Chánh Tín - Mê Tín. Kì 23 (73-75).
73. CẬN TỬ NGHIỆP
Hỏi: Kính thưa Thầy, con đọc cuốn “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú, giáo sư Phật học trường Quốc học Huế nói về cận tử nghiệp của người bệnh sắp chết qua đời:
Khi người bệnh tắt hơi thở cuối cùng là lúc các hành trong thân đang tan rã, đau đớn, nếu động vào thân như thay quần áo v.v... làm cho người đó đau đớn hơn nên sanh lòng sân hận, khiến cho nghiệp lực người đó chuyển từ từ sang ác, do đó sẽ bị đọa vào sáu nẻo luân hồi mặc dù người đó là tỳ- kheo vẫn bị đọa?
Đáp: Cuốn sách “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú dịch là cuốn tiểu luận cận tử nghiệp của kinh sách phát triển luận theo cận tử nghiệp của ngoại đạo (Bà La Môn) nên không đúng với ý nghĩa của đạo Phật. Kinh sách phát triển xây dựng cận tử nghiệp theo tưởng giải của tà giáo ngoại đạo, không đúng sự thật, chỉ có những người không biết thì tin, còn những người thông suốt kinh sách Nguyên Thủy thì không thể nào tin được.
Bài kinh Nhập Tức Xuất Tức trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 249, Đức Phật đã dạy và xác định rất rõ ràng: “hơi thở vô, ra còn là thân, thọ, tâm và pháp của chúng sanh còn, hơi thở ra, vô dừng là thân, thọ, tâm, pháp của chúng sanh dừng.”
Người nhập Tứ Thiền hơi thở ngưng nghỉ mà thân, thọ, tâm, pháp không hoại diệt là nhờ sức thiền định. Người bình thường không nhập được Tứ Thiền, khi hơi thở ra vô ngưng nghỉ thì thân, thọ, tâm, pháp của người ấy cũng ngưng nghỉ. Như trong kinh Phật dạy: Hành đã diệt thì lấy gì thân còn hoạt động, tâm thức đã mất thì lấy gì còn biết đau, thọ đã diệt thì lấy gì mà đau, hơi thở ngưng tức là hành diệt, thọ diệt, tâm diệt thì thân lúc bấy giờ như cục đá gốc cây còn biết gì đau nhức, giận hờn.
Cho nên kinh sách “Sống Và Chết” chỉ là tưởng giải của các nhà học giả kinh sách phát triển. Giáo sư Quang Phú là một nhà học giả giảng theo kinh sách như vậy chứ Ngài cũng không biết đúng sai. Ngài giống như một con chim học nói, xưa các Tổ nói sao thì bây giờ Ngài giảng lại như vậy.
Khi hơi thở dừng thì các hành trong thân đều dừng, các hành trong thân đều dừng thì thọ và tâm thức cũng dừng, mà thọ và tâm thức dừng thì còn biết đau biết nhức chỗ nào nữa đâu. Như vậy là một kiếp người đã hết rồi, không còn nữa. Cho nên kinh “Sống Và Chết” là loại kinh mê tín, loại kinh lừa đảo người, lừa đảo tín đồ. Cận tử nghiệp chỉ là sự tưởng tượng của Tịnh Độ Tông để hộ niệm cho người sắp lâm chung, để giúp cho người sắp chết bình tĩnh giữ được niệm Phật Di Đà, niệm Phật A Di Đà là một thiện niệm tốt nhất của pháp môn này.
Gốc nghiệp là do hằng ngày chúng ta huân tập nhân ác hoặc thiện, tới giờ sắp chết muốn cho toàn thiện thì không thể được. Nếu hàng ngày huân điều thiện thì thói quen thiện sẽ thể hiện trước giờ lâm chung cận tử nghiệp thiện; nếu huân tập điều ác thì thói quen làm việc ác sẽ thể hiện trước giờ phút lâm chung cận tử nghiệp ác. Đó là một lẽ công bằng, công lý và rất hợp lý của đạo Thánh Hiền. Kinh sách phát triển dạy không hợp lý, phi đạo đức Thánh Hiền, có ngụ ý gian xảo lường gạt mọi người.
Suốt đời sống làm điều ác gây biết bao tang tóc đau khổ cho người và muôn vật, đến khi sắp chết thì mới thỉnh các sư thầy và cư sĩ đến hộ niệm để cho người tỉnh táo niệm Phật theo mà quên đi những hành động ác, do quên đi những hành động ác mới tạo ra cảnh giới cận tử nghiệp thiện, từ đó thoát cảnh đọa sáu nẻo luân hồi để về Cực Lạc Tây Phương. Kinh sách phát triển rất xảo trá dạy cho chúng ta tạo cảnh cận tử nghiệp một cách lừa đảo, gian xảo lường gạt người trần tục của chúng ta. Nếu có cõi Cực Lạc Tây phương thật sự thì chắc gì kinh sách phát triển lừa đảo được đức Phật Di Đà.
Nếu theo giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà tu tập “Tứ Chánh Cần” ngăn ác, diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp thì suốt đời chẳng làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì cận tử nghiệp phải là thiện, cần gì phải nhờ người khác hộ niệm. Còn làm ác, chuyên làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì dù có rước hàng trăm vạn tỳ-kheo cho đến các vị Phật ở khắp mười phương đến để hộ niệm cho người sắp chết thì người ấy vẫn đọa địa ngục như thường. Vì luật nhân qua rất công bằng và công lý.
Những kinh sách phát triển dạy phi chân lý, phi đạo đức như vậy, thế mà người ta nghe danh từ “xe lớn” (Đại Thừa) thì ai cũng tưởng mình tu theo pháp xe lớn là “ngon” là “vĩ đại” là “cao thượng”, nào ngờ bị lừa đảo mà không biết.
Kinh sách phát triển là một loại kinh sách tưởng, kinh sách không đáng tin cậy, kinh sách nói mơ hồ trườn uốn như con lươn, nói hai mặt để khiến cho người ta không bắt bẻ được. “Kinh sách nói như vậy, chứ không phải nghĩa như vậy”. Tin hay không tin là quyền của quý vị, nhưng ít ra quý vị đừng để kẻ khác lừa đảo mình, quý vị hãy suy nghĩ đi. Đạo Phật dạy người không nên lừa đảo, phải chân thật tự lực cứu mình chẳng cần ai hộ niệm cho mình cả, chỉ có mình mới giải quyết sự đau khổ cho chính mình.
Nên những bài pháp trong kinh Nguyên Thủy dạy tự mình sửa sai và khắc phục những điều ác để đem lại sự an vui cho mình, cho người trong hiện tại thì có lo gì ai hộ niệm để tạo cận tử nghiệp tốt cho mình. Quý vị còn nhớ lời Phật dạy hay không? “Hãy thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo, chứ Ta không thể đi thay thế cho ai cả.” Vậy mà mọi người hộ niệm cho người khác thì có sai với lời dạy của Phật chăng?
Câu trả lời này xin nhường lại quý vị trả lời!
74. TIẾP DẪN VỀ CỰC LẠC
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trước lúc hấp hối và sau khi tắt thở phải nhờ bạn đồng đạo (hay mời sư thầy) về tụng kinh niệm Phật để trợ duyên cho người bệnh đang hôn mê. Nhờ có tụng niệm âm thanh niệm Phật, tụng kinh khiến cho người bệnh tịnh tâm nhớ Phật, niệm Phật, nhờ đó sẽ dứt được nghiệp, được Phật đón về Tây phương Cực Lạc (dù người đó là đại ác)?
Đáp: Kinh sách phát triển nhất là dạy về phần Tịnh Độ có nhiều điều hết sức là vô lý và phi đạo đức:
1- Lúc hấp hối (sắp chết) rước sư, thầy hay các đồng đạo về tụng, niệm để trợ duyên nhớ Phật, niệm Phật để sẽ được Phật rước hồn về cõi Cực Lạc Tây phương, thật là phi lý vô cùng. Khi còn sống mạnh khỏe đến chùa lạy Phật, tụng kinh niệm chú mà nghiệp vẫn chưa tiêu được, huống là lúc bệnh tật sức yếu và nhất là lúc hấp hối thì còn sức đâu mà chiến thắng lại nghiệp ác. Nếu có cố gắng tỉnh thức để niệm Phật cũng không nổi vì thân tứ đại sắp tan rã thì đau nhức tận cùng, còn sức chịu đựng sự đau khổ của thân và tâm. Lúc bây giờ còn sức đâu chịu nổi những cơn đau tận cùng của thân mệnh, tinh thần thì rối ren phần đau đớn, phần sợ chết, phần thương con cháu thì làm sao còn bình tĩnh đâu mà niệm Phật.
2- Nhân quả do mình tạo ra thành nghiệp thì phải chính mình tu tập sửa đổi tâm tánh đi vào thiện pháp thì nghiệp kia mới tiêu trừ. Chứ đâu có niệm Phật sám hối mà tiêu tội, tiêu nghiệp được. Nếu niệm Phật, sám hối, ngồi thiền mà tiêu tội tiêu nghiệp thì đó là lối lừa đảo, lường gạt người của kinh phát triển Bà La Môn giáo, của những ông thầy kiến giải học giả lừa đảo người để ngồi mát ăn bát vàng.
3- Người đại ác nhờ hộ niệm mà tiêu tội tiêu nghiệp được và được đức Phật Di Đà đón về Cực Lạc Tây phương thì ông Phật Di Đà chắc ông là người điên, sao dám rước người đại ác về nước mình để biến hoa sen làm tù ngục để nhốt họ trong đó rồi còn phải cho lính canh gác. Một đất nước thanh bình có trật tự an ninh thì bây giờ biến đất nước có nhà tù, có lính gác, làm cho cực khổ biết bao nhiêu người như vậy mà biết có cảm hóa giáo huấn được ai chăng, hay chỉ là một ảo tưởng do con người dựng lên để an ủi tinh thần người còn sống trong khi quá đau khổ trước cảnh chia ly người sống kẻ chết.
Đất nước nào không có trại giam, nhà tù là đất nước đó hạnh phúc nhất của toàn dân. Đất nước Phật Di Đà nghe nói hai chữ “Cực Lạc” có nghĩa là rất vui thế mà còn có kẻ bị nhốt trong hoa sen thì có vui gì, đó là hình thức một cái nhà tù ở cõi ấy. Bên cõi Tây phương Cực Lạc còn có nhà tù thì có gì là Cực Lạc nữa đâu? Phải không quý vị? Cuối cùng cảnh giới Cực Lạc đều do sự tưởng tượng của con người tạo ra nên giống như sự ước muốn chạy theo dục lạc thế gian.
Phỏng chừng đức Phật Di Đà có tâm đại từ đại bi cứu độ tất cả chúng sanh mà rước những linh hồn người ác đức về cõi nước mình thì đức Phật Di Đà trở thành một tòa án thượng thẩm, hàng ngày chỉ chuyên lo xử án thì có đâu mà lo niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Còn nếu rước về Cực Lạc nhốt trong hoa sen dù hàng triệu vạn năm mà không có pháp tu xả tâm, chỉ có niệm Phật thì cũng chẳng hết tham, sân, si, nếu thả ra thì tánh nào tật nấy vẫn còn thì đất nước Cực Lạc lại trở thành địa ngục chứ không còn được gọi là Cực Lạc nữa, nó chẳng khác nào như ở cõi thế gian của chúng ta vậy.
Vì những tay đại gian ác ở thế gian có địa vị, có tiền của nhiều, lúc sắp chết rước nhiều thầy tỳ-kheo và phật tử đến hộ niệm thì chắc chắn phải được rước về Tây phương. Và như vậy cõi Tây phương Cực Lạc là nơi dung chứa bọn nhà giàu ác đức, bọn tham quan vô loại và bọn đầu trộm đuôi cướp...
Từ cõi tưởng tri “Cực Lạc Tây phương” của con người, để sau khi chết có một đời sống đầy đủ hơn ở thế gian, nhưng lại xài tiền giả và mặc quần áo giấy, hưởng đồ ăn thực phẩm ở thế gian thì quý vị nghĩ như thế nào? Có phải là thế giới tưởng không?
Toàn bộ những loại tưởng mê tín này đều do kinh sách phát triển sản xuất ra để lừa đảo lường gạt người một cách đại gian ác, tín đồ Phật giáo hãy sáng suốt cảnh giác đừng để bị lưa đảo. Đây không phải là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, vì kinh sách Nguyên Thủy đã chứng minh rõ ràng không có đời sống sau khi chết. Khi chết thì toàn thân ngũ uẩn đều tan rã, mất hết. Mười hai duyên không còn duyên nào cả, chỉ còn lại hành động thiện ác được gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực ấy tiếp tục tái sanh luân hồi.
Với trí hữu hạn của chúng ta hiện giờ chỉ có thể biết được đó là một cuộc sống hiện tại trên hành tinh này, còn có sự sống ngoài hành tinh này thì chúng ta chưa khám phá ra được, nếu có khám phá ra được thì nó cũng chẳng phải là Cực Lạc hay Thiên Đàng. Còn trong kinh sách Phật dạy: Cực Lạc, Thiên Đàng, Địa Ngục, Niết Bàn cũng ở nơi đây, tại thế gian này không cần phải đi tìm nơi đâu cả. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua.”
Cho nên Đức Phật nhấn mạnh: “Không đứng lại, không bước tới, chỉ có vượt qua.” Chừng nào chúng ta tu hành có được trí tuệ vô hạn thì thế giới nào chúng ta cũng thấy biết cả, thì đó là thế giới chân thật không bị tưởng thức lừa gạt. Bây giờ chúng ta nghe theo kinh sách phát triển và tà giáo ngoại đạo thì đó là chúng ta đã bị lường gạt vào một thế giới tưởng tri như Phật đã dạy trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản.
75. KINH KỲ CẦU VÀ ĐIỆP PHÁI
Hỏi: Kính thưa Thầy, người tín đồ Phật giáo nào hay đi chùa được cho một quyển kinh Kỳ Cầu nhỏ bằng bao thuốc lá để khi chết bỏ vào túi áo mang theo. Khi gặp quỷ sứ tra xét đưa cuốn kinh này ra, quỷ sứ biết đó là đệ tử của Phật không tra xét và không buộc tội. Người nào đến chùa được làm lễ quy y Tam Bảo thì được phát cho hai tờ điệp. Khi chết một tờ đem thiêu đốt cháy thành tro than đem bỏ xuống giếng hoặc mang ra sông bỏ, một tờ xếp nhỏ để vào lòng bàn tay người chết mang đi. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Điệp phái quy y Tam Bảo là do Phật giáo bị phân chia ra làm nhiều bộ phái, các Tổ muốn biết số người theo Phật giáo bao nhiêu nên lập ra điệp phái. Khi truyền giáo từ Trung Quốc rồi sang Việt Nam, các Tổ của kinh sách phát triển biến tờ điệp phái thành loại giấy thông hành cho người chết. Khi xuống địa ngục, nhờ những tờ điệp phái này mà vua Diêm Vương cùng quỷ sứ giảm nhẹ tội trạng và sớm được đầu thai. Nếu ai không có giấy này thì không được giảm tội và có thể ở tù chung thân không được đi đầu thai. Đây cũng là một sự lừa đảo, lường gạt của các nhà sư phát triển, lôi cuốn người khác theo tôn giáo mình.
Cũng như trong thời Pháp thuộc ở Việt Nam, người dân bản xứ nào được giấy tờ giặc Pháp cấp nhập quốc tịch Pháp thì hưởng mọi quyền lợi và không bị bắt bớ tù tội. Cũng giống như vậy, người nào được làm lễ Quy Y Tam Bảo là được “nhập quốc tịch Thích Ca” và như vậy quỷ sứ, vua Diêm Vương không hành phạt.
Thật là một điều bất công phi đạo lý. Sống trên dương gian chuyên làm điều ác, chỉ cần có giấy điệp phái của các kinh sách phát triển thay Phật cấp cho là khỏi bị tù tội! Còn những người khác không quy y Tam Bảo thì sao? Họ bị hành hạ và bỏ tù chung thân suốt đời không cho đi đầu thai thì thật là bất công, không còn công lý chút nào cả như trên chúng tôi đã nói. Các kinh sách phát triển đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín, chuyên lừa đảo, lường gạt người khác bằng những điều mê tín, lạc hậu, phi đạo đức. Trong khi Đức Phật xác định kẻ nào giết hại chúng sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu sẽ bị đọa địa ngục. Thế mà các kinh sách phát triển dạy ngược lại lời dạy của Đức Phật, làm một điều gian xảo, lừa dối, chỉ cần có giấy chứng điệp là thoát tội địa ngục!
Các kinh sách phát triển lại còn dạy rằng: Khi trẻ con mới sanh đem vào chùa quy y Phật sẽ không bị tà ma quỷ quái bắt làm cho đau bệnh, hoặc trẻ mới sanh đem đến chùa quy y Phật sẽ được mạnh giỏi và không bị đau ốm, nhờ chư Phật phù hộ cho mạnh giỏi. Trên đây là những điều mê tín mà quý thầy trong các chùa thường dạy tín đồ như vậy để thu hút tín đồ đến chùa cúng bái, để các thầy ngồi không mà thọ hưởng. Chẳng tu hành gì cả, chỉ cần dạy bảo những điều mê tín đó là ngồi mát ăn bát vàng.
Gần đây, khoảng mười năm nay có xuất hiện một loại kinh nhỏ bằng gói thuốc hút có tên là kinh Kỳ Cầu do một vị thầy Bà La Môn tưởng ra biên soạn. Trong kinh Kỳ Cầu đã dạy: “nếu có quỷ sứ hay vua Diêm Vương tra hỏi thì đưa kinh Kỳ Cầu ra liền không bị tra hỏi và được đi tái sanh không sa địa ngục.”
Kinh viết:
“Mạng chung số thác, quỷ sứ hỏi câu
Đã có Kỳ Cầu, Diêm Vương tra hỏi
Đứng lại mà nói, đã có Kỳ Cầu.”
(trang 2, 3).
Đó là một loại kinh mê tín phi đạo đức, một lối lừa đảo của những tà sư ngoại đạo. Nếu làm tội lỗi tức là làm ác thì chỉ có làm việc thiện mới chuyển hóa được thoát cảnh khổ hay là cảnh địa ngục, chứ không phải có kinh Kỳ Cầu là tiêu tai thoát nạn. Thật là những tà giáo Đại Thừa bày ra nhiều điều phi đạo đức!
Kinh Kỳ Cầu là một loại kinh tà giáo ngoại đạo mượn danh Phật pháp để lừa đảo tín đồ Phật giáo làm việc mê hoặc, đánh lạc hướng chân chánh của Phật giáo. Kinh Kỳ Cầu giống như giấy thông hành của giặc Pháp cấp cho những người dân bản xứ trong vùng chúng đã kiểm soát trong thời chiến tranh.
Trong kinh này còn dạy: “Nếu ai có kinh này thì chư Phật mới biết mà cứu độ.” “Chẳng có Kỳ Cầu, Phật mới biết đâu, lâm chung cứu độ.”
Đúng là một loại kinh tà giáo, chỉ cần cuốn kinh chứ không phải cần tấm lòng giải thoát. Trong khi ấy Đức Phật dạy: “Phải ly dục, ly ác pháp thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tức là Tịnh Độ hay là Cực Lạc.”
“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý.” (Kinh Pháp Cú).
Tự tịnh kỳ ý tức là tâm ly dục ly ác pháp, tức là Tịnh Độ, hay Cực Lạc hiện tiền. Làm ác thì phải chịu tội thọ khổ, thọ tai ương chứ không có ai cứu mình được. Phải dứt trừ làm các điều ác, thường làm các điều thiện thì vạn tội tiêu trừ chứ đâu phải tụng kinh mà được vạn tội tiêu trừ. Kinh này còn nói láo: “Tụng kinh Kỳ Cầu, vạn tội tiêu trừ.”
Kinh này còn dạy: “Cần mang theo trong người đi đường đều có thần nhân ủng hộ, lúc sống cũng như khi chết (bỏ kinh vào ngực áo người chết).” “Kinh bỏ túi áo. Để mà hộ thân. Đi xa về gần. Thiên thần ủng hộ.” (trang 15). “Đến ngày lâm chung. Con cháu có lòng, Bỏ vào trong ngực, Thiên trừ tống thực, Phật độ về Tây.”
Đấy là những lời nói lừa đảo, dối gạt người, khiến cho những người không hiểu mới tin tưởng. Tóm lại, từ điệp phái biến thành bùa hộ mạng trị bệnh trẻ con đến kinh Kỳ Cầu thành “giấy thông hành” đi đường là một sự lừa đảo của giáo pháp phát triển mà các chùa đang hướng dẫn phật tử đi vào con đường mê tín lạc hậu. Đây là đường lối giáo dục tín đồ mê tín lạc hậu để dễ bề móc tiền một cách công khai mà pháp luật nhà nước không bắt tội cướp giựt tài sản công dân.
Làm điều ác, tâm còn đầy đủ tham, sân, si nếu được về Tây Phương thì Tây Phương không còn là Cực Lạc mà là địa ngục vì những người này sẽ về đó trộm cắp lung tung.
Kinh này viết ra chỉ gạt người vô minh, người còn lạc hậu mê tín chứ làm sao gạt những người tu sĩ chân chánh đệ tử của Phật được. Tại sao vậy?
Vì toàn bộ đệ tử của Phật được dạy về đạo đức nhân quả nên không có một giáo pháp mê tín nào lường gạt được. Chỉ có những người chưa học đạo đức nhân quả thì dễ bị kẻ khác lừa đảo. Là một tín đồ Phật giáo, chúng tôi rất đau lòng khi gặp những cuốn kinh này mạo danh Phật giáo dạy dân gian làm những điều dối trá phi đạo đức.
Cuối cùng, các con hãy cảnh giác, tờ điệp phái là một giấy chứng thật các con đã quy y theo Phật chứ không phải là bùa hộ mệnh và cũng không phải là giấy thông hành. Đó là cách thức lừa đảo của kinh sách phát triển.
Các con nên nhớ: tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng tức là không cần phải giấy tờ chứng điệp gì hết. Nếu lòng của các con hướng về Phật, Pháp, Tăng để tìm đường thoát khổ cho cuộc đời của mình thì khi thực hành với tất cả tâm thành, các con sẽ thấy sự giải thoát thật sự. Đó là các con đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi.
Đời sau người ta muốn kiểm tra xem số tín đồ Phật giáo đã quy y được bao nhiêu người nên mới bày ra điệp phái để biết số lượng tín đồ.