Skip directly to content

Tâm vô tâm

Kính thưa quí vị, chúng tôi xin chép ra đây một đoạn trong Thiền Luận của Đại Đức Suzuki: “Thấy tâm không thật thì tâm dứt, quên trâu tranh 7 vong ngưu tồn nhân, thấy người không thật thì người quên nốt tranh 8: nhân ngưu câu vong. Biết cái tâm không tâm, ấy là hiểu suốt Đạo Phật” (Thiền luận tập thượng trang 616). Nghe qua những lời dạy này quí vị có biết cách tu hay không? Hay chỉ cần thấy tâm không thật, người không thật là vọng tưởng hết là chẳng nghĩ thiện nghĩ ác. Nói được, không thể làm được. Phải không quí vị? Tri hành không hợp nhất. “Người và trâu đều quên thì từ lòng đất dũng mãnh vọt lên mặt trời tuệ, tượng trưng bằng cái vòng tròn viên giác, tranh 8, đó là tâm vô tâm” (Thiền luận tập thượng trang 616).

Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, đến tranh 8 Thập mục ngưu đồ xác định người trâu đều quên mất, mới cho đó là tâm vô tâm. Còn kinh phát triển và Thiền Đông Độ trâu mất mà thằng chăn trâu còn, gọi là vô phân biệt, qua sông quên mặc quần áo, sai lấy cái thùng mang cái rổ, chỗ này không phải là vô tâm. Ở chỗ thập mục ngưu đồ tranh 8 mới là chỗ tâm vô tâm. Chỗ này mới gọi là năng sở không còn. Thầy chúng tôi dạy năng sở không còn là vô tâm hay là tranh số 8. Thập mục ngưu đồ cho chỗ vô tâm là chưa viên mãn nên bảo vô tâm còn cách một lớp rào, vì thế phải tiếp tục tu hành tiến tới tranh 9, tranh 10.

Kính thưa quí vị, cái vòng tròn tượng trưng cho trí tuệ từ trong lòng đất người trâu đều quên sanh ra, Thập mục ngưu đồ Thiền Tông không xác định được người trâu đều quên ở mức độ nào mà trí tuệ phát sáng. Hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không cũng có trạng thái người trâu đều quên, rồi cũng từ trong đó có trí tuệ phát sáng, cũng ngộ những công án, cũng thông suốt các lý luận của Thiền Tông và các kinh sách phát triển. Những trí tuệ phát sáng này chúng tôi gọi là tưởng tuệ. Tưởng tuệ là do từ trong định tưởng phát ra, tùy theo ở mức độ nhập định tưởng lâu mau, sâu cạn và do đó có sự hiểu biết thấp cao. Tưởng tuệ là trí tưởng tượng suy nghĩ nghĩa lý trong các kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chứ không có kinh nghiệm tu hành giải thoát như kinh Nguyên Thủy. Câu: “chẳng nghĩ thiện nghĩ ác, độ hết chúng sanh thành Phật, thấy tâm không thật thì tâm dứt, thấy người không thật thì người quên”. Những câu nói này là tưởng tuệ, không tu hành gì được, bằng chứng kinh sách thì nhiều mà người tu chẳng ra gì, nghe thì hữu lý mà thực hành thì không vô. Bởi vậy có hàng trăm hàng ngàn người theo tu với Mã Tổ mà người ngộ đạo, ngộ được tâm ngồi đạo tràng tu hành chỉ có 84 người nhưng đến khi thành tựu chỉ còn có 2, 3 người. Tức là những người nhập được định trong đó có thiền Sư Dược Sơn.

Phải nói Thiền Đông Độ có nhiều đạo tràng chỉ có đạo tràng của Mã Tổ là số người tu đông nhất, nhập định được thì cũng không được mấy người, nhưng lại là định tưởng, định không làm chủ được sự sống chết. Loại thiền định này nhập để mà chơi cũng như đức Phật nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ để mà biết phi tưởng phi phi tưởng xứ mà thôi thì còn có nghĩa lý gì cho cuộc đời tu hành.

Kính thưa quí vị, giai đoạn đầu thiền người ngộ thì đông mà tu thành tựu thì quá ít, không giống như câu nói kiến tánh thành Phật. Biết bao nhiêu người đã thấy chỗ không nghĩ thiện nghĩ ác mà có làm Phật được đâu? Mà có thành Phật chỗ nào? Do pháp môn tu không kết quả, các Thiền Sư phải thay đổi cách khai ngộ và cách tu, bắt đầu họ dùng các công án rắc rối hơn, hoặc đánh hoặc la hoặc hét để hạn chế người ngộ. Đó là giai đoạn giữa thiền. Bắt đầu từ các đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng đến Lâm Tế thì cách tu tập họ cũng còn giữ cách tu cũ, nhưng có thêm nhiều thứ thiền như:

1- Lục diệu môn gồm có sáu pháp tu tập: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh.

  2- Thiền hơi thở gồm có bốn pháp tu tập: phong, khí, suyển, tức.

      3- Pháp môn Tịnh Độ gồm có: Lục tự Di Đà.

 Thiền lục diệu pháp môn do Trí Khải đại sư sản sanh. Thiền hơi thở phong, khí, suyển, tức do một vị thiền sư (Cảnh Phong), mà chúng tôi không nhớ tên rõ. Pháp môn Tịnh Độ do thiền sư Huệ Viễn lập Liên trì thư xã và sớ giải kinh Tịnh Độ, Thiền sư Diên Thọ Vĩnh Minh tán thán pháp môn này.

Khi con đường thiền Đông Độ tu không có kết quả người ta mới sinh ra nhiều pháp môn như vậy. Nhưng mỗi pháp môn được sinh ra chỉ có sống một thời với người cha đẻ của nó rồi cũng chết yểu, vì thiếu kinh nghiệm chỉ do trí tưởng tượng tạo ra nên tu không có kết quả. Pháp môn Tịnh độ còn sống đến ngày nay là nhờ một nhóm thiền sư khéo léo làm chỗ nương tựa mê tín trong dân gian như: cầu an, cầu siêu, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu v.v... Họ sớ giải kinh sách Tịnh Độ: “Nếu những người nào niệm Phật được nhất tâm, khi chết được sanh về Cực lạc không còn tu tập. Còn những người nào niệm Phật chưa đạt được nhất tâm, nhưng sau khi chết cũng được sanh về Cực lạc rồi ở cõi Cực Lạc lại tiếp tu tập cho đến khi được nhất tâm”. Do sự tu tập tiện lợi và dễ dàng như vậy, nên già trẻ lớn bé đều đua nhau niệm Phật, dù niệm Phật ít hay nhiều đều cũng được sanh về nước Cực lạc. Người ta đặt ra 48 lời nguyện của đức Phật Di Đà để mọi người dựa vào đó mà nuôi hy vọng như trong sám Từ Vân có câu:

“Thiện nam tín nữ các người

Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra

Ta không rước ở nước Ta

Thệ không làm Phật chắc là không sai”

Nhưng đây chỉ là một thứ hy vọng ảo tưởng mà thôi, chứ sự thật không bao giờ có cõi Cực Lạc.

Tu thiền chẳng có kết quả thường sống trong ảo giác Phật Tánh, nên không còn cách nào hơn, phải tưởng giải pháp môn Tịnh Độ để nuôi hy vọng sống thêm những ngày còn lại mà không bị mất mặt với quí Phật tử.

Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, bây giờ chúng tôi đem so sánh kinh sách Nguyên Thủy, kinh sách phát triển, thiền Đông Độ với Thập Mục Ngưu Đồ. Chúng tôi xin nhắc lại kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ chấp nhận khi hết vọng tưởng là thành Phật, “độ hết chúng sanh thành Phật, chẳng nghĩ thiện nghĩ ác bản lai diện mục hiện tiền hay kiến tánh thành Phật”. Chỗ này kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chỉ tương ưng với Thập mục ngưu đồ ở tranh số 7 “Ngưu vong tồn nhân”. Thầy chúng tôi dạy trâu mất người chăn phải còn. Chỗ này Thầy chúng tôi cũng chỉ tương ưng với tranh 7 với kinh sách phát triển, với Thiền Đông Độ, nhưng không thể tương ưng với Thập mục ngưu đồ tranh 8 được. Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ tu đến chỗ này được xem là thành Phật. Phật là Đại giác, giác là trí tuệ. Ngược lại Thập Mục Ngưu Đồ cho chỗ tu này chưa xong nên phải tiếp tục tu tới tranh 8 “Nhân ngưu câu vong”, người trâu đều mất, người trâu đều quên. Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ không có, nhưng kinh Nguyên Thủy thì tương ưng với Thập Mục Ngưu Đồ ở tranh 8, nhưng lại khác, khi người trâu đều quên thì Thập Mục Ngưu Đồ mất tiêu rồi phát ra trí tuệ, còn Kinh Nguyên Thủy thì ở trong trạng thái hỷ lạc do định Nhị Thiền sanh như chúng tôi đã nói ở trên. Ở Thập Mục Ngưu Đồ, khi trí tuệ hiện ra thì hành giả thấy mình và vạn hữu là một. Nên thiền sư Thiền Lão dạy:

“Thúy trúc huỳnh hoa phi ngoại vật

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”Dịch:

“Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh ngoại

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”

Thấy mọi vật là mình, mình là mọi vật là tranh số 9 phản bổn hoàn nguyên trong Thập mục ngưu đồ. Tu đến chỗ này sau một năm nhập thất Thầy chúng tôi tuyên bố trước Tăng Ni và Phật tử Thầy đã về đến nhà tranh số 9 phản bổn hoàn nguyên. Sau khi ra thất Thầy chúng tôi cho xây cất Thiền viện Trúc Lâm, phát huy Thiền Tông Việt Nam để Tăng, Ni và Phật tử có chỗ tu hành chân chính, đó là Thầy chúng tôi đang ở tranh 10, thỏng tay vào chợ.

Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, Thầy chúng tôi vừa dẫn dắt Tăng, Ni và Phật tử và còn phải tự tu cho mình. Thế là cho đến hôm nay Thầy chúng tôi đã đi suốt quãng đường Thập Mục Ngưu Đồ thiền tông.

Kính thưa quí vị, như vậy xét qua cách thức tu hành để đi đến kết quả thì kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ giống nhau. Còn Thập Mục Ngưu Đồ thì không giống kinh sách phát triển và thiền Đông độ. Riêng kinh Nguyên Thủy độc lập không giống kinh sách phát triển, Thiền Tông và Thập Mục Ngưu Đồ. Cho nên pháp môn của đức Phật hiện giờ trong các chùa hành trì là pháp môn phát triển, pháp môn tổng hợp. Vì thế, chúng ta đừng hiểu nó là phương tiện di chuyển mà phải hiểu mỗi pháp môn là một con đường đi. Mỗi con đường đi nó sẽ dẫn chúng ta đến một nơi riêng của nó.

Kính thưa quí vị, đến đây quí vị cần suy ngẫm kỹ chứ quí vị đừng hiểu trăm sông đều về biển cả. Đem pháp môn tu hành của đức Phật ví dụ như vậy là sai. Vì mọi pháp môn tu hành không phải là những môn học được xếp loại thấp cao để nối tiếp nhau theo lớp lang. Mọi pháp môn có thấp cao tự riêng nó. Cho nên chúng ta tu đúng thì đúng ngay từ lúc ban đầu mà đã tu sai thì cũng tu sai ngay từ lúc ban đầu. Nếu đường đi về thành phố Hồ chí Minh thì phải về thành phố, nếu đường đi về Tây Ninh thì phải về Tây Ninh. Không thể đi Tây Ninh mà về thành phố được, ngược lại cũng vậy.

Kính thưa quí vị, tranh Thập Mục Ngưu Đồ thiền tông do các thiền sư sau này tưởng giải sinh ra qua kinh nghiệm tu hành của mình nên đã đi khá xa hơn kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ. Nhưng các thiền sư vẫn chấp nhận cho đó là kết quả của Thiền Tông. Vậy chúng tôi xin quý vị cứ suy ngẫm, riêng chúng tôi chẳng có ý kiến gì hết. Nhất là hiện giờ người theo tu Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển rất đông và thời gian cũng rất dài nhưng chẳng thấy ai làm chủ sự sống, chết, già, bệnh cụ thể. Hình thức ngồi thiền 2, 3 tiếng đồng hồ thì có mà chẳng có định gì cả, giỏi nhất của Thiền Đông Độ là hý luận trên công án.

Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, bây giờ đến giai đoạn cuối thiền cách khai ngộ vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng đánh, la và hét thì các thiền sư giảm bớt. Cách tu thì hoàn toàn thay đổi hẳn. Họ không còn tu chăn trâu, gọi ông chủ hay biết vọng liền buông nữa, mà tham thoại đầu, tham công án khởi nghi tình. Các Ngài cố ôm chặt khối nghi dùng sức mạnh của khối nghi mà tập trung tư tưởng hầu để ức chế vọng tưởng cho bằng được. Những điều ức chế tâm quá mạnh này khiến cho các thiền sư càng nén tâm nhiều. Và sự nén tâm nhiều này khiến cho các Ngài nổi lên những cơn sân quá dữ dội. Những hành động và lời nói rất thô lỗ và hung ác, khi các Ngài đối xử với các đệ tử cũng như đối với các Phật tử. Thiền sư Lâm Tế, Mục Châu, Đạo Ngô, La Quả thiền sư v.v... Nhất là La Quả thiền sư dùng ngôn ngữ thô bạo kém văn hóa (Nhai lại đờm dãi).

Mặc dầu các thiền sư cố dùng khối nghi mong đè bẹp được vọng tưởng để đạt được định, nhưng sự thành tựu này cũng chẳng được gì vì chính họ đã đi xa lần Giới Luật và Đức Hạnh giải thoát của đạo Phật, nên càng ngày họ tu hành không có kết quả.

Trong cuối thế kỷ thứ 20 này Thiền Tông đã chết tại đất nước Trung Quốc. Thầy chúng tôi đã đi qua đó tham quan để tìm xem có vị thiền sư nào hay không. Chuyến đi đó Thầy chúng tôi không gặp.