So sánh Chánh Định và Tà Định
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, để so sánh hai thứ định: Định của đạo Phật và định tưởng của ngoại đạo.
1. Định trời sét không giật mình, định của đức Phật (Nhị Thiền).
2. Định tiếng động 500 cỗ xe bò đi ngang qua, định của Ngoại đạo, định tưởng.
Ở đây không phải chúng ta so sánh hai tiếng động lớn nhỏ mà so sánh ở trạng thái giật mình và ở mục đích giải thoát của định trời sét không giật mình dù quí vị có đánh bể đồng loa thì cũng không xuất định. Trời sét không giật mình tức là định đã diệt sáu thức cho nên cảm thọ không còn có, vì thế gọi là xả thọ. Xả thọ tức là diệt ái như chúng tôi đã nói ở trên, diệt ái tức là phải có định mà định ở đây thì phải bắt từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền, Tứ Thiền là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ, hay làm chủ thọ nên không còn giật mình.
Định Tứ Thiền là định xả thọ, còn định phá âm thanh là định Nhị Thiền, khi diệt tầm tứ thì sáu thức dừng nghỉ không hoạt động nên tai không còn nghe âm thanh dù âm thanh có to như tiếng sét cũng không nghe vì đã diệt Tầm Tứ. Thiền định tưởng, dù định cao nhất của nó như định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định cũng còn giật mình, trừ Diệt Thọ Tưởng Định thì âm thanh sắc tướng đều bị diệt cả.
Cho nên các thiền sư nhập định tiếng đồng loa, tiếng chuông lắc vẫn đánh thức họ trong lúc nhập định. Thiền sư Hám Sơn lắc chuông tĩnh lại, Thiền sư nhập 1000 năm dùng đồng loa đánh xuất định đều là những định chưa diệt tầm tứ, chưa xả thọ, nên chưa làm chủ thân, tâm, chưa chấm dứt tái sanh luân hồi. Phần nhiều các thiền sư nhập vào định này đều còn tưởng dục.
Chúng tôi xin lưu ý quí vị một lần nữa, còn tưởng dục tức là còn mộng mị chiêm bao. Tất cả thiền sư Đông độ còn chiêm bao mộng mị.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, thiền định nào để lại nhục thân được?
- Thiền định nào cũng để lại nhục thân được, nhưng các loại định tưởng thì phải nhập những định cao hơn Không Vô Biên Xứ và Thức Vô Biên Xứ.
Để lại nhục thân không phải mục đích của đạo Phật, nên đức Phật và các đệ tử của Ngài không có để lại, vì để lại nhục thân còn có mục đích cầu danh trong đó và đó cũng là một lối lừa đảo người đời sau.
Kính thưa quí vị, những điều chúng tôi đã phân giải ra đây là những điều chúng tôi đã trực tiếp trong cuộc đời tu hành của chúng tôi. Chúng tôi đã thấu suốt rất rõ ràng từ đời sống tu sĩ, cư sĩ và đến các pháp môn, như thế nào đúng, như thế nào sai. Chúng tôi nói ra đây để Thầy chúng tôi và cũng như quí vị Tăng, Ni, Phật tử hiểu rõ Phật pháp để trở về đúng với con đường tu hành của đạo Phật. Chúng tôi không có ý xấu xa bài bác mọi con đường, mọi pháp môn tu hành của quí vị, của Thầy chúng tôi. Chúng tôi nói ra những điều này là vì chúng tôi đã hiểu rất rõ ràng mọi pháp môn, mọi con đường tu hành từ Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông, Thiền Đông Độ đến kinh sách phát triển và Nam Tông, thiền Minh Sát v.v... Chúng tôi không nỡ tâm, cứ ngồi nhìn quí vị tu hành ngày tháng qua mau, sanh tử gần kề; chúng tôi cũng không thể chịu được nữa. Phải nói! Nói ra dù có tan xương nát thịt; nói ra dù chúng tôi có như thế nào, chúng tôi cũng đành cam chịu. Nói để Thầy chúng tôi chấn hưng lại Thiền Tông Việt Nam, làm sáng tỏ Thiền Tông Việt Nam, mà không theo lối mòn của thiền phá giới và sống một đời sống phi phạm hạnh.
Nếu Thiền Tông Việt Nam sẽ phục hưng với nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và không làm khổ tất cả các loài chúng sanh, thì ích lợi thiết thực cho loài người nói chung, cho dân tộc Việt Nam nói riêng, và thiền đức này sẽ sống mãi muôn đời trên thế gian này.
Kính thưa quí vị, khi chúng tôi nói ra điều này thì quí vị khó mà được gặp chúng tôi nữa.
Tại sao? Chúng tôi nói ra vì Phật Pháp, vì sự tồn vong của Phật Pháp chứ không phải nói ra vì danh, vì lợi, vì tranh hơn thua cao thấp với quí vị, với Thầy chúng tôi. Chúng tôi đã xả bỏ hết danh lợi của cuộc đời, cho nên chúng tôi chẳng quản quí vị biết đến chúng tôi. Biết đến chúng tôi để làm gì? Chúng tôi sẽ ẩn bóng, để Thầy và huynh đệ chúng tôi hướng dẫn quí vị trên đường tu hành của đạo Phật. Tu Viện Chơn Như chúng tôi sẽ trao lại cho Cô Út Diệu Quang, khi cô nhập xong Tứ Thiền, cô sẽ đứng ra hướng dẫn các cháu con của những người cư sĩ quyết tâm theo cô tu hành. Tu viện này sẽ trở thành Tu Viện Nữ cư sĩ thì lúc bấy giờ chúng tôi sẽ không còn ở lại đây nữa, nếu cô vững vàng trên sự hướng dẫn. Còn cô chưa đủ khả năng thì chúng tôi chưa ra đi xa vội mà chờ có người tu chứng được chân lí.
Kính thưa quí vị, tại sao chúng tôi phải ẩn bóng bỏ các vị mà đi? Xin thưa cùng quí vị có hai điều kiện:
Thứ nhất khi chúng tôi còn ở lại, quí vị sẽ hiểu lầm chúng tôi là những người đem kinh nghiệm tu hành của mình đã đạt được ra tranh chấp hơn thua với quí vị và Thầy chúng tôi.
Thứ hai chúng tôi không muốn manh múm chia chẻ Phật Pháp thành nhiều đoàn thể, phe nhóm và nhiều tông phái khác nhau để làm tan nát ngôi nhà Phật giáo. Từ xưa đến nay Phật giáo bị tâm danh lợi của loài người đã chia rẽ Phật giáo tan nát. Phật giáo đã mang trên mình hơn 20 vết thương bộ phái, từ khi đức Phật nhập Niết Bàn. Bây giờ chúng ta không thể làm thêm một vết thương nữa. Xin quý vị thông cảm và hiểu cho.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, chúng tôi chỉ muốn những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi được trao lại cho một vị Thầy có đức độ, có uy tín, có giới luật với quí vị để vị Thầy ấy xây dựng lại ngôi nhà chánh pháp của đạo Phật. Theo chúng tôi tự nghĩ: những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi chỉ là những viên gạch nhỏ bé để chúng ta là những người con Phật phải xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo mà từ lâu vô tình chúng ta đã bị ảnh hưởng mọi chiều hướng của các giáo phái ngoại đạo và bị ảnh hưởng những phong tục tập quán của dân tộc các nước trên thế gian này, đã khiến cho tòa nhà đạo đức Phật giáo sụp đổ tan tành, chỉ còn lại những giáo pháp lai căng trừu tượng, ảo giác, siêu hình mang cái tên Phật giáo thật là đau xót vô cùng. Đây là một nỗi đau đớn, đứt từng khúc ruột, nhức nhối tận tâm can chung của những người con Phật.
Bây giờ chúng ta phải làm gì??? Hay cứ lấy mắt nhìn Phật giáo với những nỗi xót xa chết dần mòn trong tâm chúng ta!!!