Chánh Tín - Mê Tín. Kì 34 (110-111)
110. NHẬP THẤT THỌ PHÁP ĐỂ CẦU SANH ĐẶNG CON THÁNH
Hỏi: Kính thưa Thầy, chúng con nghe kể có một vài môn phái bí mật truyền pháp cho những cặp vợ chồng nhập thất khoảng ba năm tu tập theo một phương pháp bí mật để mong cầu đặng sanh ra đời những bậc Thánh. Vậy xin Thầy định nghĩa Thánh Nhân là người như thế nào? Họ còn dâm dục không? Kính mong Thầy từ bi khai thị.
Đáp: Qua câu hỏi này chúng tôi xét thấy sự thật nếu tu cầu như vậy thì không đúng nghĩa Thánh. Trước khi muốn trả lời câu hỏi nầy chúng ta phải định nghĩa chữ Thánh.
Vậy Thánh nghĩa là gì? Thánh là người tài giỏi xuất chúng về văn học, cũng như võ học mà người đời thường ca tụng xưng hô như Thánh Trần Hưng Đạo, Quan Thánh Đế Quân, đức Thánh Khổng Phu Tử v.v... Tất cả những vị Thánh này được tôn xưng như vậy nhưng tâm họ vẫn còn phàm phu, có nghĩa là tâm họ còn tham, sân, si, mạn, nghi và còn dâm dục như bao nhiêu người khác.
Còn đứng về góc độ của tôn giáo thì những bậc Thánh không phải nghĩa như vậy. Thánh của Phật giáo gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh Sa Di, Thánh Cư Sĩ, Thánh A-la-hán v.v… Những vị Thánh của Phật giáo không có võ nghệ tuyệt luân, không có văn chương hay xuất chúng, không có đánh giặc giết người cướp thành trì,… Thánh của Phật Giáo là những con người sống đúng Phạm hạnh (Giới luật) ly tham đoạn ác pháp. Thánh của Phật giáo là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ. Thánh của Phật giáo là tâm vô lậu hoàn toàn, đầy đủ Tam Minh, Lục Thông… Thánh của Phật giáo là một người như bao nhiêu người khác nhưng có một đời sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
Những danh từ chỉ định nghĩa Thánh của Phật giáo nghe thì dễ không có gì cao siêu, nhưng làm không phải dễ, nhất là không làm khổ mình. Không làm khổ mình là một hành động đạo đức cao thượng mà chỉ có những bậc Thánh trong Phật giáo mới làm được. "Thắng trăm trận không bằng tự thắng mình, tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt." Vì thế, Thánh của đạo Phật là từ con người phàm phu biết khắc kỷ mình, biết sửa sai những lỗi lầm, biết chế ngự lòng ham muốn, biết siêng năng hằng ngày ngăn và diệt ác pháp, biết tự nguyện sống đúng Phạm hạnh để trở thành bậc Thánh, chứ không phải bằng những phương pháp bí mật tu tập nhập thất ba năm để mong cầu sinh đặng con Thánh.
Thánh mà do con đường dâm dục sinh ra, xin các bạn định nghĩa! Xưa Đức Phật cũng là một người phàm phu, cũng có vợ, có con, cũng dâm dục, cũng có cha, có mẹ, sinh ra cũng từ chỗ bất tịnh nhơ uế, chớ đâu phải từ trên trời rơi xuống hay dưới đất trồi lên. Ngài cảm nhận được đời người là khổ nên từ giã xuất gia tu hành. Tu hành đúng chánh pháp, ngăn và diệt các ác pháp trong tâm mình, biết sửa sai những lỗi lầm của mình, biết từ bỏ những tà pháp thay vào bằng chánh pháp. Nhờ thế mà Ngài trở thành bậc Thánh A-la-hán Vô Lậu chớ đâu phải Ngài là Thánh có sẵn.
Theo câu hỏi này thì có một vài môn phái bí mật dạy đệ tử muốn sanh con Thánh thì vợ chồng phải thọ pháp, phải nhập thất tu tập như trên đã nói thì vợ chồng ấy mới sanh ra được con Thánh. Đã là Thánh mà sao không chọn con đường hoá sinh, mà lại chọn con đường sinh ra ô uế như vậy? Đã là Thánh thì làm sao tương ưng được với cha mẹ tâm còn tham sân si mà tái sinh luân hồi làm con họ. Đó là một sự lừa đảo của tôn giáo. Cho nên không ai có thể sinh con Thánh, chỉ có Bát Thánh Đạo mới sinh ra con Thánh. Từ con người phàm phu làm nên Thánh là do con đường Bát Chánh Đạo, các bạn nên lưu ý để các bạn khỏi bị lừa đảo.
Các bạn lắng nghe Đức Phật dạy: “Này Vàsettha, người nói tỳ-kheo không có dục ái, Phạm Thiên không có dục ái, có thể có một sự cộng hành cộng trú không? Thưa Tôn giả Gotama, có thể được…”
Thưa các bạn! Trong thời Đức Phật, người ta tôn kính Phạm Thiên như bây giờ chúng ta tôn kính Phật và A-la-hán vậy. Theo như lời dạy trong kinh này, tỳ-kheo không có ái dục với Phạm Thiên không có ái dục thì hai người giống nhau, hai người giống nhau thì cùng cộng trú cộng hành với nhau.
Còn ở đây cha mẹ tu hành mà còn dâm dục nên mới sinh con. Khi cha mẹ sinh con ra là do đường dâm dục, tức là cha mẹ còn dâm dục và đứa con được sinh ra trong đường dâm dục thì đứa con phải còn dâm dục, còn dâm dục thì tương ưng với dâm dục. Nếu đứa con là Thánh thì không còn dâm dục, không còn dâm dục thì không thể tương ưng với cha mẹ. Không tương ưng với cha mẹ thì làm sao sinh con Thánh được. Cho nên tôn giáo này dạy phi lý. Đây là Thánh không tưởng.
Vì vậy, chấm số tử vi, tụng kinh, thọ bí pháp, nhập thất,… để cầu mong sinh con Thánh là sai, không hợp lý, thiếu logique. Qua đoạn kinh trên đây Đức Phật đã xác định rõ ràng. Vậy bây giờ các bạn còn tin những điều phi pháp này nữa không?
111. LÀM KIẾP CON MÈO LÀ SẮP ĐẾN KIẾP LÀM NGƯỜI
Hỏi: Kính thưa Thầy, người chết đi sau khi bị hành tội dưới địa ngục rồi mới đi đầu thai, lần lượt sanh thành 12 loài động vật: Chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo. Khi sanh làm kiếp mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật thì mới sanh làm người. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Đời người sanh ra với trí hữu hạn, thường sống trong tưởng thức nên sanh ra nhiều chuyện mê tín dị đoan:
1- Chưa bao giờ có ai biết địa ngục ở đâu, thế mà mọi người vẫn cho là có địa ngục.
2- Chưa bao giờ có ai biết linh hồn như thế nào, mà cho rằng chết linh hồn đi xuống địa ngục và đi đầu thai.
3- Chưa bao giờ có ai biết chính xác: Con người chết sanh làm thú vật và thú vật sanh làm người.
4- Có bao giờ ai biết chính xác: Con mèo chết sanh làm người chưa? Chỉ ước đoán loài vật nào được ăn trong chén, dĩa nên cho nó sẽ chết làm người.
Ví dụ: Có người nào sanh ra mà tự ăn trong bát đĩa chưa? Hay là ăn bốc hốt bằng tay bằng chân, bằng miệng? Muốn ăn trong bát đĩa cũng phải có sự tập luyện từng chút rồi mới cầm đĩa, muỗng được. Bảo rằng, làm kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài cầm thú thì không đúng. Đây chỉ là sự tưởng tượng của những người sống trong tưởng, dựa theo cách thức ăn uống của con người rồi tưởng ra, chứ mèo rừng có chén đĩa đâu mà ăn? Không phải chúng ăn dưới đất, dưới cát sao?
Chính con người, tự đặt ra năm, tháng, ngày, giờ rồi dùng tên của những con thú vật mà gọi tên năm, tháng, ngày, giờ như: “năm Tý, tháng Tý, giờ Tý; năm Sửu, tháng Sửu, giờ Sửu rồi Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.” Ai sanh năm nào đúng tên con vật đó liền gọi là tuổi đó.
Ví dụ: Năm nay là năm Tân Tỵ, cháu bé sanh vào năm này thì gọi cháu bé đó có tuổi Tỵ (tuổi Tỵ có nghĩa là tuổi con rắn).
Con người là con người, chứ không phải con người sanh ra để có tuổi con trâu, con chó, con ngựa, con heo, con mèo, con chuột v.v... Trâu, chó, ngựa, heo, mèo, chuột là những loài động vật, chứ đâu phải con người, thế mà con người sanh ra lại có tuổi con thú vật như vậy.
Con người là một loài động vật hơn muôn thú vật khác, cớ sao làm người mà còn lấy tuổi của con thú vật? Đó là một điều ngu si, mê muội của những người còn lạc hậu, trình độ khoa học chưa có nên sống trong vô minh u tối, giàu tưởng tượng, sống thụt lùi. Sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo ngày xưa, đã bị Đức Phật bài bác thẳng tay khiến cho toàn bộ thế giới rung chuyển. Những học thuyết trừu tượng, mơ hồ, mê tín, lạc hậu này, đã làm cho con người điêu đứng khổ sở. Từ cất nhà cửa, đến cưới hỏi, ma chay, thậm chí đào giếng, đào ao, sửa bếp cũng xem tuổi tác, ngày giờ, tốt xấu.
Ảnh hưởng những truyền thống mơ hồ, trừu tượng, lạc hậu, mê tín từ ngàn xưa truyền lại cho tới ngày nay, đã khiến cho bao nhiêu người khổ đau và bất hạnh. Người ta không biết rằng: mọi tai nạn và mọi sự khổ đau trên đời này đều do hành động nhân quả thiện hoặc ác mà ra, chứ đâu phải do tuổi tác tốt xấu mà thành tai nạn khổ ách. Cho nên nếu một người cứ làm ác mà mỗi lần cất nhà xây cửa, hay làm tất cả mọi thứ, rồi đi coi tuổi tác, ngày giờ tốt xấu, liệu người ấy có qua khỏi tai nạn không?
Nếu một người đi ăn trộm, xem năm nay hợp với tuổi, được tuổi tốt và ngày xuất hành (đi ăn trộm) cũng tốt. Nếu tuổi ngày, tháng và năm đều tốt mà đi ăn trộm (làm điều ác) được trót lọt thì xã hội loài người chịu sao cho nổi bọn đầu trộm, đuôi cướp này. Phải không quý vị?
Nếu ngày giờ và tuổi tác, tốt xấu như kinh sách con (bói quẻ) nói thì con người sẽ làm ác, và thế gian này mấy ai sống lương thiện? Bởi vậy, kinh sách xem ngày giờ, tuổi tác, tốt xấu là những loại kinh sách phi đạo đức, cần phải diệt sạch, đốt sạch. Chính những kinh sách phi đạo đức này, đã đưa con người vào đường tội ác và lạc hậu, mê tín, sống trong ảo tưởng.
Lấy 12 con thú vật làm 12 con giáp rồi tính ra năm, tháng, ngày, giờ để chia thời gian làm ra lịch. Lúc đầu lịch sách rất có ích lợi này cho loài người. Những người làm ra Âm lịch chia thời gian để biết mưa nắng, gió, bão giúp cho nhà nông biết thời vụ làm mùa. Đó là sự ích lợi phục vụ rất lớn cho loài người, lấy nông nghiệp làm nghề chánh cho sự sống.
Từ lịch sách có lợi ích, những kẻ xấu bụng dựa vào sách lịch này triển khai biến thành khoa bói toán, xem ngày tốt xấu để lừa đảo người khác, làm tiền một cách vô lương tâm, biến thành sự siêu hình vô đạo đức.
Đến giờ này, người ta còn tưởng tượng ra kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật, hết kiếp con mèo sẽ tái sanh làm người. Đó là một lý luận mơ hồ trừu tượng không có sự chứng minh cụ thể, vậy mà mọi người vẫn tin theo và có người thì bán tin bán nghi, chưa biết chắc đúng sai. Nếu chúng ta muốn trở thành những người có đạo đức, thì phải ăn ở như thế nào mà mọi người chấp nhận là người có đạo đức. Nếu chúng ta ăn ở đối xử với mọi người đầy tánh hung ác, đụng cái gì cũng chửi mắng người, rồi say sưa, rượu chè, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp thì làm sao chúng ta chấp nhận là người có đạo đức?
Cũng như chúng ta muốn làm một bậc Thánh nhân thì đâu phải chỉ có ăn hiền ở lành, mà còn phải có những Thánh hạnh cao thượng, chứ ăn ở như thú vật thì làm sao gọi là Thánh nhân được.
Không có con mèo nào ăn hiền ở lành cả. Bộ dáng thì dễ thương, nhưng bản chất hung ác, gặp chuột thì chụp ngay xé xác liền, gặp cá thịt thì ăn quên thôi, tâm còn hung ác thì sanh ra làm người sao được? Thế mà người ta tưởng tượng ra kiếp làm con mèo là sắp làm kiếp người!
Đức Phật dạy: “Được thân người khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển.” Như vậy, được thân người không phải dễ đâu. Thân người chỉ sống có thời gian quá ngắn, 100 tuổi là cùng, thế mà người ta tiêu phí thời gian một cách vô ích. Đức Phật dạy:
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó,
Tấc bóng thời gian khó hỏi han.”
Theo luật nhân quả, bất cứ con thú vật nào muốn sanh làm người đều phải sống trong thiện pháp, hoặc người nuôi chúng tạo môi trường cho chúng sống trong thiện pháp thì chúng sẽ sanh làm người sớm.
Ví dụ: chúng ta nuôi một con mèo mà cứ cho ăn thịt cá thì đương nhiên hiện tại chúng ta được xem là thương chúng, nhưng chúng mãi mãi trôi lăn trong kiếp làm con mèo và những loài vật khác không bao giờ sanh làm người được. Đó là ta hại chúng, chứ không phải ta thương chúng. Ta cho chúng ăn cơm, nước tương, đậu, dưa, chúng không thích ăn nhưng hết kiếp làm con mèo, chúng sanh làm người. Đó là thương chúng, khiến cho chúng sanh làm người hạnh phúc hơn làm loài chúng sanh. Luật nhân quả rất công bằng, đối xử với tất cả mọi người, mọi vật trên hành tinh này.