Skip directly to content

41- MỜI NGƯỜI CHẾT VỀ DỰ CÚNG

Hỏi: Kính thưa Thầy, như Thầy đã dạy cho chúng con biết, người chết khi tắt thở là tiếp tục tái sanh luân hồi (chết đây sanh kia), tức là chết là bắt đầu cho sự sống. Hàng năm cứ đến ngày giỗ và đến ngày Tết, lại ra mồ mả ông bà cha mẹ đã chết hàng 50 năm mời về ăn tết với con cháu.

Như vậy có đúng không, thưa Thầy?

Đáp: Đây cũng là một tục lệ mê tín dân gian, nhưng nói lên được tình nghĩa của con người (người sống đối với người chết). Bởi vì người ta không rõ người chết là mất hết, tan rã sạch, chỉ còn lại hành động nhân quả, nghiệp thiện, ác tiếp tục tương ưng với nhân quả thiện, ác mà tái sanh luân hồi (có thân mới).

Người ta tưởng rằng người chết là xác thân chết, nhưng linh hồn thì còn bất diệt mãi, luôn luôn sống dưới mồ. “Sống có nhà, thác có mồ”, tức là người chết thì linh hồn sống dưới mồ.

Ngôi mồ chỉ là một đống đất, chẳng có ai trong đó cả. Di tích đời người cuối cùng là ngôi mộ, là một nắm đất hôi thối, tàn tạ và khô cằn mà người sống dành cho người chết.

“Sống có nhà, thác có mồ”. Câu tục ngữ này nói lên tình nghĩa người nhớ ơn người, nhất là tinh thần dân tộc Việt Nam: “Chim có tổ, người có tông”. Đạo thờ phụng ông bà, tổ tiên cũng từ tình cảm con người mà ra. Vì thế, đến ngày tư, ngày tết, ngày giỗ, những người còn sống nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, cha mẹ, đến mộ mời những người ấy về ăn tết, như lúc họ còn đang sống với con cháu cho vui.

Tin tưởng như thế cũng chẳng có hại gì cho ai, miễn là không có gây phiền hà cho người khác, và toàn gia họp mặt vui vẻ, nhắc lại công hạnh, phước đức của ông bà, cha mẹ lúc còn sống, để con cháu nghe mà bắt chước.