lý thứ hai: Tập đế là gì?

Tập đế có nghĩa là nơi tập họp mọi sự khổ đau tức là nguyên nhân sinh ra mọi sự khổ đau. Nguyên nhân sinh ra mọi sự khổ đau của con người là LÒNG HAM MUỐN. Con người sinh ra không ai là không có lòng tham muốn.

Chân lý thứ ba: Diệt đế là gì?

Diệt đế là một trạng thái tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, có nghĩa là tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa là tâm thanh thản an lạc và vô sự, một trạng thái bất sinh bất diệt, một trạng thái Niết bàn. Người sống mà đạt được trạng thái này là đang ở Niết bàn, đến khi chết cũng ở trong trạng thái này. Nơi đó vĩnh viễn không còn tái sinh luân hồi nữa.

Chân lý thứ tư: Đạo đế là gì?

Đạo đế là một chương trình giáo dục đào tạo giới luật đức hạnh và thiền định của Phật giáo giúp cho mọi người sống có đạo đức không làm khổ mình khổ người và làm chủ sự sống chết. Chương trình giáo dục ấy có 8 lớp học; sáu lớp đầu tiên dạy về CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁCthuộc giới luật đức hạnh; lớp thứ bảy dạy về CHÁNH NIỆM TỈNH THỨCthuộc về Tứ Niệm Xứ tu tập rèn luyện BẢY NĂNG GIÁC CHI(Tứ Thần Túc).

Khi đã tu tập có BỐN THẦN TÚC, thì bắt đầu tu học lớp thứ tám, tức là lớp TỨ THÁNH ĐỊNH. Khi nhập định thứ tư, ở nơi trạng thái này, hành giả thực hiện TAM MINH. Như vậy, con đường tu hành theo ĐẠO ĐẾđến đây là xong, tức là đã chứng quả A La Hán.

Như vậy, các con tu hành không lạc đường vì theo đúng lộ trình bốn chân lý, nhất là đạo đế. Các con tu học từ lớp thấp CHÁNH KIẾN... đến lớp cao CHÁNH ĐỊNH. Vả lại, các con còn dựa vào bài kinh các Món Ăn mà tu tập, như người đi biển có la bàn, người đi vào thành phố có bản đồ, thì làm sao lạc đường được. Phải không các con?

Từ bắt đầu chọn một vị thầy tu chứng khai ngộ BỐN CHÂN LÝđến thực hiện TAM MINH, như vậy các con làm sao tu hành sai pháp của Phật được. Cho nên, điều quan trọng hiện nay là các con nên đọc bức tâm thư này cho thật kỹ, để sự tu hành của các con không còn sợ sai lệch vào thiền của ngoại đạo.

Cuối thư, Thầy có lời thăm và chúc các con xả tâm tốt, để lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

Kính thư

Thầy của các con

✿✿✿