Skip directly to content

Học Giới - Định - Tuệ. Kì 35 (72).

72. TU THIỀN ĐỊNH (1) – tiếp theo.

7. Định niệm hơi thở

Hỏi: Kính thưa Thầy! Hiện nay con vẫn tiếp tục theo dõi hơi thở, an trú hơi thở vào phần dưới bụng, gom tâm và hơi thở ở một chỗ thì hơi thở chậm lại và các tâm hành dừng hẳn, nếu tác ý muốn dừng hơi thở hoặc điều khiển hơi thở theo ý mình nhanh hay chậm tùy ý. Nhưng con muốn cho hơi thở lắng sâu và dừng hẳn, tác ý như vậy thì hơi thở dừng, nhưng được một lúc hơi thở bị nén nên thở ra dồn dập. Vậy con phải làm sao để hơi thở và tâm hành dừng hẳn. Mong Thầy chỉ dạy cho con để con nương đó mà tiến tu?

Đáp: Sự trình bày tu tập về hơi thở của con thì Thầy thấy con tu theo pháp môn tùy tức của Lục Diệu Pháp Môn, cha đẻ pháp môn này là Trí Khải Đại Sư. Con trụ tâm dưới bụng đó là cách trụ tâm của thiền Minh Sát Tuệ, cha đẻ ra pháp này là thiền sư Miến Điện Mahasi.

Công phu tu tập của con nương vào hơi thở tập tỉnh thức theo cách tùy tức (tâm yên lặng) để tác ý điều khiển hơi thở chậm nhẹ và dừng để đi vào trạng thái tĩnh lặng sâu hơn.

Ở đây con là người tu không có thiện hữu tri thức hướng dẫn, tự tu tập nên tập hợp lại hai pháp của hai nhà học giả tưởng giải. Một là nhà học giả Trung Quốc (Trí Khải); hai là nhà học giả Miến Điện (Mahasi). Nếu con tiếp tục tu tập con sẽ là nạn nhân của những pháp môn này.

             1- Ức chế tâm để tâm hành dừng hẳn vọng tưởng.
             2- Ức chế hơi thở để thân hành dừng hẳn các cảm thọ.
             3- Để lắng sâu vào trạng thái tĩnh lặng để nhập định tưởng tức là Không vô biên xứ tưởng.

Muốn cho hơi thở và tâm hành dừng hẳn thì con hãy tu tập “Tứ Thánh Định.” Còn con tu theo Lục Diệu Pháp Môn và thiền Minh Sát Tuệ thì không bao giờ tịnh chỉ hơi thở được, tức là tịnh chỉ thân hành. Tịnh chỉ thân hành chỉ có Tứ Thiền, ngoài Tứ Thiền không có thiền nào tịnh chỉ đúng chánh định.

Còn tịnh chỉ ý hành thì chỉ có Nhị Thiền diệt tầm tứ mới đúng là chánh định, ngoài Nhị Thiền mà tịnh chỉ ý hành là tà thiền tưởng định, thiền của kinh sách phát triển tập hợp giáo pháp tà kiến, tưởng kiến của ngoại đạo và những tư tưởng mê tín di đoan dân gian.

Người tu thiền thời nay, cái sai thứ nhất là ức chế tâm để hết vọng tưởng. Hết vọng tưởng có lợi ích gì cho quý vị đâu? Hết vọng tưởng có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không? Hết vọng tưởng ngồi như con cóc để làm gì? Khi xả ra thì tâm tham, sân, si còn đủ, danh lợi không từ, ăn uống phi thời không bỏ, thấy nữ sắc còn đắm chìm say mê. Tu như vậy thì có ích lợi gì? Có giải thoát cái gì?

Những loại thiền ức chế tâm, xưa đức Phật đã tu tập và thấy trong các thiền ức chế tâm đó không có giải thoát, chỉ là một sự tu tập làm khổ thân tâm của mình (thành bệnh), Ngài phải từ bỏ. Và đã bao lần tập nín thở để đạt được giải thoát, nhưng cuối cùng Ngài chẳng tìm được chỗ nín hơi thở có sự giải thoát. Bây giờ quý thầy lại bắt chước tu như vậy nữa hay sao?

Mục đích của con đi tu là tìm sự giải thoát làm chủ bốn sự đau khổ: Sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi hay đi tìm chỗ hơi thở để trụ tâm và dừng tâm hành? Nếu đi tìm hơi thở dừng và tâm hành dừng thì Thầy không có kinh nghiệm. Nhưng muốn tu tập làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết thì nên trở về tu tập và sống đúng pháp môn của đức Phật đã dạy:

             1- Giới luật phải nghiêm túc.
             2- Tu tập Tứ Chánh Cần.
             3- Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác (thân hành niệm ngoại).
             4- Tu tập Định Vô Lậu  trên Tứ Niệm Xứ.
             5- Tu tập Định Niệm Hơi Thở (thân hành niệm nội).
             Phải dẹp bỏ ngay pháp môn Tùy Tức của Trí Khải Đại Sư và pháp môn Minh Sát Tuệ của Mahasi.

Bắt đầu tu tập các loại định xả tâm “Ly dục ly ác pháp,” không được tu tập các pháp môn ức chế tâm và ức chế cơ. Khi nào xả tâm sạch, ly dục ly ác pháp, tâm không còn tham, sân, si phiền não nữa thì lúc bấy giờ tâm thanh thản, an lạc thường quay vào thân không có phóng dật ra ngoài. Khi tâm không phóng dật ra ngoài bấy giờ tâm mới có Tứ Thần Túc. Dùng Tứ Thần Túc và nương hơi thở khéo tác ý, nhưng phải nhớ không được ức chế tâm để hết vọng tưởng mà chỉ nhẹ nhàng khéo tác ý “Tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền.

Chỗ này ức chế hết vọng tưởng là sai, chỉ hướng tâm nhẹ nhàng để tự nhiên Định Thần Túc tầm tứ diệt. Khi Định Thần Túc tầm tứ diệt xong là tâm nhập Nhị Thiền. Một lần nữa chỗ này quý vị cần lưu ý: khi tâm có Tứ Thần Túc thì nên để tự nhiên Định Thần Túc điều khiển nhập định, chứ quý vị không được dụng công trong lúc Định Thần Túc điều khiển.

Khi đã nhập Nhị Thiền thì không còn thấy hơi thở, có nghĩa là hơi thở còn thở, chứ ở đây chưa phải tịnh chỉ hơi thở, nhưng tự nó thở chậm và nhẹ nhàng, ta không nên dụng cơ điều khiển nó. Nếu dụng cơ điều khiển cho chậm nhẹ là sai, đó là dùng cơ ức chế tâm thì tâm nhập vào một trạng thái Không tưởng.

Từ Không tưởng, nơi đây Thiền Tông cho “Vô tâm còn cách một lớp rào”; nơi đây tưởng thức hoạt động sinh ra 18 loại hỷ tưởng giống như người trong giấc mộng. Sau khi thọ 18 loại hỷ tưởng thì vượt ra Không tưởng nhập vào Thức vô biên xứ tưởng mà các Tổ Thiền Tông cho Thức vô biên xứ là cái biết phủ trùm vạn hữu (Phật tánh). Thiền Tông tu tập đến đây là hết biết đường tu tập nữa (Phản bổn hoàn nguyên).

Muốn nhập Tam Thiền ta phải nương vào hơi thở khéo tác ý nhẹ nhàng tịnh chỉ các trạng thái tưởng do Định Như Ý Túc điều khiển để tâm ly các trạng thái hỷ tưởng, có nghĩa là không còn một trạng thái hỷ tưởng nào cả. Nói tóm lại là phải ly 18 loại hỷ tưởng cho thật sạch. Lúc bấy giờ mới nhập Tam Thiền dễ dàng, không có khó khăn không có mệt nhọc.

Muốn nhập Tứ Thiền phải xuất khỏi trạng thái Tam Thiền nương vào hơi thở, khéo tác ý tịnh chỉ thọ, âm thanh và các hành trong thân rồi sau đó mới hướng tâm tịnh chỉ hơi thở, tức là thân hành nội dừng hẳn, nhập Tứ Thiền. Khi nhập Tứ Thiền xong là lúc bấy giờ tâm định trên thân, thân định trên tâm. Lúc đó liền hướng tâm, tức là dẫn tâm đến Tam Minh. Khi Tam Minh đã viên mãn thì ta làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi, không còn tái sanh nữa.

Tu thiền định ức chế tâm chỉ một thời gian tâm sẽ bộc phát tham, sân, si, mạn, nghi rất mạnh. Ức chế tâm dễ sanh chiêm bao. Ức chế thân dễ sanh rối loạn cơ thể, rối loạn thần kinh, có thể sanh nhiều bệnh tật khó trị.

Ức chế tâm lắng sâu vào các trạng thái tĩnh lặng, dễ rơi vào các trạng thái định tưởng (tà định). Đó là những loại định rất nguy hiểm cho người tu không có thiện hữu tri thức hướng dẫn.

Về Định Niệm Hơi Thở thì phải tu đúng như trong kinh Nguyên Thủy mà đức Phật đã dạy: “Định Niệm Hơi Thở không phải “Sổ Tức Quán” không phải “Lục Diệu Pháp Môn.” Không nên tu theo các pháp hơi thở do các Tổ biên soạn và ba hơi thở của thiền Yoga.

Pháp Định Niệm Hơi Thở của Phật là pháp xả tâm: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra,” đó là pháp môn hơi thở xả tâm. Đừng lầm lạc, phải cảnh giác các pháp môn hơi thở của tà giáo ngoại đạo mà các Tổ đã bị ảnh hưởng quá nặng. Do các Tổ bị ảnh hưởng giáo pháp của ngoại đạo nên dần dần giáo pháp hơi thở của đức Phật bị che khuất bởi chiếc áo chắp vá kiến giải của ngoại đạo, của kinh sách phát triển, đến độ người ta không còn biết đến giáo pháp của đức Phật là gì nữa.

Nên lưu ý: “Tịnh chỉ hơi thở” là một điều quan trọng, vì hơi thở là mạng sống của chúng ta. Nếu hơi thở dừng thì mạng sống này không còn. Cho nên, con đường tu theo đạo Phật làm chủ được sự sống chết, tức là làm chủ được hơi thở.

Dừng hoặc phục hồi được hơi thở là một sự điều khiển phải có một đạo lực do tâm ly dục ly ác pháp; phải có một cuộc sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, cũng không nên ăn uống, ngủ nghỉ phi thời; cũng không nên phá hạnh độc cư vì phá hạnh độc cư tâm sẽ phóng dật mà tâm phóng dật thì không bao giờ xả tâm sạch.

Xả tâm không sạch thì ngũ dục lạc phát triển mạnh thì giới ăn, ngủ và độc cư sẽ vi phạm, và vi phạm thì con đường tu không bao giờ tới đích.

Vì thế, xưa đức Phật nhắm vào ngũ dục lạc dạy: “Thừa tự pháp chứ không nên thừa tự thực phẩm,” tức là đức Phật muốn dạy chúng ta không nên tham ăn, tham uống. Cho nên uống, ăn phải đúng pháp thì sự tu hành mới làm chủ được hơi thở.

Muốn tịnh chỉ hơi thở mà còn ăn uống phi thời, tâm còn dục và ác pháp thì tịnh chỉ hơi thở sẽ đi vào cõi chết. Nếu luyện tập tưởng (thở bằng lỗ chân lông, thở bằng rốn thì không chết) nhưng đó là những pháp không làm chủ được sự sống chết.

Vì tâm còn dục nên thích ăn, uống, ngủ, nghỉ, danh lợi, tiền tài, vật chất, sắc đẹp và ác pháp (tham, sân, si, mạn, nghi) thì hành động nội của cơ thể còn hoạt động rất mạnh nên lượng oxy đòi hỏi phải được đầy đủ. Con đã dùng pháp hướng tâm và điều khiển hơi thở để tịnh chỉ nó, nhưng hơi thở chỉ tịnh chỉ được một lúc mà không kéo dài ra và không dừng hẳn được.

Đó là chứng tỏ thân tâm con chưa thanh tịnh (chưa ly dục ly ác pháp sạch), cơ thể còn hoạt động như cơ thể người phàm phu. Vì vậy, khi hơi thở bị nén, cơ thể muốn bảo toàn sự sống nên phản ứng một cách rất tự nhiên, hơi thở ra vô dồn dập để đủ khí oxy trở lại. Ở Quy Nhơn có một bác sĩ tu hơi thở và tịnh chỉ hơi thở bằng cách cố nín thở để kéo dài thời gian ra và ông đã chết một cách đáng thương. Giải thoát đâu không thấy mà chết một cách oan uổng. May mắn con viết thư thưa hỏi, nếu không hỏi kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến: 

             1- Chết một cách thê thảm như ông bác sĩ ở Quy Nhơn
             2- Cơ thể sanh bệnh, đứt mạch máu mao phế quản, khạc ra máu như Minh Tông.

Trong kinh sách Nguyên Thủy gọi Bốn Thiền là “Tứ Thánh Định,” tức là thiền định của bậc Thánh. Chỉ có bốn thiền này mới tịnh chỉ được hơi thở, nhưng phải sống và tu tập đúng theo đường lối Giới, Định, Tuệ, có nghĩa là:

              1- Sống như Thánh giới (Thánh giới uẩn tức là giới luật phạm hạnh đầy đủ).
              2- Tu tập rèn luyện pháp hướng tâm “Tứ Chánh Cần,” tức là ngăn ác và diệt ác pháp.

Các con chỉ biết ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà không thấy “Tứ Chánh Cần” là “Định Tư Cụ” của đạo Phật để nhập các loại thiền và các loại định. Muốn nhập định, tịnh chỉ tâm hành và thân hành mà không tu tập “Tứ Chánh Cần” thì không làm sao tịnh chỉ được hơi thở. Muốn nhập định làm chủ sanh, già bệnh, chết mà không tu “Tứ Chánh Cần” thì không làm sao làm chủ được.

Ngoài pháp môn “Tứ Chánh Cần” mà tìm thiền định thì thiền định đó là tà thiền, tà định của ngoại đạo, của kinh sách phát triển thì không thể làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Thân tâm chưa thanh tịnh mà muốn nhập định thì định đó là định giết người không chôn. Thiền định thời nay tu mãi biến thành pháp dưỡng sinh ngừa bệnh chẳng có ích lợi gì mà còn phí sức vô ích.

Muốn tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì con hãy nghiên cứu lại kinh sách Nguyên Thủy cách sống như thế nào? Cách tu tập như thế nào? Pháp nào tu trước, pháp nào tu sau. Khi thông suốt, chừng đó mới bắt đầu thực hành tu tập.

Nhưng con nên lưu ý “Giới Luật” là pháp môn đầu tiên của “Tam Vô Lậu Học,” phải áp dụng sống cho đúng giới luật thì con đường tu của con mới được an ổn và đúng chánh pháp.

8. Tưởng Định

Hỏi: Kính thưa Thầy, có một lần con chứng nghiệm một trạng thái toàn thân như mất hẳn, mình như hòa trong tất cả. Lúc đó một tiếng thằn lằn bên vách tường kêu, con cảm thấy như tiếng thằn lằn này từ trong tim con kêu, chứ không phải bên ngoài nữa, tiếng thằn lằn và mình là một, như hòa nhập không hai. Trạng thái này rất an lạc mà con chưa bao giờ gặp, lúc đó con tác ý để duy trì trạng thái đó thì hơi thở và tâm hành trở lại trạng thái cũ. Đây là trạng thái gì? Và làm sao an trú trong trạng thái này. Xin Thầy chỉ dạy giải thích cho con rõ về phương pháp chỉ và quán của hơi thở?

Đáp: Đây là trạng thái “Thức Vô Biên Xứ Định,” một trạng thái định tưởng của bốn loại định Vô Sắc.

Vị Tổ sư viết và soạn thảo kinh Duy Ma Cật gọi đó là pháp môn “Bất Nhị.” Khi đã nhập vào trạng thái định bất nhị này thì mới có cảm nhận như vậy. Thiền Đông Độ do các vị Tổ sư thiền tu tập đều nhập vào được trạng thái định này nên có một cảm giác mình là vạn hữu, vạn hữu là mình.

Từ đó các Tổ dùng những danh từ rất kêu, gọi nó là “Phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu; pháp môn bất nhị; dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư; bản thể vạn hữu v.v...” Đó là những danh từ chỉ cho trạng thái “Thức Vô Biên Xứ tưởng” mà các Tổ đã lầm tưởng đó là Phật tánh. Vì là định tưởng nên có một trạng thái an lạc xuất hiện, đó là dục tưởng hỷ lạc.

Bây giờ vô tình con ức chế tâm hết vọng tưởng vượt qua Không Vô Biên Xứ. Con đã rơi vào Thức Vô Biên Xứ. Vì vô tình rơi vào nên con chẳng biết cách nhập vào. Con muốn nhập vào trạng thái đó thì hãy nghiên cứu bài kinh Tiểu Không trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 291, con sẽ biết cách vào.

Bốn loại định vô sắc tưởng rất dễ tu, phần đông người tu thiền thời nay đều rơi vào bốn loại định tưởng này mà hai loại định dễ rơi vào nhất đó là “Không Vô Biên Xứ Tưởng” và “Thức Vô Biên Xứ Tưởng.”

Nhập vào các định này, các Tổ bị che khuất lối đi, tưởng mình đại ngộ hay triệt ngộ, từ đó xây dựng các thế giới Niết Bàn có bốn đức: “Thường, lạc, ngã, tịnh” nhưng thật ra đó là tưởng tri chứ không phải liễu tri.

Con muốn rõ phương pháp chỉ quán về hơi thở nên đọc lại sách chỉ quán của ngài Trí Khải Đại Sư mà Thượng Tọa Trí Quang đã dịch ra Việt ngữ vào năm 1965 - 1967 (lâu quá Thầy không nhớ kỹ).

Xưa đức Phật nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ mà còn bỏ vì không ích lợi thiết thực cho đời sống con người, không giải thoát khổ đau của kiếp làm người, bây giờ con đi tìm lại nó để làm gì? Không lẽ con bỏ dục lạc thế gian mà lại đi tìm thứ dục lạc hư ảo hão huyền (rất an lạc) của loại định này sao?

Tu tập theo Phật giáo mục đích là làm chủ thân tâm trước những đau khổ sanh, già, bệnh, chết của kiếp người, chứ đâu phải đi tìm cái tưởng lạc đó, có lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con đâu. Bỏ ô này, mắc ô khác, có nghĩa là bỏ dục này tìm dục khác mà lại là dục tưởng thì có ích gì cho cuộc đời vô thường đau khổ của con.

Con không nhớ trong Tứ Thánh Định Phật dạy: nhập Sơ Thiền “ly dục lạc, ly dục khổ, ly dục bất lạc bất khổ.” Kế tiếp vào Định Tam Thiền, đức Phật dạy: ly hỷ tưởng cho sạch, rồi sau đó mới xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, xả sạch không còn gì để xả thì mới nhập Tứ Thiền. Bây giờ con lại đi tìm sự an lạc của định Thức Vô Biên Xứ để sống với nó thì phỏng chừng có ích gì cho đời sống của con. Hãy dẹp bỏ mà đi về con đường của Phật.

Nếu con có tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát quyết tâm nhiệt tình ly dục ly ác pháp bỏ sạch xuống, tâm chẳng còn tham, sân, si (ác pháp) thì con đường thiền định không còn khó khăn. Muốn tịnh chỉ tâm hành và thân hành thì dễ dàng như trở bàn tay, chỉ cần ra lệnh thì tịnh chỉ được ngay liền.

Nếu tâm ham muốn và ác pháp còn thì con đường thiền định tịnh chỉ tâm hành và thân hành là một điều vạn nan. Chìa khóa mở cửa thiền định là giới luật, nếu ai biết dùng giới luật thì mở cửa thiền định dễ dàng, làm chủ sanh tử không còn khó khăn. Cửa thiền định không thể mở cho kẻ phá giới đi vào.

Chính vì tu sĩ Phật giáo thời nay phạm giới, phá giới nên cánh cửa giải thoát của đạo Phật còn đóng chặt, chờ cho kẻ nào vượt qua cửa giới luật mới hé mở cho bước vào.

Tu danh, tu lợi, tu chùa to, tháp lớn, tu cấp bằng, tu miệng, tu lưỡi, v.v... thì cửa thiền định giải thoát của đạo Phật muôn đời vẫn đóng kín âm thầm và lặng lẽ.

Cửa thiền chỉ mở để chờ đón những người con chân chánh của Phật, những người nhiệt tâm tinh cần, sống đúng phạm hạnh và giữ gìn giới luật nghiêm túc.

9. Thiền xả tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy! Các pháp hành con tu như trong thư con đã gửi cho Thầy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Các pháp này con tu đều đúng cả, nhưng có một điều con nên quan tâm và lưu ý, nếu tập sai một chút xíu tức là sai li hào cũng trở thành thiền ức chế tâm là rơi vào thiền của ngoại đạo, không làm chủ sự sống chết và luân hồi, ngay cả tâm tham, sân, si cũng không hết.

Mục đích tu thiền của Phật là xả tâm, không có ức chế tâm. Con nên lưu ý những câu kết hợp: “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly sân tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly tham tôi biết tôi đang thở vô, quán ly sân tôi biết tôi đang thở vô.” “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành. Quán ly sân tôi biết tôi đi kinh hành.” Đó là cách thức tu thiền xả tâm.

Trong giờ phút nào tâm được yên lặng thì nhớ hướng tâm nhắc. Muốn biết chắc thiền định xả tâm này của Phật thì con nên đọc lại kinh Nguyên Thủy Trung Bộ Kinh, tập 3 trang 249 Phật dạy về Nhập Tức Xuất Tức, đầu tiên nhớ nhắc tâm:

             1- Vị ấy tập: “Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra.”
             2- Vị ấy tập: “Thở vô dài, vị ấy biết “tôi thở vô dài.” Hay thở ra dài, vị ấy biết “tôi thở ra dài.” Hay thở vô ngắn, vị ấy biết “tôi thở vô ngắn.” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết “tôi thở ra ngắn.”
            3- Vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra.”
            4- Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra.”
            5- Vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở ra.”
            6- Vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở ra.”
            7- Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở ra.”
            8- Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra.”
            9- Vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở ra.”
           10- Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở ra.”
           11- Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở ra.”
           12- Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra.”
           13- Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở ra.”
           14- Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở ra.”
           15- Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tôi sẽ thở ra.”
           16- Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tôi sẽ thở vô.” Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tôi sẽ thở ra.”

Đọc qua đoạn kinh Nhập Tức Xuất Tức, chúng ta thấy rõ cách thức tu tập Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy xả tâm chứ không có ức chế tâm. Còn pháp Sổ Tức Quán và Lục Diệu Pháp Môn đều là pháp ức chế tâm.

Cho nên “Quán ly tham, quán đoạn diệt, quán ly sân v.v...” đó là các vấn đề chánh để xả tâm. Còn hơi thở là vấn đề phụ chỉ giúp cho tâm được tỉnh thức để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi cho rốt ráo.

Người tu Định Niệm Hơi Thở phải biết chia ra nhiều giai đoạn tu tập để làm cho Tứ Niệm Xứ được sung mãn. Từ biết hơi thở vô, hơi thở ra, đến an tịnh thân hành tôi sẽ thở ra, đó là tập chánh niệm tỉnh giác để chế ngự tham ưu ở đời. Đấy là giai đoạn một. “Tỉnh giác là hàng đầu” trên thân quán thân, thân hành nội, tức là hơi thở ra, vô.

Từ cảm giác hỷ thọ đến “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra” đó là trên thọ quán thọ để giúp cho sức tỉnh giác cao hơn luôn ở trong chánh niệm, khắc phục được thọ, mà khắc phục được thọ thì chế ngự được tâm tham ưu ở đời. Mà các cảm thọ tức là hơi thở vô, hơi thở ra, tức là tu tập xả thọ (thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ). Đây là giai đoạn hai tu tập hơi thở xả tâm tham ưu khắc phục thọ.

Từ “Cảm giác tâm tôi sẽ thở vô đến với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra,” đó là trên tâm quán tâm dùng sức tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Một người khéo tu tập hơi thở như vậy thì không thể thất niệm, không thể không có tỉnh giác. Đó là cách thức quán tâm trên tâm để xả tâm tham, sân, si (tham ưu). Đây là giai đoạn thứ ba của người tu thiền đạo Phật xả tâm.

Từ “Quán vô thường tôi sẽ thở vô đến quán từ bỏ tôi sẽ thở ra,” đó là quán pháp trên các pháp để xả tâm xa lìa các pháp, chế ngự và khắc phục tham ưu ở đời. Do nhờ tu tập như vậy mới đoạn trừ tham ưu với trí tuệ khéo nhìn sự vật (các pháp) với tâm xả ly. Đây là giai đoạn thứ tư tu về Định Niệm Hơi Thở xả ly tâm dục và ác pháp khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

Trong bốn loại định:

              1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác tu tập theo hành động của ngoại thân đều câu hữu với pháp hướng xả tâm Như lý tác ý để phá hôn trầm thùy miên vô ký.
              2- Định Niệm Hơi Thở tu tập theo hành động nội của thân cũng đều câu hữu với pháp hướng xả tâm Như lý tác ý.
              3- Định Vô Lậu quán xét tư duy cho thấu triệt các pháp nội và ngoại, rồi dùng pháp hướng xả tâm Như lý tác ý.
              4- Định Sáng Suốt là một loại định vừa thư giãn, vừa xả tâm bằng pháp hướng thư giãn.

Bốn định trên đều là bốn pháp định xả tâm (ly dục ly ác pháp). Con nên nhớ kỹ “Thiền của Phật là thiền xả tâm.” Đọc bài kinh Nhập Tức Xuất Tức chắc con đã rõ, không phải chỉ có Thầy dạy thiền xả tâm mà chính đức Phật đã dạy như vậy. Thầy chỉ là người dạy lại lời của đức Phật mà thôi. Còn các thiền của ngoại đạo đều dạy ức chế tâm, con hãy cố gắng tu cho đúng lời Phật dạy thì kết quả ngay liền có sự giải thoát, cụ thể giải thoát, không phải tu nhiều đời nhiều kiếp.