Giới Định Tuệ
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và Phật tử! Bây giờ chúng ta dừng lại chỗ này và trở lại vấn đề chính của buổi nói chuyện hôm nay.
Để trả lời câu hỏi thứ nhất: Pháp môn tu hành của chúng tôi là Pháp môn nào?
Xin trả lời, chúng tôi tu hành theo pháp môn GIỚI, ĐỊNH, TUỆ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước khi chưa tu, là một tăng sinh đang học Phật pháp, chúng tôi đã từng học qua những lời di chúc của đức Phật. Lời di chúc là lời dạy sau cùng của đức Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn. Lời di chúc thứ nhất đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các con hãy lấy Giới Luật và Giáo Pháp của ta làm Thầy và làm chỗ nương tựa để tu hành vững chắc khi ta nhập Niết bàn”. Lời dạy này chúng tôi ghi khắc mãi trong tim, không bao giờ quên và cũng không bao giờ quên ông Thầy của chúng tôi là Giới Luật và giáo pháp, là chỗ nương tựa vững chắc cho sự tu hành của chúng tôi ngày mai.
Lời di chúc thứ hai Đức Phật dạy: “Giới Luật còn là Phật còn tại thế, Giới Luật mất là Phật mất”. Lời dạy này hình ảnh Giới Luật là hình ảnh của đức Phật, nên chúng tôi nghiêm khắc mình trong Giới Luật không để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Chúng tôi lấy đó làm giai đoạn tu hành thứ nhất của mình.
Lời di chúc thứ ba: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, các pháp lành đều nhờ đó mà sanh, các Tỳ kheo hãy nhớ lấy mà tu tập”.
Lời di chúc thứ tư, đó là lời di chúc không lời, khi nhập Niết Bàn, đức Phật nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, nhập đi nhập lại tới ba lần rồi mới chịu nhập Niết bàn.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và Phật tử, ở đây đức Phật muốn nhắc nhở người sau phải ráng dụng công tu tập thiền định này, đừng bao giờ tu tập những loại thiền định nào khác. Vì trong cuộc sống hiện giờ của chúng ta, trong thời đức Phật đã qua và cũng như trong tương lai nhiều thế hệ ở ngày mai vậy, sẽ có biết bao nhiêu thứ thiền mà chẳng có thứ thiền nào đưa chúng ta đến sự làm chủ và giải thoát được thân tâm, nhất là chấm dứt sự tái sanh luân hồi. Cho nên đức Phật đã xác định chỉ rõ có thứ thiền này mới làm chủ được sanh tử, tự tại bỏ báo thân và chấm dứt được tái sanh luân hồi mà thôi. Vậy xin quí vị Phật tử hãy lưu ý chỗ này. Cho nên khi nhập xuôi nhập ngược ba lần xong, đó là Ngài di chúc cho chúng ta phải nhập Thiền Thứ Tư mới xả bỏ báo thân, và mới nhập vào Niết bàn.
Thể theo những lời di chúc này chúng tôi tu tập ngày đêm không biết mệt mỏi, ốm đau quyết không bỏ giờ tu suốt sáu tháng rưỡi trời trong thất chịu từng đắng cay gian khổ để, chiến đấu với tạp khí thói quen, tật xấu; với nghiệp lực quá nặng nề; với tâm tham ái, dục vọng dẫy đầy. Nhiều khi chúng tôi tưởng chừng không thắng nổi. Nhưng với sức bền lòng như sắt đá; với tinh thần kiên cường, gan dạ dũng cảm giữ thân tâm sừng sững như núi đá; với nghị lực dũng cảm quyết liệt xông tới như thác đổ, chúng tôi đã chiến thắng giặc sinh tử, làm chủ thân tâm của chính mình và chứng nghiệm được sự giải thoát của đạo Phật một cách hùng hồn anh dũng.