Skip directly to content

THƯ GỬI CÁC CON

Kính gửi: các con thân thương.

Hỡi các con thân thương! Đọc tất cả những bài của các con chọn và biên soạn thành GIÁO ÁN RÈN NHÂN CÁCH LỚP NGŨ GIỚI, tuy còn sai sót một đôi chút, nhưng không đáng kể, nhất là GIẢI TRÌNH ĐÁP ÁN, các con giải trình đáp án như vậy chưa đủ. Giải trình như vậy là giải trình đáp án của bài học đạo đức đã chọn. Đó là giải trình đáp án của những bài học trong lớp đạo đức hiếu sinh, chứ đến lớp ly tham thì giải trình như vậy ngắn lắm chưa lột hết ý nghĩa đạo đức bản thân, gia đình và xã hội.

Muốn giải trình một đáp án cho đầy đủ thì các con phải dựa vào ba nơi: bản thân (đạo đức bản thân), gia đình (đạo đức gia đình) và xã hội (đạo đức xã hội) mà triển khai đức hạnh. Triển khai như vậy là triển khai tri kiến giới luật đạo đức để chuyển đổi thân tâm của mình khiến cho cuộc sống vô đạo đức trở thành có đạo đức. Vì thế đức Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật (đức hạnh) ở đó, giới luật (đức hạnh) ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.

Các con càng triển khai tri kiến giới luật đức hạnh thì tâm các con càng thanh tịnh và dễ dàng bất động, cho nên việc biên soạn giáo án là một điều cần thiết giúp tâm các con tu tập bất động. Vậy các con phải cố gắng hơn trên việc biên soạn giáo án. Vì nó là nguồn tri kiến giải thoát vô tận.

Tất cả tu sinh trong Tăng đoàn, Ni đoàn, Nam cư sĩ đoàn và Nữ cư sĩ đoàn Chơn Như còn phải triển khai tri kiến đức hạnh của mình nhiều hơn nữa mới mong có tri kiến giải thoát. Chính nhờ có chánh tri kiến giải thoát mà tâm mới BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ”.

Giai đoạn này là giai đoạn học giới luật đức hạnh thì việc triển khai tri kiến giải thoát rất cần thiết cho các con như đã nói ở trên. Vì vậy việc biên soạn Giáo Án là việc cần phải tu học, đó là để xây dựng cho mình có một đời sống đức hạnh Thánh thiện; đó là để đưa mình từ cõi địa ngục lên cõi thiên đàng; đó là để đưa mình từ phàm phu trở thành Thánh nhân; đó là để đưa mình từ cõi ác đến cõi thiện. Vậy tại sao các con không đến lớp học?

Vậy tại sao các con không chịu triển khai tri kiến làm bài biên soạn Giáo Án Rèn Luyện Nhân Cách. Bên nữ các con có những tu sinh giỏi lắm, siêng năng học tập đạo đức, XẢ TÂM RẤT TỐT, KHÔNG THẤY LỖI NGƯỜI và lại còn TINH TẤN BIÊN SOẠN GIÁO ÁN thật đáng khen. Còn bên nam các con có tu học như bên nữ không? Có biên soạn giáo án không? Có học đạo đức và rèn luyện nhân cách như bên nữ không? Thầy đã đọc bài của thầy Chơn Thành và của thầy Thiện Tâm làm bài khá lắm, còn các con thì tu học chơi, tu không cần làm bài, không cần triển khai tri kiến. Vậy kết quả tu học của các con sẽ ra sao? Trong khi có nhiều thì giờ rảnh rang lại vui chơi phí bỏ, thật là uổng. Các con có biết không? Tuổi các con đâu phải còn bé sắp chết đến nơi rồi.

Giai đoạn tu học giới luật đạo đức là giai đoạn TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT đó là MÔN HỌC CHÍNH, còn những môn học phụ để giúp cho môn học chính thì các con chỉ được tập đi KINH HÀNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, chỉ NHIẾP TÂM TRONG HƠI THỞ từ đề mục 1, 2, 3 chứ không được tu tập các đề mục khác.

Các con tu học phải đặt trọn vẹn tâm trí, dồn giờ giấc vào môn học chính, còn các môn học phụ lúc nào nghỉ ngơi rảnh rổi tu tập thêm để hộ trợ cho môn học chính và làm nhịp cầu nối tiếp cho giai đoạn thứ hai (Thiền định)

Giai đoạn này không phải là giai đoạn thiền định mà các con ở trong thất tu tập ức chế tâm là sai. Đức hạnh giới luật chưa xong mà tu thiền định là tu thiền định gì? Tu thiền định mà còn ăn uống phi thời, còn ngủ nghỉ phi thời, độc cư còn đi nói chuyện người này người kia, còn thấy lỗi người này, thấy lỗi người khác. Tu thiền như vậy là tà thiền. Tu thiền là phải thực hiện sống nơi thanh vắng, miệng để mốc meo không hề nói một tiếng, một lời, có đâu các con lại kết bè, kết bạn nói chuyện như cái chợ, không thua người thế gian.

Tu thiền là phải có người hướng dẫn, phải trực tiếp với thiện hữu tri thức thiền định, người có kinh nghiệm BỐN THÁNH ĐỊNH, còn người chưa có kinh nghiệm Bốn Thánh Định hướng dẫn sẽ lạc vào tà thiền sinh ra nhiều tưởng giải như các Thiền sư Đông Độ và các vị Tổ sư Đại Thừa để lại một rừng kinh sách, nhưng có ai tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi chưa? Số tiền in các kinh sách không ích lợi này từ xưa đến nay đã làm hao tốn tiền của tín đồ hằng bao nhiêu tỷ tỷ bạc, không sao kể hết. Nó chỉ là một loại kinh sách lý luận mồm mép tranh luận hơn thua ngoài đầu môi chót lưỡi. Nó có hòa nhập vào cuộc sống và có lợi ích thiết thực gì của loài người đâu?

Giáo đoàn Chơn Như ra đời là để chọn những tu sinh nào giới luật nghiêm chỉnh, sống không thấy lỗi người thì mới được nhập thất trong khu vực chuyên tu thiền định. Nam có khu vực riêng cho nam, nữ có khu vực riêng cho nữ. Những tu sinh nào nhập viện chuyên tu thiền định thì được trực tiếp sự hướng dẫn của Thầy. Bên nam do một thầy Giám viện nam, bên nữ do một cô Giám viện nữ, hai vị này phải có đầy đủ đức hạnh hiếu sinh để trực tiếp xem xét từng pháp hành tu tập, từng tâm tư, nguyện vọng, từng trạng thái tu tập, từng thời gian tu tập gặp khó khăn hoặc nhiếp tâm không được hoặc an trú không được của tu sinh, liền báo cáo và xin phép đến gặp Thầy. Khi gặp những trường hợp khó khăn như trên thì Thầy chấp nhận cho gặp và thầy Giám viện hay cô Giám viện đưa tu sinh đến gặp Thầy.

Phải tổ chức phân định rõ ràng trách nhiệm và bổn phận của mỗi người có nhiệm vụ để giữ gìn và bảo vệ chánh pháp của Phật. Nhất là tránh âm mưu phá hoại Phật giáo, tìm nói xấu Phật giáo, nói xấu Thầy, đó là những thủ đoạn làm hoang mang giao động Phật tử. Lẽ ra trong tu viện có sự sai trái thì chúng ta đóng cửa dạy nhau có gì mà phải nói xấu nhau. Chúng ta học đạo đức ái ngữ sao lại không ái ngữ mà lại nói ác ngữ, không nên nói xấu người sao lại nói xấu người. Phải không các con? Nói xấu nhau có lợi ích cho các con đâu hay vạch lưng cho người xem thẹo, người ta có khen các con đâu, các con đang làm trò cười chê cho thiên hạ.

Trong tập sách GIẶC THẦY CHÙA các con có đọc chưa? Tác giả dẫn chứng theo thiên kiến chính trị của mình để đặt tên sách GIẶC THẦY CHÙA. Gán cho tất cả thầy chùa đều làm giặc. Thầy chùa cũng chỉ là một công dân trong một nước, khi đất nước bị giặc ngoại xâm thì nhân dân cả nước đều theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc đứng lên chống giặc, dưới sự lãnh đạo của một người yêu nước có tài có đức, thì quý thầy cũng là một người dân trong nước thì phải làm bổn phận công dân, chứ quý thầy đâu có đi cướp nước người khác sao gọi là làm giặc.

Kinh sách Đại Thừa dạy họ cầu cúng, tụng niệm: cầu siêu, cầu an, niệm Phật Di Đà để cầu vãng sanh Cực Lạc; để ức chế tâm không vọng tưởng (niệm Phật nhất tâm), còn dạy lạy hồng danh Phật sám hối để được tiêu tai, giải ách, còn dạy cúng dường tiền bạc xây chùa, đúc chuông, tượng Phật, trai tăng v.v.. để được phước báu. Cho nên quý thấy tu tập niệm Phật, lần chuổi, tứ thời tụng niệm sớm, chiều, tối, khuya chuông, mõ hẳn hoi, họ có làm sai chỗ nào đâu? Điều đáng nói ở đây là họ tu theo giáo pháp của Bà La Môn mà không biết mình đang tu theo giáo pháp của Bà La Môn, họ cứ tưởng mình tu đúng theo chánh pháp của Phật. Họ là những người đang bị thầy Tổ của Bà La Môn lường gạt, họ là những tu sĩ đáng thương đang bị giáo pháp Bà La Môn đưa vào nẽo danh và lợi, nên chùa to Phật lớn như cung đình vua chúa, chỗ ở của quý thầy tiện nghi sang trọng mọc lên như nấm. Cho nên, thầy tổ họ làm sao, sống sao họ làm y như vậy, chứ họ đâu có làm sai thầy tổ họ.

Như vậy rõ ràng tu sĩ Phật giáo Đại thừa hiện giờ là tu sĩ Bà La Môn mang danh Phật giáo, chứ tu sĩ Phật giáo chân chánh giới luật nghiêm chỉnh, không bao giờ sống trong chùa to, Phật lớn, chỉ biết đi xin thực phẩm ngày một bữa ăn để sống, chứ không đi xin tiền bạc, xin đô la.

Trong sách Giặc Thầy Chùa tác giả đứng ở một góc độ khác mà không cảm thông cho họ, họ là những người dân trong một nước đang bị lệ thuộc ngoại ban, thì họ cùng nhân dân cả nước đứng lên đuổi giặc ngoại xâm thì đâu có gì là sai. Nói về đời sống gia đình, họ là những người chịu ảnh hưởng văn hóa của người Trung Hoa theo kiểu Bà La Môn thì việc một vị thầy có vợ con là một điều đáng cho chúng ta cảm thông.

Vì sự truyền thừa giáo pháp của Phật giáo ở nước ta không còn là giáo pháp chân chánh của Phật giáo nữa. Như trên đã nói giáo pháp hiện giờ mà các tu sĩ Phật giáo đang tu học chỉ toàn là giáo lý kiến giải của Bà La Môn Giáo, cho nên các tu sĩ Phật giáo Đại Thừa hiện giờ trong các chùa và đang làm các chức vụ trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có vợ, có con là một điều thường không có gì chúng ta phải nói. Họ đâu phải là người theo Phật giáo để tìm tu giải thoát làm chủ sinh tử, họ là những người chạy theo danh lợi trong tôn giáo thì chúng còn chỗ nào để nói họ.

Cho nên cuốn sách GIẶC THẦY CHÙA chỉ phê phán tu sĩ Bà La Môn, chứ đâu có phê phán tu sĩ Phật giáo. Phải không các con?

Vậy chúng ta là những tu sĩ Phật giáo chân chánh thì phải lấy đó làm một bài nhắc nhở và cũng cần phải rút ra nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị tổ chức nơi tu học của chúng ta nghiêm chỉnh hẳn hoi hơn, khiến cho người ta không dám coi thường bốn giới đệ tử Phật.

Cuối cùng Thầy có lời thăm và chúc các con tu tập xả tâm tốt sống trọn vẹn đức hiếu sinh.

Thân thương chào các con