Skip directly to content

Học Giới - Định - Tuệ. Kì 31 (67).

67. CÁC NHÀ HỌC GIẢ DẠY THIỀN

1. Nhập Sơ Thiền.

              Kính thưa Thầy! Phương pháp nhập Sơ Thiền của nhà học giả dạy:
           “Muốn nhập Sơ Thiền thì mười ác pháp đi lui, năm thiện pháp đi tới. Vậy mười ác pháp là gì? 1- Mắt đắm sắc; 2- Tai đắm tiếng; 3- Mũi đắm hương; 4- Lưỡi đắm vị; 5- Thân đắm xúc. Cộng năm thứ ngăn che (tham, sân, si, mạn, nghi) kể trên là 10 pháp ác. Năm pháp thiện là gì? Đó là: 1- Tầm; 2- Tứ; 3- Hỷ; 4- Lạc; 5- Nhất tâm".
              Kính thưa Thầy, nhà học giả dạy như vậy có đúng không?

Đáp: Ở đây nhà học giả dạy theo kiểu tưởng giải, chứ không đúng ý của Phật dạy. Ác pháp gồm chung có rất nhiều, nhưng giới cư sĩ Phật dạy chỉ có: Mười thiện và Mười ác. Mười thiện và mười ác là các pháp căn bản gốc đạo đức của đạo Phật để chỉ cho luật nhân quả thiện ác tạo ra do ba hành động thân, miệng, ý. Từ đó sanh ra vô lượng pháp ác và pháp thiện. 

Nhà học giả kể ra mười pháp ác cũng đúng, nhưng lại sai, vì lấy ngũ triền cái cộng với pháp phòng hộ sáu căn bỏ bớt một căn để thành năm pháp ác. Đó là sự nghĩ tưởng của nhà học giả chấp nối sai lạc kinh sách của Phật.

          Nhà học giả dạy tu hành ở giai đoạn này là giai đoạn ly dục ly ác pháp thì nó còn dễ không xảy ra bệnh tật thần kinh tưởng. Nếu là giai đoạn tu tập thiền định và Tam Minh thì không tránh khỏi tai họa lớn cho hành giả. Cho nên nhà học giả kết hợp dạy như vậy thì chỉ có giết người, chứ không phải dạy tu thiền định như vậy.

Phật dạy: Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền” chứ không có dạy “ly mười pháp ác nhập Sơ Thiền.” Biết rằng trong mười pháp ác có dục là tham muốn, nhưng không phải vì vậy mà gọi là ly dục. Dạy theo kiểu học giả thì người ta không biết đâu ly mười pháp ác. Đọc đoạn kinh này ta thấy nhà học giả không có thực hành pháp tu, chỉ nghĩ tưởng ra nói suông mà thôi chứ không thấy trách nhiệm lời nói của mình đối với đoàn hậu thế mai sau.

Kinh điển đức Phật đã dạy rất rõ ràng: “Mắt đắm sắc, tai đắm âm thanh, mũi đắm mùi hương, lưỡi đắm vị, thân đắm xúc, ý đắm pháp.” Đó là pháp dạy phòng hộ sáu căn tức là pháp giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý, không cho dính mắc sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Phật không có dạy đó là ác pháp, nhưng chúng ta phải hiểu, khi mắt đắm sắc, tai nhiễm âm thanh, mũi thích mùi hương, lưỡi ưa thích vị, thân đắm xúc, ý chấp pháp. Từ chỗ đắm nhiễm, ưa thích, dính mắc, chấp kiến pháp đó mới sanh ra có thương ghét, giận hờn, phiền não, đau khổ v.v… Các pháp thương ghét, giận hờn, phiền não đau khổ mới chính là ác pháp chứ không phải mắt thấy sắc, tai nghe âm thinh, mũi ngửi mùi... là ác pháp.

Nhà học giả đã giảng dạy theo tưởng giải của mình, khiến cho mọi người lầm chấp tưởng đó là lời Phật dạy thật nên sự hiểu biết vô minh lại càng vô minh hơn, sự sai lệch càng sai lệch hơn.

Nhà học giả dạy Sơ Thiền không có pháp hành “Mười pháp ác đi lui, năm thiện pháp đi tới.” Nghĩa là làm cách nào tu tập để mười ác pháp đi lui và năm thiện pháp đi tới? Ở đây nhà học giả chỉ có nói suông không có cách thức hay pháp hành tu tập cụ thể rõ ràng.

Nói về pháp thiện và pháp ác, đức Phật đã dạy rõ ràng: “Mười thiện và mười ác” thì không có người phật tử nào không biết, còn thiện ác của nhà học giả viết ra khiến cho người phật tử khó hiểu, lại thấy đạo Phật có thêm mười pháp ác lạ.

Như vậy nhà học giả không dựa vào lời dạy của đức Phật, tự tưởng giải theo sự hiểu biết của mình giảng ra khiến cho sự tu tập theo đạo Phật không còn đơn giản, rối rắm bởi nhiều danh từ, nghe thì rất kêu, nhưng làm mất ý nghĩa pháp hành, thành ra rỗng tuếch.

Dạy như vậy đi từ cái sai này đến cái sai khác. Từ đó kinh sách của các nhà học giả đã biến Phật giáo thành một giáo phái ngôn luận, lý thuyết suông, khiến cho các thầy tỳ-kheo tu hành theo kinh sách này chỉ nói được mà không làm được.

2. Tiếng ồn

Kính thưa Thầy, theo như nhà học giả dạy: “Cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng ồn đi vào tai,” có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Không. Nhà học giả đã hiểu sai những danh từ Phật dạy. Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền.” Nhà học giả nghe chữ “ngôn ngữ” rồi nghĩ tưởng ra là tiếng ồn, vì tiếng ồn thường làm động thiền định ức chế tâm nên ngài luận: “Cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng động đi vào tai.

Ngài không hiểu thiền của đạo Phật là thiền gì? Ngài cho Sơ Thiền ngại tiếng động cũng giống như Thiền Đông Độ và Thiền Đại Thừa sao?

                Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, nên còn có rất nhiều tên như:
               1- Tịnh chỉ ngôn ngữ
               2- Ly dục ly ác pháp
               3- Sống trầm lặng
               4- Sống độc cư
               5- Sống phạm hạnh
               6- Bất động tâm định
               7- Vô tướng tâm định
               8- Sơ Thiền
               9- Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm
              10- Giới luật thanh tịnh
              11- Tâm không phóng dật
              12- Tâm vô dục, vô ác pháp

Từ xưa đến giờ các nhà học giả không có thực hành hoặc thực hành chưa đến nơi đến chốn, cho nên sự hiểu biết của các ngài bằng tưởng tri, không phải bằng trí tuệ. Xét lại sự hiểu biết về Sơ Thiền của các ngài mà dạy như vậy thì kinh sách của các ngài không còn có giá trị tu hành nữa.

Tịnh chỉ ngôn ngữ tức là sống độc cư, sống trầm lặng như đức Phật đã dạy 41 bài kệ sống độc cư và thường ca ngợi cuộc sống trầm lặng của vị khất sĩ.

Nhà học giả không có thực hành bốn thiền hữu sắc (Tứ Thánh Định), nên đã hiểu sai lệch quá nặng, gần như không biết về bốn loại thiền này. Nên ở đời mọi người ít ai chịu mình ngu dốt, cái không biết cứ tưởng mình là biết, từ đó cái sai này dẫn đến cái sai khác. Nhà học giả cũng vậy, không biết về loại thiền Tứ Thánh Định mà dám viết ra sách dạy người tu thiền này, xem thiên hạ đều là bọn ngu dốt chẳng biết gì về Phật pháp cả.

Sơ Thiền không phải là một trạng thái thiền vắng lặng, không có tiếng ồn đi vào tai. Sơ Thiền chỉ là một trạng thái an lạc, thanh thản, có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc của tâm bất động. Nhà học giả chỉ luận theo danh từ trong kinh nên chẳng rõ trạng thái Sơ Thiền như thế nào? Thấy kinh dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền” nên tưởng nghĩ ra “Cái chướng ngại của sơ thiền là tiếng ồn đi vào tai.

Tịnh chỉ ngôn ngữ mà nhà học giả hiểu là tiếng ồn đi vào tai làm chướng ngại cho Sơ Thiền thì rõ ràng nhà học giả chẳng biết gì về Sơ Thiền cả như trên chúng tôi đã nói, hiểu như vậy thật là hiểu sai ngàn vạn dặm. Nhà học giả xưa đã hiểu sai như vậy, nhà học giả ngày nay cứ theo lối mòn cũ mà giải thích khiến cho người đời sau chẳng biết đâu mà tu hành.

Ý của Phật dạy ở đây: Tịnh chỉ ngôn ngữ để nhập Sơ Thiền” tức là phòng hộ sáu căn, phòng hộ sáu căn tức là sống độc cư, chỉ có độc cư mới phòng hộ sáu căn trọn vẹn, nhờ có phòng hộ sáu căn trọn vẹn tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm mới nhập Bất Động Tâm Định. Từ Bất Động Tâm Định mới nhập được Sơ Thiền.

Vào thiền thứ nhất mà nhà học giả hiểu sai, giảng sai thì làm sao giảng dạy Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh cho được, nên đời sau không ai nhập bốn thiền thuộc loại Tứ Thánh Định này. Kinh sách thì dạy rõ ràng mà người không tu lại giảng kinh sách, đó là buôn Phật bán pháp, bán chữ, bán nghĩa mà ăn, làm một nghề bất lương, chứ không phải dạy người tu hành. Mình có tu được chưa mà dám dạy người tu như vậy?

3. Tầm Tứ

Kính thưa Thầy! Nhà học giả cho chướng ngại của Nhị Thiền là tầm, tứ. Cho như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Nhà học giả cho chướng ngại của Nhị Thiền là tầm tứ, cho như vậy là đúng, nhưng ngài không biết cách tịnh chỉ tầm tứ. Tịnh chỉ tầm tứ đâu phải tịnh tọa ức chế tâm như tu tập thiền tỉnh thức theo hành động thân và hơi thở. Nếu tu tập theo kiểu đó thì chẳng khác nào như tu pháp sổ tức quán, niệm Phật và các phương pháp khác của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, đó là diệt tầm tứ ức chế tâm thì đâu đúng Nhị Thiền của Phật đã dạy.

Nhị Thiền diệt tầm tứ bằng cách dùng pháp hướng tâm Tứ Thần Túc theo đường dây hơi thở, theo như phương pháp đức Phật đã dạy: “Muốn nhập Nhị Thiền thì định niệm hơi thở khéo tác ý.” Ở đây, nhà học giả không nói lên được pháp hành tu tập Nhị Thiền mà chỉ lờ và lướt qua một cách nhẹ nhàng vốn là để tránh né, vì chẳng biết cách tu như thế nào?

Như chúng ta đã biết Sơ Thiền là thiền định, thiền định của tâm chứ chưa phải là định của thân, nhưng nó chính là chánh thiền định của Phật giáo, đi từ chỗ xả tâm ly dục ly ác pháp mà vào.

Vì thế, nhờ có thiền này nên tâm được an lạc, thanh thản và vô sự; nhờ có thiền này mà giới luật mới có thanh tịnh và nghiêm trì; nhờ có thiền này mà tâm mới an trú trong Phạm hạnh; nhờ có thiền này mà oai nghi tế hạnh của người tu sĩ mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật; nhờ có thiền này chúng ta mới thấy tâm hồn giải thoát thật sự.

Vì thế mới biết rằng Phật giáo không dối người, không lừa đảo người, nếu không có loại thiền định này (Tứ Thánh Định) thì Phật giáo vẫn là một tôn giáo dối trá, xảo quyệt, lừa đảo lường gạt người v.v... làm chủ sanh, già, bệnh, chết

4. Ly Hỷ

Kính thưa Thầy, có nhà học giả dạy: “Chướng ngại của Tam Thiền là hỷ” có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Đúng. Nhưng nhà học giả không biết pháp hành và không biết hỷ là cái gì sanh ra hỷ, ở đây sự vui mừng của ý thức không còn nữa, vì sáu thức đã gom lại vào một tụ điểm nơi hành giả đang an trú trong định. Ở trạng thái này sáu thức không còn hoạt động, vì thế tưởng thức bắt đầu hoạt động. Nếu ai nhập Tam Thiền mà không hiểu chỗ này thì không nhập Tam Thiền được.

Nhà học giả giảng chỗ này không rõ ràng vì không có kinh nghiệm nhập định nên nói loanh quanh: “Chướng ngại của Tam Thiền là hỷ” mà không biết ly hỷ bằng cách nào? Và cũng không hiểu hỷ này thuộc về ý thức hay tưởng thức, hay là tâm thức?

Vào thiền thứ hai và thiền thứ ba nhà học giả dựa vào những danh từ tịnh chỉ tầm tứ, tịnh chỉ hỷ mà dạy theo kiểu kiến giải của mình, nhưng chẳng biết tịnh chỉ tầm tứ như thế nào? Và loại tầm tứ nào tịnh chỉ? Tấm tứ nội hay tầm tứ ngoại? Và chẳng biết tịnh chỉ loại hỷ nào? Tịnh chỉ như thế nào? Và khi ý thức ngưng hoạt động thì hỷ này thuộc về uẩn nào? Uẩn nào sanh ra hỷ này?

Những người không có thực hành Tứ Thánh Định thì không thể nào hiểu nổi những trạng thái này. Muốn thực hành Tứ Thánh Định thì phải có Định Như Ý Túc. Không có Định Như Ý Túc thì Tứ Thánh Định chỉ có đứng ngoài cổng nhìn vào chứ không bao giờ nếm được mùi vị gì của thiền định cả. Định Như Ý Túc từ giới luật sinh ra “Giới sinh Định” tức là Giới sinh ra Định Như Ý Túc. Có Định Như Ý Túc mới nhập Tứ Thánh Định được. Cho nên các bạn lưu ý ở chỗ này để tránh những thiền tưởng của ngoại đạo

Tầm tứ: có tầm tứ thiện và có tầm tứ ác, có tầm tứ nội và có tầm tứ ngoại, còn hỷ thì có 18 loại hỷ. Vậy xả loại hỷ nào và bằng cách thức tịnh chỉ hỷ như thế nào? Ở đây nhà học giả không nói ra được, tức là không biết, không biết thì đừng luận về Tứ Thánh Định, mà luận về Tứ Thánh Định thì chỉ có bậc A-la-hán, người đã nhập xong bốn loại định này mới không luận sai.

5. Sổ tức

Kính thưa Thầy, nhà học giả dạy, chướng ngại của Tứ Thiền là sổ tức có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Không đúng. Nhà học giả đã hiểu sai danh từ Phật dạy “tịnh chỉ hơi thở.” Tịnh chỉ hơi thở không phải là sổ tức, sổ tức tức là đếm hơi thở, còn nếu cho chướng ngại của Tứ Thiền là sổ tức thì không đúng. Sổ tức là một pháp môn ức chế tâm, diệt vọng tưởng bằng cách đếm hơi thở, còn tịnh chỉ hơi thở là hơi thở ngưng nghỉ không còn thở nữa, nếu chỉ còn thở một chút xíu hơi thở thì cũng chưa nhập Tứ Thiền.

Bởi vậy, Tứ Thiền là một loại thiền định, khi nhập định thân tâm thành một khối nên nó còn có tên gọi là “Tâm định trên thân, thân định trên tâm.” Các pháp môn thiền định trên thế gian này chỉ có thiền định này làm chủ sự sống chết, và chính nó mà ngày xưa đức Phật đã đạt được đạo giải thoát chứ không phải là một loại thiền tầm thường như các Tổ đã gán cho nó những danh từ “Phàm phu thiền, ngoại đạo thiền, Nhị Thừa Thiền.

Ngưng đếm hơi thở là một việc làm rất dễ, mà Tứ Thiền chỉ có ngưng đếm hơi thở thì người tùy tức vẫn là nhập Tứ Thiền được sao? Trạng thái của Tứ Thiền là một trạng thái thân tâm bất động nên nó còn có tên khác như trên đã nói: “tâm định trên thân, thân định trên tâm.

Người tu thiền thời nay không hiểu định của Tứ Thiền nên tưởng rằng tâm không vọng tưởng, thân ngồi bất động là nhập định. Tâm thì không nhúc nhích mà thân thì không ngừng hơi thở, còn rung động thì làm sao gọi là nhập định trên tâm được? Vì thế hơi thở phải ngưng nghỉ, các hành trong thân phải ngưng nghỉ thì mới gọi là nhập định.

Các nhà học giả chỉ hiểu được tâm định ở chỗ ức chế tâm, chứ không hiểu ở chỗ xả tâm là tâm không tầm tứ, tâm không nhúc nhích tức là tâm tịnh chỉ tầm tứ. “Tịnh chỉ tầm tứ” là một tên khác của “Nhị Thiền.” Còn thân định thì các ngài không hiểu, tưởng là ngồi kiết già lưng thẳng thân không rung động là định của thân.

Vậy người nào muốn thực hiện nhập được định Tứ Thiền thì phải tâm ly dục ly ác pháp, tức là giới luật phải thanh tịnh và pháp hướng tâm phải có hiệu quả, chứ không phải ngưng sổ tức mà nhập được Tứ Thiền.

Các nhà học giả không có tu hành làm sao biết được thân định trên tâm như thế nào? Thế mà các ngài dám dựa theo chữ nghĩa mà giảng thì các ngài giết người không cần gươm đao. Đức Phật đã dạy rất rõ ràng, muốn nhập Bốn Thánh Định và Diệt Thọ Tưởng Định thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ, phải tịnh chỉ tầm tứ, phải tịnh chỉ 18 loại hỷ tưởng, phải tịnh chỉ hơi thở và phải tịnh chỉ thọ tưởng. Các bạn lưu ý những lời Phật dạy dưới đây:

             “Tịnh chỉ tầm tứ là ngưng khẩu hành
             Tịnh chỉ hỷ là ngưng tưởng hành
             Tịnh chỉ hơi thở là ngưng thân hành
             Tịnh chỉ thọ tưởng là ngưng ý hành
             Tịnh chỉ ngôn hành là nhập Sơ Thiền
             Tịnh chỉ khẩu hành là nhập Nhị Thiền
             Tịnh chỉ tưởng hành là nhập Tam Thiền
             Tịnh chỉ thân hành là nhập Tứ thiền                       
             Tịnh chỉ thọ hành và tưởng hành là nhập Diệt Tận Định còn gọi là nhập Diệt Thọ Tưởng Định.”

6. Dứt tiếng ồn lên Nhị Thiền

Kính thưa Thầy, nhà học giả dạy trong Sơ Thiền ta cần chấm dứt tiếng ồn để lên Nhị Thiền, như vậy có đúng không?

Đáp: Không. Phật dạy diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền hay tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền, chứ không có dạy trong Sơ Thiền chấm dứt tiếng ồn nhập Nhị Thiền. Nhà học giả lầm tưởng khẩu hành là ngôn ngữ và ngôn ngữ là khẩu hành. Ngôn ngữ là lời nói, khẩu hành không phải là lời nói mà hành động phát ra lời nói, hành động phát ra lời nói tức là tầm tứ.

Tịnh chỉ tầm tứ tức là tịnh chỉ ý thức, ý thức không còn hoạt động giao lại cho tưởng thức hoạt động, do thế đức Phật dạy: Diệt tầm tứ định sanh hỷ lạc,” hỷ lạc ở đây do tưởng uẩn lưu xuất vì tưởng thức thay thế cho ý thức đang hoạt động nên ta có cảm giác hỷ lạc.

Ví dụ: Một người đang ngủ thì mới có chiêm bao, còn người thức thì không bao giờ có chiêm bao. Chiêm bao là tưởng thức hoạt động. Khi một người có vọng tưởng, tức là ý thức câu hữu với tưởng thức.

Cho nên thế giới hữu hình và thế giới siêu hình đều ở trong ta và đang hoạt động từng phút giây, vừa hoạt động kết hợp với nhau mà cũng có những sự hoạt động riêng lẻ như trong giấc mộng.

7. Chấm dứt tầm tứ lên Tam Thiền

Kính thưa Thầy, trong Nhị Thiền ta chấm dứt tầm tứ để lên Tam Thiền, có đúng như vậy không thưa Thầy?

Đáp: Không. Phật dạy diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền, chớ không có dạy dứt tầm tứ để lên Tam Thiền. Nếu dứt tầm tứ còn lấy cái gì để lên Tam Thiền, nhà học giả tưởng rằng ở trạng thái của Nhị Thiền chỉ cần lìa trạng thái hỷ là nhập Tam Thiền (ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền). Trong kinh Phật dạy rất rõ ràng: “xuất Nhị Thiền rồi mới nhập Tam Thiền.Ly hỷ trú xả là một tên khác của Tam Thiền chứ không phải là pháp hành.

Nếu nói ly hỷ là ly được hỷ liền thì đâu cần gì phải tu tập. Ly hỷ là một danh từ để chỉ trạng thái tịnh chỉ tưởng thức chứ không phải lìa sự vui mừng của cảm giác ý thức như nhà học giả hiểu. Người có kinh nghiệm tu hành, nói ly hỷ là họ biết ngay phải tu tập những pháp môn nào mới ly được hỷ tưởng.

8. Chấm dứt hỷ lên Tứ Thiền

Kính thưa Thầy, trong Tam Thiền ta chấm dứt hỷ để lên Tứ Thiền, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Không. Phật dạy ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền, chứ không có dạy trong Tam Thiền chấm dứt hỷ lên Tứ Thiền. Chấm dứt hỷ, đức Phật không có dạy mà dạy ly hỷ trú xả nhập được Tam Thiền, đàng này hỷ chưa ly mà nhập trong Tam Thiền được sao? Nhà học giả này lầm lộn quá, không sợ phạm tội Ba dật đề đọa địa ngục sao? Dám giảng sai ý của Phật như vậy làm mất giá trị pháp môn tu hành của Phật giáo.

Tóm lại, muốn nhập Tam Thiền người tu sĩ phải lìa xa các trạng thái (ly hỷ) tưởng, khi đã lìa xa các trạng thái tưởng thì chiêm bao không còn, có như vậy mới nhập được Tam Thiền. Muốn nhập Tứ Thiền hành giả phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, tức là tịnh chỉ hơi thở, đó là con đường tu tập thiền định mà Phật đã dạy như vậy. Còn nhà học giả dạy chấm dứt hỷ để lên Tứ Thiền, đó là thiền của các Tổ, chúng ta xin miễn bàn.

9. Trong Tứ Thiền ngưng sổ tức đạt Không Định

Kính thưa Thầy, trong Tứ Thiền ta ngưng sổ tức để đạt tới Không Định, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Không. Đức Phật không có dạy trong Tứ Thiền ngưng sổ tức để đạt tới Không Định. Đức Phật dạy: “Muốn nhập Không Định thì phải dùng “Tưởng Không” mà tu tập như trong kinh Tiểu Không đức Phật đã dạy. Nhà học giả này giàu tưởng tượng, tự đặt ra sự nối tiếp giữa bốn thiền hữu sắc và bốn định vô sắc chứ ông ta đâu biết rằng bốn thiền hữu sắc và bốn thiền vô sắc tu hành khác nhau, không giống nhau chút nào.

Thiền hữu sắc dùng ý thức mà tu, còn định vô sắc dùng tưởng thức mà tu. Cho nên sự tu hành của hai loại thiền này cách biệt rất xa và cũng không phải là hai bậc thang của một cây thang.

Phật dạy nhập Tứ Thiền hơi thở tịnh chỉ, hơi thở đã tịnh chỉ thì còn đâu phải ngưng sổ tức, nhà học giả này đã tự đặt ra mà không thấy cái sai của mình. Từ xưa đến giờ, các Tổ đều nghĩ tưởng bốn thiền hữu sắc thấp hơn bốn định vô sắc. Vì có nhập được bốn thiền hữu sắc thì mới có thể nhập bốn định vô sắc, hiểu như vậy, tức là hiểu sai.

Xưa đức Phật chưa nhập bốn thiền hữu sắc mà đã được hướng dẫn nhập bốn định vô sắc và Ngài đã nhập được Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định.

Người muốn nhập định vô sắc thì không cần phải nhập định hữu sắc, vì trong kinh Tiểu Không đức Phật đã dạy rõ ràng. Quý vị nên đọc lại bài kinh Tiểu Không ở trong kinh Trung Bộ. Muốn nhập Không Vô Biên Xứ Định, đức Phật đã dạy: “Ý thức thanh tịnh không liên hệ ngũ căn thì nhập Không Vô Biên Xứ Định” chứ không phải nhập Tứ Thiền rồi mới nhập Không Định như nhà học giả đã dạy ở trên.

Tóm lại, các nhà học giả đều chưa có tu tập nhập được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền thì không làm sao giảng nổi Tứ Thánh Định. Nếu không có kinh nghiệm tu hành nhập được Tứ Thánh Định chân thật thì Tứ Thánh Định của đạo Phật chỉ còn là một bài kinh chữ nghĩa suông. Nếu ai đem giảng nói mà không có kinh nghiệm tu hành thì không có ích lợi gì cho ai cả mà còn hại cho người tu sau này.

Nhiều nhà học giả tự đặt ra bằng trí tưởng tượng nên làm sai lệch ý nghĩa lời dạy của đức Phật, càng giảng Tứ Thánh Định lại càng thêm tối nghĩa, mù mờ không rõ, pháp hành không có.

10. Mười hơi thở đếm không lộn là ý có định

Kính thưa Thầy, trong Kinh An Ban Thủ Ý dạy: Trong thời gian 10 hơi thở ấy mà đếm không lộn là ý bắt đầu có định. Định nhỏ thì có thể kéo dài trong 3 ngày, định lớn 7 ngày, trong thời gian ấy không có một tưởng tạp loạn chen vào, hành giả ngồi yên như người chết, đó gọi là Sơ Thiền, thưa Thầy kinh dạy như vậy có đúng không?

Đáp: Không. Phật dạy ly duc ly ác pháp nhập Sơ Thiền chứ không có dạy như trong kinh An Ban Thủ Ý. Dạy như trong kinh An Ban Thủ Ý thì đó là một loại thiền ức chế tâm bằng pháp môn sổ tức.

Chúng ta phải hiểu Sơ Thiền loại thiền xả tâm có tầm có tứ, còn sổ tức là pháp môn ức chế tâm không tầm không tứ,ngồi yên như người chết” mà gọi là nhập Sơ Thiền thì kinh này dạy sai, không đúng như lời Phật dạy.

Đây là một bài học cho chúng ta thấy các Tổ viết và soạn kinh sách như vậy không đúng như lời Phật đã dạy. Như vậy chúng ta còn đủ lòng tin ở các Tổ nữa không? Kinh sách của các ngài chúng ta còn đầu đội vai mang nữa hay không?

Sổ tức, tức là còn đếm hơi thở, đếm hơi thở là còn tác ý, hơi thở là đối tượng của tâm, tâm còn ở trong niệm hơi thở và còn tác ý ức chế tầm tứ thì làm sao gọi là định thứ nhất được? Vậy mà mười hơi thở đếm không lộn là có định. Định này là định của các Tổ chứ Phật thì không có định như vậy, và cũng không tu sổ tức như vậy được.

Đức Phật chỉ dạy nhập Sơ Thiền là tâm ly dục ly ác pháp thì tâm mới có thiền, chưa có định. Còn ngược lại nhà học giả xác định mười hơi thở là có định thì đó là một sự sai biệt giữa Tổ và Phật một trời một vực.

Tại sao chúng ta biết rõ như vậy? Tại vì đức Phật dạy rất rõ ràng: Do “Ly dục sanh hỷ lạc nhập Sơ Thiền.” Chỗ Sơ Thiền Phật không dạy: “định” sanh hỷ lạc, mãi cho đến khi nhập Nhị Thiền Phật mới nói: “Định sanh hỷ lạc.

Đếm hơi thở và ly dục ly ác pháp là hai việc làm khác nhau, một đàng thì xả tâm để tâm được thanh tịnh giải thoát (dục và ác pháp); một đàng thì tu ức chế tâm để tâm không có tầm tứ; một đàng tu thì còn tầm tứ thiện; một đàng tu thì diệt cả tầm tứ thiện và ác.

Do đó chúng ta thấy rất rõ, đếm hơi thở không thể nào nhập Sơ Thiền được. Người tu theo đạo Phật phải sống một đời sống Phạm hạnh, nhờ có sống đời sống Phạm hạnh tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm có ly dục ly ác pháp thì mới nhập được Sơ Thiền.

11. Nhờ theo dõi hơi thở mà được Định

Kính thưa Thầy! Tâm ý sở dĩ định được là nhờ theo dõi hơi thở, cấu uế đã được tiêu diệt thì tâm ý dần dần trong sạch, đó gọi là Nhị Thiền. Thưa Thầy những lời dạy này có đúng trong kinh điển của đức Phật dạy hay không?

Đáp: Không. Phật dạy khi nhập Sơ Thiền thì tâm phải ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm giới luật nghiêm trì, tâm giới luật nghiêm trì là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì cấu uế lần lần tiêu diệt chỉ còn dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉ tầm tứ thì liền nhập Nhị Thiền.

Còn tâm chưa ly dục ly ác pháp là tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì tâm không có cách nào nhập được Sơ Thiền, tâm chưa nhập được Sơ Thiền thì giới luật chưa thanh tịnh, giới luật chưa thanh tịnh thì tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì không thể theo dõi hơi thở mà nhập được Sơ Thiền.

Sơ Thiền chưa nhập được thì mong gì nhập được Nhị Thiền. Còn cấu uế của tâm là nhờ giới luật mới được tiêu trừ chứ không phải nhờ có định. Nhà học giả dạy nhập định theo kiểu tưởng giải của mình, không đúng như kinh Phật dạy.

Phật dạy nhập định Nhị Thiền không có ức chế tâm, chỉ dùng tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm thanh tịnh, tâm Sơ Thiền. Tâm thanh tịnh ở đây có nghĩa là tâm không phóng dật, thanh thản và an lạc. Người muốn nhập Nhị Thiền phải ở trạng thái này nương theo định niệm hơi thở, dùng pháp hướng tâm như lý tác ý tịnh chỉ tầm tứ.

Phật không dạy tùy tức nhập Nhị Thiền và cũng không dạy nhờ định mà cấu uế được tiêu diệt. Kinh An Ban Thủ Ý dạy điều này để nhập Nhị Thiền là không đúng như kinh Phật dạy.

Đọc bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, ta thấy những lối lập luận về Tứ Thánh Định, pháp hành không đúng cách, những từ dùng để chỉ thiền định không đúng như lời Phật dạy trong kinh. Định mà còn niệm thì làm sao định được, đếm và tùy đó là hai phương pháp ức chế tâm thì không thể là thiền định được.

Kinh này dạy: Bỏ pháp đếm hơi thở chú tâm vào chóp mũi gọi là chỉ, làm như chỗ tâm ý ở đầu chóp mũi đó là Tam Thiền. Cách thức dạy nhập Tam Thiền như thế này không giống như Phật dạy: “Ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền.” Cách thức tu tập theo Phật dạy, dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉ 18 loại hỷ tưởng, âm thanh và mộng vắng bóng.

Về Tứ Thiền, kinh An Ban dạy: Niềm tin Tam Bảo vững chãi, bây giờ tất cả những gì u tối đều trở nên trong sáng, đó gọi là “Tứ Thiền.” Nếu dạy theo kinh An Ban, chỉ cần có niềm tin Tam Bảo vững chãi là nhập được Tứ Thiền thì như vậy Tứ Thiền nhập quá dễ dàng.

Tứ Thiền là một loại định bất động của thân, không phải là một việc dễ làm, hơi thở ngưng nghỉ không phải là chuyện dễ. Phật không dạy như thế này mà dạy tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Tịnh chỉ hơi thở tức là không còn thở, không còn thở tức là xả thọ, xả thọ mà trong kinh gọi là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Lạc, khổ thuộc về thọ, niệm thanh tịnh là đối tượng của tâm, còn có thọ và đối tượng của tâm là chưa nhập được Tứ Thiền. Cho nên muốn nhập Tứ Thiền thì phải tu tịnh chỉ hơi thở. Tịnh chỉ hơi thở tức là không còn đối tượng của tâm nên thân định trên tâm và tâm định trên thân.

Nếu còn có đối tượng trong sáng của tâm là chưa phải nhập Tứ Thiền nên kinh An Ban dạy nhập định Tứ Thiền không đúng như theo lời Phật đã dạy trong kinh Nguyên Thủy.

12. Gom ý thức nhập Thiền thứ mấy?

Kính thưa Thầy, hành giả gom ý thức lại khiến cho nó không còn sanh vọng tưởng, như vậy là nhập thiền thứ mấy?

Đáp: Gom ý thức lại khiến nó không sanh vọng tưởng là nhập thiền định tưởng. Gom ý thức lại tức là ức chế tâm, ức chế tâm tức là ức chế ý thức, ức chế ý thức được thì tưởng thức hưng phấn, tưởng thức hưng phấn thì sanh mười tám loại hỷ lạc tưởng. Tùy theo ở mức độ hưng phấn cao thấp mà người tu sẽ bị căng thần kinh sanh ra bệnh điên khùng, nếu mức hưng phấn thấp thì sanh ra kiến giải tưởng giải, nói thiền, nói đạo lung tung.

Người tu thiền phải đề cao cảnh giác loại thiền ức chế tâm, nó rất nguy hiểm, nhất là những người có nhiệt tâm tích cực tu hành thì dễ bị hưng phấn, rối loạn thần kinh. Phần nhiều hiện giờ người tu thiền dễ bị tu lạc vào thiền ức chế tâm, tại vì tất cả các pháp môn thiền đều dạy cách thức ức chế tâm. Ngoại trừ pháp môn của đức Phật là thiền xả tâm mà thôi.

Tuy vậy, thiền của Phật không ức chế tâm nhưng chúng ta thực hành không đúng và không thiện xảo khéo léo xả tâm thì sẽ biến thành thiền ức chế tâm, nó cũng không kém tai hại như những thiền khác.

13. Sáu thức gom lại sẽ nhập Định gì?

Kính thưa Thầy, gom sáu thức lại một chỗ, thưa Thầy sẽ nhập định gì?

Đáp: Gom sáu thức lại một chỗ và biết cách hướng tâm xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì sẽ nhập Tứ Thiền, tức là tịnh chỉ hơi thở.

Gom sáu thức lại một chỗ mà không biết cách xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì sẽ nhập định tưởng. Vì sáu thức ngưng hoạt động nên tưởng thức hoạt động, tưởng thức hoạt động thì đó là nhập định tưởng, tức là ức chế ý thức hưng phấn tưởng thức.

Gom sáu thức cũng không phải là một việc dễ làm, gom được sáu thức mà còn phải biết cách xả, nếu không biết cách xả thì rất là nguy hiểm. Cũng như ức chế chỗ này mà không biết hướng dẫn hưng phấn chỗ khác cho đúng, để tự nó hưng phấn thì sẽ trở thành điên khùng.

Việc tu hành không phải dễ, một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn tu thiền định thì phải nghe theo và thực hành cho đúng 100 phần trăm, không được tự ý hành theo kiểu tưởng giải của mình.

Xưa đức Phật dạy như thế nào thì các vị tỳ-kheo làm như thế nấy, còn những vị nào tu sai không đúng lời dạy của Phật thì phải chịu lấy hậu quả, kết quả chẳng ra gì mà phải gánh hậu quả bệnh tật về sau.

Phải cảnh giác sự gom sáu thức, nếu không có người hướng dẫn thì đừng nên tu tập, nó có lực để xả tâm nhanh chóng nhưng nó có hại làm hưng phấn tưởng thức quá cao sanh ra bệnh điên khùng nguy hiểm đến tánh mạng.

14. Gom ý thức bằng cách nào?

Kính thưa Thầy, gom ý thức bằng cách nào?

Đáp: Gom ý thức của các Thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ là bằng cách ức chế tâm do pháp môn Sổ tức, Tùy tức, Niệm Phật, Niệm chú, Tri vọng, Chăn trâu, Tham thoại đầu, Tham  công án, v.v...

Còn Tứ Thánh Định thiền của Phật giáo là thiền diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp (tâm không phóng vật), tức là thiền định không ức chế tâm.

Nói tóm lại, gom ý thức của Đại Thừa và Tối Thượng Thừa là ức chế tâm, còn gom ý thức của Phật giáo Nguyên Thủy là xả tâm, tâm không phóng dật tức là gom ý thức. Xin quý vị cần đề cao cảnh giác các pháp môn thiền định, khi muốn tu phải cẩn thận quán xét thiền nào xả tâm và thiền nào ức chế tâm.    

15. Gom ý thức diệt tầm tứ

Kính thưa Thầy, gom ý thức để diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền bằng cách nào?

Đáp: Gom ý thức diệt tầm tứ để nhập Nhị Thiền bằng cách nương hơi thở dùng pháp hướng tịnh chỉ tầm tứ, chứ không được dùng hơi thở ức chế tâm. Ở đây, chúng ta phải hiểu chữ “gom ý thức” của thiền Phật giáo nghĩa là tâm không phóng dật, đừng hiểu gom ý thức bằng nghĩa ức chế tâm.

Gom ý thức bằng nghĩa ức chế tâm là sổ tức hoặc tùy tức, tọa thiền tập trung ý thức bằng hơi thở hoặc bằng câu niệm Phật, v.v… Gom tâm ở đây cho đúng nghĩa của Phật dạy là tu tập “Tứ Chánh Cần.

Tu tập Tứ Chánh Cần là ngăn ác pháp và diệt ác pháp. Ngăn ác pháp và diệt ác pháp tức là ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp tức là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật tức là tâm hướng vào trong thân, nói cách khác là tâm định trên thân. Tâm định trên thân, tức là “gom ý thức diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền.

16. Tưởng thức

Kính thưa Thầy, muốn nhập Tam Thiền phải gom sáu thức nào?

Đáp: Muốn nhập Tam Thiền phải gom tưởng thức, nếu trả lời một cách ngắn gọn như vậy thì quý vị rất khó hiểu. Khi chúng ta nhập Nhị Thiền, tầm tứ diệt, ý thức ngưng hoạt động, nên bước sang qua Tam Thiền, tưởng thức hoạt động thay thế cho ý thức. Vì vậy muốn nhập được Tam Thiền phải “gom tưởng thức, tức là ly hỷ trú xả.” Tam Thiền không có gom sáu thức vì sáu thức đã được gom và thuần hóa ở Nhị Thiền.

Cho nên muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa các trạng thái của tưởng thức, lìa các trạng thái của tưởng thức tức là “Ly hỷ trú xả” như trong kinh đã dạy.

17. Năm thức

Kính thưa Thầy, muốn nhập Tứ Thiền phải gom thức nào?

Đáp: Muốn nhập Tứ Thiền phải gom năm thức: thọ thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, vị thức. Nếu trả lời như vậy quý vị sẽ cho chúng tôi chẳng hiểu kinh sách Phật, vì trả lời như vậy trong kinh sách Phật không có dạy.

Ở đây chúng tôi tùy theo câu hỏi mà trả lời, nhưng rất đúng nghĩa của Phật đã dạy. Quý vị nhớ lại xem lúc nhập Sơ Thiền là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là sáu thức đã quay vào trong thân không còn phóng ra ngoài nên thân động dụng việc gì thì sáu thức đều biết rõ. Biết rõ bên trong mà không biết bên ngoài, lúc này gọi là tâm định trên thân.

Đến Tứ Thiền sao lại còn gom năm thức? Gom năm thức, ở đây quý vị cần phải hiểu, năm thức còn hoạt động bên trong nên gom năm thức, tức là tịnh chỉ năm thức.