Học Giới - Định - Tuệ. Kì 27 (54-58).
54. LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT
Hỏi: Kính thưa Thầy, người cư sĩ có quyết tâm tu tập đúng theo pháp của Phật đã dạy, nhưng đời sống còn tại gia, không xuất gia có thể làm chủ sanh, già, bệnh, chết được hay không?
Đáp: Đạo lộ của Phật đã vạch ra rất rõ ràng, có ba giai đoạn tu tập:
1- Giai đoạn tu tập cho người cư sĩ, thọ Tam Quy, Ngũ Giới, Mười Thiện, làm việc và sống đúng đạo đức nhân quả.
2- Giai đoạn chuyển tiếp thọ Bát Quan Trai Giới, tu tập tỉnh thức trong việc làm hằng ngày, dùng tuệ tri nhân quả nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng để xả tâm. Đó là người cư sĩ tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời và giai đoạn này gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Thức.” Sự tu tập này trong những ngày thọ Bát Quan Trai.
3- Giai đoạn tu tập của người tu sĩ, ly gia, cắt ái, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định và Tam Minh.
Với chiếc áo của người cư sĩ tu tập chỉ làm chủ được cuộc sống (sanh), chứ không thể làm chủ tự tại sống, chết và chấm dứt luân hồi được. Làm chủ sanh tức là làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống tức là luôn luôn hành động thân, miệng, ý đều thiện không làm khổ mình, khổ người.
Người cư sĩ còn sống tại gia tu tập chỉ được tâm hồn thanh thản, an lạc mà thôi, không thể đi xa hơn nữa được. Tuy đã xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi nhưng chưa đoạn dứt ngũ triền cái và thất kiết sử còn trói buộc (7 sợi dây đang trói chặt và sai sử) chưa bứt ra được, nên khó mà tiến tới giải thoát hoàn toàn, tức là khó tiến vào thiền định sâu mầu.
Tuy mang hình thức người cư sĩ mà đời sống và tình cảm của người này phải sống y như người tu sĩ xuất gia, tức là sống đúng giới hạnh và giới đức của người ly gia cắt ái. Xa lìa các nghề nghiệp thế gian, không làm việc gì cả, nhờ người thân giúp đỡ ngày một bữa cơm, hằng ngày tinh tấn chuyên cần tu tập ba giai đoạn rốt ráo của đạo lộ mà đức Phật đã vạch ra (Bát Chánh Đạo) thì người cư sĩ này sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi như người tu sĩ xuất gia chân chánh.
Ngược lại, người tu sĩ (vị tỳ-kheo) mang hình thức tu sĩ nhưng sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, tu tập theo pháp môn của ngoại đạo như Đại Thừa và Thiền Đông Độ thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Tâm hồn của họ không được giải thoát, tính tình họ còn mang đầy tạp khí tham, sân, si, mạn, nghi chưa sạch.
Người tu sĩ này không bằng người cư sĩ tại gia mà biết sống với trí tuệ nhân quả, biết ngăn ác diệt ác như trong kinh Tứ Chánh Cần đã dạy thì tâm hồn họ thanh thản, an lạc, vô sự hơn nhiều. Người tu sĩ tu hành không đúng giáo pháp và giới luật của Phật, đã không được giải thoát mà còn mang nợ của đàn na thí chủ, ngàn kiếp muôn kiếp phải trả nợ áo cơm nhân quả mà chẳng biết chừng nào xong.
Các bạn hãy nhìn các ngôi chùa đồ sộ vĩ đại kia, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu tín đồ đóng góp, chừng nào các ngôi chùa kiên cố tàn rụi như đống tro tàn thì nợ đàn na thí chủ mới trả xong. Nếu nó còn mãi với không gian và thời gian thì nợ kia cũng còn mãi với muôn đời muôn kiếp. Đừng hãnh diện rằng ngôi chùa kiên cố đồ sộ kia là công lao rất lớn của quý thầy, mà là khối nợ vĩ đại của quý thầy đấy. Nó còn là nợ quý thầy còn mãi, nó mất thì nợ quý thầy mới mất. Bởi vậy người tu sĩ biết tu, biết xả theo đúng đạo lộ của đạo Phật thì rất sợ của đàn na thí chủ cúng dường.
Nói như vậy đạo Phật sẽ không còn có những gì trên thế gian này sao? Đối với đạo Phật nhìn các pháp trong thế gian này là vô thường nên không lưu lại những hình ảnh vật chất vô thường ấy, nó làm hao tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của loài người. Đạo Phật chỉ lưu lại cho loài người “một tâm hồn cao thượng và đẹp đẽ, một đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh.”
Trên hành tinh này, nếu người có trí, có mắt thì sẽ nhận xét thấy những gì còn lưu lại gọi là Phật giáo, thì đó chính xác không phải là của Phật giáo mà là của Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Phật giáo hiện giờ họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Bà La Môn.
Người cư sĩ đệ tử của đức Phật luôn luôn phải sống và làm việc với tinh thần đạo đức nhân quả, giải thoát, không làm khổ mình khổ người thì không cần gì phải có chùa to tháp lớn, cảnh quan đẹp đẽ, u nhàn v.v... Chỉ cần có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả chân thật của đạo Phật thì đạo Phật vẫn sáng tỏ như ánh hào quang trên thế gian này mãi mãi muôn đời.
55. TU HÀNH NÊN TRÁNH PHÁP ỨC CHẾ
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong đời sống của người cư sĩ, con nhận thấy phải tập dần cho bớt ăn bớt ngủ. Về ăn con nên giảm bữa ăn sáng trước hay bữa ăn tối trước, như thế nào tốt hơn?
Khi đã quen hai bữa mà không yếu sức khỏe thì có thể giảm xuống một bữa ngay tại đời sống cư sĩ không? Con đang chuẩn bị để tăng dần “hành trang” thuận lợi cho giai đoạn sống ở tu viện. Kính xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Muốn sống một đời sống Phạm hạnh thì phải sống đúng như lời Phật dạy, phải hết sức tránh sự ức chế thân tâm.
Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp xả tâm, nếu không khéo tu sai một chút xíu, hành lệch lạc thì sẽ bị ức chế tâm ngay liền. Hầu hết tu sĩ Phật giáo ngày nay tu sai lệch rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết.
Sự giảm thiểu bớt bữa ăn, bớt giờ ngủ, tức là con phải thay thế bằng những việc làm khác có mục đích ly tham đoạn ác pháp để giúp tâm thanh thản, an lạc.
Ví dụ: Hằng ngày 9 giờ chúng ta đi ngủ, lúc bây giờ chỉ cần thức thêm 5 phút, 10 phút hoặc 30 phút. Trong lúc thức thêm thì chúng ta tu tập tỉnh thức và xả tâm trong khi đi kinh hành, vừa đi vừa tác ý nhắc tâm để xả tham, sân, si: “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành.” Mới đầu tập bớt ngủ thì chỉ cần thức thêm 5 phút mà thôi, rồi từ từ tăng dần lên 10 phút, tu tập cho thuần thục trong 10 phút rồi mới tăng lên 15 phút, 30 phút.
Đó là cách thức tập bớt ngủ, bớt ngủ tỉnh thức trong chánh niệm thì rất có lợi, làm giảm bớt tâm tham, sân, si. Giảm bớt tâm tham, sân, si là tâm thanh thản, an lạc, giải thoát.
Ăn cũng vậy, buổi sáng mọi người đều có ăn điểm tâm. Ta có thể bớt ăn buổi sáng, chỉ ăn trưa và chiều. Vì bữa trưa cả gia đình đều hội họp hoặc buổi chiều. Muốn cho gia đình đầm ấm yên vui và hạnh phúc thì bữa ăn là bữa sum họp cả gia đình, có như vậy mới tìm thấy tình thân thương trong huyết quản.
Tùy theo sự có mặt đầy đủ mọi người trong gia đình thì chúng ta không nên bỏ bữa ăn đó. Nhiều khi trưa ở sở không về được chỉ có buổi tối mới có buổi ăn sum họp. Muốn có sự yên vui của mọi người thì bữa ăn tối hoặc trưa là buổi họp mặt đầy đủ nhất, ta không nên vì sự tu tập mà làm mất sự sum họp của gia đình.
Vậy ba bữa ăn trong ngày con nên khéo léo chọn lấy bữa ăn tạo hoàn cảnh sum họp gia đình yên vui và hạnh phúc. Chỉ một hành động nhỏ như vậy mà không cân nhắc kỹ lưỡng khiến cho bữa ăn trong gia đình buồn tẻ.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, đạo đức không làm khổ mình khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui mình vui, đó là tu thiền định xả tâm. Thiền định xả tâm còn có tên gọi là “Bất Động Tâm Định.” Bất Động Tâm Định là đạo đức nhân bản – nhân quả làm người. Là mục đích sống đời sống Phạm hạnh. Là những oai nghi tế hạnh của những bậc Thánh Tăng, là mục tiêu của đạo Phật. Cho nên người nhập Bất Động Tâm Định là người sống đầy đủ đức hạnh làm người “Không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.”
Người có bất động tâm định không có nghĩa là tâm họ trơ trơ như đá; người có bất động tâm định là người sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với mọi người, với mọi hoàn cảnh, với mọi sự việc, không làm chướng ngại mình, chướng ngại người. Người có bất động tâm định là người sống trong trí tuệ nhân quả, ứng dụng nhân quả, chủ động điều khiển nhân quả, chuyển hóa nhân quả.
Tất cả những sự trau dồi thân tâm và tu tập thì phải tu tập từng bước một và phải sáng suốt trong khi tu tập, phải có nghị lực và bền chí, không nên tu tập vài ba hôm rồi nghỉ, mà phải tu tập liên tục có ý chí quyết liệt. Đừng nên lúc thích thì tu, lúc hết thích thì bỏ tu.
Tu hành mà theo kiểu một nắng hai sương thì uổng công lắm các bạn ạ! Đời người trên thế gian này phải vạch ra cho mình một hướng đi rõ ràng, một cuộc sống có đạo đức làm lợi ích cho mình cho người và nhất là phải đạt được mục đích của hướng đi đó.
56. DIỆT TRỪ BẢN NGÃ
Kính thưa Thầy! Con có vài điều chưa hiểu, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ: Con hiểu diệt trừ bản ngã là tầm quan trọng của việc tu. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy, diệt trừ bản ngã là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản ngã thì không bao giờ có giải thoát. Nói diệt ngã thì dễ mà hành diệt ngã thì khó, hành diệt ngã còn phải hành đúng pháp, đúng pháp như thế nào?
Đúng pháp là phải đúng Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh Đạo ra thì không có pháp nào tu tập diệt ngã được.
Các con nên lưu ý: Đức Phật đã xác định trên Bát Chánh Đạo có những pháp môn tu tập rõ ràng và cụ thể. Đừng nên nghe ngoại đạo lừa đảo đưa những tà pháp không đúng chánh pháp như lời Phật dạy trong kinh sách Nguyên Thủy.
Đức Phật thường dạy chúng ta tu tập: “Thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.” Hoặc dạy về thân ngũ uẩn: “Sắc uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thọ uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tưởng uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hành uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thức uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.”
Khi chúng ta thường tác ý quán như vậy thì bản ngã của chúng ta bị diệt. Khi Bàhiya tha thiết cầu Phật dạy pháp trên đường Phật đang đi khất thực. Ba lần Phật từ chối, nhưng ba lần Ông cầu thỉnh với lòng tha thiết. Vì thế đức Phật dạy ngay bài kinh diệt ngã trên đường đang đi xin ăn:
“Này Bàhiya, Ông cần phải học như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri.”
Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng này Bàhiya, nếu Ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri.”
Do vậy, này Bàhiya. Ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” (Tiểu Bộ kinh tập 1 Trang 128).
Khi nhận ra sáu căn, sáu thức này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì ngay đó bản ngã đã được diệt và bản ngã đã được diệt thì sự giải thoát ở chỗ đó.
Kính thưa Thầy! Như vậy có phải người đã diệt sạch được bản ngã là vị đó đã vượt qua một giai đoạn dài trên con đường tu chứng của mình. Có phải không thưa Thầy?
Đáp: Diệt sạch được bản ngã là vị đó đã chứng đạo, đã tu xong chứ không phải còn ở trên đường đang tu tập nữa.
Kính xin Thầy giảng rộng cho chúng con được rõ tầm quan trọng của diệt trừ bản ngã?
Đáp: Do người ta chấp có cái ngã chân thật của mình, vì thế khi làm việc gì đều làm cho ngã, làm danh, làm lợi, làm hơn thua, ganh ghét, tị hiềm, hờn giận đều là vì cho cái ngã của mình v.v… Nói chung về cuộc sống của con người là một cuộc sống chấp ngã, sống cho ngã, làm cho ngã v.v… Buồn vui, khổ đau hay phiền lụy đều do chấp ngã.
Cho nên cái ngã có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người rất lớn không thể nghĩ lường.
Cho nên sự diệt ngã có một tầm quan trọng rất lớn của một đời người tu sĩ theo Phật giáo. Nếu tu đúng chánh pháp của Phật thì mới diệt được ngã, bằng tu sai pháp thì vô lượng kiếp chẳng diệt được ngã mà còn nuôi lớn ngã thêm lên.
Bằng chứng các con nhận thấy tu sĩ và cư sĩ Phật giáo hiện giờ đang sống cho ngã, đang nuôi ngã, đang phục vụ cho ngã, đang làm tôi tớ cho ngã, họ là những người nô lệ cho ngã v.v… Lời Thầy dạy như vậy các con xét có đúng không?
Mọi người trên hành tinh này đều khổ vì chấp ngã, ngã đã giết chết họ từng giây từng phút, nếu không có ác pháp thì thôi mà có ác pháp tác động thì ngã hiện ra rõ ràng dưới mọi hình thức.
Cho nên đạo Phật còn gọi là đạo vô ngã, vì vậy người tu theo Phật giáo là phải diệt ngã hàng đầu. Mọi pháp tu tập đều nhắm vào chỗ diệt ngã xả tâm ly dục lý ác pháp.