Chỉ có người tu chứng mới thống nhất Phật Giáo
Hôm nay ngày 11 tháng 3 Âm lịch năm 1987 Thầy THÔNG LẠC lại về thăm Sư phụ.
Sư phụ đang ngồi trên võng nơi nhà mát phương trượng với vài ba Phật tử quen thuộc ngồi dưới nền. Thầy THÔNG LẠC đến xá chào và ngồi xuống bên phải gần Sư phụ. Các Phật tử đi theo Thầy cũng ngồi xuống chỗ thích hợp. Trong buổi nói chuyện này, anh ĐỔ ĐÌNH ĐỒNG đã trình nhiều ý kiến về Phật Giáo và Thiền Tông với Sư Phụ. Câu chuyện ban đầu đi dần đến kinh nghiệm tu hành. Thầy THÔNG LẠC thưa:
Thưa thầy, theo kinh nghiệm của con Người tu thiền phải xả bỏ tận gốc các kiến giải, tưởng giải vì sự hiểu biết đó chỉ là hiểu biết ảo tưởng, chứ không phải sự hiểu biết của tri kiến giải thoát. Như ngày trước con tu, không xem kinh sách gì, đến khi con lên trình Thầy. Thầy hỏi là con bèn đáp theo TRI KIẾN TRỰC GIÁC, chứ không do ý thức suy nghĩ phàm phu.
Hòa Thượng THANH TỪ bảo:
- Không phải thức như thế này. Có hai loại trí:
- Một là TRÍ HỮU SƯ.
- Hai là TRÍ VÔ SƯ.
Trí hữu sư DO HỌC, còn trí vô sư do TÂM THANH TỊNH. Trí vô sư này mới chống lại với giặc sanh tử được, còn trí hữu sư thì không chống được. Trí tuệ là cái chính yếu để phá trừ vô minh được giải thoát. Ngày xưa các Tỳ Kheo dù nhập định đến 7, 8 ngày mà chưa thấy lý Tứ Đế vẫn không chứng A LA HÁN, vì trí hữu sư vẫn là phàm phu trí.
Sau đó sư phụ lại đề cập đến vấn đề NGUYÊN THỦY và ĐẠI THỪA đang là điều chú ý hiện nay. Thầy bảo cũng là đạo Phật mà hai bên đi hai đường dường như trái hẳn nhau; không thông cảm, không thống nhất gì được. Anh ĐỔ ĐÌNH ĐỒNG tỏ vẻ bi quan về việc thống nhất dung hợp NGUYÊN THỦY và ĐẠI THỪA là điều quá khó khăn xưa nay không ai nghĩ tới. Thầy THÔNG LẠC thưa:
- Thưa Thầy, theo con thấy mình cứ biểu hiện bằng sự tu chứng của mình. Họ thấy được điều đó rồi theo mình là tự nhiên thống nhất.
Sư phụ bảo:
- Được mấy người tu chứng, và bao lâu mới tu chứng. Dĩ nhiên điều này là hay nhưng đòi hỏi thời gian. Trong khi vấn đề hiện nay cấp bách là phải giải quyết liền. Có ba yếu tố có thể giúp cho sự thống nhất:
- Một là biểu hiện qua sự tu hành chân chánh của mình. Điều này đòi hỏi bên Đại Thừa phải trong sáng, không để xen lẫn những hình thức mê tín, dị đoan trái tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật, phải có những người tu hành có kết quả rõ rệt; phải giữ gìn giới luật nghiêm túc; phải sợ hãi những lỗi lầm nhỏ nhặt trong giới luật.
- Hai là Giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa phải được dẹp bỏ những kiến giải tưởng giải làm sai lệch ý Phật. Nhất là kinh sách Đại Thừa xây dựng thế giới siêu hình ảo tưởng, tạo thành một tôn giáo thần quyền, chuyên cúng bái cầu siêu, cầu an tạo ra nhiều sự mê tín dị đoan lạc hậu khiến Phật tử mất hết sức tự lực chỉ còn tha lực cầu cạnh quỷ thần. Những tư tưởng sai lệch của Đại Thừa như vậy cần phải dẹp bỏ thì mới có thể hòa hợp với Nguyên Thủy Nam Tông.
- Ba là nghi thức: Mình là người VIỆT NAM. Phật giáo là PHẬT GIÁO VIỆT NAM mà bên thì tụng kinh bằng tiếng Pàli bên thì tụng bằng tiếng Hán, người VIỆT NAM nghe không hiểu gì hết.
Ngừng một chút Sư phụ tiếp:
- Nội cái việc hai tạng kinh không đồng nhau là đã rắc rối rồi. Hoà Thượng MINH CHÂU chỉ nhận tạng kinh Pàli là đạo Phật, còn cho kinh điển Đại Thừa là ngoại đạo. Hòa Thượng TRÍ TỊNH thì bảo ai không nhận kinh điển Đại thừa kẻ đó là ngoại đạo. Hai ông Hòa Thượng lớn của giáo hội còn chưa thông cảm nhau, huống hồ người dưới.
Không thể nào giáo lý Đại Thừa và Nguyên Thủy không trái nhau, hai giáo lý này nghĩa lý cách xa nhau như một trời một vực, vì thế không thể thống nhất giáo lý được, mà thống nhất giáo lý không được thì làm sao thống nhất hai hệ phái lớn này được, Hai hệ phái lớn không thống nhất được thì các chi phái nhỏ nhánh khác thì dễ dàng gì thống nhất họ được.
Anh ĐỔ ĐÌNH ĐỒNG vui vẻ thưa:
- Con thấy việc làm này rất khó, chỉ có những người tu chứng mới làm nổi như ý Thầy THÔNG LẠC.
Thầy THÔNG LẠC cũng đồng ý: Đây chỉ còn là cách duy nhất mà thôi.
Sư phụ bảo: “Tôi chỉ gợi ý thôi, còn để cho mấy chú sau này làm”.
Nói xong Sư phụ quay nhìn những đệ tử trẻ chúng tôi ngồi gần đấy.
Đã đến giờ ngọ trai, trước khi lui ra Thầy THÔNG LẠC thưa:
- Con muốn thưa chuyện riêng với Thầy, nếu được Thầy cho phép, con gặp Thầy vào buổi chiều.
- Ờ, hai ba giờ chiều rồi tới.
·