55- TẠI SAO PHẢI TRÓI BUỘC TAY CHÂN NGƯỜI CHẾT?
Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao người chết phải buộc tay chân vào hai bả vai?
Đáp: Theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều truyền thống mê tín, dị đoan, kỳ lạ theo từng vùng địa phương. Đây cũng là một phong tục tập quán ở miền Bắc, cũng như ở miền Nam, khi nhà có người chết thì người ta nhốt mèo lại hết. Những ông bà xưa dạy: khi trong nhà có người chết, không cột tay chân vào bả vai thì sẽ bị quỉ “nhập tràng”. Quỉ nhập tràng tức là những linh hồn người chết oan ức (chết bất đắc dĩ), chết tức tối, chết không kịp trối trăn gì cả, những linh hồn người này không đi đầu thai được, sống vất vưởng theo đình, theo miếu, theo cây cao, bóng mát, thấy người nào hạp với họ, thì bắt bịnh đau; thấy người nào chết, mà hơ hỏng không chịu cột tay chân, thì nhập vào, khiến cho thây ma bật dậy chạy điên khùng, đụng vào người nào thì người đó cũng chết theo, khi đụng như vậy, dù vào người hay cây cối thì thây ma cũng bật té chết trở lại. Do đó, người ta sợ trường hợp này xảy ra, nên mới cột tay chân vào bả vai để tránh trước tai họa cho gia đình và những người khác.
Trong miền Nam, khi nhà có người chết, người ta không cột tay chân người chết lại, mà lại nhốt mèo, vì trong những con mèo sẽ có con mèo gọi là “linh miêu”. Nếu con mèo này nhảy ngang qua thây người chết, thì thây ma đứng dậy chạy và đụng ai thì người ấy chết, cho nên có người chết trong nhà đều nhốt mèo lại hết. Bây giờ không còn tục lệ đó nữa.
Trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật giáo không có dạy những điều này, thường dạy làm những điều thiện, tránh xa những điều ác, và đập phá những điều mê tín, dị đoan, nhất là xóa bỏ thế giới tưởng siêu hình, hoàn toàn không chấp nhận. Cho nên, những gì mê tín, dị đoan do các phong tục truyền thống của dân gian có tính cách mơ hồ, trừu tượng, không thực tế thì đức Phật nhẹ nhàng uốn nắn.
Chúng ta là đệ tử của đức Phật, ta phải nương theo trí tuệ Phật, quán chiếu cái gì đúng, cái gì sai để lần lượt dẹp bỏ, cho cuộc sống bớt rườm rà và phiền toái, vì những tục lệ không lợi ích thiết thực. Nếu chúng ta chấp nhận thì chúng ta càng vô minh hơn và càng lạc hậu hơn.
Nếu cuộc đời còn chấp nhận những điều mê tín, lạc hậu, còn mang đầy ắp những truyền thống của tổ tiên mơ hồ, trừu tượng, có tính cách vô lý, mà không chịu dứt bỏ, vẫn cứ mang cõng trên vai, trên cổ mãi, không chịu bỏ xuống, thì quả là người đó quá u mê, vô minh và lạc hậu, không tiến bộ theo kịp thời đại khoa học đang hiện đại hóa cuộc sống loài người.