Kì 1: Học Giới – Định – Tuệ (Mở đầu - 1)
BÀI MỞ ĐẦU
Hôm nay là buổi học đầu tiên về Chánh Pháp Như Lai (đường lối tu tập của đạo Phật Nguyên Thủy), xin quý thầy và quý phật tử chắp tay lên niệm hồng danh đức Phật:
“Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” (3 lần).
Đây là những bài học đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, nó được mọi người có đủ duyên rèn luyện tu tập từ khi có đạo Phật xuất hiện trên hành tinh này. Đấng Giáo Chủ Đạo Phật được người đời sau tôn xưng là Đức Thích Ca Mâu Ni. Người đã tự tu, tự chứng và đã giác ngộ đạo lý nhiệm mầu, thật sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là một sự giải thoát ra khỏi kiếp sống của con người đầy dẫy đau khổ và luôn luôn nối tiếp mãi trong kiếp luân hồi sanh tử không bao giờ dứt.
Đạo Phật đã có mặt trên trái đất này từ 2541 năm cho đến nay (1997), nhưng nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu kỹ về kinh sách và lịch sử của đạo Phật theo kinh tạng Nguyên Thủy thì đạo Phật chỉ có tồn tại được một trăm năm mà thôi.
Chúng ta đừng dựa vào kinh sách phát triển và lịch sử huyền thoại của Đại Thừa do các Tổ biên soạn theo kiến tưởng giải thì không đúng như kinh sách và chánh sử của Phật giáo. Xin các bạn lưu ý điều này. Nếu các bạn cứ tin vào kinh sách và lịch sử phát triển của Đại Thừa thì vô tình các bạn đã tiếp tay với các Tổ Đại Thừa mà diệt Phật giáo, làm cho nền đạo đức của Phật giáo bị mất gốc.
Khi đức Phật còn tại thế thì chúng tỳ-kheo tu tập đúng chánh pháp. Còn từ khi ông A Nan mất, và về sau này chúng tỳ-kheo đều tu sai pháp của đạo Phật (Ông A Nan là người đệ tử trực tiếp sau cùng của đức Phật nhập diệt). Vì thế, không còn người tu chứng lái con thuyền Phật giáo vững vàng nên các Tổ Bà La Môn tự tung, tự tác kết tập và biên soạn kinh sách theo kiến giải, tưởng giải của mình, không có một chút kinh nghiệm tu chứng, nên kinh sách phát triển Đại Thừa biên soạn theo kiểu thế tục hóa mê tín dân gian.
Cho nên khi các Tổ tu chưa chứng mà đi truyền đạo đến các nước khác thì bị các tôn giáo khác đồng hóa. Vì thế, kinh sách phát triển Đại Thừa là một loại kinh sách tưởng tạp nhạp.
Tuy vậy, một trăm năm đầu ấy, ngay từ khi đức Phật còn tại thế, chúng tỳ-kheo đã có nhiều người sống không đúng Phạm hạnh, không ly dục ly ác pháp “nên đức Phật buộc lòng phải chế giới bổn Patimokha để ngăn cấm, nhưng từ khi có giới bổn ra đời thì chúng tỳ-kheo lại càng vi phạm nhiều hơn”. (đoạn kinh này do lý giải của các Tổ trong các kinh Đại Thừa).
Riêng chúng tôi nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy thì không phải vậy. Vì bộ kinh giới Sa Môn Quả, Đức Phật đã dạy đầy đủ giới luật, không có thiếu một giới nào cả: “giới cấm, giới đức, giới hạnh và giới hành” trong kinh Trường Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Nikaya – Pali.
Chỉ có giới cấm sau này các Tổ biên soạn ra và gán cho Phật chế ra. Trong bộ giới cấm của các Tổ, chúng ta thấy có nhiều chỗ sai lầm rất lớn như: Đức Phật là một người tu chứng đầy đủ trí tuệ, thế mà chế giới ra, giới luật lại được sửa đi, sửa lại năm lần bảy lượt. Các bạn thấy như vậy có đúng không? Còn trong kinh Sa Môn Quả, đức Phật chỉ thuyết giảng Thánh Hạnh quả của người tu sĩ Phật giáo cho vua A Xà Thế nghe có một lần chứ không bao giờ sửa đi sửa lại. (Do điều này mà chúng ta biết bộ giới cấm là do các Tổ biên soạn viết ra).
Đến khi đức Phật thị tịch, các vị đại đệ tử của Người không đủ uy đức điều khiển với một số chư Tăng quá đông đảo (1250) vị tỳ-kheo. Vì thế, sau khi trà tỳ đức Phật xong, các vị đại đệ tử của đức Phật, nhất là ông Ca Diếp đã trực tiếp nghe một số chúng tỳ-kheo vui mừng khi hay tin đức Phật nhập diệt.
Sau khi đám tang xong, ông vội vàng mở cuộc họp, thiết lập cuộc kết tập kinh luật lần đầu tiên để lấy đó làm giềng mối cho đạo Phật ở ngày mai.
Từ khi đức Phật nhập diệt, kinh luật đã được thiết lập theo các Tổ, nhưng mầm mống chia rẽ và phá giới phạm giới đã có từ lúc đức Phật còn tại thế. Cho nên, ít ai còn giữ gìn và sống đúng giới hạnh. Đến khi ông A Nan tịch thì không còn ai có đủ quyền lãnh đạo nên lần lượt chư Tăng chia thành nhiều bộ phái (20 bộ phái) và mỗi bộ phái tự kiến giải kinh luật riêng của bộ phái mình. Do đó, kinh sách phát triển của đạo Phật càng ngày càng tăng lên rất nhiều.
Chính những kinh sách này dẫn đến lìa xa đạo Phật (mất gốc). Người tu sĩ đạo Phật sống không còn đúng Phạm hạnh, tâm không ly dục ly ác pháp được nên thiền định tu hành chẳng có kết quả, nhập định chẳng được, phần đông rơi vào tà định. Vì thế, thời nay ít ai tu đúng "Chánh niệm" và nhập đúng "Chánh định". Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định chỉ còn là lý thuyết suông.
Những học giả, những giảng sư và những hành giả tu chưa đến nơi đến chốn, đem tưởng giải và kiến giải ra giảng những kinh Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Thập Thiện, Đạo Đức Nhân Quả của đạo Phật v.v… Họ không thể triển khai nổi, chỉ thuyết giảng loanh quanh, lập lại những kiến giải, tưởng giải của những người xưa rồi thêm vào những kiến giải vay mượn của các tôn giáo khác, của cả khoa học hiện đại ngày nay.
Đọc lại những quyển kinh luận của các nhà học giả, sư, thầy viết ra, lý chánh pháp mù mờ không rõ, đời - đạo viên dung lố bịch, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia giống như chiếc áo chắp vá chỗ này, chắp vá chỗ khác, hành pháp thì không thông, nên tưởng tượng ra các hành, dựa theo khoa học, võ học, dưỡng sinh, khí công, các pháp hành của Yoga v.v… tu tập ức chế thân tâm một cách quá đáng, tạo ra biết bao nhiêu bịnh tật cho những hành giả ngu si tự đem mình vào chỗ chết, chỗ khổ mà không biết.
Kinh sách phát triển của đạo Phật quá nhiều, nhưng chẳng biết tìm đâu ra một cuốn kinh nào để tu đến nơi đến chốn, đọc vào chỉ toàn là luận lý thuyết suông, thực hành thì vay mượn những pháp môn của ngoại đạo. Chính những người đã viết ra những bộ kinh sách đang bày bán, họ cũng chẳng tu đến đâu, vì họ đang sống chạy theo dục lạc thế gian như những người khác, vì thế biết rõ họ chưa giải thoát.
Sau mười năm trong thất, sống giữ gìn giới luật đúng Phạm hạnh và tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, chúng tôi đã thấy được kết quả của những pháp môn này, làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Ra thất, chúng tôi thành lập Tu Viện Chơn Như, quyết tâm chấn hưng lại Phật Pháp. Mười bảy năm trôi qua, biết bao nhiêu người theo tu với chúng tôi, chỉ có ăn, ngủ, độc cư mà không ai tu nổi thì làm sao tu định vô lậu ly dục ly ác pháp, không ly dục ly ác pháp được thì làm sao nhập Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định được.
Hiện Tai An Lạc Trú Tứ Thánh Định không nhập được thì không bao giờ làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.
Tu viện của chúng tôi chỉ còn lại một vài nguời sống đúng Phạm hạnh, ly dục ly ác pháp, hiện giờ họ đang thực hiện khá sâu vào Tứ Niệm Xứ để thực hiện Thiền định (Tứ Thánh Định) họ sẽ là những người thắp sáng lại đạo Phật sau này nếu chúng sanh có đủ duyên, còn nếu không đủ duyên tức là thiếu phước thì những tu sĩ này sẽ không đủ nghị lực và bền chí chiến đấu lại những nghiệp lực cuối cùng của đời họ thì Phật giáo chấn chỉnh rất mờ mịt và khó khăn vô cùng. Vì giới luật là cửa ngõ để bước vào được nhà Thiền định, mà giới luật thì quá khắc nghiệt. Cho nên, sống đúng giới luật thì quá khó khăn vô cùng.
Con đường tu hành theo đạo Phật rất thực tế và cụ thể cho tất cả mọi người đều có thể giải thoát khỏi cảnh khổ của thế gian bằng một cuộc sống "Đạo" ly dục ly ác pháp. Sống có ly dục ly ác pháp thì sự tu hành theo đạo Phật mới có kết quả, bằng ngược lại thì tu hành vô ích, không lợi mình lợi người còn mang nợ đàn na thí chủ.
Vì sống đạo thì phải ly dục ly ác pháp nên ít có người theo sống được, hầu hết đều bỏ cuộc tu hành hoặc tu có hình thức, hoặc biến thái đạo Phật qua một hình thức khác (Bồ tát hạnh) để dễ bề hành dục lạc.
Suy đi nghĩ lại, chúng tôi đắn đo nhiều lần. Có nên triển khai giáo án đường lối tu tập của đạo Phật cho hậu thế ngày mai không? Nếu đường lối tu hành của đạo Phật không được phổ biến ở đời này, nhất là “đạo đức nhân bản - nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người” thì loài người sẽ đi về đâu? Và sẽ khổ đau biết dường nào?
Sự mê mờ vô minh của con người từ ngàn xưa đến nay đã lầm chấp và cho các pháp thế gian là thật có sẽ đem lại hạnh phúc cho họ, khi họ được đầy đủ. Vì sự lầm chấp này, họ ôm giữ khư khư không chịu buông bỏ ra. Do thế, ác pháp càng tăng trưởng, thiện pháp càng suy giảm, con người khổ đau lại càng khổ đau hơn.
Lòng thương xót loài người, họ đã theo đạo Phật từ xa xưa, hiện giờ và mai sau, bao thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy toàn ưu bi sầu khổ, bịnh, chết lại càng khổ đau hơn. Tu mãi chỉ có an ủi tinh thần một cách trừu tượng, mơ hồ chẳng có thực tế chút nào cả, chẳng có lối thoát ra, loanh quanh lẩn quẩn trong mê hồn trận của Đại Thừa và Tối Thượng Thừa Thiền Tông.
Những gương thầy Tổ của chúng ta trước khi chết họ phải chịu khổ đau quá ư cay đắng, khiến cho chúng ta bâng khuâng và lo nghĩ rất nhiều về số phận của mình và các đệ tử sau này.
Đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung có giải quyết được sự khổ đau của con người hay chăng? Nhất là bốn nỗi khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết. Không lẽ tôn giáo ra đời chỉ là những điều an ủi tinh thần suông của thế hệ này, đến thế hệ khác sao?
Cho nên, chúng ta tự hỏi: “mục đích của các tôn giáo đến với loài người để làm gì?” Đến với loài người để xây dựng nền đạo đức nhân bản – nhân quả, giúp cho con người tự không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, hay là tôn giáo đến để ru ngủ con người vào một giấc mơ đẹp Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn hay chứng Thiền, chứng đạo hoặc kiến tánh thành Phật, thành Tiên, thành Thánh v.v…
Do những sự tư duy trên đây, bắt buộc chúng ta phải xác định rõ ràng về tôn giáo: Nếu giáo lý của tôn giáo nào chứng nghiệm được như khoa học thì giáo lý ấy là đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người, còn giáo lý nào chứng nghiệm khoa học không được thì giáo lý ấy là giáo lý mơ hồ, trừu tượng, giáo lý mê tín, giáo lý ru ngủ con người giống như liều thuốc an thần.
Sau những ngày nghiên cứu các tôn giáo, chúng tôi chọn Phật giáo, vì Phật giáo rất gần gũi với khoa học.
Chọn xong và đem hết cuộc đời mình quyết hy sinh làm một cuộc thí nghiệm trên giáo pháp của tôn giáo ấy. Nhờ sự quyết tâm đó, chúng tôi đã loại bỏ ra rất nhiều pháp môn của ngoại đạo đang pha trộn trong giáo pháp của Phật giáo. Cuối cùng, chúng tôi chứng nghiệm sự giải thoát của đạo Phật rất cụ thể và rõ ràng.
Khi sống trong trạng thái giải thoát, chúng tôi không đành lòng nhìn con người dần dần đi xuống hố thẳm khổ đau mà cứ tưởng mình vượt ra đau khổ bằng khối óc, đôi tay, bằng những kỹ thuật, khoa học, công nghệ hiện đại v.v…
Họ tin rằng, khoa học và công nghệ hiện đại sẽ làm ra vật chất đầy dẫy thì loài người sẽ đầy đủ hạnh phúc an vui, không còn khổ đau nữa. Sự nghĩ tưởng như vậy, họ đã lầm.
Nếu con người không có đạo đức thì đừng lấy vật chất mà giải quyết sự khổ đau của con người được. Vật chất càng nhiều, sự khổ đau của con người càng lớn, do lòng ham muốn vật chất nên tạo ra nhiều ác pháp và thế gian này sẽ là địa ngục. Nếu không có đạo đức, mà vì vật chất thì con người sẽ trở thành ác thú hay là quỷ dữ v.v…
Biết mình tu hành chưa đủ uy đức như Phật, chưa đủ tài trí làm công việc lớn này nhưng không thể làm ngơ trước sự đau khổ của muôn người; trước sự tồn vong của đạo Phật, nhất là nền đạo đức nhân bản – nhân quả.
Một tôn giáo có hàng triệu triệu người theo tu hành, lại tu không đúng chánh pháp. Vì thế, chúng tôi chẳng ngại nói lên sự thật để xây dựng lại đường lối tu tập của đạo Phật đúng đắn, để làm sáng tỏ lại giáo pháp và nền đạo đức của đức Phật và để cứu giúp biết bao nhiêu người đang lầm đường lạc lối, tu sai pháp (tu ức chế tâm).
Nếu trên thế gian này còn có những bậc chân tu của Phật giáo thì hãy vì tiền đồ của Phật giáo, vì tất cả chúng sanh, vì nhân loại … Hãy cùng với chúng tôi, vui lòng góp sức chỉ những chỗ sai sót để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh cho đúng đường lối tu hành và đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật.
Xin chân thành tri ân quý vị.
1. NGƯỜI CƯ SĨ ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT
TRƯỚC TIÊN CẦN PHẢI THÔNG HIỂU
Duyên Phật pháp
Một người có đủ duyên được đọc kinh sách của đạo Phật sẽ thấy được chân lý của Đạo rất thực tế và cụ thể. Đạo Phật hướng dẫn con người cách thức sống có đạo đức, tu tập và trau dồi thân tâm để thoát khỏi kiếp sống đọa đày trầm luân đau khổ của kiếp người bằng sức tự lực của chính mình, nhất là điều khiển được sự sống chết như ý muốn và còn chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.
Vì thế, khi bắt đầu đến với đạo Phật để trở thành người đệ tử chân chánh thì quý vị cần phải thông hiểu những gì chân thật của Phật giáo và những gì không chân thật của ngoại đạo mang danh đạo Phật.
Quý vị cần phải sáng suốt chấp nhận những gì đúng của Phật giáo và phải biết gạt bỏ những gì không phải của Phật giáo. Và cuối cùng, quý vị cần phải biết kính trọng và không kính trọng những gì phải và những gì không phải của đạo Phật.
Phần đông phật tử hiện giờ không cung kính và tôn trọng chánh pháp của đạo Phật, họ thường tôn kính giáo pháp phát triển Đại Thừa của Bà La Môn và luôn luôn tu hành theo giáo pháp trừu tượng mê tín đó, mặc dù kết quả tu hành chẳng ra gì.
Nếu có ai mạnh dạn nói rằng: giáo pháp phát triển của Đại Thừa không phải là của Phật thuyết, đó là giáo pháp mê tín của ngoại đạo Bà La Môn thì họ căm tức và tìm mọi cách chống lại. Đôi khi còn dùng những lời lẽ xỉ vả, mạt sát một cách hung tợn và bảo thủ.
Khi một người chưa biết Phật pháp, chưa hiểu đạo Phật, một hôm có đủ duyên được đọc một cuốn kinh Phật như trường hợp chúng tôi đã nghe quý phật tử thuật lại:
"Con từ hồi nào tới giờ chưa biết Phật pháp, một hôm được người bạn trao cho cuốn kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhờ đọc kinh này, con thấu lý của đạo Phật quá tuyệt vời, quá hay. Nên từ đó con hướng tâm đến đạo Phật, thường đi nghe thuyết giảng trong các chùa và mua thêm những loại kinh sách Phật để tham cứu đường lối và cách thức tu tập của đạo Phật, càng đọc kinh sách Phật con lại càng có ý muốn đi tu hơn !!!"
Đó là những người hữu duyên may mắn được đọc các bộ kinh như: “Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang Kinh, Pháp Hoa Kinh, Phật Học Phổ Thông và toàn bộ giáo lý A Hàm hoặc kinh Nikaya”. Ngược lại, những người chưa đủ duyên, chưa được đọc kinh sách Phật, chưa hiểu đạo Phật ra sao nên nhìn đạo Phật như một tôn giáo mê tín, ông Phật như ông thần chuyên phò hộ và ban phước lành cho nhân gian.
Hầu hết hiện giờ mọi người hiểu đạo Phật qua bốn hệ phái khác nhau :
1. Tịnh Độ Tông biến Phật giáo thành tôn giáo mê tín, cúng bái, cầu khẩn, niệm Phật cầu vãng sanh như đạo Bà La Môn.
2. Thiền Tông biến Phật giáo thành Tiên giáo.
3. Duy Thức Tông biến Phật giáo thành khoa tâm lý học.
4. Mật Tông biến Phật giáo thành tôn giáo huyền bí, linh thiêng.
Thật ra Phật giáo không phải tâm lý học, không phải cảnh giới siêu hình (Cực Lạc) không phải bản thể của vạn hữu, cũng không phải linh thiêng siêu phàm nhập thánh mà chính là cuộc sống bình thường như mọi người đang sống, nhưng họ đã lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp.
Người nào hiểu đúng và biết cách sống đúng "ly dục ly ác pháp" sẽ có tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Đó chính là người hữu duyên với chánh pháp của đạo Phật, bằng ngược lại thì đó là vô duyên hoặc gặp tà pháp, hoặc có duyên với tà pháp như người phật tử đã nói ở trên.
Vô duyên không gặp chánh Phật pháp còn hơn là nhưng người hữu duyên mà lại gặp tà pháp của ngoại đạo. Gặp tà pháp của ngoại đạo thì lại sanh ra kiến chấp, kiến chấp rất là khó bỏ. Con người vốn vô minh nên khi gặp pháp nào cũng đều tin. Tin một cách mù quáng nên dễ dính mắc tà pháp nhưng dù biết đó không đúng pháp của đạo Phật nhưng rất khó bỏ.
Vì thế, trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo, nhưng tôn giáo nào cũng có người theo, nhất là những tôn giáo có thần thông lại dễ cám dỗ người theo hơn. Do đó, giáo pháp nào có thần thông thì người theo càng ngày càng đông như kiến bu trên cục đường. Nghe thần thông ai lại không mê, nhưng thần thông chỉ là một loại tưởng lực, ảo giác, lừa đảo con người.
Người tín đồ chân chánh của Phật giáo.
Do sự hiểu biết không thâm sâu về đạo Phật, hiểu biết một cách nông cạn, vì thế những tín đồ Phật giáo có thể chia làm 5 loại:
1. Người tín đồ đến chùa cúng bái, cầu an, cầu siêu, xin xăm, bói quẻ, xem ngày tốt xấu, cúng sao, giải hạn v.v… (Phật tử mê tín ).
2. Người tín đồ đến chùa cúng dường chư Tăng, nghe thuyết pháp giảng kinh để tìm hiểu đạo Phật, những người này có học thức nhưng lại thiếu cân nhắc, nghe giảng pháp nào tin ngay pháp nấy. Không biết pháp có đúng hay sai của đạo Phật, cứ nghe giảng có lý là tu tập. Do thế sanh ra kiến chấp, tranh luận hơn thua. (Phật tử nông nổi).
3. Người tín đồ đến chùa ít cúng dường chư Tăng, ít lễ Phật, ít cúng bái, chỉ chuyên nghe thuyết giảng kinh điển, học thuộc làu nghĩa lý và thỉnh nhiều loại kinh sách của các nhà học giả nghiên cứu sưu tầm soạn ra, lấy đó làm tiêu chuẩn rồi cũng tự kiến giải nghĩa lý ấy theo quan điểm riêng tư của mình, tìm các bậc tu hành tranh luận hơn thua để hạ nhục họ và tự cho mình như một bậc thầy thông suốt lý đạo. Đôi khi còn tỏ ra như mình đã tu chứng. (Phật tử kiêu căng).
4. Người tín đồ đến chùa không cúng bái Phật, không cúng dường chư Tăng, không nghe thuyết giảng kinh, chỉ móc nối làm ăn. (Phật tử mượn danh làm ăn).
5. Người tín đồ đến chùa cúng bái Phật, cúng dường chư Tăng, nghe thuyết giảng kinh điển để tìm hiểu và cân nhắc pháp môn nào đúng, pháp môn nào sai để chọn lấy pháp môn chân chánh của đạo Phật rồi mới tu tập. (Phật tử chân chánh).
Trong năm loại phật tử, chỉ có loại phật tử thứ năm mới chính là tín đồ Phật giáo thuần thành, chấp hành nghiêm túc theo đúng lời dạy của đức Phật, còn bốn loại phật tử kia là tín đồ không hiểu đạo Phật, chịu ảnh hưởng tà giáo ngoại đạo khiến Phật giáo suy vong cũng chính do bốn hạng phật tử trên, nhất là hạng phật tử mê tín.
Nếu không là đệ tử của đức Phật thì thôi, mà đã là đệ tử của đức Phật thì phải có sự sáng suốt, ngăn ngừa bảo vệ không cho tà giáo ngoại đạo xâm chiếm vào Phật giáo mới đúng. Đàng này thì khác, đệ tử của đức Phật mà lại nối giáo cho ngoại đạo để diệt Phật giáo. Thật là đau lòng!
Kính thưa quý vị! Không phải quý vị hiện giờ đang thực hành và ca ngợi giáo pháp của ngoại đạo sao? Những điều quý vị đến chùa cúng bái, cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu v.v… và như vậy, quý vị có làm đúng như lời Phật dạy không?
Quý vị hằng ngày ngồi thiền, niệm Phật đã được những kết quả giải thoát gì? Tâm có hết tham, sân, si chưa? Hay chỉ ngồi kiết già ba bốn tiếng đồng hồ, quý vị cho đó là kết quả ư! Ở những giáo pháp này đã biến quý vị trở thành những con chiên ngoan đạo, quý vị có biết không?
Những giáo pháp này đã biến Phật giáo thành tà giáo ngoại đạo, mê tín, lạc hậu, thiếu khoa học, không logic. Các vị có tin lời nói của chúng tôi không? Đó là một sự thật hiển nhiên, xin các vị suy ngẫm lại.
Vị Minh Sư Phật giáo.
Người vô duyên không được gặp Phật pháp, cuộc đời trôi theo dòng nước dục lạc uế trược thế gian, bảy nổi ba chìm, khổ đau vô tận từ kiếp này chuyển sang kiếp khác không bao giờ dứt, như con kiến đi quanh vòng miệng lu.
Người vô duyên không gặp chánh pháp, lại gặp tà pháp, càng tu tự ngã càng cao, thường gạt người để mua danh cầu lợi, làm nhiều điều tội ác, thật là uổng phí cho một đời tu của một kiếp người.
Người hữu duyên gặp được Phật pháp nhưng không gặp được Minh sư, không thấu rõ lý chánh pháp của đạo Phật, tu tập theo kiến giải của các nhà học giả, giống như loài vật gặm xương, bỏ đi thì uổng, nhai lại thì chẳng có gì.
Người hữu duyên và có tâm quyết tu theo đạo Phật, để mong cầu thoát ra cảnh khổ trần lao thế tục mà lại gặp những kinh sách phát triển Đại Thừa của các nhà học giả biên soạn ra từ xưa và nay thì tu hành dở sống dở chết mà chẳng ra gì, Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo.
Để làm sáng tỏ trong giới tu sĩ Phật giáo ngày nay, chúng ta có thể chia làm sáu loại tu sĩ như sau (sáu hạng tỳ-kheo):
1. Tỳ-kheo chuyên cúng bái, tán tụng, kệ ngâm (ứng phú đạo tràng), các vị tỳ-kheo này ít học giáo lý, chùa là nơi sinh sống như một gia đình, có vợ, có con, tự làm ăn mọi nghề nghiệp như một gia đình thế tục: làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi heo, gà, dê, bò v.v… Có ai thỉnh đi cúng bái, tụng niệm cầu siêu, cầu an v.v… đều đặt giá tiền công hẳn hòi.
2. Tỳ-kheo chuyên cúng bái tụng niệm, cầu siêu, cầu an, tổ chức lễ lộc, tổ chức hành hương, tổ chức từ thiện v.v... Các vị tỳ-kheo này không có vợ con, có trình độ giáo lý và có học thức, đi đám tụng niệm không lấy tiền công, chỉ nhận tiền cúng dường trai tăng tứ sự v.v... Chùa là nơi sinh hoạt của những phật tử mê tín suốt ngày.
3. Tỳ-kheo chuyên học tập giáo lý, làm việc Giáo hội, giảng sư dịch thuật, soạn kinh viết sách, các vị tỳ-kheo này có trình độ văn hóa cao, có kiến thức Phật giáo sâu rộng nhưng không có tu hành, họ thuộc về cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo.
4. Tỳ-kheo vừa tu vừa thuyết giảng kinh điển, Thiền, Mật và Tịnh cho tín đồ tu tập theo kiến giải của mình, những tỳ-kheo này tu theo Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh. Bốn hạng tỳ-kheo trên đây thuộc về Bắc Tông Đại Thừa giáo.
5. Tỳ-kheo chuyên ăn thịt chúng sanh, đó là những sư Nam Tông tu theo kinh sách Nguyên Thủy nhưng bị kiến giải của các nhà học giả có học thức cao trên đại học thường phá giới, sống phi Phạm hạnh nên hiểu sai lời dạy của đức Phật đã trở thành những ác tri thức, mất chủng tử từ bi, xa lìa hạt giống chánh pháp, thường lý luận để ăn thịt chúng sanh: “Ăn không thấy, không nghe, không nghi”.
6. Tỳ-kheo cất thất, am, cốc riêng để tu một mình, đó là những tu sĩ tiêu cực, yếm thế, chỉ tìm sự an vui cho cá nhân. Họ tưởng tu như vậy là giải thoát, nhưng nào ngờ là trốn đời chạy theo tâm ham muốn sống cảnh yên tịnh.
Trên đây là sáu hạng tỳ-kheo:
a- Nếu quý vị chọn loại một làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Đại Thừa Ứng Phú Đạo Tràng mê tín, chịu nhiều ảnh hưởng phong tục tập quán dân gian, những tỳ-kheo này phần đông phá giới, phạm giới, sống không bao giờ đúng giới hạnh, những tu sĩ này được xem là những cư sĩ trọc đầu.
b- Nếu quý vị chọn loại hai làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Đại Thừa thuộc Bà La Môn giáo, tu phước hữu lậu.
c- Nếu quý vị chọn loại ba làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Đại Thừa danh lợi.
d- Nếu quý vị chọn loại bốn làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông. Những pháp môn tu này giống như người nhai viên sắt, nuốt chẳng vô, nhả chẳng ra.
e- Nếu quý vị chọn loại năm làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Nam Tông trở thành ác tri thức, mất tâm từ bi, xa lìa đạo giải thoát.
f- Nếu quý vị chọn loại sáu làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo yếm thế trốn đời, tiêu cực. Cuộc đời tu hành chẳng tu tới đâu, chỉ có công mà chẳng lợi ích gì.
Trong đạo Phật có sáu loại tu sĩ như vậy, nếu quý vị không chấp nhận họ làm thầy của mình thì quý vị chấp nhận ai làm thầy của mình?
Chúng tôi xin giới thiệu một vị Minh sư của đạo Phật để quý vị khỏi tìm kiếm đâu xa và khỏi bị Tà sư ngoại đạo lường gạt. Vị Minh sư ấy là "Giáo Pháp và Giới Luật của đức Phật”.
Xưa đức Phật cũng nhờ nương vào giáo pháp và giới luật này mà Ngài tu chứng đạo. Cho nên khi thành đạo Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp này và tôn xưng nó là Thầy của mình. Đến khi nhập diệt vào Niết Bàn, Ngài di chúc lại: “Sau khi Ta nhập Niết Bàn, các thầy tỳ-kheo hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành…”
Chúng tôi cũng xin giới thiệu kinh sách của chính đạo Phật để quý vị khỏi lầm kinh giả:
1. Bốn bộ kinh A Hàm;
2. Năm bộ kinh Nikàya.
Tuy rằng bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nikàya là kinh gốc của đạo Phật, nhưng trong ấy các Tổ đã có sự thêm bớt rất nhiều, nhất là kinh A Hàm, các Tổ đã dịch làm lệch ý của Phật và còn soạn viết những bài kinh gạch nối giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa. Vậy quý phật tử khi nghiên cứu đừng tin trọn những kinh sách này mà hãy nhớ lời đức Phật đã dạy:
“Này các Kàlàmà!
1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.
2- Chớ có tin vì nghe truyền thống.
3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn.
4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng.
5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình.
6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường.
7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện.
8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình.
9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền.
10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh, khổ đau.” Thời này các Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
Những lời dạy trên đây của đức Phật là những lời nhắc nhở và cảnh cáo đệ tử của mình, đừng quá vội tin mà bị lừa đảo những pháp môn ngoại đạo giả mạo của Phật giáo.
Rút ra từ những lời dạy này, khi bước chân vào các tôn giáo thì chúng ta cần phải dè dặt cẩn thận nhiều hơn, không nên tin mù quáng mà phải chọn đúng chánh pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì chính đạo đức làm Người, làm Thánh là sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sanh.
Đạo Phật là một tôn giáo tự lực.
Người muốn đi theo con đường tu hành chân chánh của đạo Phật thì phải thấu rõ đời sống của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết toàn là một cuộc sống khổ. Khổ như thật, khổ vì thân tâm của mình mang đầy ắp phiền não tham, sân, si. Khổ vì mọi người sống chung quanh mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì hoàn cảnh trái ngang lúc thuận, lúc nghịch, khổ vì cơm ăn áo mặc phải vất vả gian nan.
Khi chúng ta thấy đúng, biết đúng khổ như vậy thì mới dám chọn con đường tu hành của đạo Phật. Nếu không thấy đời sống khổ như thật, còn thấy nó có hạnh phúc, có an lạc, sung sướng thì đừng nên chọn con đường tu hành của đạo Phật.
Tai sao vậy? Tại vì con đường tu hành của đạo Phật là con đường đi ngược lại với cuộc sống của đời người. Vả lại, con đường tu hành theo đạo Phật là một con đường phải tự lực dùng sức lực của mình, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập cố sức xả bỏ những tâm niệm đầy tham muốn và các ác pháp đang vây quanh.
Khi muốn xả bỏ như vậy thì chúng ta cần phải gan dạ, lầm lỳ, kiên trì, chịu đựng, kham nhẫn v.v… Và còn phải đầy đủ nghị lực để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu chứ không phải vào điện Phật cúng bái, cầu khẩn, van xin, nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực cứu khổ cứu nạn, giải thoát các khổ đau, tai ương, bệnh tật v.v… hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Cực Lạc Tây phương. Và cũng không phải tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền, luyện bùa, luyện chú để có thần thông, pháp thuật v.v… hoặc để cầu được sinh về Cực Lạc, Niết Bàn bằng những tha lực, oai lực của chư Phật, chư Bồ tát.
Muốn tu theo đạo Phật để thoát cảnh khổ đau của kiếp làm người thì phải dùng sức tự lực của chính mình, chứ không phải bằng tha lực của người khác như trong các kinh sách phát triển Đại Thừa dạy.
Đọc kinh sách Nguyên Thủy, chúng ta thấy đức Phật dạy tu hành bằng những pháp môn tự lực, hầu hết không có một bài pháp nào dạy tu tập cầu tha lực. Chỉ có kinh sách phát triển Đại Thừa mới có dạy tu tha lực mà thôi (niệm Phật cầu vãng sanh).
Khi nghe giảng đến đây, có người lại hỏi chúng tôi: Vậy kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh” không phải pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?
Kính thưa quý phật tử! Đức Phật dạy niệm Phật là sống như Phật chứ không phải niệm danh hiệu Phật; niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp chứ không phải tụng kinh; niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau chứ không phải trai tăng cúng dàng lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu; niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng Giới.
Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu; “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”.
Niệm như vậy là niệm theo kiểu Đại Thừa không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.
Có hiểu biết và tu tập như vậy thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng và đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời cũng chẳng có giải thoát được chút nào.
Người ta đã lầm niệm như vậy là để nhất tâm bất loạn tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền…). Còn hiểu theo Thiền Tông thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác là Thiền định, là Phật tánh.
Nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây quý vị coi chừng rối loạn thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng.
Người mới bước chân vào đạo Phật, ngơ ngác trước đống kinh sách khổng lồ của Phật giáo Đại Thừa. Có những loại kinh sách chúng ta đọc vào thấy toàn sự tu tập đều nhờ tha lực để trợ lực trên bước đường đi đến giải thoát như: kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà, kinh Quy Ngươn, kinh Pháp Hoa v.v…
Tất cả kinh này đã làm cho người tu sĩ nhụt chí, mất hết nghị lực, biến Phật giáo thành một tôn giáo tha lực, một tôn giáo mê tín khiến cho người đời sau tu hành chỉ còn biết cầu cạnh vào kẻ khác, do những sự tu hành sai này, đạo Phật chẳng còn ai tu chứng.
Họ lý luận, người mới tu phải tụng kinh, bái sám, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật, phải cầu tha lực, còn người tu lâu năm phải tự lực ngồi thiền quán niệm hơi thở. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy tức là chẳng hiểu Phật giáo gì cả. Hiểu như vậy là hiểu theo Phật giáo Đại Thừa.
Người mới tu như các cư sĩ bước chân vào Đạo, đức Phật đã dạy bài học tu tập tự lực đầu tiên là phải dứt bỏ sáu nghề nghiệp ác đang sanh sống hàng ngày, nghĩa là chúng ta muốn theo đạo Phật tu hành thì phải đổi nghề ác làm nghề thiện. Qua bài kinh dứt sáu nghề ác, chúng ta thấy rõ sự tự lực của đạo Phật ngay từ lúc ban đầu.
Khi bước chân vào Đạo ta được nghe Người dạy: “Thông hiểu những gì cần phải thông hiểu, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần tu tập, trau dồi những gì cần trau dồi”. Những việc làm này không thể cầu tha lực của người khác được.
Đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên nền tảng thiện pháp, mọi ác pháp đều phải được loại trừ dứt bỏ, nhờ có loại trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, cuộc sống mới có sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho mình, cho người. Loại trừ ác pháp chỉ có tự lực, không thể có tha lực, những điều làm ác phải tự mình dứt bỏ chứ không thể cầu cạnh người khác giúp mình được.
Ví như mình đi ăn cắp, ăn trộm, nhờ người khác giúp mình đừng ăn cắp, ăn trộm có được không? Không thể được, phải tự mình biết đó là một việc làm ác khiến người ta sầu khổ thì mình nên dứt bỏ, cũng như sáu nghề nghiệp ác không thể cầu chư Phật giúp mình dứt các nghề nghiệp ác đó được. Chính phải tự mình tự lực dứt bỏ, không hành nghề ác đó nữa.
Nhờ thế chúng ta mới biết rõ đạo Phật là đạo tự lực. Kinh sách tha lực không phải kinh sách đạo Phật. Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, nhân quả chỉ có tự lực mới dứt bỏ được mà thôi, dù cho có một đấng vạn năng cũng không giúp chúng ta vào việc này được.
Vì thế đạo Phật là một tôn giáo mà phi tôn giáo; một tôn giáo không có đấng thiêng liêng vạn năng cứu khổ, một tôn giáo bằng sức tự lực của con người cứu mình ra mọi cảnh khổ, nên đạo Phật còn gọi là “Đạo Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.
Đạo Phật còn gọi là nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.