34- XEM NGÀY, GIỜ TỐT, XẤU
Hỏi: Kính thưa Thầy, các cư sĩ tại gia khi làm nhà, đào móng xây tường, hoặc làm chuồng heo, chuồng bò, làm cổng ngõ, đào giếng, v.v... đều xem ngày tốt, xấu. Khi cất nhà xong thì gia chủ lập đàn Đại Bi, năm ngày đêm trì chú cầu nguyện cho gia chủ được may mắn, phát tài, phát lộc. Thưa Thầy, xem ngày giờ tốt, xấu như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.
Trong kinh Bát Dương dạy: Ngày nào cũng tốt, tháng nào, năm nào, giờ nào cũng tốt, nếu ai nói ngày tháng năm giờ tốt, xấu là phản lại Thiên thần, địa lý. Tuy trong kinh dạy như vậy, nhưng nếu khi làm nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc, v.v... tùy trường hợp xem ngày tốt, xấu lại mang kinh Bát Dương ra tụng. Thưa Thầy, như thế là như thế nào?
Đáp : Xem ngày tốt, xấu là sự mê tín của Trung Quốc, nên có những bộ sách mà trong các chùa dùng để xem ngày tháng tốt, xấu như Ngọc Hạp, Thông Thư, Trần Tử, Văn Công, Thọ Mai, v.v... Những loại sách lịch này không phải của Phật giáo, mà của văn minh Trung Quốc sản xuất ra dưới các triều đại phong kiến. Từ âm dương bát quái, dịch số, đến tứ thời, ngũ hành, thập nhị bát tú, v.v... Do đó, các nhà tri thức lập thành theo vận khí âm, dương để xem ngày tốt, xấu, đoán vận mạng cho loài người.
Đối với đạo Phật thì kinh sách này không đúng với tinh thần của Phật giáo. Đôi mắt của Phật giáo nhìn các pháp thế gian đều là do duyên hợp tạo thành, diễn biến theo luật nhân quả nên không thể nào đoán vận mạng được. Vì đạo Phật cho rằng vận mạng của con người di động theo diễn biến hành động thiện, ác của con người, nên làm sao biết chắc được rằng đúng.
Ví dụ: có người muốn cất nhà, đến xem tuổi năm nay có cất nhà được không. Ông Thầy xem tuổi bảo năm nay tuổi tốt, cất nhà khỏi Kim Lâu, Địa Sát, Thọ Tử, được tứ Tấn Tài, Đại Kiết, kế đó xem tháng tốt, ngày tốt. Đến ngày giờ làm lễ khởi công. Cất xong nhà, thỉnh quý sư Thầy đến tụng kinh cầu an. Nhưng người gia chủ này làm nghề buôn bán đồ lậu thuế, nhà nước phát giác ra bắt bỏ tù và niêm phong nhà cửa, tài sản.
Như vậy, cất nhà coi tuổi tốt, ngày, tháng tốt, được tấn tài, tấn lộc, đại kiết, mà sao lại không tấn tài, tấn lộc, đại kiết, mà phải đi ở tù và của cải bị tịch thu? Xét như vậy xem ngày tốt, xấu có đúng không? Hay do hành động làm điều ác? Nếu người này không buôn bán đồ lậu thuế thì làm sao có sự việc ở tù, của cải bị tịch thu. Gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy, chớ không phải do cất nhà, tuổi tác, ngày giờ tốt, xấu mà tốt được . Tốt xấu là do hành động thiện ác của mình. Vì vậy, trong kinh Bát Dương dạy: “Ngày tháng nă nào cũng tốt, tốt xấu là do hành động thiện, ác của mình”. Kinh Bát Dương là một loại kinh Đại thừa thuộc Bà La Môn giáo, đập phá sự mê tín xem ngày tốt, xấu của văn minh Trung Quốc, nhưng lại bày vẽ cúng kiến, tụng niệm theo sự mê tín của tôn giáo này. Cất nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc đều đem kinh Bát Dương ra tụng để cầu tài, cầu lợi, thì sự mê tín lại còn dị đoan, lạc hậu nhất.
Xem ngày tốt, xấu người ta dựa theo luật âm dương mà tính toán ra ngày tốt, xấu đối với con người còn có chút khoa học, còn kinh Bát Dương thì không có khoa học chút nào, chỉ dựa vào chư Phật cứu độ, gia hộ tai qua nạn khỏi thì thật là lạc hậu. Nếu giết người, cướp của, đi buôn đồ lậu thuế bị bắt ở tù rồi đem kinh Bát Dương ra tụng, thì dù cho tụng cả ngàn biến cũng chẳng tiêu tai giải nạn nổi. Đó là sự lừa đảo của các loại kinh Đại thừa với những người chưa có trình độ kiến thức sâu rộng mới tin và nghe theo.
Từ các mê tín xem ngày tốt, xấu đến cái mê tín cúng bái của kinh sách Đại thừa, tất cả đều là lừa đảo người để làm tiền một cách trắng trợn mà không ai bắt tội được. Quý phật tử cần nên sáng suốt, đừng để bị lừa gạt bởi những kẻ vô lương tâm làm nghề bất chính. Phải mạnh dạn thực hiện đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người, tức là sống thiện, làm thiện, ăn ở thiện, thì mọi phước báo và sự an vui sẽ đến với quý vị.