Skip directly to content

20060414 - THẦY THĂM NINH BÌNH - NHÂN QUẢ - Ý THỨC LỰC

20060414 - THẦY THĂM NINH BÌNH - NHÂN QUẢ - Ý THỨC LỰC

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 14/04/2006

Thời lượng: [21:00]

Tên cũ: 1420-(NinhBinh)-NhanQua-TTAD-DaoDucNBNO-BuaChu-Tuong-YThuc-(TamDiep)-(14-4-2006)

https://thuvienchonnhu.net/audios/20060414-thay-tham-ninh-binh-nhan-qua-y-thuc-luc.mp3

 

1- HIỂU VỀ NHÂN QUẢ TÁI SANH NHỜ HỌC LỚP CHÁNH KIẾN

(0:00) …​ Huân cái đau khổ của chúng sanh vào thân của chúng ta. Bây giờ bệnh đau rồi cầu Quan Âm để phù hộ cho hết. Thì từ cái miệng đừng có ăn thì nó hết chứ, tại sao mà lại ăn cho nhiều rồi bây giờ cầu cho hết làm sao hết được cái điều đó.

Các con huân hàng ngày từng miếng cá, miếng thịt, từng cái sự đau khổ của loài chúng sanh mấy con bỏ vào thân, mấy con nuôi cái sự đau khổ đó mà mấy con biểu đừng đau bệnh à?!

Đây mấy con sẽ nghe Thầy nói về nhân quả: Các con có nhìn thấy trái ớt không? Một trái ớt nó có một hạt trong đó hay nhiều hạt? Nhiều hạt phải không? Vậy thì bây giờ mấy con cầm cái dao cắt cổ con gà nè, thì cái thân của mấy con tránh khỏi cái sự đau khổ không? Đâu có tránh khỏi.

Bản thân mấy con làm ác đó thì mai mốt cái cổ mấy con nè nghẹt, thở không được nè. Vì cắt cổ người ta, có phải không? Rõ ràng mai mốt, mấy con có đau yết hầu lần nào chưa? Chưa à, cắt cô gà riết rồi nó đau yết hầu chứ đừng nói. Bị nhân nào phải quả nấy chứ gì.

Rồi bắt đầu cái từ trường ác mà cầm cái dao cắt cổ đó, nó sẽ phóng xuất ra cái điều kiện ác đó. Từ cái hành động của mấy con nó sẽ trở thành một con gà, nó tương ưng với con gà nó sẽ thành con gà con. Từ đó người ta nuôi con gà lớn lên người ta cắt cổ lại. Vậy thì cái hành động cắt cổ con gà thì bị cắt cổ lại đó. Các con thấy chưa?

Thì một trái ớt nó cay chứ gì? Thì cái hạt ớt nó sẽ lên cây ớt khác. Và cây ớt khác thì nó cũng cay nữa chứ cây ớt khác nó ngọt được sao? Có phải không? Thì nó sẽ bị cắt cổ lại chứ sao. Là do ai mà có con gà đó để bị cắt cổ? Do ai mà có con cá mà người ta bắt lên người ta đập đầu? Do hành động ăn thịt cá của mấy con chứ ai. Vậy con cá là do ai sanh?

(01:38) Nghĩa là tất cả ở trên môi trường chúng ta là nhân quả tái sanh luân hồi chứ không phải có linh hồn tái sanh luân hồi. Cho nên một người sanh ra nhiều người, nhiều con vật chứ không phải là một con vật. Chứ không phải đợi mấy con chết rồi mới sanh ra một người đâu. Các con hiểu chưa?

Các con tưởng tượng, chỉ ờ bây giờ mình chết có linh hồn đi tái sanh vào đó để trả cái nghiệp khổ đau từ mình làm ác chứ gì? Không! Nó không có đâu. Ngay từ đó, mấy con cắt cổ, mai mốt mấy con đau yết hầu. Phải không, mấy con bẻ giò ếch thì mai mốt xe đụng mấy con gãy giò mấy con cũng lết.

Mấy con chạy đâu khỏi, mấy con thấy có nhiều người tàn tật không? Xe đụng mà tàn tật. Tai nạn mấy con té xuống, cái nền nhà cao té xuống nó lọi cái chân của mấy con, mấy con cũng lết cũng giống như là bẻ giò ếch vậy chứ gì. Mấy con chạy khỏi không?

Đó cho nên vì vậy mấy con yên tâm, nhân nào quả nấy phải trả thôi. Nhưng khi mà mình trả nghiệp, mình đừng buồn, mà mình thực hiện sống thiện, mình đừng làm cái chuyện ác đó nữa…​ (Không nghe rõ).

Bởi vì nhân quả chuyển biến mà. Cũng như trái cam chua nè, người ta chuyển biến được trái cam ngọt mà. Người ta bỏ vôi nè, người ta lai ghép nó thì nó ra trái cam ngọt mà, con hiểu không? Cho nên nhân quả đâu phải cố định, nói trái cam chua thì cứ để chua hoài sao? Đâu có phải mấy con!

(02:52) Thì học nhân quả thảo mộc mấy con học rồi, thì mấy con biết chuyển biến nhân quả, là thay đổi cái nhân quả, tức là thay đổi cái trái cây từ chua nó thành ngọt. Có phải đúng không mấy con? Vậy thì cái hành động mình thay đổi mình cũng từ cái khổ đau thành không khổ đau chứ. Các con hiểu chưa?

Cho nên đạo Phật nó thực tế, nó "đạo đức nhân bản - nhân quả”, “sống không làm khổ mình, khổ người" các con nghe danh từ đó?

Vậy thì đức Phật dạy chúng ta vào cái lớp học, học Chánh Kiến để mà hiểu biết nhân quả. Phải học Chánh Kiến chúng ta còn hiểu nhiều điều kiện thực tế hơn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ được giải thoát. Bởi vì chúng ta hiểu rồi chúng ta đâu còn vô minh.

Còn bây giờ các con chưa hiểu các con vô minh. Bởi vì chưa học làm sao mà hiểu, mà không hiểu thì phải vô minh chứ sao. Mà vô minh thì chửi lộn người ta chứ sao? Có phải không?

Hai người chửi lộn là hai người vô minh. Còn cái người không chửi là cái người minh. Còn cái người chửi là cái người vô minh. Mà mình giận chi cái người vô minh. Phải không? Mình hiểu rồi mình giận cái người vô minh làm gì. Cái ông ta không hiểu giận ông ta làm gì? Giận là giận cái người hiểu chứ. Mà cái người hiểu thì làm gì có giận ông ta! Mấy con hiểu chưa?

Mà bây giờ mình không hiểu thì mình học mình hiểu chứ sao. Đạo Phật đâu có dạy mình phải luyện thần thông, ngồi thiền để mà hiểu đâu, mà dạy từ cái tri kiến này mình hiểu ra chứ! Các con thấy chưa? Nó thực tế như vậy.

(4:12) Từ cái chỗ này, một cái đứa bé, các con thấy từ cái chỗ mà cái tri kiến, cái đầu óc của nó nè, nó không hiểu nè. Bây giờ mấy con cho con, cho cháu mình đi học nè, bây giờ nó đọc chữ, nó làm toán, làm tính gì được.

Đó phải không, mấy con thấy, từ cái chỗ nào? Hồi mới sanh ra nó có hiểu được không? Nó không hiểu. Có phải không, nó đọc chữ đâu có được. Nhưng mà cho học riết, rồi nó hiểu, nó đọc chữ được. Có phải đúng không?

Bây giờ mấy con không hiểu nhân quả. Cho mấy con học rồi mấy con mới hiểu nhân quả. Hồi đó mấy con cứ nghĩ nhân quả thôi. Nhưng mà bây giờ Thầy mới nói nhân quả, từ một trái ớt nó có nhiều hột trong đó chứ nó đâu có một hột. Có phải không mấy con? Mà hột ớt nào nó đẻ ra cây ớt, nó lên cây ớt nấy nó cũng sinh ra trái ớt cay xé họng. Đó mấy con thấy chưa? Nó cay chứ.

Rồi cái cây chanh, nó đâu có một trái chanh đâu mấy con. Con bẻ trái chanh ra coi bao nhiêu hạt ở trong đó? Sao mà nó nhiều dữ vậy! Mà một hạt chanh nó lên cây chanh. Một cây chanh nó lên bao nhiêu quả, bao nhiêu trái. Thì một con người nó có bao nhiêu quả, bao nhiêu trái của mấy con không? Nó bao nhiêu cái mà nó sinh ra mấy con biết không?

(05:12) Không ngờ rằng, ở một cái chỗ mà cái nhân quả nó rõ ràng cụ thể. Học nhân quả rồi mấy con sẽ ngao ngán lắm.

Hồi nào tới giờ, trong tư tưởng mấy con cứ nghĩ: “mình chết rồi nó sanh người nữa, hay hoặc là mình sanh con vật thôi”. Có phải vậy không? Chứ đâu phải hai con, ba con được đâu. Mấy con nghĩ mình có một mình mình thì sanh một người thôi chứ. Nhưng mà không có đâu mấy con. Một mình con mà với đôi mắt Tam Minh, người ta thấy hàng trăm, hàng vạn con!

Các con đừng có hiểu, bởi một cây xoài đâu có nghĩa là có một trái xoài đâu! Nếu mà đặt hết ba cái hột xoài này mà sanh, cả một cái rừng này nó chưa hết cái hột của nó nữa. Mà cây xoài còn sống mà nó còn bao nhiêu hột, bao nhiêu nhân quả chứ đâu phải là cây xoài chết!

Mà lỡ cái cây xoài mà chết, cái mùa mà cây xoài chết nó ra trái gấp hai. Các con thấy cái cây gì mà chết là nó ra trái rất sai nó mới chết. Nó chết rồi nó để lại ghê gớm lắm. Nó sanh ra ghê gớm lắm, chứ đâu phải là ít đâu. Cho nên con người cũng như là một cái cây xanh. Có gì đâu.

Đó thì Thầy nói như vậy để cho mấy con biết nhân quả. Để không khéo mấy con cứ nghĩ rằng mình có cái linh hồn đây, rồi chết đây cái linh hồn này chui vào bên kia nó đầu thai. Nó không có chui đi đâu đâu mấy con.

2- KHU AN DƯỠNG SẼ LÀ NƠI MỞ LỚP HỌC VÀ THỰC HÀNH SỐNG ĐẠO ĐỨC

(06:27) Thôi bây giờ thì mấy con được nghe được như vậy. Nhưng sau này Thầy mong rằng ở quê hương này sẽ có cái khu An dưỡng, và cái khu An dưỡng sẽ mở cái lớp học cho mấy con đến đó được học, và được nuôi dưỡng trong một ngày ăn cơm ở đó một bữa. Không có cho ăn cơm nhiều.

Tại sao vậy? Mình tu theo Phật, ông Phật ăn ngày một bữa, không lẽ mình tu theo Phật mà không giống Phật. Tu theo Phật mà ăn ngày ba, bốn bữa phàm phu rồi sao. Có phải không? Ông Phật dạy mình ăn ngày một bữa, cho nên vì vậy mà vào tu theo Phật là sống đạo đức, ăn ngày một bữa vừa tiết kiệm thực phẩm của mình.

Không phải tiết kiệm để làm giàu đâu mấy con. Cho những người nghèo đói, người ta nghèo có phải không. Mấy con ăn ngày một bữa, còn hai bữa kia để dành cho người khác, chứ không phải để dành cho mình sắm vàng mà đeo đâu. Không, Thầy nói thiệt.

Còn mấy bác, mấy chú, dành dụm đừng có uống rượu. Mỗi một năm uống rượu mà gom lại số tiền đó, Thầy nói là dám nuôi trẻ mồ côi nhiều lắm đó. Từng cái điếu thuốc, từng cái ly rượu…​

Đừng có hút thuốc, đừng cái này nó có chết mấy bác, mấy cụ đâu, mà tiết kiệm được cái này, Thầy bảo rằng, nếu mà mở cái trại mồ côi nuôi trẻ con thì hạnh phúc biết bao! Đây là trẻ mồ côi nè, nuôi từ cái điếu thuốc, nuôi từ cái ly rượu của các bác, các chú.

Ba cái la-ve, ba cái bia này dẹp hết đi. Không có nó có chết mình không? Ăn cơm mình sống chứ bộ uống bia mình sống sao, có phải không? Đâu phải hút thuốc lá mà sống đâu, phải không?

Cho nên ăn cơm mà sống. Dẹp ba cái này hết đi. Để cái số tiền này tính lại. Cứ mỗi ngày một điếu thuốc, bỏ vô cái con heo đất cho Thầy. Rồi một năm coi có bao nhiêu điếu thuốc, lấy ra đi, Thầy dám nuôi trẻ mồ côi bao lâu. Nghĩa là chừng nào mà hết trẻ mồ côi thì mới thôi. Thì mấy con thấy cái này lợi ích lớn chưa!

Thôi bây giờ mấy con về, Thầy còn đi công chuyện chút nữa.

3- ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ LÀ TINH HOA CỦA NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN LOẠI

(08:38) Phật tử 1:…​ (Không nghe rõ)

Trưởng lão: À, nó không phải gì hơn. Để Thầy nói cho mấy con nghe.

Thầy còn đi, là tại vì Thầy thăm lại những cái nơi mà lịch sử của tổ tiên của chúng ta. Ở đây là Tam Điệp phải không mấy con? Thì nó có những cái lịch sử để Thầy thăm chứ. Thầy thăm để làm gì? Thầy viết được những cái bộ sách Đạo Đức.

Lịch sử của những vị anh hùng của đất nước của chúng ta, coi thử coi anh hùng của chúng ta làm cái việc gì ở đây, mà đóng quân ở đây, làm cái gì ở đây, mà ngày xưa mà để gọi là anh hùng đây? Cái đạo đức của những người này như thế nào? Thì mấy con sẽ đọc sách này nó thực tế lắm.

Cho nên Thầy đi cũng đem lại cái đạo đức cho tốt cho mấy con. Đạo đức từ những tổ tiên của chúng ta. Cho đến bây giờ con cháu chúng ta phải học đạo đức chứ. Mà lại thêm được cái đạo đức truyền thống của một đất nước khác, tức là đạo Phật. Đem cái đạo đức đó để chuyển cái đạo đức đó thành cái đạo đức của chúng ta.

Hôm nay đạo đức của chúng ta là đạo đức của tất cả những cái tinh hoa của thế giới đem lại. Mà Thầy là người soạn thảo đạo đức đó.

Cho nên hôm nay mấy con nghe kinh sách Phật, thì ông Phật dạy. Nhưng mà đến đất nước này thì nó có cái "đạo đức nhân bản - nhân quả”, “sống không làm khổ mình, khổ người". Mấy con đã đọc kinh sách Đại Thừa nhiều có nghe cái danh từ này chưa? Chưa!

Như vậy là rõ ràng Thầy đã triển khai những cái phương pháp, cách thức của đức Phật dạy để trở thành cái đạo đức của dân tộc. Có phải không? Cái đạo đức của dân tộc thực sự mà. Tức là đạo đức truyền thống. Cái truyền thống từ cái nước này đến nước khác để đến đây, thành ra dân tộc, một dân tộc có đạo đức.

4- Ý THỨC MẠNH MẼ THÌ BÙA CHÚ KHÔNG TÁC ĐỘNG ĐƯỢC

(10:22) Phật tử 1: Con bạch Thầy cho con xin hỏi?

Trưởng lão: Rồi con hỏi con.

Phật tử 1: Con bạch Thầy là trong kinh Dược Sư, nhà chùa có dạy là có người luyện bùa chú…​ (Không nghe rõ) con thấy là sai với đạo Phật, nhưng mà trong đời thường có không ạ? Bạch Thầy!

Trưởng lão: Con muốn hỏi trong kinh Dược Sư phải không con?

Phật tử 1: Bạch Thầy là trong đời thường cuộc sống thế gian này, trần tục này có không ạ, hay trong kinh sách nói như thế thôi ạ?

Trưởng lão: À muốn nói trong kinh sách nói như thế nào con, nghĩa là một cái đời thường…​?

Phật tử 1: Bạch Thầy, có các Thầy, có cái người mà luyện bùa chú, luyện âm binh, âm tướng để đi làm việc, để sai đi để hại người đấy, thì là có thật trong đời sống thực tế có thật không hay chỉ là tưởng ạ?

Trưởng lão: Là tưởng con. Nó có thật, nhưng mà có thật những người đi luyện bùa luyện chú đó. Nhưng mà những người đó không hại ai được hết! Tại vì mình quá sợ hãi thành ra mình thành bệnh, thành ra do đó mới có linh hiển chứ sự thật ra mấy ông đó không làm được gì hết.

Có, họ có luyện bùa, luyện chú thực sự. Có con người của mình đi luyện bùa, đi học những cái đó để mình tạo được cái lực tưởng của họ để tạo thành.

Như bây giờ họ vẽ một cái bùa như thế này, họ đọc thần chú, họ dậm chân một cái, làm cho các con phải điên đảo đi. Thì vì cái tưởng của mấy con bị ảnh hưởng của cái tưởng của người ta nó làm cho mấy con bị điên đảo tưởng của mấy con. Cho nên mấy con phát khùng lên, hay hoặc là mấy con đang bệnh gì đó, ông ta làm cái bệnh của mấy con hết. Thì đó là hoàn toàn là tưởng.

Cho nên nó có chứ không phải không con. Nhưng mà cái này là có tưởng chứ không có gì mà sợ. Đối với người tu theo đạo Phật không sợ ba cái thứ tưởng này đâu.

(12:01) Phật tử 1: Con bạch Thầy là để mà không ảnh hưởng đến cái đấy thì bằng cách nào mà thực tế là không bị để người khác chi phối mình ạ?

Trưởng lão: À, không bị, mình có phương pháp Như Lý Tác Ý con. Bởi vì lấy ý thức chúng ta chủ động.

Bây giờ ông Thầy bùa đến viết bùa, ông làm như vậy làm cái tâm mình sẽ bị dao động, cái tưởng nó hoạt động đi. Cho nên mình tác ý: "Chẳng có sợ bùa chú gì, không có làm gì ta được đâu!" Con tác ý cái tâm con vững vàng, ông ta niệm bùa niệm chú đã, ông ta bắt đầu ông làm gì cũng không được hết, ông ta cũng đi mất. Không ếm mình được đâu mấy con.

Nhưng mà mấy con phải biết pháp. Bởi vì đức Phật dạy: "Tác ý một cái tướng khác thì tướng kia sẽ bị diệt". Thì ông ta đang làm cái điều ác chứ gì? Mình tác ý: "Tâm chẳng sợ, đó là tưởng, không sợ". Thì ngay đó nó lui liền. Nó không tác động vô con được.

Bởi vì cái tinh thần con yếu thì cái tưởng nó bắt đầu nó hoạt động. Tức là cái ý thức mình yếu, mình sợ, ý thức nó sợ thì cái tưởng của con nó sẽ hoạt động. Nó sẽ giao cảm với cái tưởng kia, nó ảnh hưởng tới con liền tức khắc.

Còn con không sợ, nó không tác động được, cái tưởng của con nó không có hoạt động. Cho nên cái ý thức của con nó hoạt động, nó chủ động. Vì vậy mà con tác ý. Con tác ý là cái ý thức của con rồi, cho nên những cái bùa chú kia nó không tác động được con gì hết.

5- RÈN LUYỆN Ý THỨC NHỜ PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý

(13:13) Phật tử 1: Con Bạch Thầy, là chính bản thân con cũng bị, con có hai con trai…​ (Không nghe rõ) Con bị tai nạn nên là con bị thần kinh, nên là bây giờ là con bị thần kinh yếu nên là con hay tưởng, con rất là sợ hãi. Con vì thực tế là như thế nên con bạch Thầy là lý giải cho con biết để con…​ (Không nghe rõ)

Trưởng lão: Con sẽ tác ý như thế này nè. Con bị cái trạng thái tưởng, con rất là sợ. Bởi vì khi nó nhập vào…​

Phật tử: Con bị thần kinh ạ!

Trưởng lão: À tức là thuộc về thần kinh rồi. Nó hoạt động cái phần tưởng của con thì coi như là con bị thần kinh rồi. Cho nên lúc bấy giờ con còn cái ý thức con mà. Con dùng con bảo: "Dừng, chỗ này tao không chấp nhận!” thì cái ý thức của con nó sẽ dừng, thần kinh con nó sẽ bình thường trở lại, nó không có hoạt động, nó bình thường.

Con chịu khó tác ý một thời gian. Lúc nào con, ví dụ như buổi tối, buổi khuya gì đó con tác ý, cái trạng thái tưởng của con, con sẽ tác ý bảo: "Tất cả những cái này, cái cơ thể phải bình thường lại! Thần kinh phải ổn định! Không có những cái tưởng này, tao không chấp nhận!"

Con nói thẳng thật như vậy rồi cuối cùng con giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Thì nếu mà nó có hiện tượng nào đó thì con tác ý dừng nó lại. Cứ như vậy rồi con làm tiếp, không có gì.

Chỉ có giữ lại cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, tức là trạng thái của ý thức, của bất động. Để cho mọi cái ác pháp khác động vào thì con bị động, con tác ý đánh nó ra.

Cho nên giữ được cái tâm bất động của mấy con thanh thản, an lạc, vô sự, mấy con nhớ danh từ đó: "Thanh thản, an lạc, vô sự" là một trạng thái người nào cũng nhận ra được hết. Do đó con giữ nó thì tất cả những cái trạng thái tưởng nó hiện đến thì con tác ý con đuổi nó, không chấp nhận, thì nó sẽ mất đi.

(15:04) Phật tử 1: Con bạch Thầy là, con tác ý rất là khó, vì con cũng không được học hành nên không biết. Nghe kinh Đại thừa rồi nghe kinh sách của Thầy thấy hay quá, chúng con…​ (Không nghe rõ).

Trưởng lão: Nói chung là sau thời gian mấy con phải tập luyện mấy con. Tập luyện để cho cái ý thức của mình nó chủ động nó điều khiển. Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác mà! Cái ý thức, đức Phật đã nói trong kinh Pháp Cú mấy con. Nó dẫn vào cái ác thì mình sẽ gặp khổ, mà nó dẫn vào cái thiện thì mình sẽ được an vui mấy con. Cho nên nhớ câu kinh Pháp Cú thì mấy con rất rõ ràng.

Mà cái Như Lý Tác Ý đó là cái ý thức dẫn đầu làm chủ đó. Và cái ý thức của chúng ta nó là một cái phương pháp để tạo thành một cái nội lực. Nội lực đối trị với tất cả.

Cho nên vì cái nội lực đó, như bây giờ cái đầu Thầy nhức nè, mà Thấy có được cái nội lực của ý thức, Thầy mới tác ý Thầy mới nói: "Thọ là vô thường, cái đầu đau này phải đi! An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành…​". Đó là cách thức để đẩy cái bệnh mình. Các con thấy chưa? Bệnh mà đẩy đi còn đi mà huống hồ thứ tưởng. Bay mất hết chứ.

Đừng có sợ! Mấy con gặp đúng chánh pháp thì mấy con đừng sợ. Mà pháp Như Lý Tác Ý là gì mấy con biết không? Nó là tự kỷ ám thị đó! Tự kỷ ám thị tâm con đó.

Nó cao hơn cái sức tự kỷ ám thị của Thiên Chúa. Là tại vì bên kia nó tự kỷ như vậy thôi, còn cái này nó tự kỷ đến mức độ Tứ Thần Túc lận, nó trở thành Tứ Thần Túc, nó thành Dục Như Ý Túc. Các con muốn cái gì thì nó làm theo cái nấy đó. Thân tâm con nó điều khiển qua cái sự làm chủ đó.

(16:42) Cho nên người ta nhập định không phải theo kiểu Thiền Tông hay hoặc là theo kiểu ức chế của pháp môn Tịnh Độ niệm Phật nhiếp tâm, mà ở đây người ta có định “Định Như Ý Túc". Người ta muốn nhập cái định nào thì người ta tác ý cái câu đó nó vào.

Thí dụ bây giờ muốn nhập Sơ Thiền, người ta bảo: "Tâm phải ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền". Thì ngay đó lần lượt thân tâm nó vào cái Sơ Thiền của nó. Nó có đủ năm chi thiền của nó hiện ra.

Còn bây giờ nó muốn nhập Nhị Thiền thì nó tác ý cái câu của Nhị Thiền. Tác ý: "Diệt Tầm Tứ, nhập Nhị Thiền". Thì lần lượt cái thân tâm của nó nhập nó vào Nhị Thiền. Chứ không phải là chúng ta ngồi thế này để rồi tập hết vọng tưởng để mà vào Nhị Thiền. Sai, nó không đúng đâu.

Đây là Định Như Ý Túc mà. Mình muốn nhập định nào thì nó sẽ nhập vào định đó qua cái sức điều khiển của cái ý thức. Nó có phương pháp điều khiển, cái lệnh của chúng ta truyền là nó làm, đó là cái phương pháp.

Thầy Chơn Thành: Con xin kính bạch Thầy. Với lòng thương xót của chúng sanh, thì Thầy không nỡ dừng việc bố thí pháp khi họ thiết tha cầu kinh pháp. Thế nhưng mà lịch công tác của đoàn thì đã ấn định thời gian quá mức rồi.

Trưởng lão: Rồi, được rồi.

Thầy Chơn Thành: Thế thì xin phát biểu thế này, thưa các vị tu tập là một quá trình, không thể ngay một lúc tức khắc mà tha thiết được 10 hay 5 phút. Vâng, thế các vị hãy cố công đọc sách.

Thế còn hôm nay là do duyên phước, các vị mới được gặp một Thánh Tăng. Ngài là bậc tu hành đã đến ngưỡng viên mãn, tức là hai mươi lăm thế kỷ nay trên hành tinh này mới có một người giác ngộ được như Phật đã giác ngộ.

Cái điều đó là sự thật, là chân lý. Còn ai tin hay không là tuỳ phước của họ. Nếu họ biết tin thì cũng là phước của họ, còn nếu họ không biết tin thì cũng là nghiệp của họ. Thế nên thời gian thì còn nhiều, con đường phía trước là ở các vị thôi. Chớ không có ai thay cả.

Trưởng lão: Rồi bây giờ để Thầy đi công chuyện chút con, rồi bữa khác con gặp Thầy, rồi Thầy sẽ về mở lớp ở đây. Rồi mấy con sẽ vô.

Phật tử 2: Thôi con bạch Thầy, con kinh qua kinh nghiệm của con thì con cũng có đi làm mà có việc gì thì cũng gọi cái câu: "Tâm phải bất động trước các pháp thế gian, giống như tâm Phật, phải buông xả hết, không được buồn vui, yêu, ghét, giận hờn, thù oán, ham muốn". Như vậy là chúng ta yên tâm với cuộc sống. Kinh nghiệm của con mỗi lần đi làm. Mà con nghiệm thấy đây là một câu Thần chú của con.

Trưởng lão: Thôi, mấy con gặp Thầy là quý rồi. Có ai đưa cụ xuống con. Chân cụ nãy giờ ngồi chắc nó đau lắm.

Thôi mấy con.

Thầy Chơn Thành:…​ (Không nghe rõ)

Cứ đọc sách đi, còn chỗ nào chưa rõ thì hỏi tôi nhá.

HẾT BĂNG