Skip directly to content

TỨ QUẢ SA MÔN

Lần đầu tiên đức Phật thuyết giảng và dạy cho năm anh em Kiều Trần Như TỨ DIỆU ĐẾ, bài pháp ấy đã làm cho giáo pháp của ngoại đạo rơi rụng như lá vàng mùa Thu, làm cho tất cả giáo pháp của ngoại đạo không còn ai tin tưởng nữa. Bởi Phật pháp là chân lý của loài người dạy đâu có đó.

Chân lý thứ nhất: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không KHỔ”, vì thế KHỔ là một chân lý không ai dám phủ nhận.

Chân lý thứ hai: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không DỤC”, vì thế DỤC là một chân lý không ai dám phủ nhận.

Chân lý thứ ba: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không có TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN”, vì thế TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN là một chân lý mà không ai dám phủ nhận.

Chân lý thứ tư: “Đức Phật nói con người trên thế gian này muốn thoát mọi khổ đau thì phải theo chương trình giáo dục đào tạo của tám lớp tu học thì mới chấm dứt khổ đau”.

Nếu theo chương trình tu học này thì có bốn cấp chứng đạo rõ ràng. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:  “Nếu trong giáo pháp nào không có pháp Bát Chánh Đạo thì không có quả Sa Môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nầy Tu Bạt, vì trong giáo pháp có Bát Chánh Đạo nên có 4 quả Sa Môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nầy Tu Bạt nay trong giáo pháp Ta có Bát Chánh Đạo, có Sa Môn quả thứ nhất , thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trái lại trong giáo pháp của ngoại đạo không có quả vị Sa Môn”.(Trường A Hàm tập I trang 197). Đúng vậy chỉ có giáo pháp BÁT CHÁNH ĐẠO của đạo Phật mới mới có bốn quả Sa Môn, ngoài giáo pháp của đức Phật không bao giờ có quả Sa Môn.

Nhờ có BÁT CHÁNH ĐẠO mà chúng ta so sánh với giáo pháp của của kinh sách phát triển và Thiền tông Trung Hoa thì chúng ta biết ngay chính những giáo pháp này không phải của Phật giáo.