LỜI NÓI ĐẦU
Sau hơn một năm rời khỏi tu viện, Thầy thường gửi những bức tâm thư về thăm và khéo nhắc nhở các con đoàn kết thương yêu nhau, lưu ý việc xả tâm ly dục ly ác pháp, đó là những pháp cơ bản trong Phật giáo. Và nhất là đệ tử của Phật các con phải chấp nhận một đời sống đạo đức giới luật, và những oai nghi tế hạnh là điều quan trọng nhất trong việc tu tập theo Phật giáo để tâm được vô lậu giải thoát hoàn toàn.
Muốn xả tâm ly dục ly ác pháp và sống đời đạo đức cho đạt được kết quả tốt đẹp thì Thầy nghĩ rằng tu viện cần phải được ổn định theo đúng chương trình Bát Chánh Đạo, chứ không thể để tu sinh tự giác tu học một cách chung chung như hiện giờ. Cho nên việc phân chia ra nhiều lớp học là cần thiết và nhất là mỗi lớp phải dạy học và tu tập với những pháp môn nào cho đúng giáo trình lớp đó và còn phải phù hợp theo căn cơ trình độ của mỗi học viên. Lớp học và những pháp môn tu học phải biên soạn theo đúng chương trình ba cấp tu học của Phật giáo: Giới, Định, Tuệ.
Giới, Định, Tuệ là ba cấp tu học của Phật giáo rất cụ thể và rõ ràng trong chương trình Bát Chánh Đạo mà không thể có một người nào dám phủ nhận đó là tu học sai con đường của Phật giáo. Vậy chúng ta nên tự hỏi:
- Cấp Giới có bao bao nhiêu lớp học; bao nhiêu bài học và bao nhiêu pháp tu tập?
- Cấp Định có bao nhiêu lớp học; bao nhiêu bài học và bao nhiêu pháp tu tập?
- Cấp Tuệ có bao nhiêu lớp; bao nhiêu bài học và bao nhiêu pháp tu tập?
Theo đúng chương trình tu học như vậy thì quý vị không còn sợ tu tập sai lạc vào kiến giải của tà sư ngoại đạo. Và như vậy quý vị ai cũng đều biết chương trình tu tập Bát Chánh Đạo có tám lớp học rõ ràng:
1-Chánh kiến
2-Chánh tư duy
3-Chánh ngữ
4-Chánh nghiệp
5-Chánh mạng
6-Chánh tinh tấn
7-Chánh niệm
8-Chánh định.
Căn cứ theo tám lớp Bát Chánh Đạo chúng tôi chia ra ba cấp:
Cấp 1:Giới luật gồm có 5 lớp như sau:
1-Chánh kiến
2-Chánh tư duy
3-Chánh ngữ
4-Chánh nghiệp
5-Chánh mạng
Cấp 2:Chánh định (Tứ Thánh Định) gồm có 2 lớp tu tập như sau:
1-Chánh tinh tấn (Tứ Chánh Cần)
2-Chánh niệm (Tứ Niệm Xứ)
Cấp 3:Chánh tuệ (Tuệ tam minh) gồm có một lớp tu tập như sau: Tứ Thần Túc (Pháp Thân Hành Niệm).
Căn cứ theo chương trình giáo dục đào tạo Bát Chánh Đạo của Phật giáo chúng tôi dựa vào giới luật đức hạnh của Phật dạy 5 lớp đức hạnh đầu tiên. Đó là những bài học và tu tập Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện.
Tam Quy là dạy về Quy y Phật, Quy y Pháp và Quy y Tăng. Vậy Quy y Phật như thế nào? Quy y Pháp như thế nào? Và Quy y Tăng như thế nào?
Quy y Phật là dạy cho quý phật tử thông suốt những gương hạnh sống đạo đức giới luật của đức Phật.
Quy y Pháp là dạy cho quý phật tử thông suốt nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, tức là giới luật đức hạnh và các phương pháp tu tập để làm chủ thâm tâm tức là làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Quy y Tăng là dạy cho quý phật tử thông suốt những gương hạnh sống giới luật đạo đức của chúng Thánh Tăng trong thời đức Phật.
Sau khi học xong những bài học Tam Quy lớp Chánh kiến xong thì quý học viên tiếp tục học những bài học đạo đức Ngũ Giới tức là học năm đức nhân bản. Như quý vị đều biết năm đức nhân bản là:
1-Đức hiếu sinh
2-Đức ly tham
3-Đức chung thủy
4-Đức thành thật
5-Đức minh mẫn
Sau khi học xong năm đức nhân bản – nhân quả này trong các lớp Chánh tư duy, Chánh ngữ thì các học viên tiếp tục học đạo đức nhân quả, đó là học mười điều lành lớp Chánh nghiệp và Chánh Mạng để những hàng động thân, miệng, ý không làm những điều ác.
Đến đây chương trình cấp 1 đã hết theo như lời đức Phật đã dạy: “Những gì thông suốt cần phải thông suốt”,tức là người phật tử tu tập theo Phật giáo cần phải thông suốt giới luật đức hạnh của Phật, chứ không phải thông suốt chuyện trên trời, dưới đất; chuyện Cực lạc, Thiên đàng; chuyện Phật Tánh, Bản thể Chơn Như v.v…Bởi hiểu như vậy là hiểu ngoài chương trình giáo dục đào tạo Bát Chánh Đạo và ba cấp: Giới, Định, Tuệ của Phật giáo; hiểu như vậy là quý vị đã hiểu sai Phật giáo.
Khi học xong chương trình cấp 1 các học viên được thi chuyển cấp, nếu đậu sẽ được lên các lớp Chánh định. Lớp Chánh Định gồm có chương trình tu tập như trên đã nói:
1-Chương trình tu tập Tứ Chánh Cần
2-Chương trình tu tập Tứ Niệm Xứ
Sau khi tu tập những lớp này xong thì học viên được thi chuyển cấp lên cấp 3 tức là lớp Chánh tuệ (Tam minh).
Lớp Chánh tuệ tức là lớp tu tập Tứ Thần Túc. Lớp tu tập Tứ Thần Túc phải được tu tập với pháp môn: “Thân Hành Niệm”. như trên đã nói. Đây là những pháp môn cần phải tu tập mà đức Phật đã dạy: “Những gì tu tập cần phải tu tập”Ngược lại chúng ta là Phật tử lại không tu pháp của Phật mà tu pháp của ngoại đạo như tập luyện thiền xuất hồn, thiền vô vi, thiền Yoga, niệm chú, niệm Lục tự Di Đà, thiền Minh Sát Tuệ, Tổ sư thiền, Như Lai thiền, dưỡng sinh, khí công, nhân điện v.v…
Chúng tôi xin nhắc lại lời Phật dạy để quý phật tử suy ngẫm những gì mình chưa làm đúng lời Phật: “Những gì thông suốt cần phải thông suốt và những gì tu tập cần phải tu tập”
Trên đây là bản đồ tóm lược chương trình giáo dục đào tạo của Phật giáo để những người tu học theo chương trình này sẽ chứng được quả vị A La Hán.
Quả A La Hán là quả Vô Lậu mà người tu sĩ Phật giáo nào cũng ước nguyện mình tu tập đạt được quả vị ấy.
Trên đây lời giới thiệu cho tập sách “Những Bức Tâm Thư” là để quý vị hiểu rõ mô hình chương trình giáo dục đào tạo của Phật giáo cụ thể rõ ràng, đúng như lời Phật dạy trong kinh sách nguyên thủy, để mọi người tu tập theo Phật giáo không còn bị giáo pháp ngoại đạo lừa đảo. Chính chương trình giáo dục này là để đào tạo mọi người trở thành những bậc “Thánh Thiện” hiện tại trong thế gian này.
Trong bộ sách này còn nhiều chỗ sơ sót, chúng tôi mong rằng các bậc cao minh, thạc đức có thấy những chỗ nào còn khuyết điểm sai, xin chỉ dạy cho để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Kính ghi
H. T. Thích Thông Lạc