Học Giới - Định - Tuệ. Kì 38 (73)
73. TU THIỀN ĐỊNH (2) - (tiếp theo)
12. Vén màn ngũ triền cái, bứt sạch thất kiết sử
Hỏi: Kính bạch Thầy, sau khi quán xét thông suốt rồi dùng pháp hướng tâm quét sạch lậu hoặc. Xin Thầy dạy cho cách vén màn ngũ triền cái, bứt sạch thất kiết sử.
Đáp: Ngồi quan sát thân, thọ, tâm, pháp của con và đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó là cách thức con đã vén màn ngũ triền cái và bứt sạch thất kiết sử. Nhưng con phải biết rõ, phải nhận thấy tâm nào là tâm tham triền cái và tâm nào là tâm tham kiết sử, phải phân biệt cho rõ ràng. Các con đã học lớp Chánh Kiến chưa?
Trong lớp Chánh Kiến có bài học về Ngũ triền cái và Thất kiết sử. Khi học xong lớp Chánh Kiến thì không có một niệm ngũ triền cái hoặc một niệm thất kiết sử nào qua mặt con được.
Vì có học nên con thông suốt tất cả ngũ triền cái và thất kiết sử đều là ác pháp nên không bao giờ con lầm nó. Không bao giờ lầm nó, do đó con không chấp nhận cho nó tái diễn tới lui nên ngăn và diệt tận gốc.
Khi biết rõ nó thì nhất định không làm theo nó. Không làm theo nó tức là ly nó. Và không làm theo nó mãi thì nó bị diệt mất không còn tới lui nữa.
Diệt ngũ triền cái và thất kiết sử chỉ có tri kiến giải thoát mà “tri kiến giải thoát ở đâu thì giới luật ở đó.” Cho nên giới luật càng sống nghiêm túc thì tri kiến giải thoát càng thông suốt:
“Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.”
Như vậy xả tâm ly dục ly ác pháp bằng tri kiến giải thoát chứ không phải xả tâm bằng nhiếp tâm trong hơi thở ra hơi thở vô, bằng đi kinh hành, bằng niệm Phật niệm chú, tụng kinh, bằng tham công án thoại đầu v.v...
Muốn tu tập theo Phật giáo quý vị hãy lưu ý những lời dạy trên đây: “Xả tâm bằng Chánh tri kiến để chứng đạt chân lý tâm thanh thản an lạc và vô sự, chứ không phải xả tâm bằng chế ngự vọng tưởng chẳng niệm thiện niệm ác để kiến tánh thành Phật hoặc để được nhất tâm, nhờ đó để được Phật rước về cõi Cực Lạc Tây phương.”
13. Dùng một hay nhiều câu pháp hướng?
Hỏi: Sách ĐVXP tập II trang 145 (cũ). Hỏi xin các pháp hướng tu về Định Vô Lậu thì trong sách có dạy rất nhiều câu:
- Tâm phải ly dục ly ác pháp.
- Tâm phải đoạn diệt lòng ham muốn và sân si.
- Tâm phải gom vô hơi thở.
- Tâm phải tịnh chỉ tầm tứ hoàn toàn.
- Tâm phải tỉnh thức hoàn toàn, thân ngủ tâm không được ngủ.
Con thấy nhiều câu quá. Vậy ta nên dùng một câu suốt giờ tu hay dùng nhiều câu trong thời gian tu đó?
Đáp: Thầy cho nhiều câu pháp hướng tâm như vậy là để cho các con lựa chọn câu nào xứng hợp với đặc tướng của mình, hoặc đang tu ở pháp môn nào, giai đoạn nào thì nên chọn câu pháp hướng tâm ở giai đoạn đó, pháp môn đó cho phù hợp với sự vô lậu của pháp môn giai đoạn đó.
Điều quan trọng là khi dùng pháp hướng tâm là dùng một câu pháp hướng có hiệu quả hơn là nhiều câu hướng một lượt.
Ví dụ: Tháng thứ nhất, người mới bắt đầu tu Định Niệm Hơi Thở thì câu pháp hướng đầu tiên của nó là: “Ý thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô rõ ràng” và khi hơi thở thở đều, tâm chú ý vào hơi thở thì thỉnh thoảng lại nhắc một câu pháp hướng khác như: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.”
Sau hơn một tháng tu tập, hơi thở đã thuần thục, thời gian có tăng lên từ một phút đến 30 phút thì những câu pháp hướng cũng được thay đổi hoàn toàn, chỉ còn giữ câu pháp hướng đầu tiên của Định Niệm Hơi Thở và không còn sử dụng những câu pháp hướng cũ.
Ví dụ: Tháng thứ hai, khi ngồi kiết già lưng thẳng xong thân tâm cảm giác được yên ổn thì dùng pháp hướng tâm: “Ý thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô một cách rõ ràng,” khi tâm đã chú ý hơi thở ra vô đều đều thì con thỉnh thoảng khoảng 5 hoặc 10 hơi thở lại hướng tâm một lần: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “Cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ ba con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu: “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ tư con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ năm con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm hân hoan tôi biết tôi hít vô, với tâm hân hoan tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ sáu khi tâm con cảm thấy có sức định tỉnh con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ bảy khi tâm có sức định tỉnh, pháp hướng tâm có hiệu quả hơn thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.” Hoặc “Quán ly si tôi biết tôi hít vô, quán ly si tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ tám khi con cảm thấy tâm mình đã ly tham, sân, si, mạn, nghi thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi thở ra.”
Tháng thứ chín khi con cảm thấy tâm con không phóng dật, tâm thường định trên hơi thở một cách tự nhiên thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định.”
Tháng thứ mười nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Bất Động Tâm Định thì con ở trong trạng thái Bất Động Tâm Định đó nương vào hơi thở ra và hơi thở vô liền thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền.”
Tháng thứ mười một nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Sơ Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Sơ Thiền. Tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền.”
Tháng thứ mười hai, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Nhị Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Nhị Thiền. Tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly 18 loại hỷ tưởng nhập Tam Thiền.”
Tháng thứ mười ba, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Tam Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Tam Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền.”
Đây là những pháp hướng tâm để tu tập về Định Niệm Hơi Thở. Còn tu tất cả các loại định khác lần lượt Thầy sẽ dạy các con trạch pháp và dùng pháp hướng tâm cho đúng cách. Trước kia Thầy chỉ kê ra cho các con biết về pháp hướng tâm chứ chưa soạn thảo một giáo trình tu tập cho các con. Tại sao Thầy không biên soạn giáo trình tu tập cho các con trước?
Tại vì giáo pháp của kinh sách phát triển đã dìm mất giáo pháp của đức Phật nên lúc này là giai đoạn chỉ mặt vạch tên để cho mọi người rõ đâu là chánh pháp của đức Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo. Cho nên sự hỏi đạo của phật tử hiện giờ là một điều cần thiết hơn là tu tập.
Sau khi hỏi đạo thấu rõ chánh pháp và tà pháp thì giáo trình tu tập sẽ được ra đời, thì sự tu tập của các con không còn khó khăn nữa. Nghĩa là các con được Thầy hướng dẫn từng bước tu tập, còn bây giờ các con hỏi thì Thầy chỉ dạy lõm bõm mà thôi. Sau này các con sẽ có một giáo trình tu học theo đúng chương trình giáo dục đào tạo những bậc tu chứng của Bát Chánh Đạo.
14. Hướng tâm như thế nào?
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin pháp hướng tâm tu Định Vô Lậu mà dùng câu pháp hướng tâm: “Tâm phải gom vô, tâm phải tỉnh thức hoàn toàn. Tâm phải diệt tầm tứ hoàn toàn v.v…” Như vậy pháp hướng tâm có tác dụng không?
Đáp: Tất cả các pháp môn của đức Phật tu tập đều có một mục đích nhắm vào tâm vô lậu, mà pháp môn tu tập để tâm được tỉnh thức là pháp môn căn bản nhất, có tỉnh thức mới có xả được tâm, mới ly tham đoạn các ác pháp, do đó tâm mới vô lậu.
Có tỉnh thức mới quán xét các niệm hoặc các ác pháp đến để thấu suốt nó thì mới ly tham đoạn diệt được, như bài pháp tu Định Niệm Hơi Thở ở trên. Bắt đầu gom tâm, tỉnh thức từng hơi thở rồi ly tham, ly ác pháp.
Ly tham ly ác pháp được rồi mới diệt tầm tứ, diệt tâm tứ được rồi mới ly các loại hỷ tưởng, ly các loại hỷ tưởng được rồi mới tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ hơi thở được rồi mới diệt tận lậu hoặc bằng Lậu Tận Minh.
Biết dùng pháp hướng đúng cách, đúng thời, đúng pháp, đúng giai đoạn tu tập của nó thì có tác dụng và có lợi ích rất lớn cho hành giả đang tu tập.
15. Thùy miên hay Tùy miên?
Hỏi: Kính bạch Thầy, danh từ thùy miên là nghĩ ngợi liên tục hết cái này tới cái kia, hay còn có nghĩa là ngủ say thưa Thầy?
Đáp: Từ thùy miên có nghĩa là ngủ, buồn ngủ, ngủ miên man liên tục không hay biết gì cả, đó là một trạng thái si mê, lười biếng của những người vô minh.
Thùy có nghĩa là ngủ, buồn ngủ; miên có nghĩa là triền miên, miên man, liên tục. Thùy miên không có nghĩa là nghĩ ngợi, chỉ có danh từ tùy miên thì mới có sự nghĩ ngợi liên miên.
Tùy có nghĩa là theo, bám sát, không rời ra.
Miên có nghĩa là triền miên, miên man, liên tục.
Ví dụ: Sân tùy miên có nghĩa là cơn giận không nguôi; tham tùy miên có nghĩa là lòng ham muốn không bỏ được, ham muốn hoài hoài, ham muốn liên tục; si tùy miên có nghĩa ngu si ham ăn, ăn no mà còn ráng ăn, ham ngủ, trời sáng trắng mà chưa chịu dậy, ham chơi mà quên học hành v.v… Đó là nghĩa của Thuỳ miên và Tùy miên con nên nhớ kỹ đừng để hiểu sai và hiểu sai thì tu tập không kết quả.
Cho nên thùy miên và tùy miên hai nghĩa khác nhau, hai trạng thái khác nhau không giống nhau chút nào. Người tu hành phải nhận xét cho rõ ràng đừng để nhầm lẫn nghĩa. Đến đây con đã hiểu xong còn chỗ nào nghi ngờ nữa không?
16. Sống thơ thẩn một mình
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong phần một của hạnh độc cư, tập sống thơ thẩn một mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, xin Thầy chỉ rõ. Nó có giống trạng thái sống riêng và không làm việc?
Đáp: Độc cư ở giai đoạn I, trong suốt ngày đêm chúng ta chia thời gian ra làm bốn thời sáng, chiều, tối, khuya, mỗi thời chúng ta dành riêng ra 30 phút tập sống thơ thẩn một mình, quan sát thân, thọ, tâm và pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.
Đến giai đoạn II độc cư thì thời gian sống thơ thẩn một mình được tăng lên 60 phút hoặc hơn nữa.
Đến giai đoạn III thì hoàn toàn sống suốt 24 tiếng đồng hồ thơ thẩn một mình, mục đích sống như vậy là để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm như trên Thầy đã dạy.
Tóm lại sống thơ thẩn một mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm là sống riêng không làm việc bên ngoài mà cũng không làm việc bên trong. Chỉ duy nhất có một việc làm là việc đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm mà thôi. Cho nên ở giai đoạn một nó chỉ mới tu tập với thời gian ngắn 30 phút “sống riêng và không làm việc.”
17. Sự tu tập Khổ Đế...
Hỏi: Kính bạch Thầy, thế nào là Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh Đế tu tập trong Tứ Niệm Xứ, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú?
Đáp: Muốn tu tập Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh Đế trên Tứ Niệm Xứ thì bắt đầu sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú tại bốn chỗ: “Thân, thọ, tâm, pháp”:
1- Thứ nhất chúng ta bắt đầu quan sát và xem xét nơi “Thân” Tứ Niệm Xứ coi có các chướng ngại pháp trên đó hay không? Nếu có (sanh khởi) tức là “Khổ, Tập Thánh Đế” đang tạo tác trên thân khiến cho thân bất an thì chúng ta nên dùng Định Vô Lậu quét sạch (xả ly) “khổ, tập” trên đó.
Xong rồi thì chúng ta dùng câu pháp hướng tâm để tạo cho tâm có một nội lực sung mãn để Tập Đế không còn tập họp (diệt trừ) trên thân Tứ Niệm Xứ được và cuối cùng thân Tứ Niệm Xứ của chúng ta được an lạc và vô sự, “Diệt Đế” (an trú). Đây là sự tu tập Khổ, Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú trên thân Tứ Niệm Xứ .
2- Thứ hai kế tiếp chúng ta cũng quan sát và xem xét (sanh khởi) “Thọ” Tứ Niệm Xứ của chúng ta và cũng tu tập như thân Tứ Niệm Xứ vậy... Đây là sự tu tập Khổ, Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú.
3- Thứ ba: sau khi tu tập Thọ Niệm Xứ xong chúng ta tiếp tục quan sát xem xét “Tâm” Tứ Niệm Xứ và cũng tu tập như Thân Niệm Xứ ở trên vậy… Đây là sự tu tập Khổ Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi xả ly diệt trừ và an trú.
4- Thứ tư sau khi tu tập “Tâm” Niệm Xứ xong chúng ta tiếp tục tu tập “Pháp” Niệm Xứ. Pháp Niệm Xứ chia ra làm hai loại: 1, Pháp Niệm Xứ ngoại; 2, Pháp Niệm Xứ nội.
1, Pháp Niệm Xứ ngoại gồm có hai phần:
a- Pháp Niệm Xứ ngoại thế gian;
b- Pháp Niệm Xứ ngoại xuất thế gian.
2, Pháp Niệm Xứ nội gồm có hai phần:
a- Pháp Niệm Xứ nội thế gian;
b- Pháp Niệm Xứ nội xuất thế gian.
Dù chia chẻ các pháp ra như vậy, nhưng chúng ta phải hiểu các pháp thế gian dù nội hay ngoại đều là ác pháp cả, còn ngược lại pháp xuất thế gian dù nội hay ngoại đều là thiện pháp cả. Vì thế đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp” đó là pháp thế gian, “Sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” đó là pháp xuất thế gian.
Sau khi chia ra và phân biệt rõ pháp nội và ngoại, thế gian và xuất thế gian, từ trên pháp chúng ta tu tập như thân Tứ Niệm Xứ vậy… Đây là sự tu tập Khổ Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú.