Học Giới - Định - Tuệ. Kì 46 (78 tiếp)
78. PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ (tiếp theo)
VI- Người mới tu vẫn tu tập Tứ niệm xứ
Pháp môn Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập:
1- Tứ Chánh Cần tu tập trên Tứ Niệm Xứ.
2- Tứ Niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ.
3- Thân Hành Niệm tu tập trên Tứ Niệm Xứ.
Cho nên người mới xuất gia vẫn tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ, nhưng phải tu tập ở giai đoạn đầu Tứ Chánh Cần. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:
“Những tỳ-kheo nào, này các tỳ-kheo, mới xuất gia tu chẳng bao lâu, mới đến trong những pháp luật này, những tỳ-kheo ấy, này các tỳ-kheo, cần phải được khích lệ (samàdapetabbà) cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập Bốn Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp) hãy chuyên chú với tâm thanh tịnh, định tỉnh nhất tâm để có chánh trí như thật đối với các pháp.”
Tứ niệm Xứ là giáo trình tu học cho lớp Chánh Niệm mà lớp Chánh Niệm là lớp thứ bảy của tám lớp học (Bát Chánh Đạo). Vậy mà người mới tu sao lại được học lớp này? Nếu một người không có tu tập thì không thể nào hiểu được pháp môn Tứ Niệm Xứ mà cũng không hiểu được Giới Luật. Như trên đã nói Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập:
1- Tứ Chánh Cần tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn này người mới tu vẫn tu tập được và tu tập như vậy mới có căn bản.
2- Tứ niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn rất khó tu, nếu mất căn bản thì không nhiếp phục tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp.
3- Thân Hành Niệm tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn này là giai đoạn cuối cùng của Tứ Niệm Xứ, nó chuyên tu tập để rèn luyện ý thức lực cho mạnh mẽ truyền lệnh để thực hiện Tứ Như Ý Túc.
Còn giới luật cũng có ba động tác đạo đức phải thực hiện hằng ngày là: giới đức, giới hạnh, giới hành. Thực hiện giới luật là phải luôn luôn thực hiện với tri kiến, cho nên kinh dạy: “Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.” Nếu người tu sĩ và người cư sĩ không thực hiện giới luật nghiêm chỉnh, còn vi phạm những lỗi nhỏ nhặt, không thấy xấu hổ và sợ hãi thì tu Tứ Niệm Xứ chẳng bao giờ có kết quả rốt ráo, chỉ hoài công vô ích mà thôi, uổng phí một đời tu. Cho nên nhờ có kinh nghiệm tu tập các bạn mới hiểu được đoạn kinh trên đây, nói tu tập Tứ Niệm Xứ nhưng kỳ thật là tu tập Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ.
Trong Tứ Chánh Cần, gồm có bốn pháp tu tập:
1- Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
2- Định Vô Lậu.
3- Định Sáng Suốt.
4- Định Niệm Hơi Thở.
Những loại định này đều tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Vì thế, người mới vào tu đều phải bắt đầu tu tập bốn loại định này. Nếu ai không tu tập bốn loại định này mà tu tập pháp nào khác thì không phải là tu tập Tứ Niệm Xứ. Không phải tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập sai pháp của Phật, tu theo ngoại đạo. Cho nên đoạn kinh trên đã xác định rõ ràng, xin các bạn lưu ý.
VII- Tứ Thánh quả do Tứ Niệm Xứ mà thành
Chánh Niệm Tỉnh Giác là một tên khác của Tứ Niệm Xứ. Cho nên nói Chánh Niệm Tỉnh Giác là nói đến pháp môn Tứ Niệm Xứ. Thưa các bạn! Chánh Niệm Tỉnh Giác (Tứ Niệm Xứ) còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Vậy muốn tu chứng bốn Thánh quả này thì tu Tứ Niệm Xứ như thế nào để đạt được bốn Thánh quả. Khi tu tập làm cho sung mãn Tứ Niệm Xứ thì nội tâm ta có mười thần lực, nhờ mười thần lực này chúng ta mới nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và mỗi Thiền tương ưng vào mỗi quả như dưới đây. Nếu muốn tu tập để chứng bốn Thánh quả thì phải tu tập bốn Thiền, có tu tập bốn Thiền mới có chứng những quả theo thứ tự như sau đây:
Tu tập nhập “Sơ Thiền” là tu tập để chứng quả Thánh “Tu Đà Hoàn.” Ngoài pháp “Sơ Thiền” không thể tìm quả giải thoát “Tu Đà Hoàn” được.
Tu tập nhập “Nhị Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “Tư Đà Hàm.” Ngoài pháp “Nhị Thiền” không thể tìm quả giải thoát “Tư Đà Hàm” được.
Tu tập nhập “Tam Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “A Na Hàm.” Ngoài pháp “Tam Thiền” không thể tìm quả giải thoát “A Na Hàm” được.
Tu tập nhập “Tứ Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “A-la-hán vô lậu và hướng tâm đến Tam Minh.” Ngoài pháp “Tứ Thiền” không thể tìm quả giải thoát “A-la-hán” được.
Theo đạo Phật, ai tu tập đâu là có kết quả ngay liền, bất cứ pháp môn nào, nếu không tu tập thì thôi, bằng hễ có tu tập là có kết quả của pháp đó. Kết quả của pháp đó gọi là chứng pháp. Giới luật cũng như vậy, ai giữ gìn được một giới là có kết quả lìa một ác pháp, lìa một tâm dục.
Cho nên có những người không hiểu về giới luật của Phật, họ không biết rằng: Giới luật Phật chính là nền đạo đức nhân bản – nhân quả, tức là đạo đức của loài người, họ cho rằng những giới luật của Phật hiện giờ không phù hợp với thời đại khoa học công kỹ nghệ hiện đại hóa xã hội.
Điều này sai, vì khoa học kỹ nghệ hiện đại hoá xã hội thì giới luật (đạo đức) rất cần thiết cho mọi người để quân bình xã hội. Còn đời sống của Tăng, Ni và cư sĩ thì cũng không nên bỏ một giới luật nhỏ nhặt nào cả, giới luật là hành động đạo đức của đời sống tu sĩ và cư sĩ; giới luật là Phạm hạnh của người tu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.” Tại sao lại bỏ?
Tất cả giới luật của Phật, dù giới lớn, giới nhỏ nhặt, giới trọng, giới khinh, v.v… Giới nào nó cũng đều là những hành động đức hạnh làm Người, làm Thánh mà mọi người trên thế gian này ai ai cũng cần phải học tập để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh bằng giới luật đạo đức thương yêu, tha thứ để đem lại hạnh phúc, yên vui cho nhau mãi mãi trong cuộc đời này.
Vì thế làm sao bỏ những giới nhỏ nhặt. Phải không các bạn? Chỉ có những người vô minh sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, họ không hiểu giới luật là đạo đức làm Người, làm Thánh của những bậc tu hành chân chính; họ không biết giới luật là thiện pháp để chuyển hóa nhân quả đem lại đời sống an vui hạnh phúc cho họ.
Vì thế, họ mới dám tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt, chà đạp lên giới luật, xem thường người phật tử chẳng hiểu biết gì về giới luật của Phật cả, nên quý thầy mặc sức tung hoành ăn uống phi thời, ngồi quán, ngồi lều nhậu nhẹt rượu chè say sưa, chạy xe lạng lách, xem ca hát và tự ca hát, v.v… họ không còn xem Phật giáo là một tôn giáo mà là một nghề mê tín khéo lừa người để sống.
VIII- Hành pháp Tứ Niệm Xứ
“Này Ananda, nếu tỳ-kheo an trú trong an trú này (bất động tâm) tâm vị ấy hướng đến đi kinh hành, vị ấy đi kinh hành và nghĩ rằng: Trong khi ta đang đi kinh hành, thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không chảy vào. Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Này Ananda, nếu tỳ-kheo an trú trong an trú này. Tâm vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: Trong khi ta đang đứng lại, thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào. Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy?” (Kinh Trung Bộ tập III trang 306 kinh Đại Không).
Muốn rõ nghĩa của đoạn kinh này có những từ các bạn cần phải hiểu nghĩa cho rõ ràng như: an trú trong an trú. Vậy an trú trong an trú này có nghĩa là gì? An trú trong an trú có nghĩa là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, nó còn có nghĩa là không tánh. Không tánh là tâm thanh thản an lạc và vô sự, là đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người.
Cho nên khi ở trong trạng thái này đang đi kinh hành biết mình đang đi kinh hành thì không thấy có niệm nào khởi lên, nếu có niệm nào khởi lên thì sự an trú ấy không còn là an trú trong an trú nữa, đó là niệm ác, còn niệm thiện khởi thành một dòng suy tư ly tham đoạn diệt ác pháp, dòng suy tư ấy khiến cho các bạn đang an trú lại an trú nhiều hơn.
Vì thế dòng suy tư ấy các bạn không được tác ý diệt nó, vì diệt nó khiến cho tri kiến giải thoát của bạn bị diệt mất. Tri kiến giải thoát của bạn bị diệt mất là một điều bất lợi cho đường tu tập của các bạn, vì tu tập như vậy các bạn đang ức chế tâm để tâm rơi vào an trú trong không tưởng. Không tưởng tức là tâm không vọng tưởng. Tâm không vọng tưởng là tâm không niệm thiện niệm ác. Đó là các bạn đã tu sai pháp, lạc vào thiền Đại Thừa, thiền Đông Độ và thiền Minh Sát Tuệ, không còn tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ được nữa.
Các bạn an trú trong an trú (bất động tâm) thì những dòng suy tầm ác phải đoạn dứt bằng pháp Như lý tác ý, còn những dòng suy tầm thiện thì không được diệt mà hãy tăng trưởng như trong pháp môn Tứ Chánh Cần đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Cho nên an trú trong an trú tức là trong tâm thanh thản an lạc và vô sự, các bạn nên phân biệt rõ ràng những niệm khởi trong tâm của các bạn không phải toàn bộ là vọng tưởng hết. Nhất là khi tâm các bạn hướng đến đứng lại thì các bạn đứng lại, trong khi đứng lại các bạn cũng phải biết rõ ràng khi đứng lại không có một niệm nào tham, sân, si khởi lên trong khi đứng lại. Đó là các bạn đang an trú trong an trú.
Như vậy các bạn biết Đức Phật đã nhắc nhở và chỉ dạy rõ ràng khi đi biết rõ mình đi nhưng phải an trú trong tâm thanh thản, an lạc và vô sự, khi ở trong trạng thái an trú ấy ý thức phải biết rõ không có một niệm nào khởi vào và như vậy mới thật là an trú trong an trú. Khi đang an trú như vậy tâm các bạn hướng đến đứng thì liền đứng lại, chứ không phải khi tâm hướng đến đứng lại mà không đứng lại vẫn tiếp tục đi kinh hành là các bạn đã tu sai pháp môn Tứ Niệm Xứ như kinh đã dạy ở trên.
Vì tâm hướng đến đứng thì các bạn nên đứng lại chứ không phải hướng đứng lại mà các bạn cho đó là niệm vọng tưởng. Cho đó là niệm vọng tưởng là các bạn tu sai đấy! Hướng tâm không phải là vọng tưởng xin các bạn lưu ý. Đây là lời Phật dạy, các bạn hãy đọc đoạn kinh này thì rõ:
“Trong khi Ta đang đi kinh hành thời tham ưu và các bất thiện pháp không chảy vào, ở đây vị ấy ý thức rõ như vậy. Này Ananda nếu tỳ-kheo an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: trong khi ta đang đứng lại, thời tham ưu và các pháp bất thiện không chảy vào.” Các bạn có nghe rõ lời dạy này chăng?
Khi các bạn đang đứng lại, ý thức các bạn biết rất rõ là các bạn đang đứng lại và đứng lại với tâm an trú thanh thản, an lạc và vô sự (an trú trong an trú) thì tâm các bạn hướng đến ngồi, các bạn liền ngồi xuống nhưng ý thức của các bạn biết rất rõ ràng hành động ngồi mà không có một niệm tham ưu hay các ác pháp nào xen vào trong khi các bạn đang ngồi. Ngồi mà vẫn thấy tâm thanh thản, an lạc và vô sự:
“Này Ananda, nếu trong khi tỳ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: Trong khi ta đang ngồi, tham ưu và các bất thiện pháp không có chảy vào.”
Đây các bạn có nghe rõ Đức Phật dạy cách thức tu tập Tứ Niệm Xứ này không? Hay các bạn cho rằng hướng tâm là vọng tưởng như kinh sách Đại thừa và thiền Đông Độ. Vọng tưởng là niệm gì? Các bạn có biết không? Các bạn đừng lầm tưởng tất cả niệm khởi ra trong tâm bạn là vọng tưởng hết. Không phải đâu các bạn ạ! Các bạn đã cho những niệm là vọng tưởng là các bạn đã lầm lớn. Các bạn hãy lắng nghe Đức Phật dạy: “Trong khi Ta đang ngồi, tham ưu và các bất thiện pháp không có chảy vào.” Các bạn có hiểu câu này không?
Tham có nghĩa là tâm tham muốn của các bạn tự khởi lên. Ưu là sự phiền não, đau khổ tự khởi lên tức là các bất thiện pháp, nó là những ác pháp làm cho thân tâm của các bạn bất an, như thân đau nhức, mỏi mệt, nóng rát, tâm lo lắng, sợ hãi, buồn rầu và thương nhớ v.v… Chảy vào còn nghĩa là tự khởi lên, những pháp này gọi là vọng tưởng. Còn khi các bạn hướng tâm tác ý thì không phải vọng tưởng. Các bạn nhớ kỹ những điều này nhé!
Đây là Phật dạy: “Này Ananda, nếu trong khi tỳ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: Trong khi ta đang ngồi, tham ưu và các bất thiện pháp không có chảy vào. Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”
Khi các bạn đang ngồi tu tập an trú trong sự an trú này, tức là các bạn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, lúc bấy giờ tâm các bạn muốn nằm thì các bạn liền đi nằm và nghĩ rằng: Tâm các bạn rất tỉnh giác trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, không có một sự ưu phiền nào hay một ác pháp nào tác động thân tâm các bạn. Và lúc bấy giờ các bạn cũng xem xét thấy rằng tâm các bạn không có hôn trầm, thùy miên và vô ký. Cho nên các bạn nằm xuống với tâm tỉnh giác an lạc, thanh thản và vô sự tức là các bạn tu tập đúng pháp, dù đang nằm nhưng vẫn an trú trong sự an trú.
Trong khi đang tu tập an trú trong sự an trú của tâm thanh thản an lạc và vô sự trong tư thế đang nằm, các bạn ý thức rất rõ ràng như vậy, tâm của các bạn hướng đến độc thoại: “Nói chuyện đời, chuyện thiên hạ, chuyện bạn bè, chuyện tình tứ trai gái, chuyện vua quan, chuyện trộm cướp, chuyện giàu sang, danh lợi, chuyện tôn giáo này tôn giáo khác, chuyện bùa chú, chuyện bệnh tật vv…” Những độc thoại như vậy khởi ra trong tâm của các bạn thì các bạn tác ý đình chỉ nó ngay liền. Vì tâm độc thoại như vậy là các bạn tu tập không đúng pháp môn Tứ Niệm Xứ. Những độc thoại này được xem nó là vọng tưởng.
Trong khi an trú trong sự an trú, tâm hướng đến độc thoại tào lao, không có tính cách ly tham, đoạn ác pháp thì phải tác ý chấm dứt đuổi đi liền. Còn ngược lại tâm hướng đến độc thoại ly tham đoạn ác pháp, xa lìa, viễn ly, từ bỏ tâm tham, sân, si, và các ác pháp khác như: thất kiết sử, ngũ triền cái, thân ngũ uẩn, mười hai nhân duyên v.v... Khi tâm các bạn độc thoại như vậy thì các bạn hãy tiếp tục đừng có dừng, vì nó không phải là vọng tưởng mà nó đang triển khai tri kiến giải thoát ly tham, đoạn ác pháp. Các bạn hãy lắng nghe Đức Phật dạy:
“Này Ananda, nếu trong khi tỳ-kheo ấy nằm, an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến độc thoại, vị ấy suy nghĩ như sau: Ta sẽ không độc thoại những chuyện hạ liệt, đê tiện thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yểm ly, không ly dục, không đoạn diệt, không an tịnh, không thắng trí, không giác ngộ, không Niết Bàn như: quốc vương luận, đạo tặc luận, đại thần luận, chiến tranh luận, thực vật luận, ẩm thực luận, y phục luận, ngoạ cụ luận, hoang mang luận, hương liệu luận, thân thích luận, xa thừa luận, thân luận, thị trấn luận, đô thị luận, hạng trung luận, thủy hình xứ luận, quốc độ luận, nữ luận, anh hùng luận, tiến binh luận, sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyền luận, hữu vô hữu luận.
Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Nhưng, này Ananda, đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm đưa đến nhất hướng yểm ly, ly tham, đoạn diệt an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết Bàn, thiểu dục luận, tri túc luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: Ta sẽ nói các luận như vậy. Ở đây vị ấy ý thức rõ như vậy.”
Đoạn kinh trên đây Đức Phật đã dạy chúng ta rất rõ ràng. Trong khi chúng ta an trú tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, đều sống trong một tâm ấy, nhưng tâm hướng đến đi chúng ta đi, tâm hướng đến đứng chúng ta đứng, tâm hướng đến ngồi chúng ta ngồi, tâm hướng đến nằm chúng ta nằm, nhưng chúng ta đều ý thức rất rõ đi, đứng, nằm, ngồi đều an trú trong sự an trú thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu trong đó niệm tham ưu và các bất thiện pháp thì phải diệt ngay liền còn tất cả niệm khác thì không nên diệt.
Còn đang ở trong trạng thái an trú trong sự an trú ấy tâm hướng đến độc thoại: có nghĩa người tu tập Tứ Niệm Xứ an trú trong sự an trú, cũng giống như người sống bình thường cũng đi, đứng, nằm, ngồi đều theo sự hướng tâm chủ động điều khiển rất tỉnh giác. Cho nên tâm hướng đến độc thoại thì không được nói chuyện ngoài vấn đề để ly tham đoạn ác pháp, hay vấn đề viễn ly, trừ bỏ đoạn diệt tâm tham, sân, si, chứ không phải độc thoại là đi nói chuyện với người khác. Độc thoại có nghĩa là mình nói chuyện với mình. Các bạn đừng hiểu lầm độc thoại là sự suy tầm, tức là tư duy, suy nghĩ.
Ở đây Đức Phật dạy khi chúng ta an trú trong sự an trú không nên suy tầm về tham pháp, sân pháp, si pháp. Suy tầm tức là tư duy suy nghĩ. Trong khi tu tập Tứ Niệm Xứ các bạn nên phân biệt rõ ràng lúc nào là tâm hướng đến độc thoại, lúc nào là tâm hướng đến suy tầm. Lúc tâm suy tầm cũng như lúc tâm độc thoại không nên suy tầm và độc thoại những tham pháp, sân pháp, si pháp. Tóm lại là khi độc thoại hay suy tầm đều nên độc thoại và suy tầm về Thánh hạnh, có khả năng cầu tiến, có khả năng hướng thượng, đưa đến sự hoàn toàn diệt khổ đau, ly tham, sân, si.
Trong khi tu Tứ Niệm Xứ các bạn nên đọc kỹ lại đoạn kinh này: “Này Ananda, nếu tỳ-kheo ấy trong khi an trú với sự an trú này, tâm hướng đến suy tầm, vị ấy suy nghĩ: Đối với những suy tầm hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn như là dục tầm, sân tầm, hại tầm ta sẽ không suy nghĩ các loại tầm ấy? Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”
Các bạn có nghe đoạn kinh này dạy không? Đoạn kinh này đã xác định rất rõ khi tu tập Tứ Niệm Xứ giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, khi có một sự suy nghĩ nào khởi ra thì phải phân biệt sự suy nghĩ thuộc loại nào, nếu thuộc loại tham, sân, si thì chấm dứt không suy nghĩ, còn suy nghĩ thuộc loại nào đưa đến ly tham, ly sân, ly si thì tiếp tục suy nghĩ.
Các bạn nên đọc đoạn kinh kế thì sẽ rõ lời Phật dạy: “Nhưng này Ananda, đối với những suy tầm này, thuộc bậc Thánh có khả năng cầu tiến, hướng dẫn đến sự đoạn trừ hoàn toàn đau khổ, như là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, vị ấy nghĩ rằng: ta sẽ suy tư các loại suy tầm này. Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”
Ở đây chúng tôi xin giải thích cho các bạn hiểu: suy tư và suy tầm; suy tư là sự suy nghĩ, nghĩ ngợi một điều gì, còn suy tầm là một dòng tư tưởng suy tư, có thể gọi suy tầm một điều gì đang suy nghĩ. Nếu các bạn đã hiểu rõ nghĩa suy tư và suy tầm như vậy thì mỗi suy tầm hiện ra trong tâm, các bạn đều biết rất rõ ràng. Nhờ biết rõ ràng suy tầm nào cần phải đoạn diệt và suy tầm nào cần phải tăng trưởng (tiếp tục suy tư). Nếu suy tầm nào thuộc về yểm ly, ly tham đoạn diệt sân tầm, si tầm, hại tầm thì các bạn suy nghĩ về suy tầm đó; còn suy tầm nào làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, không ly dục tầm, sân tầm, hại tầm thì các bạn chấm dứt ngay liền không suy nghĩ các suy tầm đó.
Trong khi các bạn tu tập Tứ Niệm Xứ giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự (an trú trong sự an trú) thì các bạn nên lưu ý khi có niệm khởi trong tâm bạn, nó thuộc loại niệm gì? Nếu nó thuộc về năm dục trưởng dưỡng hay thuộc về thất kiết sử v.v... Vậy năm dục trưởng dưỡng là gì? Năm dục trưởng dưỡng gồm có:
1. Mắt các bạn thấy sắc.
2. Tai các bạn nghe âm thanh
3. Mũi các bạn ngữi mùi thơm hay thối
4. Lưỡi các bạn nếm mùi vị
5. Thân các bạn cảm xúc mát lạnh, nóng đau, nhức, êm ái, mềm mại v.v…
Nếu trong khi an trú trong sự an trú như vậy mà có năm dục trưởng dưỡng khởi lên thì các bạn biết rằng dục ái của các bạn chưa chấm dứt, chưa đoạn diệt. Như vậy các bạn hãy cố gắng tu tập Tứ Niệm Xứ nhiều hơn để phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Cụ thể rõ ràng hơn tức là các bạn phải sống độc cư cho trọn vẹn hơn để trau dồi và rèn luyện tu tập Tứ Niệm Xứ cho đến khi Tứ Niệm Xứ được sung mãn.
Đối với người tu tập Tứ Niệm Xứ, năm dục trưởng dưỡng rất quan trọng, nếu các bạn không lưu ý thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự của các bạn không bao giờ kéo dài “Nhất Dạ Hiền” được. Các bạn hãy nghe lời Phật dạy: “Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Từ đây tỳ-kheo phải thường thường quan sát tự tâm như sau: Trong tâm ta có khởi lên tâm hành gì với xứ này trong xứ khác của năm dục trưởng dưỡng.”
Đọc đến đoạn kinh này chúng tôi xin lưu ý các bạn ghi nhớ lời nhắc nhở thấm thía của Đức Phật: “Từ đây tỳ-kheo phải thường thường quan sát tự tâm có khởi năm dục trưởng dưỡng không?” Như vậy năm dục trưởng dưỡng rất quan trọng đấy các bạn ạ! Cho nên trong khi tu tập Tứ Niệm Xứ khi tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì các bạn phải thường thường quan sát tâm các bạn có khởi năm dục trưởng dưỡng không? Nếu năm dục trưởng dưỡng còn khởi là dục ái của các bạn chưa đoạn diệt. Nếu dục ái đoạn diệt thì năm dục trưởng dưỡng không còn khởi.
Các bạn hãy nghe tiếp lời Phật dạy để hiểu biết cho rõ ràng hơn. Nhờ có sự hiểu biết rõ ràng, các bạn sẽ không lầm lạc những phương pháp dạy tu thiền của Đại Thừa và Thiền Tông, mỗi niệm khởi trong đầu của chúng ta, Đại Thừa và Thiền Tông đều cho là vọng tưởng (chẳng niệm thiện niệm ác). Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thường dạy người tu tập là lấy giới đức, giới hạnh làm đầu, để lập đức lập hạnh cho người tu sĩ, vì thế Tứ Niệm Xứ là pháp xây dựng con người trong Chánh Niệm nên thường diệt Tà Niệm. Muốn giữ gìn bảo vệ Chánh niệm thì phải hiểu cho rõ ràng niệm nào là Chánh niệm, niệm nào là Tà niệm. Do đó Đức Phật dạy chúng ta phân biệt từng niệm rất rõ ràng.
Niệm nào là độc thoại đúng; niệm nào độc thoại sai; niệm nào là suy tầm đúng, niệm nào là suy tầm sai; niệm nào là vọng tưởng; niệm nào không phải là vọng tưởng; niệm nào là năm dục trưởng dưỡng; niệm nào là không phải năm dục trưởng dưỡng. Các bạn nên nhớ còn năm dục trưởng dưỡng là còn “dục ái,” đoạn diệt năm dục trưởng dưỡng là đoạn diệt dục ái. Dục ái hết là Tứ Niệm Xứ sung mãn. Vì sống được trong Chánh niệm nên con người mới làm chủ được thân, tâm của mình.
Nhờ sống trong Chánh niệm mà con người mới có đầy đủ đạo đức làm người sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Nhờ sống trong Chánh niệm mà con người mới thoát ra mọi sự đau khổ của kiếp làm người, chứ không phải tu tập ức chế tâm như thiền Đông Độ và Đại Thừa diệt toàn bộ ý thức (chẳng niệm thiện niệm ác) biến con người trở thành cây đá (vô phân biệt), biến con người sống trong ảo tưởng (Phật tánh) tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, thật là điên đảo. Xin các bạn đọc tiếp đoạn kinh này:
“Này Ananda, nếu tỳ-kheo trong khi quán sát như vậy tuệ tri rằng: Trong tâm ta có khởi lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng… Sự kiện là như vậy, tỳ-kheo tuệ tri như sau: Dục ái này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với Ta chưa đoạn diệt được. Ở đây vị ấy ý thức rõ như vậy.”
Ở đoạn kinh này, những từ các bạn cần phải hiểu như: tâm hành xứ này, xứ khác và dục ái:
- Tâm hành có nghĩa là sự hoạt động của tâm.
- Xứ này, xứ khác có nghĩa niệm này niệm khác.
- Dục ái có nghĩa là lòng yêu thương, trong dục ái có sự yêu thương của nam nữ.
Toàn nghĩa của đoạn kinh này là: Khi các bạn ở trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì quan sát thân, thọ, tâm pháp của bạn thấy có niệm này hay niệm khác của năm dục trưởng dưỡng khởi lên thì biết rằng tâm ái dục của các bạn chưa đoạn diệt. Khi biết rõ như vậy thì các bạn hãy tác ý đẩy lùi những niệm ấy ra khỏi tâm, nếu các niệm ấy còn tới lui nhiều lần thì các bạn dùng Chánh tri kiến tư duy năm dục trưởng dưỡng theo pháp mà Đức Phật đã dạy: “Các sắc do mắt nhận thức khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý liên hệ đến dục hấp dẫn,” thì phải diệt ngay tâm ái dục các bạn ạ! Các bạn không được để trong tâm một phút giây nào khác, phải đoạn diệt tâm ái dục đó đi.
Một người tu theo Phật giáo mà còn tâm dục ái thì không thể nào gọi là tâm bất động được. “Này Ananda, nếu tỳ-kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri rằng: Trong tâm ta không có khởi lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng... Sự kiện là như vậy, tỳ-kheo tuệ tri như sau: Dục tham này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta đã được đoạn diệt. Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”
Khi dục ái còn là năm dục trưởng dưỡng còn, năm dục trưởng dưỡng diệt thì tâm dục ái diệt. Tâm dục ái còn là do sự phòng hộ sáu căn không chặt. Chính là không giữ độc cư trọn vẹn nên năm dục trưởng dưỡng tăng thịnh, vì thế an trú trong an trú không trọn vẹn, nên sự hộ trì chân lý không trọn vẹn thành ra sự tu hành Tứ Niệm Xứ không có kết quả tốt tức là không sung mãn Tứ Niệm Xứ.